Nhật để ngỏ khả năng tấn công Triều Tiên
Sách trắng quốc phòng 2017 của Nhật nhấn mạnh lo ngại về mối đe dọa từ Triều Tiên và bộ trưởng Itsunori Onodera để ngỏ khả năng tấn công vào căn cứ quân sự của Bình Nhưỡng.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản diễn tập ở núi Fuji - Ảnh: AFP
“Kể từ năm ngoái, khi Triều Tiên triển khai hai vụ thử hạt nhân và hơn 20 vụ phóng tên lửa đạn đạo, các mối đe dọa an ninh đã bước sang một giai đoạn mới” - Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cho biết trong báo cáo dài 563 trang với ngôn từ mạnh mẽ hơn.
Sách trắng quốc phòng 2017 của Nhật vừa được công bố ngày hôm nay (8-8).
Trong vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất hôm 30-7, Triều Tiên đã phóng quả tên lửa xuống vùng biển Nhật Bản cách đảo Hokkaido chỉ khoảng 200 km.
Đối với tên lửa phóng ngày 4-7, báo của bộ quốc phòng Nhật Bản nhận định tên lửa đi theo hành trình võng lên rất lớn cho thấy tầm bắn có thể vượt hơn 5.500 km nếu bắn ở góc độ thông thường. Trong khi đó, đường đạn đạo võng lên cũng khiến rất khó can thiệp vào tên lửa của Bình Nhưỡng.
Phối hợp với Mỹ đáp trả Bình Nhưỡng
Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã có nhiều tiến bộ và có thể đã thu nhỏ được các vũ khí hạt nhân và sở hữu các đầu đạn hạt nhân.
Lo ngại đã khiến Nhật Bản phải tổ chức các cuộc diễn tập di tản trong trường hợp bị tấn công tên lửa và làm tăng nhu cầu xây dựng các hầm trú hạt nhân.
Nhật báo Japan Times ngày hôm nay cũng dẫn lời ông Onodera nên khả năng tấn công đáp trả: “Chúng ta nên cân nhắc điều đó ở góc độ Nhật có thể làm để tăng cường năng lực đánh chặn của liên minh Mỹ - Nhật và bảo vệ sinh mạng, tài sản của người dân Nhật”.
Bên cạnh đó, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ đưa ra thảo luận làm sao để nâng cao “năng lực chung của Nhật Bản trong việc đối phó với các tên lửa đạn đạo của đối phương”.
“Chúng ta sẽ nghiên cứu những gì cần thiết cho sự phòng thủ tên lửa và cân nhắc các biện pháp nâng cao năng lực phòng vệ” - bộ trưởng Onodera cam kết.
Ông lựa lời khá cẩn thận trước khi nói bởi Hiến pháp Nhật Bản cấm nước này tham chiến hay giao tranh.
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera - Ảnh: REUTERS
Trước đó, tại lễ kỷ niệm 72 năm ngày Nhật Bản bị thả bom hạt nhân ở Hiroshima, thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố “không có dự định” cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) tham gia tấn công các mục tiêu ở nước ngoài.
Chính vị vậy, quan điểm của tân bộ trưởng Quốc phòng về vấn đề này đang thu hút sự chú ý. Hồi tháng 3-2017, ông Onodera từng gợi ý Tokyo nên có tên lửa hành trình tầm xa có thể tấn công các căn cứ của Bình Nhưỡng.
Ông Onodera, được bổ nhiệm trong đợt cải tổ nội các Nhật hồi tuần trước, là thành viên chủ chốt trong Hội đồng an ninh của Đảng dân chủ tự do cầm quyền. Ủy ban này trước đó cũng đề xuất việc cho phép SDF phản công trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công.
Lo ngại về Trung Quốc
Báo cáo quốc phòng của Nhật cũng đề cập đến các lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực.
Báo cáo nhấn mạnh ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua trong khi các tàu quân sự đẩy mạnh hoạt động về ra biển.
Sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tại eo biển Miyako hồi cuối năm ngoái cho thấy khả năng hoạt động quân sự xa bờ của Bắc Kinh.
Trong khi đó ở trên không, số vụ can thiệp của máy bay Nhật Bản đối với các máy bay Trung Quốc lởn vởn vi phạm cũng tăng kỷ lục. “Chúng ta cần đặc biệt chú ý theo dõi chặt hoạt động của hải quân Trung Quốc” - báo cáo viết rõ.(Tuoitre)
---------------------
Trung Quốc lập tức “rút củi đáy nồi“ sau đòn trừng phạt Triều Tiên
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết 2371 tăng cường trừng phạt đối với Triều Tiên. Ngay sau đó, Trung Quốc lên tiếng kêu gọi các bên tiếp nhận sáng kiến của họ, khôi phục đàm phán sáu bên.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Sina.
Ngày 6/8, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức hội nghị khẩn cấp nhất trí thông qua nghị quyết số 2371, tăng cường trừng phạt đối với hành vi phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Nghị quyết cho rằng Triều Tiên coi thường các nghị quyết của Hội đồng bảo an, tiếp tục phóng tên lửa, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế và khu vực.
Nghị quyết cấm xuất khẩu cho Triều Tiên hải sản và sản phẩm khoáng sản như than, sắt và nhôm. Nghị quyết còn tái khẳng định ủng hộ khôi phục hội đàm sáu bên, thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng bán đảo Triều Tiên bằng phương thức đối thoại hòa bình.
Nghị quyết cho biết không có ý định gây ảnh hưởng bất lợi đối với các hoạt động mà nghị quyết không cấm như viện trợ nhân đạo, lương thực, hợp tác và hoạt động kinh tế.
Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lưu Kết Nhất tuyên bố Trung Quốc luôn kiên trì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, kiên trì bảo vệ hòa bình, ổn định bán đảo Triều Tiên, thông qua đối thoại, đàm phán để giải quyết vấn đề, phản đối xảy ra bất ổn và chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên – đây là mục đích căn bản của nghị quyết lần này.
Lưu Kết Nhất còn nhấn mạnh, triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở bán đảo Triều Tiên không thể giải quyết được vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, trái lại còn phá hoại nghiêm trọng sự cân bằng chiến lược khu vực. Trung Quốc thúc giục mạnh mẽ các bên chấm dứt triển khai THAAD ở bán đảo Triều Tiên, tháo dỡ các thiết bị liên quan. Ngày 6/8/2017, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết số 2371 tăng cường trừng phạtđối với Triều Tiên. Ảnh: The Beijing News.
Sáng ngày 6/8, bên lề các Hội nghị Ngoại trưởng ở Manila, Philippines, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trả lời phỏng vấn báo chí cho hay trong việc thông qua nghị quyết 2371, Trung Quốc là nước thường trực Hội đồng bảo an, đã giữ lập trường “khách quan, công bằng”, đã phát huy vai trò trách nhiệm và mang tính xây dựng.
Vương Nghị nói rằng nghị quyết này có nội dung quan trọng trên 2 phương diện: Một mặt đưa ra phản ứng cần thiết đối với việc Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an, không ngừng phóng tên lửa, ngăn chặn có hiệu quả hơn tiến trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Mặt khác là kêu gọi tái khởi động hội đàm sáu bên, nhấn mạnh sử dụng các biện pháp ngoại giao và chính trị, giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng phương thức hòa bình, đặc biệt cần tránh để tình hình tiếp tục căng thẳng leo thang.
Vương Nghị cho rằng hai nội dung này rất quan trọng, không thiên vị. Trừng phạt là cần thiết, nhưng hoàn toàn không phải là mục đích cuối cùng, mục đích còn là đưa vấn đề hạt nhân Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán, thông qua đàm phán để tìm kiếm biện pháp giải quyết, cho đến khi thực hiện được phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài bán đảo Triều Tiên.
Sau khi nghị quyết này được thông qua, tình hình bán đảo Triều Tiên đã bước vào một giai đoạn rất quan trọng. Trung Quốc kêu gọi các bên có thái độ trách nhiệm khi đưa ra các quyết định, đặc biệt là tránh để tình hình không ngừng leo thang. Trung Quốc muốn Mỹ tháo dỡ hệ thống THAAD ở Hàn Quốc. Ảnh: Sina
Trung Quốc vẫn hy vọng các bên cân nhắc nghiêm túc và tiếp nhận sáng kiến “2 tạm dừng”, sáng kiến này là phương án khả thi nhất, hợp tình hợp lý nhất hiện nay, không chỉ có thể làm dịu tình hình căng thẳng hiện nay, mà còn có thể giải quyết mối lo ngại an ninh cấp bách nhất của các bên. Đồng thời, tạo cơ hội và điều kiện cho khôi phục đàm phán hòa bình, tìm được khâu đột phá để thoát khỏi tình cảnh khó khăn. (Viettimes)
--------------------------------- Triều Tiên dọa có hành động “vật chất” đáp trả Liên Hợp Quốc
Triều Tiên gọi việc Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt là "hành động khủng bố" nhằm vào Bình Nhưỡng, cảnh báo sẽ có sự đáp trả "vật chất".
Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong-14 ngày 4/7. Ảnh: Reuters.
"(Những kẻ thù) không nên quên rằng chúng tôi luôn sẵn sàng có biện pháp chiến lược, bao gồm hành động vật chất, bằng việc điều động toàn bộ sức mạnh quốc gia", hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn lời người phát ngôn Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương Triều Tiên hôm nay nói.
Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương là cơ quan có liên hệ với đảng Lao động Triều Tiên.
Lời cảnh báo được đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên bác bỏ các lệnh trừng phạt mới mà Liên Hợp Quốc áp đặt để đáp trả nước này phóng thử hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong tháng 7. Bình Nhưỡng gọi đây là "hành động khủng bố" do Washington dẫn đầu, dọa đáp trả "gấp hàng nghìn lần".
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 5/8 thông qua dự thảo trừng phạt Triều Tiên, do Mỹ soạn thảo, có thể giảm một phần ba nguồn thu 3 tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu của Triều Tiên. Lệnh trừng phạt cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản, cấm các nước tiếp nhận thêm lao động Triều Tiên, lập liên doanh mới với Triều Tiên và cấm các liên doanh hiện có đầu tư mới.
Triều Tiên tái khẳng định không mang chương trình hạt nhân ra đàm phán, tuyên bố tiếp tục chính sách phát triển song song kinh tế và chương trình hạt nhân. Trong một thông báo riêng, Triều Tiên lên án đợt tập trận bắn đạn thật ngày 7/8 của lính thủy đánh bộ Hàn Quốc ở khu vực gần biên giới trên biển phía tây.
"Hàn Quốc không nên chạy lung tung, lưu ý rằng chúng tôi có thể biến các đảo tiền tiêu phía tây, thậm chí là Seoul, chìm trong biển lửa", KCNA cho biết.
Một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên nên chọn con đường hướng đến phi hạt nhân hóa. "Nếu không dừng khiêu khích, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn", người này nói. "Hàn Quốc mong muốn giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên một cách hòa bình và bằng biện pháp ngoại giao".(Vnexpress)
-----------------------