Nga triển khai sư đoàn tên lửa S-400 thứ 2 tại Bán đảo Crimea
Hãng thông tấn Ria Novosti của Nga ngày 13/1 đưa tin nước này đã triển khai một đơn vị tên lửa đất đối không S-400 mới tới bán đảo Crimea, đánh dấu động thái leo thang căng thẳng quân sự tại bán đảo này.
Nga triển khai sư đoàn tên lửa S-400 thứ 2 tại Crimea
Theo hãng thông tấn RIA, đơn vị trên sẽ được bố trí ngay cạnh thị trấn Sevastopol và sẽ kiểm soát không phận trên khu vực biên giới với Ukraine.
Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Chỉ huy Đơn vị phòng không số 4 của Nga, Trung tướng Viktor Sevostyanov cho biết hệ thống phòng không mới, được thiết kế để bảo vệ biên giới Nga, có thể chuyển sang chế độ tác chiến trong vòng chưa đầy 5 phút.
Bộ Quốc phòng Nga thì cho rằng hệ thống phòng không S-400 có thể hạ các mục tiêu trên không trong phạm vi 400 km và các tên lửa đạn đạo trong phạm vi 60 km. Hệ thống này lần đầu tiên được biên chế cho kho vũ khí của quân đội Nga vào năm 2007.
Bình luận về việc triển khai hệ thống phòng không S-400 trên bán đảo Crimea, phát ngôn viên của Tổng thống Nga - Dmitry Peskov nói rằng Nga có toàn quyền để thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh lãnh thổ của mình, tuy nhiên không nên coi đó là mối đe dọa cho bất cứ ai.
Sư đoàn tên lửa S-400 đầu tiên được triển khai cách đây một năm trong khu vực Feodosia. Từ năm 2015, quân đội Nga có được 16 trung đoàn được trang bị hệ thống phòng không “Triumf”. Năm 2018, 10 sư đoàn khác sẽ được triển khai.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Mỹ tuyên bố nước này đã lên kế hoạch hỗ trợ Ukraine "năng lực phòng thủ nâng cao", trong đó có các tên lửa chống tăng Javelin.(Infonet)
-------------------------
Báo Trung Quốc: Việt Nam hết thời “cơm miễn phí", mua sắm vũ khí Mỹ-phương Tây
Việt Nam đang tích cực mở rộng hợp tác quốc tế để thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng, coi trọng nhập khẩu công nghệ để tự chủ quốc phòng, tránh "bỏ trứng vào một giỏ", tìm kiếm cách thức hợp tác sao cho tối đa hóa lợi ích quốc gia.
Quân đội Việt Nam tiến hành lễ diễu binh với súng trường Israel. Ảnh: Xinmin.
Tờ Tân Dân vãn báo Trung Quốc ngày 8/1/2018 cho rằng những năm gần đây, việc xây dựng quốc phòng của Việt Nam đã có sự chuyển đổi mang tính căn bản, quân đội Việt Nam đang bước vào giai đoạn củng cố lực lượng, từng bước nâng cao sức mạnh quân sự và từng bước hình thành lý luận quân sự.
Điều gây ấn tượng sâu sắc là trong năm 2017, môi trường hợp tác quân sự đối ngoại của Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Ngày 21/3/2017, Việt Nam và Israel tổ chức diễn đàn công nghiệp quốc phòng, tìm cách mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng hai nước. Ngày 11/5/2017, Việt Nam lại tổ chức diễn đàn tương tự với Nhật Bản với mục đích thúc đẩy kết nối các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng nhà nước và tư nhân hai nước.
Trên thực tế, để thoát khỏi mua sắm vũ khí trang bị theo kiểu "đơn nhất", Việt Nam đang tìm kiếm hợp tác quốc phòng quốc tế rộng lớn hơn, thúc đẩy ngành công nghiệp quân sự của Việt Nam phát triển theo phương hướng "tiên tiến, hiện đại".
Hết thời "cơm trưa miễn phí"
Theo báo Trung Quốc, ban đầu, quân đội Việt Nam được xây dựng dựa trên viện trợ quốc tế. Năm 1954, dưới sự viện trợ của bạn bè, quân đội Việt Nam đã đánh thắng chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng miền bắc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.
