Cơ quan tình báo Mỹ và sách trắng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đều khẳng định Triều Tiên đã có thể sản xuất đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ. Triều Tiên thề “báo thù” Mỹ, không phản hồi cam kết “Bốn không”…
Tin thế giới đáng chú ý trưa 09-08-2017
- Cập nhật : 09/08/2017
Mẻ lưới nhỏ bắt quan tham to ở Hong Kong
Vụ điều tra lật tẩy hành vi tham nhũng của cựu quan chức quyền lực số hai Hong Kong được bắt đầu với một nhóm chỉ gồm ba người.
Hơn 120 nhân chứng, 230 tài khoản ngân hàng trong nước và nước ngoài, hàng nghìn giao dịch ngân hàng trong gần một thập kỷ: đó là nhiệm vụ mà các quan chức chống tham nhũng phải xử lý để đưa cựu quan chức quyền lực số hai Hong Kong Rafael Hui Si -Yan vào tù.
Hui, tổng thư ký chính quyền đặc khu Hong Kong năm 2005 - 2007 đã nhận hơn một triệu USD hối lộ để làm "tai mắt" trong chính quyền cho tài phiệt Thomas Kwok Ping-kwong, cựu chủ tịch tập đoàn phát triển địa ốc lớn nhất Hong Kong là Sun Hung Kai Properties (SHKP). Theo xếp hạng những người giàu nhất Hong Kong 2014 của tạp chí Forbes, Thomas và em trai đứng thứ 4 với gia sản ước tính khoảng 17,5 tỷ USD.
Cuộc điều tra 6 năm để phơi bày hành vi sai trái này được thực hiện bởi Ủy ban Độc lập chống Tham nhũng (ICAC). Đây là cuộc điều tra kéo dài nhất của họ kể từ khi Hong Kong trở về với Trung Quốc năm 1997. Nó được bắt đầu với một nhóm chỉ gồm ba người, theo SCMP.
Ricky Yu Chun-cheong, quan chức ICAC, cho biết họ nhận được một bức thư nặc danh được gửi qua một luật sư vào năm 2008, tố cáo về một căn hộ của SHKP được tặng miễn phí cho Hui vào khoảng năm 2003 hoặc 2004.
"Cuộc điều tra này xuất phát từ lời tố cáo chống lại cựu quan chức chính quyền cấp cao và tỷ phú bất động sản. Do đó, nó chứa đựng những tài liệu rất nhạy cảm", nhà điều tra chính Hazel Law Pui-man nói.
Yu khi đó cho rằng lời tố cáo này "mơ hồ" nhưng ông vẫn quyết định xem xét. "Nó đã đến tay tôi rồi thì tôi phải tìm hiểu sâu hơn", ông kể lại suy nghĩ lúc đó.
Đội điều tra chỉ có quy mô nhỏ vì họ muốn giữ kín thông tin để tránh "rút dây động rừng". "Bảo mật thông tin là yêu cầu then chốt", Yu nhấn mạnh.
Tài phiệt Thomas Kwok ra tòa năm 2014. Ảnh: WSJ
Nhưng họ nhanh chóng lâm vào ngõ cụt. Khi bị thẩm vấn một năm sau, cả Hui và Kwok đều đưa ra được lời giải thích có vẻ hợp lý. Họ cho biết căn hộ là một phần của khoản phí tư vấn trả cho Hui, người từng làm việc cho SKHP trước khi vào cơ quan công quyền. Vào thời điểm đó, các nhà điều tra không có bằng chứng nào để bác bỏ lời khai của họ.
"Nhưng chúng tôi muốn tìm hiểu những gì họ nói có đúng không, vì vậy, nhóm tiếp tục đào bới", Law cho biết.
Họ kiểm tra hồ sơ thuế và sao kê tài khoản của Hui để điều tra dòng tiền. Càng tìm hiểu sâu, họ càng phát hiện ra những khoản tiền khả nghi trong tài khoản của Hui vào cuối năm 2011. Cũng vào năm đó, họ đã khám xét nhà của Hui và phát hiện số của cải lớn. "Tôi như được mở mắt khi thấy chúng", Yu nói.
