Hàn Quốc không muốn phụ thuộc ai khi giải quyết vấn đề Triều Tiên; Trung Quốc ủng hộ Hàn Quốc, Triều Tiên tổ chức tiếp xúc; Hai tàu sân bay Mỹ tập trận cùng hải quân Nhật gần Triều Tiên
Biển Đông, Triều Tiên sẽ 'chiếm lĩnh' Đối thoại Shangri-La
- Cập nhật : 01/06/2017
Cùng với vấn đề Biển Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên với những diễn biến căng thẳng gần đây khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo và có thể sẽ thử hạt nhân, cũng đang đặt ra thách thức cho an ninh khu vực. Đây được cho hai hai chủ đề sẽ chiếm lĩnh Đối thoại Shangri-La năm nay.
Hội nghị cấp cao An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La, diễn ra tại Singapore từ ngày 2 đến 4/6 tới, là dịp để các bộ trưởng cũng như các quan chức quốc phòng cấp cao đến từ gần 30 quốc gia làm rõ và chia sẻ quan điểm về vấn đề an ninh khu vực cũng như về các thách thức đối với an ninh khu vực từ góc độ quốc gia của mình.
Một trong những trọng tâm sẽ được đưa ra bàn thảo tại diễn đàn an ninh quan trọng bậc nhất khu vực này là làm sao duy trì một trật tự dựa trên việc tuân thủ các luật lệ quốc tế, đồng thời trật tự này cũng bảo vệ hữu hiệu những lợi ích chủ chốt của tất cả các nước trong khu vực.
Hội nghị cấp cao An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La, diễn ra tại Singapore từ ngày 2 đến 4/6 tới. Ảnh: straitstimes.com
Nếu như Biển Đông và vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài tại La Hay (Hà Lan) đã chi phối hoàn toàn Đối thoại Shangri-La 2016 thì lần này, vấn đề Biển Đông vẫn tiếp tục là chủ đề cấp bách đáng quan tâm, cho dù những căng thẳng đã có phần lắng dịu. Việc các nước ASEAN và Trung Quốc gần đây đạt được nhất trí về nội dung dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) được đánh giá là một tín hiệu tích cực, khởi đầu cho tiến trình đàm phán tiếp theo về xây dựng văn kiện COC thực chất, có tính ràng buộc về pháp lý, nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột ở vùng biển chiến lược này.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc đơn phương tiến hành các dự án tôn tạo và xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo trên các đá và rạn san hô trên Biển Đông khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ về khả năng Trung Quốc và ASEAN sớm đạt được một thỏa thuận mà hai phía có thể chấp nhận được. Dù vậy, quá trình thảo luận là biện pháp cần thiết cho việc xây dựng lòng tin, và việc tiến hành đối thoại về những tranh chấp hữu ích hơn là không đối thoại.
Cùng với vấn đề Biển Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên với những diễn biến căng thẳng gần đây khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo và có thể sẽ thử hạt nhân, cũng đang đặt ra thách thức cho an ninh khu vực. Điều này đòi hỏi tất cả các nước trong khu vực cần phải có trách nhiệm và quan tâm tới việc làm sao để giải quyết vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên một cách có hiệu quả hơn.
Một vấn đề cũng đang gây căng thẳng trong khu vực là việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Cho dù Chính phủ mới tại Hàn Quốc thông báo sẽ xem xét lại kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ này, nhưng hệ thống radar của THAAD vẫn gây ra mối lo ngại đối với nước láng giềng Trung Quốc.
Bắc Kinh cho rằng hệ thống radar của THAAD sẽ do thám các hoạt động quân sự, nhất là tên lửa, của Trung Quốc, và Bắc Kinh đã có những động thái mang tính đáp trả hành động triển khai THAAD của Mỹ.
Trên hết, nguy cơ khủng bố, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á, như vụ đánh bom liều chết tại thủ đô Indonesia tuần trước hay tình trạng nguy hiểm tại miền Nam Philippines liên quan tới hoạt động tấn công của nhóm phiến quân ủng hộ tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, cùng những nguy cơ an ninh mạng, đòi hỏi các quốc gia cần phải có những biện pháp giải quyết cụ thể. Đây cũng chính là những vấn đề dự kiến sẽ chi phối Đối thoại Shangri-La năm nay.
Tại diễn đàn lần này, sự quan tâm sẽ đổ dồn vào những tuyên bố thể hiện quan điểm, lập trường chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Donald Trump, do đây là Đối thoại Shangri-La đầu tiên kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.
Trước đó, một số nước trong khu vực bày tỏ quan ngại chính sách của chính quyền mới của Mỹ sẽ có thể tác động đến tình hình an ninh khu vực, bởi chiến lược của Washington đối với việc duy trì an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho tới nay vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Đối thoại Shangri-La lần này dự kiến sẽ có 6 phiên thảo luận về các chủ đề: Mỹ và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định; Thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng ở châu Á-Thái Bình Dương; Thay đổi địa chính trị và chính sách quốc phòng; Xây dựng nền tảng chung về an ninh khu vực; Các mối đe dọa toàn cầu và an ninh khu vực.
Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ bàn đến các vấn đề vốn đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay liên quan đến mối nguy hiểm hạt nhân đối với châu Á-Thái Bình Dương, các hình thức hợp tác an ninh mới, tác động của các công nghệ mới đối với lĩnh vực quốc phòng hay các biện pháp mang tính thực tế để tránh xung đột trên biển. Đại diện Việt Nam tham dự Diễn đàn dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng về an ninh, an toàn hàng hải.
Là một diễn đàn liên chính phủ để các nước trao đổi, bày tỏ quan điểm về các vấn đề lớn tác động đến an ninh và hòa bình của khu vực, 16 năm qua, Đối thoại Shangri-La đã và đang khẳng định được uy tín của mình với danh nghĩa một diễn đàn quan trọng toàn cầu.
Các đại biểu tham gia diễn đàn có cơ hội để lắng nghe, nghiên cứu và nắm bắt chiến lược của các quốc gia trong khu vực, để từ đó có thể đưa ra những đánh giá, định hình chiến lược quốc phòng với mục tiêu hướng tới là giải quyết các mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trần Thanh Bình (TTXVN)