10 năm sau, đối mặt với quân đội Mỹ mạnh, quân đội Việt Nam ngoan cường chiến đấu, những vũ khí đạn dược, sản phẩm công nghiệp quân nhu và nhiên liệu hoàn toàn do các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ.
Hải quân Việt Nam nhận tàu hộ vệ Nga. Ảnh: Xinmin.
Trong chiến tranh Việt Nam, Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng dự đoán Việt Nam hàng năm nhận được 1,5 tỷ USD viện trợ vật tư quân sự từ nước ngoài. Quân đội và nhân dân Việt Nam không chỉ đã đập tan mưu đồ chiến lược của Mỹ, mà còn hoàn thành thống nhất tổ quốc vào năm 1975.
Trong hơn 10 năm sau thống nhất đất nước, hợp tác quân sự với bên ngoài của Việt Nam chỉ giới hạn ở Liên Xô, hơn nữa phần lớn là có được vũ khí bằng cách viện trợ không hoàn lại.
Nhưng sau khi Liên Xô giải thể năm 1991, Việt Nam đã không tiếp tục nhận được "bữa trưa miễn phí". Để thoát khỏi tình hình khó khăn, Việt Nam điều chỉnh chính sách ngoại giao, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng chủ yếu. Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN, đạt được phát triển về kinh tế, từ đó hỗ trợ cho xây dựng quân đội.
Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tư quốc phòng cao nhất ASEAN, lại tích cực kêu gọi các nước lớn ngoài khu vực ủng hộ chủ trương của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, giành được không ít lợi ích. Việt Nam nhận thấy đã có cơ hội phát triển hợp tác quân sự đối ngoại đa dạng.
Lấy Nga làm chính, đa dạng hóa nguồn cung
Về tổng thể, Việt Nam thực hiện sách lược "lấy Nga làm chính, đa dạng hóa nguồn cung" trong hợp tác quốc phòng, tìm cách thực hiện tối đa hóa lợi ích tự thân.
Là quốc gia có tình hữu nghị truyền thống, quân đội Việt Nam luôn lấy nhập khẩu vũ khí Nga làm chính, tạo thành trụ cột trong sức chiến đấu mới của quân đội Việt Nam.
Từ năm 1995, không quân Việt Nam lần lượt nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30, hiện sở hữu 12 máy bay chiến đấu Su-27SKV và 35 máy bay chiến đấu Su-30MK2V.
Máy bay chiến đấu đa dụng Su-30MK2V của không quân Việt Nam. Ảnh: Sina.
Ngoài ra, Việt Nam còn mua sắm các vũ khí "ngôi sao" của Nga như tàu ngầm thông thường Type 636 lớp Kilo, hệ thống tên lửa phòng không S-300 và xe tăng chiến đấu T-90.
Mặc dù luôn mạnh tay mua sắm vũ khí Nga, nhưng Việt Nam rút ra bài học trong quá khứ, bắt đầu tìm cách nhập khẩu vũ khí từ các nước phương Tây, trong đó Israel là đối tác hợp tác ưu tiên nhất.
Từ năm 2014 trở đi, Công ty công nghiệp vũ khí Israel (IWI) đã thành lập nhà máy chế tạo vũ khí Z-111 ở tỉnh Thanh Hóa, đã bán dây chuyền sản xuất súng trường tấn công ACE-31/32 cho Việt Nam. Quân đội Việt Nam sẽ sử dụng súng này thay thế cho súng trường AK-47 của Nga, loại súng đã sử dụng nhiều năm.
Việt Nam cũng đã quan tâm đến tên lửa đất đối không tầm trung Spyder của Israel, hai bên đang tổ chức đàm phán.
Điều đáng chú ý là vào năm 2016, xuất phát từ tính toán của chính sách "tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương", Mỹ tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, hai bên lấy xây dựng lại lòng tin làm cơ sở, thông qua các biện pháp như đào tạo cán bộ để tăng cường quan hệ, tạo cơ sở cho Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam trong tương lai.
Trong khi đó, Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, cũng tích cực hưởng ứng. Để tăng cường tiếng nói trong vấn đề Biển Đông, tiếp tục gây ảnh hưởng đến nội bộ ASEAN, Nhật Bản tích cực thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, cam kết xuất khẩu các loại trang bị quốc phòng với điều kiện ưu đãi. Vì vậy quan hệ Việt - Nhật trở nên chặt chẽ hơn.
