Singapore cảnh báo mối đe dọa khủng bố đang ở mức cao nhất; Quốc hội Cuba thảo luận về khái niệm Mô hình phát triển kinh tế - xã hội XHCN; Trung Quốc có ý định tìm kiếm 'vai trò tích cực' trong hòa bình Trung Đông; NATO tập trận hải quân lớn tại biển Baltic
Tin thế giới đáng chú ý chiều 01-06-2017
- Cập nhật : 01/06/2017
Đối thoại Shangri-La: Hồi hộp chờ Mỹ công bố chính sách
Tại Singapore từ ngày mai 2-6 đến 4-6 sẽ diễn ra sự kiện thường niên Đối thoại Shangri-la, một trong các diễn đàn an ninh quan trọng nhất thế giới, với sự tham gia của các bộ trưởng và phái đoàn cấp cao từ hơn 50 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, an ninh quanh khách sạn Shangri-La nơi sẽ diễn ra đối thoại từ vài ngày qua đã thắt chặt, các tuyến giao thông bao quanh được phong tỏa.
Khách sạn Shangri-La, nơi sẽ diễn ra đối thoại với sự tham gia của các bộ trưởng và phái đoàn cấp cao từ hơn 50 nước châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: STRAIT TIMES
Điều được chờ đợi nhất tại sự kiện này sẽ diễn ra vào ngày đối thoại thứ hai 3-6, khi dự kiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ lần đầu tiên thông báo chính sách của chính phủ Trump với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hằng năm Đối thoại Shangri-La đều là nơi để Mỹ khẳng định cam kết chiến lược của mình ở châu Á, đưa ra các chính sách nhằm củng cố sự lãnh đạo của Mỹ tại khu vực, trấn an các đồng minh. Tuy nhiên, không giống các năm trước, phát biểu của Bộ trưởng Mattis tại Đối thoại Shangri-La năm nay rất được chờ đợi. Các nước trong khu vực, trong đó có không ít đồng minh Mỹ đều có chung một sự băn khoăn khi chính phủ mới của Mỹ sau hơn bốn tháng nhậm chức vẫn chưa có một chính sách rõ ràng về châu Á.(PLO)
--------------------------------------
Trực thăng Philippines bắn nhầm, giết 11 quân nhân
Máy bay quân đội Philippines trong khi không kích nhóm Maute đã thả bom nhầm xuống binh sĩ Philippines đang chiến đấu dưới mặt đất, 11 người chết, bảy người bị thương.
Vừa xảy ra một sự cố quân sự vô cùng đáng tiếc ở Philippines. Chiếc máy bay Marchetti S-211 của quân đội Philippines trong lúc không kích phiến quân Hồi giáo cực đoan Maute ở TP Marawi ngày 31-5 đã thả nhầm một quả bom trúng lực lượng binh sĩ Philippines đang chiến đấu dưới mặt đất.
“Một nhóm binh sĩ chúng ta đã trúng không kích của chính chúng ta. Chúng ta mất 10 người và tám người bị thương” - ABS-CBN News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói ngày 1-6. Tuy nhiên, theo người phát ngôn quân đội Philippines Restituto Padilla, số người chết hiện đã là 11 người, bảy người bị thương.
Trực thăng tấn công của quân đội Philippines bắn hỏa tiễn tấn công nhóm Hồi giáo cực đoan Maute ở TP Marawi (Nam Philippines) ngày 29-5. Ảnh: REUTERS
“Đây là điều đáng tiếc nhưng thỉnh thoảng cũng xảy ra... Có thể công tác phối hợp không tốt dẫn đến việc chúng ta không kích nhầm người phe mình” - theo Bộ trưởng Lorenzana cho biết quân đội đã chỉ đạo điều tra. Tổng Tham mưu quân đội Philippines, tướng Eduardo Ano cũng chỉ đạo một cuộc điều tra độc lập nhằm ngăn chặn các sự cố không kích nhầm tương tự.
Lính thủy Philippines lên máy bay từ một căn cứ không quân ở Manila để về TP Marawi truy quét Hồi giáo cực đoan ngày 1-6. Ảnh: AP
Trước khi thả bom nhầm vị trí này, chiếc máy bay Marchetti S-211 đã ba lần thả bom thành công xuống các vị trí của lực lượng Maute.
Hiện hơn 30 máy bay tấn công đang hỗ trợ binh sĩ dưới mặt đất truy quét lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Marawi. Giao tranh giữa quân đội Philippines và nhóm Maute bắt đầu từ tuần trước. 89 phần tử Hồi giáo cực đoan đã bị tiêu diệt, một số khác đầu hàng. Về phía quân đội Philippines đã có 25 binh sĩ và năm cảnh sát thiệt mạng. Ngoài ra, theo quân đội Philippines, có 19 dân thường bị nhóm Maute giết hại. Khoảng 2.000 dân thường còn đang bị kẹt trong khu vực nhóm Maute kiểm soát. (PLO)
-------------------------------------------
Ông Trump ‘khẩu chiến’ với bà Merkel
Lời qua tiếng lại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức bùng nổ sau khi ông Trump chỉ trích các đồng minh quan trọng trong khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về chi tiêu quốc phòng của họ ngay tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ). Ông cũng không xác nhận sự ủng hộ của Mỹ đối với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu, ký ở Paris năm 2015 trong cuộc họp thượng đỉnh khác ở Ý hồi tuần trước.
Trước đó, hôm 28-5, Thủ tướng Merkel nói rằng vẫn muốn cải thiện quan hệ với Mỹ nhưng cùng lúc bày tỏ nghi ngại về việc tin cậy vào Washington dưới thời ông Trump. “Giai đoạn chúng ta phụ thuộc hoàn toàn hoặc ở mức độ nhất định vào người khác đã chấm dứt. Đã tới lúc châu Âu phải tự định đoạt tương lai bằng đôi tay của chính mình” - bà Merkel phát biểu tại buổi mít-tinh ở TP Muchen. Như “đổ thêm dầu vào lửa”, ngày 29-5, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel còn đi xa hơn nói rằng các hành động của ông Trump làm cho châu Âu “suy yếu”.
Đêm 30-5 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump tiếp tục lên Twitter chỉ trích Đức, gọi chính sách thương mại và chi tiêu quân sự của Berlin “tệ, rất tệ”. Ông viết: “Chúng ta có thâm hụt thương mại khổng lồ với Đức, chưa hết họ chi tiêu ít hơn rất nhiều cho NATO và quân đội. Thật bất lợi cho Mỹ. Chuyện này sẽ thay đổi”.
Theo ABC News, lo ngại cuộc khẩu chiến Mỹ-Đức có nguy cơ vuột khỏi tầm kiểm soát, Thủ tướng Merkel đã phát đi tín hiệu xoa dịu vụ lùm xùm này bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Thông điệp này cũng được bà nhắc lại sau cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trong khi đó, Ngoại trưởng Gabriel cho rằng đã đến lúc những cái đầu lạnh thắng thế. “Nước Mỹ lớn hơn và quan hệ hai bên lâu đời hơn vụ xung đột hiện nay” - ông nói, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ sẽ cải thiện.
Ở Washington, các quan chức chính quyền Trump dường như đang cố gắng làm dịu đi thông điệp ẩn chứa trong bình luận trên Twitter của ông Trump bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-châu Âu. Khi được hỏi về mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Merkel, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói: “Họ rất hòa thuận với nhau. Tổng thống Trump rất tôn trọng bà Merkel… và ông Trump xem không chỉ Đức mà toàn bộ châu Âu là đồng minh quan trọng của Mỹ”.(PLO)