Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Trung Quốc hậm hực vì Việt Nam quá cứng rắn trong cuộc họp ASEAN
Tin thế giới đáng chú ý 09-08-2017
- Cập nhật : 09/08/2017
Tàu ngầm được mệnh danh “tiêm kích F-22 dưới biển” của Mỹ
Lớp Seawolf có độ ồn thấp cùng uy lực lớn, nhưng chi phí quá cao khiến số lượng tàu được đóng bị giảm đáng kể so với dự kiến.
Cuối thập niên 1980, hải quân Mỹ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong lòng biển. Liên Xô khi đó đã mua được hệ thống máy phay 9 trục của tập đoàn Toshiba Nhật Bản thông qua một công ty Na Uy, giúp chế tạo chân vịt tốt hơn cho tàu ngầm. Kết quả là tàu ngầm Đề án 941 "Schuka-B" của Liên Xô có độ ồn thấp hơn hẳn các thế hệ trước, cùng khả năng lặn sâu gấp ba lần lớp Los Angeles tối tân của Mỹ khi đó, theo National Interest.
Để đối phó với mối đe dọa của lớp Schuka-B, Mỹ bắt đầu phát triển tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf, trang bị vỏ hợp kim thép HY-100 dày 5 cm, nhằm tăng khả năng chịu áp suất ở độ sâu lớn, giúp chúng lặn sâu tới 600 m, gấp ba lần lớp Los Angeles và ngang ngửa Đề án 941 của Liên Xô.
Seawolf dài 107,6 m và rộng 12 m, có lượng giãn nước tới 12.158 tấn. Mỗi tàu được trang bị một lò phản ứng hạt nhân Westinghouse S6W, tạo ra hơi nước cho hai cụm turbine với công suất tối đa 52.000 mã lực. Đây là lớp tàu ngầm đầu tiên của Mỹ sử dụng hệ thống đẩy phản lực dòng nước (pump-jet), tính năng sau này được ứng dụng trên lớp Virginia tối tân. Tàu ngầm lớp Seawolf có tốc độ tối đa 65 km/h, cùng khả năng duy trì yên lặng ở tốc độ tới 37 km/h.
Cảm biến chính của lớp Seawolf là hệ thống định vị thủy âm (sonar) BQQ-5D, gồm một sonar chủ động/thụ động hình cầu có đường kính 7,3 m ở mũi, cùng hàng loạt cụm sonar khẩu độ rộng ở hai bên thân. Phía đuôi tàu được lắp hệ thống sonar kéo TB-29A, cùng cụm trinh sát BQS-24 để phát hiện các vật thể ở gần như thủy lôi.
Với vai trò chính là săn lùng tàu ngầm Liên Xô, tàu ngầm Seawolf được trang bị tới 8 ống phóng ngư lôi, gấp đôi các thế hệ trước đó. Một chiếc Seawolf có thể mang 50 quả đạn các loại, gồm ngư lôi hạng nặng Mark 48, tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon, tên lửa hành trình Tomahawk và thủy lôi.
Hải quân Mỹ tuyên bố lớp Seawolf có độ ồn thấp hơn 10 lần lớp Los Angeles cải tiến, hoặc 70 lần so với phiên bản Los Angeles nguyên gốc. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho uy lực lớn là chi phí chế tạo rất cao.
Chương trình Seawolf có tổng chi phí 33 tỷ USD cho 12 tàu ngầm, con số quá cao với chính phủ Mỹ, nhất là khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Dự án đóng tàu Seawolf bị rút xuống chỉ còn ba chiếc với tổng chi phí 7,3 tỷ USD.
Việc đội giá và bị cắt giảm số lượng tàu khiến Seawolf được mệnh danh là "tiêm kích F-22 dưới biển", khi chúng có số phận tương tự mẫu tiêm kích tàng hình F-22 hiện đại nhưng có chi phí quá cao khiến số lượng sản xuất ra bị hạn chế đáng kể.
Lớp Seawolf được coi là những tàu ngầm tốt nhất thế giới, nhưng chỉ có thể phát huy ưu thế trong Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ sẵn sàng bỏ nhiều tiền để đối phó với mối đe dọa từ Liên Xô. Thay đổi địa chính trị sau năm 1991 khiến hải quân Mỹ tập trung vào lớp Virginia, có tính năng thua kém nhưng mức giá thấp hơn nhiều.
