Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Ông Donald Trump rục rịch xoay trục
Tin thế giới đáng chú ý 17-11-2017
- Cập nhật : 17/11/2017
Ông Donald Trump rục rịch xoay trục?
Ông Trump khôn ngoan (nếu tôi đúng thì đây thực sự là khôn ngoan), muốn một kế hoạch mở rộng APEC với sự tham gia của Ấn Độ?
Đông Á (bao gồm Đông Nam Á) chờ đợi rất lâu để xem nước Mỹ sẽ ứng xử thế nào với khu vực này dưới quyền Tổng thống mới.
Chuyến thăm dài ngày qua năm nước, dự hai Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng và gặp gỡ vô số nguyên thủ quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bắt đầu ở Tokyo và kết thúc ở Manila trong tháng 11, vì thế mà được khu vực này nóng lòng chờ đợi. Tại sao?
Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Barack Obama và ê kíp đã muốn có một chiến lược riêng cho một vùng chiếm tới 61% kim ngạch xuất khẩu của mình, vô số căn cứ quân sự cùng nhiều đồng minh và "bán đồng minh" nhưng lại đang nổi lên một "ông Ba mươi" rất có khả năng lấn át vai trò của Mỹ.
Thế là kế hoạch xoay trục được đặt ra, lập tức, không úp mở việc để chống lại thế lực đang lên ấy – ông Ba mươi Trung Quốc.
Ngoại trưởng Hillary có lẽ là người nổ phát súng đầu tiên.
Tháng 11/2009, bà bày tỏ về một vùng châu Á – Thái Bình Dương rất quan trọng mà lâu nay Mỹ đã không đầu tư xứng đáng cả tâm lẫn lực.
Sau đó một năm, Tổng thống Obama tuyên bố về một chiến lược tái cân bằng, cũng được gọi là xoay trục, qua châu Á – Thái Bình Dương.
Xoay trục có mục đích kinh tế, thương mại nhưng ông Obama cũng nói thẳng mục đích quân sự đứng ở hàng đầu.
Năm 2012, tại Đối thoại An ninh Sangri-La, Mỹ nhận được sự ủng hộ chính thức và rõ ràng của Singapore, với việc cho phép đồn trú các tàu chiến và tập trận, cùng với cả Philippines.
Australia dành một căn cứ ở lãnh thổ phía Bắc. Chưa kể những người anh em Nhật, Hàn giơ cả hai tay ok.
Từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Trump xóa bỏ mọi sáng kiến của Obama nhưng với việc xoay trục này ông vẫn im thin thít.
Thì vào tháng 3 năm nay, bà Susan Thornton, quyền Trợ lý Ngoại trưởng về châu Á – Thái Bình Dương, "đệ tử ruột" của Tổng thống Donald Trump hé lộ:
Tổng thống sẽ có công thức riêng về châu Á – Thái Bình Dương.
Riêng như thế nào, người ta càng nóng ruột tò mò.
Nhưng Hội nghị Thượng đỉnh tại Manila kết thúc, ông Trump về Mỹ rồi, châu Á có vẻ chưng hửng.
Chưng hửng vì nơi nào ông cũng có diễn văn với lời lẽ hay ho làm hài lòng chủ nhà nhưng không thấy ông hé gì về chuyện tái cân bằng với xoay trục cả.
Này đây, ông khuyên mọi nhà hãy đặt tổ quốc mình trên hết, như nước Mỹ của ông vậy.
Hãy nhìn gương nước Mỹ, năm nay tăng trưởng kinh tế là chưa từng, ước 3,2%.
Với Trung Quốc mà ông cho rằng làm ăn không công bằng, gây thiệt hại rất nhiều cho nước Mỹ thì khi còn ở xa ông to giọng, đến gần ông niềm nở, gần hơn nữa thì ông bảo:
Vị này rất tuyệt, rất lịch sự và thân tình. Xong. Và không nghe vang lên từ “xoay” hoặc “tái” lúc nào hết.
