Thổ Nhĩ Kỳ công bố danh sách công ty Đức liên quan khủng bố; Tên lửa phòng không Mỹ lần đầu xuất hiện sát Nga; Singapore hỗ trợ Philippines chống IS; Tại sao Mỹ lo ngại khi Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 Nga?
Tin thế giới đáng chú ý 23-07-2017
- Cập nhật : 23/07/2017
Nga phát triển tên lửa hành trình chính xác tầm bắn 1.000 km
Nga đang phát triển nhiều loại tên lửa không đối đất chính xác có tầm bắn khác nhau nhằm đáp ứng cao nhất yêu cầu nhiệm vụ tác chiến.
Tổng giám đốc tập đoàn tên lửa chiến thuật (KTRV) Nga, Boris Obnosov cho biết nước này sẽ phát triển một loạt tên lửa hành trình không đối đất chính xác có khả năng tấn công mục tiêu từ khoảng cách 1.000 km, Tass ngày 20/7 đưa tin.
"Chúng tôi đang phát triển một loạt phiên bản tên lửa mới với tầm bắn 200 km, 400 km, 600 km và 1.000 km. Tôi tin rằng trước năm 2020, chúng tôi sẽ chắc chắn giới thiệu loạt tên lửa này", ông Obnosov tuyên bố khi được hỏi về việc liệu Nga có sản xuất phiên bản tương tự tên lửa hành trình tầm xa có độ chính xác cao JASSM của Mỹ hay không.
Theo quan chức quân sự Nga, việc phát triển loạt tên lửa chính xác có tầm bắn khác nhau là cần thiết bởi trong một số trường hợp, việc sử dụng tên lửa tầm xa không đạt được hiệu quả cao.
Tên lửa hành trình chính xác cao JASSM của Mỹ được dùng để tấn công các mục tiêu cố định và di động trong mọi điều kiện thời tiết, từ khoảng cách ngoài tầm hoạt động của lưới phòng không đối phương.
Tên lửa JASSM có tầm bắn 370 km, trong khi mẫu cải tiến JASSM-ER có thể tấn công mục tiêu từ 1.000 km.(Vnexpress)
-----------------------------
Giao tranh Marawi làm gia tăng nguy cơ tấn công ở Đông Nam Á
Cuộc giao tranh ở thành phố Marawi thuộc miền nam Philippines vừa làm thay đổi diện mạo chủ nghĩa cực đoan ở Đông Nam Á, có thể khiến các phần tử cực đoan xích lại gần nhau và gây ra thêm nhiều vụ tấn công bạo lực.
Đó là một trong những kết luận của Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC) ở Indonesia trong nghiên cứu được công bố ngày 21.7, theo báo Rappler.
Marawi bị các tay súng thuộc nhóm vũ trang Maute thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiến chiếm hôm 23.5, dẫn đến cuộc giao tranh quyết liệt với quân đội Philippines. Tính đến nay, cuộc giao tranh đã khiến hơn 500 người thiệt mạng, trong đó có 379 tay súng và 89 binh sĩ.
Trong nghiên cứu mới, IPAC cho rằng vụ nhóm Maute chiếm Marawi trong một thời gian dài đã khiến các phần tử cực đoan sẵn sàng gây ra bạo lực ở những nơi khác của khu vực. Tình trạng này có thể làm gia tăng nguy cơ tấn công bạo lực trong các thành phố khác của Philippines cũng như ở Indonesia và Malaysia, theo IPAC.
IPAC còn cảnh báo cuộc giao tranh ở Marawi có thể làm cho các phần tử cực đoan Đông Nam Á ngày càng xích lại và câu kết với nhau. “Những nguy cơ này sẽ không chấm dứt khi quân đội Philippines tuyên bố chiến thắng. Indonesia và Malaysia sẽ đối mặt mối đe dọa mới khi các tay súng trở về từ đảo Mindanao và Philippines sẽ trở thành nơi hoạt động của nhiều nhóm nhỏ hơn...”, Giám đốc IPAC Sidney Jones cảnh báo. Cũng theo nghiên cứu mới, sau khi IS bị đánh bại ở Trung Đông, những phần tử ủng hộ IS ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq có thể xem Philippines là nơi thay thế hấp dẫn.