Hệ thống tên lửa phòng không SPYDER Việt Nam mua của Israel. Ảnh: Sina.
Một tờ tạp chí quân sự của Nhật Bản cho rằng trong giai đoạn 2017 - 2019, Việt Nam sẽ tiếp nhận viện trợ quân sự và an ninh trị giá khoảng 200 triệu USD của Nhật Bản. Trong đó cảnh sát biển Việt Nam được mua tàu tuần tra của Nhật Bản với giá hữu nghị.
Tương lai vẫn lấy nhập khẩu làm chính
Đầu thế kỷ 21, quân đội Việt Nam từng sở hữu 140 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, 20 doanh nghiệp nhà nước về danh nghĩa cũng cung cấp hàng cho quân đội, nhưng kỹ thuật công nghiệp quân sự của những doanh nghiệp này phổ biến thấp, chỉ có thể chế tạo một số vũ khí hạng nhẹ.
Các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của Việt Nam còn tham gia rộng rãi vào các hoạt động sản xuất hàng dân dụng và hoạt động thương mại với các nghiệp vụ như chế biến cà phê, khai thác mỏ, kinh doanh quần áo và môi giới chứng khoán.
Năm 2007, Hội nghị Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định, để đáp ứng điều kiện tiên quyết gia nhập WTO, toàn bộ các doanh nghiệp thương mại của Việt Nam trực thuộc quân đội được chuyển cho cơ quan nhà nước quản lý. Sau khi tiến hành cải cách quyền tài sản, quân đội Việt Nam không còn tiếp tục tiến hành các hoạt động "phi quân sự".
Ngày 20/9/2017, Việt Nam công bố quy hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng 10 năm tới, mục tiêu là tiếp tục giảm bớt lệ thuộc vào nhập khẩu vũ khí trang bị và tiến quân ra thị trường quốc tế, do đó Việt Nam muốn đầu tư cho hạ tầng cơ sở nghiên cứu phát triển công nghiệp quốc phòng, chế tạo và bảo dưỡng vũ khí trang bị.
Diễn đàn công nghiệp quốc phòng Việt Nam - Israel ngày 21/3/2017.
Để mở rộng có hiệu quả hơn kênh hợp tác kỹ thuật quân sự đối ngoại, Việt Nam còn tận dụng dịch vụ hậu mãi trong nhập khẩu vũ khí, triển khai giao lưu với nhiều nước.
Sau khi không quân Việt Nam nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-30 của Nga, để có lợi nhất, Việt Nam không chỉ đã mua dịch vụ của Nga, mà còn đề nghị doanh nghiệp Ukraine hỗ trợ sửa chữa động cơ AL-31F. Hơn nữa, Việt Nam còn dựa vào Ấn Độ để tiến hành huấn luyện phi công. Điều này giúp Việt Nam gia tăng lợi ích và tránh gặp bất lợi.
Cùng với sự gia tăng mức độ đầu tư và nhập khẩu công nghệ tiên tiến, Việt Nam có triển vọng sản xuất nhiều loại vũ khí hơn. Nhưng do bị hạn chế bởi các nhân tố như thực lực kinh tế và năng lực công nghiệp, việc nâng cao thực lực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam khó có thể đạt được hiệu quả nhanh chóng, sẽ không thể thay đổi lớn hiện trạng trong ngắn hạn. Trong khoảng thời gian tới, vẫn sẽ lấy nhập khẩu vũ khí trang bị làm chính.(viettimes)
-----------------------------Mỹ bị tố tăng cường trừng phạt nhằm lũng đoạn chính trường Nga
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Mỹ có thể áp đặt biện pháp trừng phạt mới nhằm can thiệp vào vấn đề nội bộ của Nga trước thềm cuộc bầu cử tổng thống.
Mỹ được cho là sẽ áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phát mới chống lại Nga sớm nhất là vào tháng 2.2018, với cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, Điện Kremlin lâu nay luôn bác bỏ mọi cáo buộc, theo Reuters.
>> Ông Putin cảnh báo 'công ty trên internet, mạng xã hội' can dự vấn đề nội chính
Moscow dự đoán Mỹ sẽ công bố hai báo cáo chống lại Nga kèm theo biện pháp trừng phạt mới, ông Ryabkov nói với hãng tin TASS.
Một báo cáo có thể mở rộng danh sách trừng phạt cá nhân và quan chức Nga, theo Thứ trưởng Ryabkov.