Có vẻ Đông Á đã hoài công dài cổ và thất vọng.
Nhưng người viết bài này hình như không thấy như vậy. Ông Trump đã chẳng bày chiến lược mới của mình đó thôi. Thử dỏng tai theo dõi.
Đây này, ông nói rất nhiều đến Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà chẳng cần đưa ra một tuyên bố chính thức nào hết.
Tác giả đếm được khoảng hai chục lần tập hợp từ Ấn Độ - Thái Bình Dương, gồm cả từ miệng ông Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, riêng trong khoảng thời gian chuẩn bị và diễn ra các Hội nghị Thượng đỉnh ở Hà Nội và Manila.
Ấn Độ - Thái Bình Dương là gì? Tôi thử “dịch” ý của ông Trump:
Đó là một không gian bao trùm toàn bộ Thái Bình Dương và một phần Ấn Độ Dương, tức là vùng Nam Á.
Cái công thức mà bà Thornton ám chỉ có lẽ là vậy.
Để cú xoay trục nhè nhẹ mà đáng giá này thực sự có sức nặng, ông Trump khôn ngoan (nếu tôi đúng thì đây thực sự là khôn ngoan), muốn một kế hoạch mở rộng APEC với sự tham gia của Ấn Độ?
Xin nói rõ, APEC hiện nay tạm đóng cửa với tất cả những ai muốn nộp đơn.
Thế thì ngay với “người” chính thức trú ngụ ở vùng này đã là khó rồi, huống chi “ kẻ” nơi khác.
Chưa nói việc mở rộng phạm vi địa lý tổ chức này (tất nhiên là đi theo với tên gọi cũng phải đổi) đâu có dễ. Trung Quốc mà phẩy tay thì…
Từ khi nhậm chức, ông Trump đã chú ý đặc biệt đến Ấn Độ.
“Nước Mỹ trước hết” không chỉ đơn thuần chăm chăm vào kinh tế đâu (thậm chí còn có thể là một sự đánh lạc hướng) mà còn về chính trị:
Nước Mỹ cần tập hợp quanh mình thêm đồng minh, bạn bè, nhất là ở khối các nước đang lên, các nước đang phát triển.
Nhất lại là ở khối đã sẵn các “chiến hữu” xung quanh Trung Quốc: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia… Nếu lại là một ông khổng lồ nữa thì càng tuyệt.
Thế thì còn ai đáp ứng đầy đủ các tiêu chí ấy nữa, ngoài Ấn Độ! Ông khổng lồ này còn là vật cản của “ Vành đai - Con đường”.
Còn bản thân nước này, Ấn Độ? Cũng muốn quá đi ấy chứ.
APEC là một tập hợp những quốc gia lớn nhất thế giới chẳng những về dân số, diện tích mà trước hết còn về quân sự, chính trị, kinh tế, cũng là một tập hợp của những nền kinh tế năng động nhất được cả thế giới ghen tỵ nhìn vào.
Có thể nói APEC là một cấu trúc mạnh nhất hiện nay. Là thành viên APEC nghĩa là sực nặng của Ấn Độ sẽ vượt lên.
Nói chung Ấn Độ sẽ nhận được sự ủng hộ. Chưa đề cập đến Nga và các nước Đông Thái Bình Dương sẽ chẳng khó khăn gì với Ấn Độ một khi cửa được mở cho những “người” không có “hộ khẩu”.
Ở bên này Biển Thái Bình, Ấn Độ biết chắc chắn sẽ nhận được tin tốt từ Indonesia, nước đang đề xuất trục hàng hải Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương;
Và Việt Nam, quốc gia mà Ấn Độ dành cảm tình qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương và theo tin tức từ chính báo chí Ấn Độ, Việt Nam không chỉ ủng hộ mà còn giúp vận động hậu trường…
Còn Trung Quốc, không rõ.
