Quân đội Hàn Quốc ngày 31-3 cho biết nước này sẽ nối lại chiến dịch truy quét các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trái phép gần đường giới hạn phía bắc (NLL).
ASEAN, Trung Quốc đạt dự thảo khung đầu tiên cho COC
- Cập nhật : 31/03/2017
Các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc ngày 30-3 đưa ra bản dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) đầu tiên tại Hội nghị ASEAN – Trung Quốc lần thứ 20.
Tất cả 10 thành viên ASEAN và Trung Quốc sẽ nghiên cứu bản dự thảo, sau đó tiếp tục thảo luận về việc hoàn tất COC khi nhóm họp ở Trung Quốc vào tháng 5 tới.
Nội dung của bản dự thảo không được công bố. Đây là kết quả của phiên họp kéo dài 1 ngày ở TP Siem Reap – Campuchia.
Hồi năm ngoái, để giảm bớt xung đột với ASEAN về các tranh chấp ở biển Đông, Bắc Kinh bày tỏ ý định hoàn tất bộ khung COC vào nửa đầu năm 2017. Bộ quy tắc ứng xử này đóng vai trò ràng buộc về mặt pháp lý đối với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), được Trung Quốc và ASEAN ký năm 2002. DOC cấm các nước tham gia sử dụng vũ lực ở biển Đông.
Theo các nguồn tin từ ASEAN, tại cuộc họp ngày 30-3, Trung Quốc là nước hăng hái muốn đưa ra bản dự thảo COC nhất nhưng chỉ là các điểm phác thảo. Sau đó, Philippines, Singapore và Việt Nam trình bày ý kiến. Riêng Philippines và Việt Nam đề cập tới một số vấn đề cụ thể với nội dung minh họa.
Từ năm 2010, Trung Quốc và ASEAN đã thảo luận về một bộ quy tắc nhằm tránh xảy ra xung đột ở biển Đông. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2016, nỗ lực ra tuyên bố chung về biển Đông thất bại do bị Campuchia phản đối.
Trong một cuộc họp vào đầu tháng 1, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo cũng đề cập tới kế hoạch tập trung vào việc hoàn thành COC của 10 nước thành viên ASEAN, mục đích nhằm giảm bớt căng thẳng trong vùng biển tranh chấp.
Ông Manalo cho biết: ““Chúng tôi hy vọng sẽ có một kịch bản vừa ý. Chúng tôi sẽ nói chuyện với Trung Quốc theo cách chúng tôi muốn bày tỏ sự quan tâm cũng như cách chúng tôi muốn họ đề ra giải pháp để giải quyết vấn đề”.
Thêm vào đó, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan về vấn đề biển Đông sẽ không được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị ASEAN tổ chức vào tháng 4-2017.
Cuối năm ngoái, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhắc lại rằng ông muốn tránh đối đầu với Trung Quốc và thấy không cần thiết phải ép buộc Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của PCA. Phán quyết công bố hồi tháng 7-2016 bác bỏ tính pháp lý của cái gọi là “đường chín đoạn” liếm hơn 80% biển Đông của Bắc Kinh.
Phạm Nghĩa (Theo Kyodo News,nld.com.vn)