Năm 2012, đội điều tra lần ra được dấu vết của những trung gian chuyển tiền giữa quan chức và tài phiệt là Thomas Chan Kui-yuen, một nhân viên của SHKP, và Francis Kwan, một quan chức chứng khoán. Họ bị bắt vào ngày 19/3 năm đó. 10 ngày sau, Hui và Kwok bị bắt.
Quy mô của đội điều tra được tăng cường. Hơn 20 cán bộ được phân công ở nhiều công việc khác nhau. Nhiệm vụ của họ bao gồm tìm kiếm các hồ sơ ngân hàng ở nước ngoài, làm việc với các luật sư và đưa Hui và Kwok ra tòa với cáo buộc thông đồng, âm mưu có hành vi sai trái trong công vụ.
Trong phiên tòa năm 2014, Hui bị kết án 7,5 năm tù và Kwok bị kết án 5 năm tù. Hai người trung gian bị kết án 5, 6 năm tù. Vụ án chính thức kết thúc vào tháng 6 năm nay, khi toà phúc thẩm bác đơn kháng cáo.
"Vụ việc thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật và giá trị cốt lõi của một xã hội trong sạch. Đó là khía cạnh quan trọng nhất", Yu nói.(Vnexpress)
-------------------------
Mỹ: Việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ đã gây ‘ngờ vực nghiêm trọng’
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm thứ Hai 7/8 nói rằng sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái đã gây ra "sự mất tin tưởng nghiêm trọng" và rằng ông và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thảo luận "rất nhiều việc" cần phải làm về mối quan hệ Mỹ-Nga, theo VOA.
Hai nhà ngoại giao hàng đầu đã gặp nhau bên lề một diễn đàn khu vực ở Philippines. Ngoại trưởng Tillerson cho biết ông đã nói với Ngoại trưởng Lavrov rằng Mỹ sẽ trả lời cho Nga trước ngày 1/9 về việc Nga yêu cầu Mỹ cắt giảm hàng trăm nhân viên ngoại giao của Mỹ ở Nga.
Ông Tillerson nói: "Tôi đã nói với Ngoại trưởng Nga rằng chúng tôi chưa quyết định sẽ đáp ứng yêu cầu của Nga như thế nào về việc giảm số nhân viên ngoại giao của Mỹ ở Nga."
Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuần trước ký một cách miễn cưỡng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ mà ông Trump đã giành chiến thắng.
Mặc dù bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhất, ông Lavrov nói rằng: "chúng tôi cảm thấy rằng các đối tác Mỹ cần phải tiếp tục đối thoại. Không có giải pháp thay thế nào khác.”
Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt mới, Moscow đã ra lệnh buộc Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao và các nhân viên khác, nhiều người trong số đó là người Nga, từ đại sứ quán và lãnh sự quán của Mỹ tại Nga.
Ông Lavrov cho biết ông đã giải thích với ông Tillerson về việc Moscow sẽ giảm mạnh số nhân viên làm việc cho phái bộ ngoại giao của Hoa Kỳ, nhưng không tiết lộ công khai bất kỳ chi tiết nào.
Ông Lavrov cũng cho biết hôm Chủ Nhật 6/8 rằng Mỹ sẽ sớm gửi phái đoàn đàm phán về tình trạng bất ổn ở phía đông Ukraina tới Moscow để thảo luận về việc bạo lực đang diễn ra.
Ông Lavrov nói rằng nhà ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Volker sẽ gặp phái viên của Nga, ông Vladislav Surko, để bàn về cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
Tháng trước, ông Volker đã đến thăm đông Ukraina, nơi những người ly khai ủng hộ Nga đã chiến đấu với lực lượng của Kyiv trong hơn ba năm.
Khi xảy ra cuộc xung đột này, Moscow đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina và có hơn 10.000 người đã thiệt mạng.