Với hai yếu tố Mỹ và Ấn Độ, chưa nói các lý do khác thì cái gật của nước này là khó.
Biết vậy ông Donald Trump mới phải bắn các tín hiệu, mới phải làm cái việc mà tờ Wall Street Journal (3/11) cho là “nịnh bợ ông Tập” khi viết trên Twitter của mình:
“Ông ấy có một phẩm chất phi thường…”
Châu Á vẫn và càng hết sức quan trọng, nước Mỹ chỉ cần “xoay” tý tẹo cho có hiệu quả lớn hơn mà thôi…(Tiến sĩ Vũ Cao Phan - GDVN)
------------------------------
Hàn Quốc yêu cầu Mỹ không chiến tranh với Triều Tiên
Chủ tịch đảng cầm quyền Hàn Quốc, bà Choo Mi-ae, hôm 15-11 tuyên bố Mỹ phải nhận được sự đồng thuận của chính quyền Seoul trước khi phát động chiến tranh chống lại Triều Tiên.
"Tổng thống Donald Trump thường nhấn mạnh rằng ông đặt mọi giải pháp cho vấn đề Triều Tiên trên bàn. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng giải pháp chiến tranh không được đặt trên bàn. Trong mọi trường hợp, Mỹ không nên phát động chiến tranh chống lại Triều Tiên khi chưa được sự đồng thuận của Hàn Quốc" – bà Choo tuyên bố, đồng thời kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Nữ chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc, người dự kiến gặp gỡ giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump ở Washington, cảnh báo rằng mọi cuộc tấn công quân sự chống lại Bình Nhưỡng của Mỹ đều có thể dẫn đến màn trả đũa khủng khiếp của Triều Tiên đối với Hàn Quốc.
Mặc dù tuyên bố đã chuẩn bị mọi giải pháp đối phó Triều Tiên, không loại trừ biện pháp quân sự, chính quyền Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh rằng họ vẫn muốn giải quyết vấn đề qua đường lối ngoại giao.
Trong chuyến thăm Seoul hồi đầu tháng 11, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Triều Tiên rằng ông đã chuẩn bị sử dụng toàn bộ sức mạnh quân đội Mỹ nhằm đối phó với bất cứ cuộc tấn công nào. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng hối thúc Bình Nhưỡng tiến hành thỏa thuận.
Tổng thống Donald Trump, từng mô tả việc đàm phán với Triều Tiên là một hành động lãng phí thời gian, hiện vẫn chưa công bố lộ trình xúc tiến đàm phán rõ ràng. Trong khi đó, Bình Nhưỡng cũng không thể hiện mong muốn đàm phán, ít nhất là cho đến khi đã phát triển thành công tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ.
Bà Choo nói rằng Seoul ủng hộ chính sách gây sức ép tối đa lên Bình Nhưỡng của Tổng thống Donald Trump thông qua các biện pháp trừng phạt, nhưng lo ngại việc ngăn chặn cơ hội đàm phán có thể dẫn đến các hành động "sai lầm" của Triều Tiên.
Bà Choo không tiết lộ liệu bà có hài lòng với những nỗ lực hạn chế của chính quyền ông Donald Trump trong vấn đề xúc tiến đối thoại với Triều Tiên nhằm giải quyết khủng hoảng hạt nhân hay không.(NLĐ)
--------------------------------
Trung Quốc cam kết không dùng vũ lực với Philippines ở Biển Đông
Trung Quốc và Philippines cam kết sẽ không dùng vũ lực với nhau trong các tranh chấp giữa hai nước ở khu vực Biển Đông.
Đây là một phần trong thông cáo chung mà hai nước thống nhất đưa ra hôm nay 16.11, cũng là ngày cuối cùng trong chuyến thăm chính thức Manila của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Tân Hoa Xã cho hay.
Bắc Kinh và Manila có tranh chấp ở Biển Đông nhưng mối quan hệ này đã được cải thiện kể từ khi ông Rodrigo Duterte nắm quyền lãnh đạo chính phủ Philippines.
