Triều Tiên xa lánh Trung Quốc, xích gần Nga?; Trung Quốc "tính trước" chuyện Triều Tiên?; Lo ngại tên lửa Triều Tiên gắn chất độc VX
Tin thế giới đáng chú ý 26-09-2017
- Cập nhật : 26/09/2017
Iran giúp mưu kế Mỹ - Israel tự nhiên thành
Khi Washington đang loay hoay tìm ra cái cớ cho mình thì Tehran phóng thử tên lửa đạn đạo, tạo ra cơ hội tốt nhất cho Washington khắc phục sơ hở...
Iran thử tên lửa đạo đạo trong lúc Israel kêu gọi chấm dứt thoả thuận hạt nhân
The Times of Israel ngày 24/9 cho hay, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng An ninh Quốc gia sau khi Iran thử nghiệm một tên lửa đạn đạo mà được nhận diện có thể tiếp cận và đe doạ Israel .
Ngày 22/9 vừa qua, Tehran cho biết họ đã thử thành công một tên lửa tầm trung thế hệ mới, trong bối cảnh Washington tuyên bố đã chuẩn bị điều kiện để sẵn sàng dỡ bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Xin nhắc lại là ngày 14/7/2015, Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã ký kết một thoả thuận lịch sử liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Theo thỏa thuận, các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc áp đặt với Iran sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Tehran phải cam kết hạn chế lâu dài chương trình hạt nhân của mình mà bị phương Tây nghi ngờ phục vụ việc chế tạo vũ khí hạt nhân
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump lại luôn cho rằng Tehran không tuân thủ thoả thuận hạt nhân nên đã gia tăng trừng phạt, còn Iran cũng có những động thái gia tăng sức mạnh của mình và vụ thử tên lửa đạn đạo là động thái mới nhất.
Trước hành động của Tehran, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman cho răng đó không chỉ là sự khiêu khích, mà còn là cái tát đối mặt với Mỹ và các đồng minh. Và đó là bằng chứng cho tham vọng của Iran đe doạ ổn định tại Trung Đông.
Nhà chính trị theo quan điểm cực đoan của Israel lên tiếng : "Hãy tưởng tượng những gì sẽ xảy ra nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong khi đó là mục tiêu mà Tehran đang phấn đấu. Chúng tôi không thể cho phép điều đó xảy ra".
Nhân sự kiện này, giới chức Israel cũng lặp lại mối quan ngại của Tel Aviv về việc Tehran mở rộng ảnh hưởng quân sự sang Syria - đặc biệt là tới các khu vực gần biên giới với Israel - bằng cách hỗ trợ cho nhóm du kích phép Hezbollah.
Còn trong trong bài phát biểu tại khoá họp lần thứ 72 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Netanyahu đã ủng hộ quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và kêu gọi chấm dứt Thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1.
Nhà lãnh lãnh đạo Israel cho rằng Thỏa thuận hạt nhân Iran cần sửa đổi theo hướng kéo dài việc đóng băng chương trình hạt nhân của Iran trong 10 năm, thậm chí đình chỉ vĩnh viễn và tiêu hủy các lò phản ứng của Iran, thay vì tạm dừng hoạt động.
Rõ ràng, việc Iran tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo đã khiến cho nhà nước Do Thái quyết tâm theo đuổi việc huỷ bỏ thoả thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với các cường quốc.
Tehran thử tên lửa đạn đạo, tạo cớ cho Mỹ từ bỏ Thoả thuận hạt nhân Iran
Dù thoả thuận được cho là “hai bên cùng thắng”, nhưng nhiều người Mỹ không nhìn nhân như vậy, trong đó có tỷ phú Donald Trump. Trong quá trình tranh cử, vị tỷ phú liên tục cho rằng Thỏa thuận hạt nhân Iran là thất bại với Mỹ.
Khi nắm quyền, Tổng thống Trump đã nhiều lần lên tiếng sẽ lật ngược những cam kết trong thoả thuận. Ngày 19/9, từ diễn đàn LHQ, người đứng đầu Nhà Trắng tiếp tục lên án mạnh mẽ Thỏa thuận hạt nhân Iran.
“Thỏa thuận hạt nhân với Iran là một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất mà Mỹ từng tham gia. Đó là một sự xấu hổ đối với nước Mỹ. Thế giới cùng với Mỹ yêu cầu chính phủ Iran phải chấm dứt theo đuổi chương trình vũ khí hủy diệt".
Theo kế hoạch, ngày 15/10, chính quyền Tổng thống Trump chứng minh với Quốc hội Mỹ về việc Iran có hay không thực thi thỏa thuận hạt nhân. Với những gì đã diễn ra, việc Iran bị phủ nhận nỗ lực là rất dễ xảy ra, đồng nghĩa thỏa thuận hạt nhân lịch sử đứng bên bờ vực đổ vỡ.