Trong khi đó, báo cáo thứ hai sẽ tập trung vào đánh giá tính hiệu quả của những biện pháp trừng phạt chống lại Nga, ông Ryabkov lưu ý.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có thể bao gồm lệnh cấm mua trái phiếu chính phủ Nga.
“Chúng tôi chứng kiến đây là một nỗ lực nhằm can thiệp vào vấn đề nội bộ của chúng tôi, ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3.2018”, ông Ryabkov nói.
Hồi tháng 8.2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga theo đề xuất của các nhà làm luật.
Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên chống lại Moscow vào năm 2014 sau khi Crimea bỏ phiếu ly khai Ukraine và sáp nhập Nga.
Liên minh châu Âu cũng áp đặt các lệnh trừng phạt Moscow. Đáp lại, Moscow trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu thực phẩm từ những quốc gia trừng phạt Nga.
Cuộc bầu cử tổng thống Nga sẽ diễn ra vào tháng 3.2018. Tổng thống Vladimir Putin hôm 6.12 tuyên bố ông sẽ tái tranh cử. Các cuộc khảo sát dân ý gần đây cho thấy ông Putin sẽ tái đắc cử.(Thanhnien)
--------------------------
Triều Tiên tấn công Mỹ không cần tên lửa?
Container hạt nhân
Trang mạng The National Interest của Mỹ mới đây có bài viết về quan hệ của nước này với Triều Tiên, trong đó đánh giá về khả năng tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo đó, khi đe dọa tấn công Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump bị đánh giá là dường như không ý thức được cách Triều Tiên có thể tấn công hạt nhân nhằm vào nước Mỹ mà không cần tới các tên lửa tầm xa.
Theo The National Interest, việc ông Trump tin tưởng hệ thống phòng thủ tên lửa có thể ngăn chặn Triều Tiên trả đũa nhằm vào lục địa Mỹ nếu ông ra lệnh tiến hành “giải pháp quân sự” là một ý tưởng nguy hiểm. Lý do là Triều Tiên có thể sẵn sàng đưa bom hạt nhân lên các tàu container vào bất kỳ hải cảng lớn nào ở Mỹ và gây nguy hiểm cho các thành phố lớn của Mỹ.
Người Mỹ lo ngại Triều Tiên có thể giấu bom hạt nhân trong các container để đưa tới nước Mỹ
Giới chức Mỹ thời gian qua cũng nhiều lần cảnh báo khả năng nổ ra chiến tranh với Triều Tiên dù hầu hết người dân Mỹ đang bận tâm tới việc kiếm sống, tận hưởng các ngày nghỉ lễ và thờ ơ trước các tranh cãi chính trị ồn ào ở Washington.
Theo tờ báo Mỹ, thế đối đầu trên bán đảo Triều Tiên là nguy cơ lớn nhất đẩy Mỹ tới chiến tranh hạt nhân kể từ sau cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962.
Phát biểu hồi tháng 10/2017, cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan nói rằng khả năng xảy ra chiến tranh với Triều Tiên là “rất lớn”, tới mức 25%. Trong khi đó, Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng tỷ lệ này có thể lên tới 50/50.
Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của bang South Carolina, mới đây nói rằng nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử bom hạt nhân khác, khi đó khả năng “chúng ta sử dụng lựa chọn quân sự” lên tới mức 70%.
Giới chức Mỹ liên tiếp bóng gió về khả năng tấn công quân sự mỗi khi Triều Tiên thử hạt nhân, tên lửa
Phát biểu trên kênh Fox News, cố vấn An ninh Quốc gia H. R. McMaster nhấn mạnh Tổng thống Trump đã nói rõ về điều này, sẽ không cho phép Triều Tiên đe dọa nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Do đó, vị cố vấn này khẳng định: “Ông sẽ sẵn sàng làm bất kỳ điều gì có thể để ngăn chặn điều đó xảy ra... Tất cả lực lượng vũ trang của chúng ta đang sẵn sàng ở mức cao độ cho sứ mệnh này”.
Thượng nghị sĩ Graham nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump không hề nói dối về việc ông đã chuẩn bị cho cuộc tấn công toàn diện chống lại chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông Graham nói: “Ông Trump đã nói với tôi điều đó. Tôi tin tưởng ông ấy”.