Dẫn nguồn từ bản tuyên bố chung, Tân Hoa Xã nói rằng cả Trung Quốc và Philippines khẳng định “tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình ở Biển Đông và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực này”.
Bản tuyên bố đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh và Manila thống nhất quan điểm “không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực” trong tranh chấp.
“Xung đột nên được giải quyết thông qua đàm phán giữa những nước có liên quan”, theo bản tuyên bố.
Trước đó, hôm 14.11, Philippines cũng ra tuyên bố chung với Mỹ về vấn đề Biển Đông sau cuộc hội đàm giữa tổng thống hai nước. Hai tổng thống Donald Trump và Duterte cùng chỉ trích hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, một động thái được cho là nhắm đến Trung Quốc.(Thanhnien)
---------------------------
Báo Triều Tiên gọi ông Trump là "tội phạm", phải chịu hình phạt cao nhất
Theo hãng tin Sputnik, một hãng thông tấn Triều Tiên đã chỉ trích thậm tệ Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời cho rằng ông phải chịu hình phạt cao nhất vì đã “xúc phạm danh dự” của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trong một bài viết đăng trên báo Rodong Sinmun của Triều Tiên, sau khi ông Trump kết thúc chuyến công du châu Á 12 ngày, tờ báo cho rằng Tổng thống Mỹ “dám công kích mặt trời"
“Người dân Triều Tiên sẽ coi gương mặt của Trump là biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc của Mỹ và là mục tiêu của các hoạt động đáp trả không thương tiếc”, báo này nói thêm.
Báo Rodong Sinmun cũng chỉ trích ông Trump đã tỏ ra hèn nhát khi không đến thăm Khu vực Phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc giống như ba đời Tổng thống trước ông đã từng làm.
Triều Tiên cho rằng ông Trump “quá sợ hãi không dám đối mặt với ánh mắt của lực lượng quân đội chúng ta”. Phía Mỹ cho biết ông Trump có ý định bất ngờ đến DMZ, song thời tiết xấu đã buộc ông phải quay lại.
Trong thời gian lưu lại ở Hàn Quốc, ông Trump đã khuyến khích ông Kim ngồi vào bàn đàm phán với mình. Tại Quốc hội Hàn Quốc, mặc dù có đe dọa đáp trả, song Tổng thống Mỹ không dùng những ngôn từ mạnh bạo như ông đã đưa ra trước đó.
“Chúng tôi sẽ không để các thành phố của Hoa Kỳ phải đứng trước nguy cơ bị hủy diệt”, ông Trump nói. “Thế giới sẽ không chấp nhận một quốc gia chuyên dùng vũ khí hạt nhân để đe dọa các nước khác”.
Sau đó, trên trang Twitter cá nhân của mình, ông Trump viết: “Tại sao ông Kim Jong-un lại nói tôi là “người già” khi tôi sẽ không bao giờ gọi ông ta là người “béo lùn”? Tôi đã nỗ lực để làm bạn với ông ấy, hi vọng ngày nào đó nó sẽ thành sự thực”. Ông Trump đã từng gọi ông Kim là “người tên lửa” và đang “đưa đất nước đi vào con đường tự sát” trước đây.
“Tội ác lớn nhất mà Trump sẽ không bao giờ được tha thứ đó là ông ta dám làm tổn thương danh dự của lãnh đạo tối cao”, báo Rodong Sinmun nói. “Ông ta sẽ phải trả giá cho hành động báng bổ của mình”.
Trong khi đó, ông Trump khẳng định chuyến công du châu Á của mình là một thành công lớn. “Đất nước của chúng ta rất được tôn trọng ở châu Á. Mọi người sẽ thấy thành quả của chuyến đi dài nhưng thành công này trong nhiều năm tới”, ông Trump viết trên Twitter.(Infonet)