Dư luận đặt câu hỏi : Điều gì đã khiến chính quyền Tổng thống Trump muốn từ bỏ thoả thuận hạt nhân Iran?
Giới phân tích cho rằng vấn đề nằm ở cơ chế giám sát thực thi thoả thuận mà ở đó Washington không thể xác lập niềm tin. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khi thăm trụ sở Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã thể hiện rõ điều đó.
Tại Viena, bà Haley cho biết, Tehran không cho tiếp cận các cơ sở quân sự, song Thỏa thuận hạt nhân Iran không phân biệt khu vực quân sự và phi quân sự. Vì vậy, nhà ngoại giao Mỹ yêu cầu IAEA sử dụng các cơ chế giám sát quân sự Iran.
Tuy nhiên, thiếu tướng Hassan Firouzabadi, Cố vấn quân sự của nhà lãnh tinh thần đạo tối cao Iran cho biết, việc quốc tế thanh sát các cơ sở quân sự Iran dưới cái cớ của thỏa thuận hạt nhân quốc tế là không thể chấp nhận.
Theo tướng Firouzabadi, Thỏa thuận hạt nhân Iran cho phép không kiểm tra các cơ sở quân sự của Iran. Nhà quân sự Iran cho rằng quan điểm của Đại sứ Mỹ tại LHQ Haley là nỗ lực của Washington nhằm hủy hoại Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Như vậy, rõ ràng vấn đề mâu thuẫn giữa Washington và Tehran về Thoả thuận hạt nhân Iran là xoay quanh vấn đề giám sát thực thi thoả thuận, mà nếu thực hiện sẽ diễn ra hoạt động thanh sát quân sự.
Việc Tehran phản đối việc thanh sát quân sự của Mỹ và phương Tây được nhìn nhận là do gần đây các cuộc thanh sát quân sự được thực hiện dưới danh nghĩa quốc tế đều là gây ra một mối lo với các quốc gia được đề xuất thanh sát.
Bởi khi thanh sát, các thanh sát viên quốc tế luôn phải vượt rào nội dung được quy định thanh sát, khiến cho mọi bí mật của một quốc gia bị phơi bày, đưa các chính quyền vào thế nguy hiểm.
Thậm chí kết quả cuối cùng trong kịch bản thanh sát quốc tế còn có thể dẫn đến việc vũ lực được sử dụng để lật đổ một chính quyền hợp hiến. Bài học Iraq, Libya vẫn còn luôn rất nóng hổi.
Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác, giới phân tích cho rằng người Mỹ không phải không có lý trong vấn đề này. Mà cụ thể là thoả thuận về tiêu huỷ vũ khí hoá học của Syria năm 2013 là bài học cho Washington khi “đặt niềm tin không kiểm chứng”.
Khi đó, Tổng thống Obama bị Tổng thống Putin đưa vào thế việt vị trong việc giao cho Mỹ và đồng minh tiêu huỷ kho vũ khí hoá học của Syria. Tuy nhiên, khối lượng 1.300 tấn vũ khí hoá học bị tiêu huỷ hoàn toàn là số liệu do Damascus cung cấp.
Hậu quả là đến lúc này cả giới quân sự và tình báo Mỹ vẫn không thể khẳng định liệu kho vũ khí hoá học của Syria đã bị tiêu huỷ hoàn toàn hay chưa. Do đó, mọi nhận định về việc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hoá học gần đây chỉ là đoán mò.
Sơ hở trong thoả thuận về tiêu huỷ vũ khí hoá học của Syria là bài học không thể quên với Washington
Điều đó khiến ngay việc Tổng thống Trump quyết định "cho Tomahawk bay vào Syria" cũng phải "hành động trong tư thế bị bịt mắt". Vậy nhưng với Thoả thuận hạt nhân Iran, việc thanh sát vẫn không có trong nội dung thoả thuận.
Điều đó cho thấy trong thoả thuận lịch sử này, chính quyền Obama vẫn bị sơ hở và đương nhiên Tổng thống Trump không muốn tiếp tục hành động trong tư thế bị bịt mắt nữa. Chỉ có điều người Mỹ chưa có được cái cớ tốt nhất để xúc tiến việc này.
Khi Washington đang loay hoay thì Tehran phóng thử tên lửa đạn đạo và đó được xem là cái cớ tốt nhất cho Washington khắc phục sơ hở. Lúc này việc thực thi thoả thuận hạt nhân rơi vào tình thế, hoặc phải thanh sát quân sự, hoặc sửa đổi nội dung.