Trước tình trạng như trên, IPAC kêu gọi các nước khu vực nâng cao hợp tác, chia sẻ thông tin và lập ngay danh sách chung về các nghi phạm khủng bố cần theo dõi. IPAC còn nhấn mạnh chính phủ Philippines cần chăm sóc tốt những người phải sơ tán do cuộc giao tranh Marawi và hỗ trợ họ tái thiết thành phố để đảm bảo khu vực không trở thành nơi tuyển mộ phần tử cực đoan mới. (Thanhnien)
----------------------------
Mỹ cảnh báo Iran về 'những hậu quả mới và nghiêm trọng'
Ngày 21/7, trong một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump chuẩn bị áp đặt trừng phạt "những hậu quả mới và nghiêm trọng" lên Iran, nếu những công dân Mỹ đang bị bắt giam tại Iran không được trả tự do và về nước.
Cảnh báo cứng rắn trên được đưa ra sau khi một công dân Mỹ 37 tuổi làm việc tại Đại học Princeton bị chính quyền Iran kết án 10 năm tù giam với tội danh "xâm nhập". Động thái mới nhất của chính quyền Mỹ được xem sẽ khiến quan hệ căng thẳng hiện nay giữa hai nước gia tăng.
Hôm 18/7, Mỹ đã công bố những biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Iran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của nước này cũng như các hoạt động mà Washington coi là Tehran "hỗ trợ các nhóm khủng bố" ở Trung Đông.
Hiện Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao chính thức kể từ tháng 4/1980 sau cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã gia tăng căng thẳng thời gian gần đây, bất chấp giai đoạn nồng ấm ngắn dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Năm 2015, Iran, Mỹ và các cường quốc khác đã kí 1 thỏa thuận, theo đó Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lại việc các nước dỡ bỏ trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump trong giai đoạn tranh cử hồi năm ngoái tuyên bố muốn hủy bỏ thỏa thuận lịch sử này.
Cùng ngày, phát biểu tại Vienna (Áo) trong cuộc gặp thường kì với đại diện các nước để đánh giá về thỏa thuận hạt nhân 2015, Iran đã bày tỏ sự bất bình về những biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ.
Theo nhà đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araqchi, hành động của Washington đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân. Ông cũng tố cáo Mỹ đang tìm cách "phá hoại tình hình, đe dọa các công ty nước ngoài đầu tư ở Iran".
Hồi đầu tuần, chính quyền Mỹ đã xác nhận phía Iran tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã kí kết.(TTXVN)
----------------------------------
Qatar tố UAE châm ngòi khủng hoảng vùng Vịnh
Qatar nói UAE tấn công mạng hãng thông tấn quốc gia của nước này, châm ngòi cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh tồi tệ nhất nhiều năm qua.
Hãng tin Qatar QNA nghi bị tin tặc tấn công vào ngày 24/5 và đăng những phát biểu giả mạo được cho là của Vua Qatar Tamim Bin Hamad al-Thani. Những phát biểu, Qatar bác bỏ, đề cập nhiều vấn đề chính trị nhạy cảm như Iran, nhóm Hồi giáo Hamas Palestine, Israel và Mỹ.
Vụ tấn công được thực hiện "từ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)", AFP dẫn lời tướng Ali Mohammed al-Mohannadi, đứng đầu nhóm điều tra của Qatar, nói ngày 20/7. "Tin tặc chiếm quyền kiểm soát mạng hãng tin, đánh cắp các tài khoản và đăng thông tin giả mạo".
Theo al-Mohannadi, kết quả điều tra đã được trình lên công tố quốc gia Qatar và họ sẽ có "biện pháp phù hợp".
Washington Post trước đó dẫn lời các quan chức Mỹ nói UAE có thể đứng sau vụ tấn công mạng. Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash sau đó phủ nhận cáo buộc.
Vụ tấn công mạng cuối cùng dẫn đến rạn nứt quan hệ giữa Qatar và các nước láng giềng. 4 nước Arab, gồm Arab Saudi, Bahrain, Ai Cập và UAE cắt quan hệ ngoại giao với Qatar ngày 5/6.(Vnexpress)
------------