Dù chỉ có ba chiếc được chế tạo, lớp Seawolf vẫn là thành phần quan trọng của hạm đội tàu ngầm Mỹ, với những tính năng mà lớp Virginia hiện nay cũng không sánh nổi, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định. (Vnexpress)
----------------------------------
Qatar - Thổ Nhĩ Kỳ tập trận chung giữa căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh
Qatar vừa tổ chức một cuộc tập trận chung với binh lính Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm 7/8 vừa qua nhằm chứng minh mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa 2 nước sau khi Doha bị các láng giềng Ả-Rập tẩy chay vì cáo buộc hỗ trợ khủng bố.
Theo tờ báo nhà nước Al-Sharq của Qatar, cuộc tập trận này nhằm mục đích cho lực lượng vũ trang Qatar chuẩn bị với những tình huống phải bảo vệ các cơ sở hạ tầng chiến lược hoặc có ý nghĩa quan trọng về kinh tế.
Vào hôm 7/6, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn nhanh quyết định cho phép hàng trăm binh lính nước này được triển khai đến căn cứ quân sự ở Qatar như một phần của thỏa thuận được kí giữa chính phủ 2 nước vào năm 2014.
Ankara cho biết, họ sẽ triển khai lên tới 3.000 lính đóng quân thường trực tại Qatar trong thời gian tới nhằm tiến hành các bài tập trận chung, cũng như nỗ lực chống khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước đứng về phía Qatar sau khi Ả-Rập Saudi, Ai Cập, UAE và Bahrain tuyên bố ngừng quan hệ ngoại giao với nước này vì cáo buộc hỗ trợ khủng bố và hợp tác với Iran.
Các nước Ả-Rập trên từng đề nghị Qatar phải đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, ngừng hợp tác với Iran và không tiếp tục phát sóng kênh truyền hình Al Jazeera, tuy nhiên, yêu cầu này đã bị khước từ.(ANTĐ)
--------------------------------------
Căng thẳng ngoại giao Nga-Mỹ: Cuộc chiến “mắt đền mắt, răng đền răng”?
Đến ngày 1 tháng 9, Hoa Kỳ sẽ đáp trả việc Nga cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố mới đây trong một cuộc họp với người đồng cấp Nga tại Manila, theo Sputniknews.
Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Chính trị Alexander Gusev, Giám đốc Viện Kế hoạch Chiến lược và Dự báo (Nga) bày tỏ quan điểm rằng, Washington có ý định tiếp tục "cuộc chiến ngoại giao".
Ngoại trưởng Tillerson cho biết, ông đã thông báo kế hoạch của Mỹ với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov trong cuộc họp tại Manila ngày 6 tháng 8. Ông Tillerson cũng cho biết rằng, ông đã hỏi ông Lavrov một số câu hỏi để làm rõ về hành động đáp trả của Nga.
Trước đó, Moscow đã yêu cầu Washington cắt giảm số nhân viên ngoại giao tại Nga đúng bằng số lượng nhân viên ngoại giao của Moscow tại Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố lấy làm tiếc về quyết định của Moscow và đang suy nghĩ về cách đáp trả quyết định đó.
Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, Giáo sư Alexander Gusev cho rằng:
"Trong trường hợp này, Mỹ hành động theo nguyên tắc "mắt đền mắt, răng đền răng". Cuộc đối đầu đang tiếp tục và sẽ tiếp tục, bởi vì Mỹ sử dụng "luật rừng" trong quan hệ ngoại giao. Quan hệ Nga-Mỹ sẽ ra sao?
Vẫn theo giáo sư Gusev, cách đáp trả có thể mang tính chất phi đối xứng.
Mỹ có thể gây áp lực lên các đối tác: Anh, Đức, Pháp, và các nước này cũng có thể tham gia vào cuộc chiến ngoại giao.
Đây là một xu hướng nguy hiểm. Hoa Kỳ cho rằng, họ có thể tự do hành động theo mọi phương hướng, có thể ép buộc bất cứ ai.
"Vì thế họ có thể thực hiện những hành động không có liên quan đến việc trục xuất các nhà ngoại giao. Song, theo tôi, họ cũng không từ chối làm như vậy", ông Alexander Gusev nói.(Bizlive)
------------------------------
Chính trị gia Malaysia thách nhau chịu điều tra tham nhũng
Những chỉ trích và thách thức giữa một đương kim phó thủ tướng và cựu thủ tướng Malaysia đã khiến Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Malaysia (MACC) phải lên tiếng.