Ngay trước cuộc gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tilleson cũng đã thể hiện quan điểm đó của Washington, khi cho rằng Thỏa thuận hạt nhân Iran cần thay đổi theo hướng tăng cường hoạt động giám sát bổ sung, ngăn chặn nguy cơ phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran. (NGọc Việt - Baodatviet.vn)
--------------------------
Người Kurd đòi độc lập, Thổ Nhĩ Kỳ-Iran đe dọa
Khả năng lớn kết quả sẽ là đồng ý. Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran lo ngại kết quả này sẽ khuyến khích người Kurd tại các nước này làm theo.
Ngày 25-9, người Kurd ở Iraq đi bỏ phiếu trưng cầu độc lập theo sự tổ chức của Chính quyền Khu vực người Kurd (KRG) ở bắc Iraq, bất chấp đe dọa của chính phủ Iraq và các láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran.
Theo thể thức trưng cầu, không chỉ người Kurd mà cả không phải người Kurd từ 18 tuổi trở lên ở bắc Iraq đều có quyền bỏ phiếu. Ủy ban trưng cầu ước tính số người bỏ phiếu hợp lệ khoảng 5,2 triệu, gồm cả người sống ở nước ngoài.
“Chúng tôi đã đợi cả 100 năm cho ngày này. Chúng tôi muốn có một quốc gia riêng, với sự giúp đỡ của Chúa. Hôm nay là ngày kỷ niệm với toàn thể người Kurd. Cầu Chúa phù hộ, chúng tôi sẽ nói đồng ý, đồng ý cho quốc gia người Kurd” – Reuters dẫn lời một người Kurd đứng xếp hàng chờ bỏ phiếu ở TP Erbil, thủ phủ của KRG.
Người Kurd khoe dấu hiệu mình vừa bỏ phiếu trưng cầu, tại Halabja (Iraq) ngày 25-9. Ảnh: REUTERS
Kết quả trưng cầu sẽ có trong vòng 72 giờ. Reuters dẫn dự đoán nhiều nhà quan sát rằng khả năng lớn kết quả sẽ là đồng ý cho người Kurd độc lập. Theo đó, lãnh đạo KRG Massoud Barzani được ủy nhiệm thương lượng ly khai với chính phủ Iraq cũng như với cả các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Thời thế chiến thứ nhất, các sức mạnh thực dân Anh và Pháp đã chia nhỏ đế chế Ottoman và cộng đồng người Kurd trở thành cộng đồng lớn nhất trong khu vực chịu tình trạng không có nhà nước. Cả khu vực hiện đang có khoảng 30 triệu người Kurd, sống ở các vùng biên giới 4 nước Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và Syria.
Bảo vệ an ninh khu vực bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Erbil (Iraq) ngày 25-9. Ảnh: REUTERS
Trước khi trưng cầu diễn ra, lãnh đạo KRG Barzani phải chịu áp lực rất lớn từ quốc tế, lo ngại nguy cơ xung đột giữa người Kurd với không chỉ chính phủ Iraq mà cả với các láng giềng đầy sức mạnh như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran lo ngại việc người Kurd ở Iraq độc lập sẽ khuyến khích người Kurd tại các nước này làm theo.
Mỹ trước đó đã kêu gọi KRG hủy bỏ trưng cầu, lo ngại sẽ làm xao lãng cuộc chiến đánh IS. Trong khi đó Hội đồng Bảo an LHQ cảnh báo cuộc trưng cầu có nguy cơ hủy hoại Iraq.
Ngày 24-9, chính phủ Iraq yêu cầu các nước ngừng giao dịch mua bán dầu với người Kurd, đòi KRD trao trả quyền kiểm soát các sân bay quốc tế và các đồn biên phòng với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Iran thông báo lệnh cấm bay trực tiếp đến và đi khu vực người Kurd ở Iraq.
Ngày 25-9, Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa cửa biên giới Habur ở đông nam, giáp biên giới phía bắc Iraq. Trước đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ gọi cuộc trưng cầu là “sai lầm nghiêm trọng”, đe dọa sẽ dùng “mọi biện pháp” phù hợp luật quốc tế nếu cuộc trưng cầu này đe dọa đến an ninh quốc gia mình.
Bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Halabja (Iraq) ngày 25-9. Ảnh: REUTERS
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không công nhận kết quả trưng cầu, cáo buộc KRG đe dọa hòa bình, ổn định Iraq và khu vực, cảnh báo nguy cơ “các phần tử cực đoan và khủng bố” có thể sẽ trỗi dậy phá hoại an ninh sau cuộc trưng cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo người Thổ đang sinh sống ở các tỉnh người Kurd chiếm đa số ở Iraq như Dohuk, Erbil, Sulaimaniya nhanh chóng rời đi để đảm bảo an toàn.