Ông Tillerson với các phóng viên nói rằng Nga đang cho thấy vài dấu hiệu “sẵn sàng” bắt đầu thảo luận một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraina.
Ông nói rằng Mỹ và Nga có những khác biệt rất lớn, nhưng việc " cắt đứt tất cả mọi thứ vì một vấn đề duy nhất" không phải là một ý tưởng hay.(bizlive)
------------------------------
Malaysia cất lưới chống khủng bố, bắt hơn 400 người
Giới chức trách Malaysia đã bắt giữ hơn 400 người tình nghi có liên lạc với khủng bố ở nước ngoài trong chiến dịch vừa thực hiện tại thủ đô Kuala Lumpur.
Đài BBC ngày 7-8 dẫn lời các quan chức địa phương cho biết những người bị bắt trong một loạt các cuộc bố ráp ở thủ đô của Malaysia chủ yếu là những người đến từ Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan.
Ngoài ra cảnh sát cũng tịch thu các loại máy móc dùng làm giả hộ chiếu và các giấy tờ nhập cư giả cùng các thiết bị khác.
Các nhân chứng cho biết cảnh sát đã bố ráp một loạt các địa điểm trong thành phố, phá cửa xông vào và còng tay hàng chục người dẫn ra xe, chở về các đồn cảnh sát để tiến hành điều tra.
Cảnh sát cũng được trang bị các thiết bị dò phóng xạ nhưng không phát hiện vật liệu phóng xạ nào trong chiến dịch bố ráp trên.
Giới chức trách cho biết họ nhắm đến tất cả những người không có giấy tờ tùy thân hoặc làm giả giấy tờ du lịch hoặc những người bị nghi ngờ liên kết với các nhóm khủng bố tại Syria và Iraq.
"Chúng tôi xác định và có hành động chống lại những người nước ngoài tình nghi liên kết với những kẻ khủng bố, đặc biệt là những người liên quan đến các hoạt động tại Syria" - quan chức cảnh sát chống khủng bố Ayob Khan Mydin Pitchay nói với tờ Free Malaysia Today.
Malaysia đang tăng cường an ninh tại Kuala Lumpur để chuẩn bị cho Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) sắp diễn ra.(Tuoitre)
----------------------------
Quân đội Mỹ có quyền bắn hạ thiết bị bay gần căn cứ
Lầu Năm Góc bật đèn xanh cho hơn 130 căn cứ quân sự trên đất Mỹ bắn hạ bất cứ thiết bị bay không người lái tư nhân lẫn thương mại có hành vi đe dọa an toàn hàng không và gây ra các nguy cơ khác.
Số lượng thiết bị bay không người lái trên các vùng trời của Mỹ đang tăng mạnh trong những năm gần đây, kéo theo đó là nỗi quan ngại ngày càng lớn dần của giới hữu trách.
Họ lo ngại các thiết bị bay có thể tiếp cận quá sát những khu vực nhạy cảm như căn cứ quân sự, phi trường, sân vận động thi đấu thể thao.
Trong khi những hành động cụ thể mà quân đội Mỹ thực hiện nhằm đối phó thiết bị bay vẫn được giữ bí mật, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, đại tá hải quân Jeff Davis cho hay họ có thể phá hủy hoặc tịch thu các thiết bị tư nhân và thương mại có thể gây đe dọa an ninh, theo Reuters ngày 8.8.
Trên đây là một phần nội dung của mệnh lệnh được Lầu Năm Góc ban bố hồi đầu tháng trước.
Kể từ tháng 4, gần như toàn bộ các thiết bị bay không được phép xuất hiện trên vùng trời đặt hơn 133 căn cứ quân sự của Mỹ vì lo ngại an ninh.
Thiết bị bay không người lái đang trở thành đồ chơi mới của con người thời hiện đại, hoặc phục vụ các mục tiêu chụp ảnh trên không của các tổ chức thương mại.
Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ ước tính số thiết bị bay thương mại tại nước này sẽ tăng từ 42.000 chiếc vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 442.000 vào năm 2021. (Thanhnien)