Cựu thủ tướng Mahathir Mohamad (trái) và đương kim Phó thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi đang thách thức nhau về sự trong sạch của bản thân - Ảnh chụp màn hình
Những cáo buộc qua lại giữa Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi và cựu thủ tướng Mahathir Mohamad vẫn không ngừng nghỉ trong mấy tuần gần đây.
Tất cả xuất phát từ một chuyện: ai trong sạch hơn ai và có tham nhũng hay không?
Nhà cựu lãnh đạo Malaysia cáo buộc ông Zahid đã kiếm chác được tới 230 triệu ringgit khi đứng đầu Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất dành cho người trẻ (Umno Youth) những năm cuối 1990.
Đáp trả, đương kim Phó thủ tướng tuyên bố sẵn sàng để MACC điều tra miễn là... điều tra luôn ông Mahathir và các con của ông ta, theo báo New Straits Times.
Những tranh cãi và thách thức công khai của hai người này đã buộc MACC phải lên tiếng vào hôm nay (8-8).
"MACC là một cơ quan hoạt động theo pháp luật và không thể tiến hành điều tra nếu chỉ dựa vào mấy chuyện tranh cãi lặt vặt kiểu vậy. Có hàng tá cáo buộc, nhưng ở MACC, phải có bằng chứng xem có thật sự có dấu hiệu tham nhũng hay không", quan chức cấp cao Azam Baki của MACC nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, theo trang The Malayasian Insight, MACC sẽ xem xét các cáo buộc trước khi quyết định có nên chính thức khởi động một cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào hai cá nhân trên hay không.
"Bất kỳ một đảng phái nào muốn MACC tiến hành điều tra tham nhũng thì phải theo đúng quy trình của chúng tôi. Chúng tôi không thể làm gì vượt quá thẩm quyền của mình", ông Azam nói thẳng.
Anh giàu không có nghĩa là anh tham nhũng
Quan chức cấp cao Azam Baki của cơ quan chống tham nhũng Malaysia
Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad là nhà lãnh đạo kỳ cựu của Malaysia. Ông có học vị Tiến sĩ, giữ cương vị Thủ tướng Malaysia liên tục trong 22 năm (1981 - 2003) và đã có công vạch ra quá trình hiện đại hóa nhanh chóng cho Malaysia, cũng như đề xướng “các giá trị châu Á” - Ảnh: REUTERS
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Malaysia ngày 8-8 đã mở cuộc điều tra đối với Ngân hàng trung ương nước này liên quan vụ bê bối thất thoát ngoại tệ từ 2 thập kỷ trước. Cuộc điều tra có thể dẫn đến việc truy tố hình sự đối với cựu Thủ tướng Mahathir.
Theo đó, Ủy ban Điều tra Hoàng gia gồm 5 thành viên đã mở cuộc họp đầu tiên vào ngày 8-8 nhằm điều tra xem Ngân hàng trung ương Malaysia đã để thất thoát bao nhiêu trong hoạt động giao dịch ngoại hối vào những năm 1990, đồng thời xác định các dấu hiệu bao che hoạt động này.
Cuộc điều tra được tiến hành ngay sau khi chính phủ nước công bố kết quả điều tra sơ bộ cho thấy những tổn thất lớn hơn rất nhiều so với báo cáo trước đây trước Nội các và Quốc hội.
Theo thông tin từ Ủy ban điều tra, phiên điều trần sẽ bắt đầu vào ngày 21-8 và sẽ trình báo cáo kết quả điều tra lên quốc vương vào ngày 13-10.
Ủy ban điều tra sẽ kiến nghị các hình thức xử lý đối với những người vi phạm, nhưng quyết định có truy tố hay không sẽ do cơ quan công tố quyết định.
Các nhà lãnh đạo đối lập cho rằng cuộc điều tra này là nhằm hạ uy tín của cựu Thủ tướng Mahathir chỉ vài tháng sau khi ông thành lập một đảng chính trị mới.
Ông Mahathir hiện đang lãnh đạo một liên minh đối lập nhằm canh tranh với Thủ tướng Najib Razak trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018.
Cựu Thủ tướng Mahathir cùng các nhà lãnh đạo đối lập cũng kêu gọi chính phủ mở cuộc điều tra chính thức về vụ bê bối tham nhũng hàng tỉ USD tại Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB do ông Najib Razak lập ra. (Tuoitre)