Dù đe dọa nhưng Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn chưa đụng chạm gì đến đường ống xuất khẩu dầu của người Kurd bắc qua lãnh thổ mình.(PLO)
----------------------------
Cuộc đua tác chiến sơn cước Ấn - Trung
Ấn Độ và Trung Quốc đang cấp tập phát triển các loại khí tài thích hợp với điều kiện tác chiến núi non hiểm trở ở khu vực biên giới.
Đợt căng thẳng liên quan đến cao nguyên Doklam kéo dài từ ngày 16.6 - 28.8 vừa qua là bằng chứng mới nhất cho thấy vấn đề biên giới vẫn là “hòn đá tảng” trong quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh. Báo đài Trung Quốc thậm chí nhắc lại cuộc chiến năm 1962 để “dằn mặt” Ấn Độ.
Đến nay, căng thẳng tuy đã hạ nhiệt nhưng cả hai bên vẫn đang chạy đua xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường lực lượng tại khu vực giới tuyến núi non hiểm trở. Theo giới quan sát, binh sĩ Ấn Độ được cho là có kinh nghiệm và năng lực tác chiến vùng sơn cước vượt trội hơn nhưng nước này đang tụt lại phía sau trong cuộc đua phát triển các loại khí tài phù hợp với địa hình núi non.
Theo chuyên san The National Interest, Ấn Độ hiện sở hữu 2.400 xe tăng T-72, 1.600 chiếc T-90 và hơn 100 xe tăng Arjun tự phát triển. Tuy nhiên, tất cả đều bị đánh giá là quá cồng kềnh và nặng nề để hoạt động ở địa hình miền núi và nhiệm vụ chủ yếu là vận hành ở vùng sa mạc dọc biên giới với Pakistan. Trong khi đó, ngay trong giai đoạn căng thẳng leo thang vừa qua, Trung Quốc đã cho thử nghiệm xe tăng hạng nhẹ mới phát triển mang tên ZTQ tại Tây Tạng. Các nguồn tin quốc phòng tiết lộ ZTQ có trọng lượng chiến đấu từ 33 - 36 tấn, động cơ 1.000 mã lực, được trang bị pháo cỡ 105 mm cùng một số vũ khí khác. Đáng chú ý là theo thiết kế, khẩu pháo của ZTQ có khả năng vươn cao để mở rộng góc bắn. Đặc điểm này sẽ giúp tăng cường năng lực tấn công các điểm cao chiến lược tại biên giới trong trường hợp nổ ra xung đột.
Trước nguy cơ chậm chân hơn láng giềng, các nhà hoạch định quân sự Ấn Độ gấp rút lên kế hoạch phát triển xe tăng hạng nhẹ, có thể vận chuyển bằng máy bay tới các khu vực cao dọc biên giới. The National Interest dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ xe tăng mới sẽ được thiết kế với trọng lượng chiến đấu khoảng 22 tấn, hoạt động được ở vùng núi cao 3.000 m và có khả năng tấn công mục tiêu từ khoảng cách hơn 2 km. Ngoài ra, New Delhi cũng đang thử nghiệm xe chiến đấu bộ binh hạng nhẹ mang tên Namica, cải tiến từ mẫu BMP-2 của Liên Xô trước đây. Namica nặng 14,5 tấn và sở hữu bệ phóng mang tổng cộng 12 tên lửa.
Theo tờ Hindustan Times, đi kèm với xe chiến đấu Namica sẽ là tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM) hiện đại được gọi là Nag, nghĩa là rắn hổ mang trong tiếng Hindi. Trong đợt thử nghiệm hồi đầu tháng, Nag đã “bắn trúng mục tiêu ở các khoảng cách và điều kiện ngày đêm khác nhau với độ chính xác rất cao”, thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay. Được phát triển từ năm 2009 theo kế hoạch trị giá 42 triệu USD, tên lửa mới nặng 42 kg, tầm bắn tối đa 4 km và tốc độ bay 230 m/giây. Mang đầu đạn 8 kg, Nag được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến như thiết bị dò tìm bằng tia hồng ngoại với hệ thống dẫn đường điện tử để phá hủy xe tăng chiến đấu hiện đại và các loại xe thiết giáp khác. Tên lửa thế hệ mới vận hành theo cơ chế “bắn và quên”, tức là sau khi được phóng đi không cần thêm bất kỳ thao tác điều khiển nào khác mà vẫn có thể tấn công mục tiêu. Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, dự án Nag đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm phát triển và sẽ sớm triển khai sản xuất hàng loạt.(Thanhnien)