Mặt khác, nếu ông Trump nói dối, ông sẽ đứng trước nguy cơ lớn của việc bị đáp trả bởi các vụ thử hạt nhân hay tên lửa của Triều Tiên. Colin Kahl, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Joe Biden, cảnh báo rằng với việc Tổng thống đứng trước nguy cơ bị tổn hại về uy tín và tỷ lệ tín nhiệm sụt giảm, “các bạn thậm chí có nhiều lý do để tin rằng Tổng thống sẽ không rút lại đe dọa tấn công quân sự”.
Giữ thể diện cho Mỹ
Tuy nhiên, The National Interest cho rằng với việc tuyên bố chiến thắng trong cuộc đối đầu hạt nhân với Washington và chìa cành ô liu với Seoul, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đã giải cứu tất cả khỏi chiến tranh hạt nhân.
Trong bài phát biểu trên truyền hình vào dịp năm mới 2018, ông Kim nói: “Chúng ta đã đạt được mục tiêu hoàn tất xây dựng lực lượng hạt nhân quốc gia trong năm 2017. Mỹ không bao giờ tiến hành cuộc chiến chống lại tôi và nhà nước chúng ta. Họ nên biết rõ rằng toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm tấn công hạt nhân của chúng ta... Đây là hiện thực, chứ không phải lời đe dọa... Các vũ khí này chỉ được sử dụng nếu an ninh của chúng ta bị đe dọa”.
Ông cũng khẳng định rằng “Triều Tiên và Hàn Quốc không nên làm bất kỳ điều gì khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn nữa, và phải đưa ra các nỗ lực để lắng dịu căng thẳng quân sự và thiết lập một môi trường hòa bình”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã "giải cứu" Tổng thống Mỹ Donald Trump?
Theo tờ báo Mỹ, với việc tuyên bố hoàn tất xây dựng lực lượng hạt nhân, ông Kim Jong-un có thể tránh tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân có thể kích động phản ứng quyết liệt từ Washington nhưng không bị mất thể diện.
Bên cạnh đó, việc để các quan chức Mỹ khẳng định năng lực hạt nhân của Triều Tiên không lớn như ông tuyên bố, ông Kim Jong-un trao cho Mỹ khả năng thoát khỏi bờ vực chiến tranh mà không làm tổn hại tới uy tín.
Phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên được The National Interest đánh giá là đã giữ thể diện cho tất cả các bên và giúp chính Bình Nhưỡng tìm thấy lối thoát khỏi chiến tranh.
Trong khi đó, Chính quyền của Tổng thống Trump có thể khẳng định rằng vụ thử tên lửa của Triều Tiên không cho thấy khả năng tên lửa này mang theo đầu đạn hạt nhân “nguyên vẹn” trên quỹ đạo có thể bắn tới các thành phố của Mỹ.
Binh sĩ Mỹ tập trận đổ bộ tại Hàn Quốc
Phát biểu hồi giữa tháng 12/2017, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói rằng mặc dù các chuyên gia khoa học vẫn đang phân tích các số liệu, nhưng Triều Tiên “vẫn chưa cho thấy khả năng đe dọa chúng ta ở thời điểm hiện nay”.
Nói cách khác, theo The National Interest, Tổng thống Trump không cần tiến hành cuộc chiến để cho thấy uy tín của ông. Ông có thể “khoe khoang” về nút bấm hạt nhân to hơn nút bấm của nhà lãnh đạo Triều Tiên mà không cần phải sử dụng đến nó.
Kết quả là các cánh cửa có thể mở ra một lần nữa, có thể thông qua Hàn Quốc và Trung Quốc, để dẫn tới các cuộc đàm phán xây dựng lòng tin. Các cuộc đàm phán này có thể bao gồm việc đóng băng các vụ thử tên lửa của Triều Tiên để đổi lấy việc đóng băng các cuộc tập trận quân sự mang tính khiêu khích của Mỹ và Hàn Quốc.
Cả hai biện pháp này sẽ giảm thiểu đáng kể mối đe dọa một cuộc xung đột được kích động bởi những tính toán sai lầm về quân sự. Quyết định của Tổng thống Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc tạm ngừng các cuộc tập trận quân sự cho đến sau khi kết thúc Thế vận hội mùa Đông đánh dấu bước đi đầu tiên theo hướng đó.(Baodatviet)