Mỹ tăng bán vũ khí, che giấu tuồn vào Syria; Đức: Bà Merkel chiến thắng nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư; Mỹ dọa đồng minh dù Nga tập trận xong
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 26-09-2017:
- Cập nhật : 26/09/2017
Triều Tiên xa lánh Trung Quốc, xích gần Nga?
Thông tin từ nguồn thạo tin cho thấy Triều Tiên ngày càng “hờ hững” với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh gây áp lực Bình Nhưỡng liên quan tới vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên tại Bắc Kinh ngày 25-9 cho hay Trung Quốc hiện gặp khó khăn trong vấn đề liên lạc với Triều Tiên. Các kênh liên lạc ngoại giao cấp cao giữa hai bên được cho gần như đã bị gián đoạn.
“Việc liên lạc giữa hai bên quả thật không còn diễn ra suôn sẻ. Một thời gian dài, việc trao đổi giữa quan chức cấp cao hai bên bị gián đoạn và vẫn chưa có động tĩnh gì cho thấy ý định của họ về việc tái khởi động các kênh liên lạc” – nguồn tin trên tiết lộ.
Lần tiếp xúc quan trọng gần nhất giữa hai nước là một “cuộc đối thoại chiến lược” hồi tháng 6-2013 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên khi đó là ông Kim Kye-gwan và người đồng cấp Trung Quốc Trương Nghiệp Toại để thảo luận về việc mở lại các cuộc đàm phán sáu bên.
Vụ trưởng Vụ các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui trong một chuyến thăm Bắc Kinh hồi giữa năm 2016. Ảnh: KYODO
Đầu tháng trước, tại một diễn đàn khu vực thường niên của ASEAN ở Manila (Philippines), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp ngắn với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho để cảnh báo về các động thái khiêu khích quân sự của Bình Nhưỡng
Cũng theo nguồn tin trên, Trung Quốc khẳng định nước này đang thực hiện mọi nỗ lực để thuyết phục Triều Tiên không phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa nhưng vẫn chưa cho thấy hiệu quả.
Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin bà Choe Son-hui, vụ trưởng Vụ các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, đã bắt đầu chuyến thăm Nga trong hôm nay (25-9). Bà Choe dự kiến sẽ có cuộc gặp với đại sứ lưu động Nga Oleg Burmistrov tại Moscow.
Đài NHK (Nhật) cho biết phái đoàn Triều Tiên do bà Choe dẫn đầu đã hạ cánh tại một sân bay ở TP Vladivostok nhưng không rõ lịch trình cụ thể. Chuyến thăm này làm dấy lên nhiều đồn đoán về việc Triều Tiên tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga trong bối cảnh Bình Nhưỡng bị bủa vây “tứ phía” bởi các biện pháp trừng phạt.
Theo Yonhap, chuyến thăm của bà Choe được đánh giá là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Tuần trước, bà Choe cũng đã gặp Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora để thảo luận về tình hình khu vực.
Trung Quốc hiện là đồng minh chính duy nhất của Triều Tiên. Gần 80% kim ngạch thương mại quốc tế của Triều Tiên được thực hiện với Trung Quốc.
Tuy nhiên, dưới áp lực từ Mỹ, Trung Quốc gần đây đã có các động thái mạnh tay với Triều Tiên, từ việc đồng ý thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên lần 9 của Liên Hiệp Quốc tới các lệnh hạn chế xuất khẩu xăng dầu sang Triều Tiên và cấm nhập khẩu hàng dệt may của Bình Nhưỡng.
Về phía Nga, nước này liên tục lên tiếng kêu gọi giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không thông qua vũ lực. Trước phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây về việc “tiêu diệt hoàn toàn” Triều Tiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã trấn an rằng với việc Bình Nhưỡng sở hữu bom hạt nhân, Mỹ sẽ không dám tấn công Triều Tiên.
Với các động thái trên, việc Triều Tiên có thật sự muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và xích gần Nga hơn hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.(PLO)
----------------------------
Trung Quốc "tính trước" chuyện Triều Tiên?
Bắc Kinh cần đưa ra kế hoạch dự phòng – hoặc độc lập hoặc kết hợp với Washington và Seoul - trong trường hợp cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên leo thang thành xung đột.
Trên đây là cảnh báo của một nhà phân tích hàng đầu của Trung Quốc, báo South China Morning Post đưa tin hôm 24-9.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí trực tuyến East Asia Forum (Úc) hồi đầu tháng này, GS chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Bắc Kinh, Jia Qingguo, kêu gọi Trung Quốc hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc lập kế hoạch dự phòng về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Jin đề cập 4 vấn đề chính cần giải quyết: kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, dòng người tị nạn, khôi phục trật tự xã hội và dàn xếp chính trị sau khủng hoảng.
"Cho đến hiện tại, Bắc Kinh thường phản đối (giải pháp quân sự) vì sợ làm xáo trộn và mếch lòng Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây, Bắc Kinh có thể không còn sự lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc nói chuyện với Washington và Seoul" – ông Jia viết.
Những nước liên quan nên thiết lập một khu vực an toàn ở Đông Bắc Trung Quốc để cho người tị nạn Triều Tiên trú ngụ. Ảnh: KYODO
Ông Jin còn lưu ý nếu Bình Nhưỡng "có mệnh hệ nào", Trung Quốc hoặc Mỹ nên sẵn sàng quản lý các cơ sở hạt nhân của họ để ngăn chặn vũ khí phát tán ra bên ngoài. Thêm vào đó, những nước liên quan nên thiết lập một khu vực an toàn ở Đông Bắc Trung Quốc để cho người tị nạn Triều Tiên trú ngụ.
Sau cùng, Bắc Kinh cần thảo luận với Washington về việc có nên chấp nhận một bán đảo Triều Tiên thống nhất hay không.
Chuyên gia về Triều Tiên Sun Xingjie đến từ Trường ĐH Jilin (Trung Quốc) cũng đồng tình. "Chuẩn bị tốt ở khu vực biên giới để đối phó một cuộc khủng hoảng hạt nhân hay người tị nạn là một ý kiến hay" – ông Sun nói. Nhưng chuyên gia này nhận định nguy cơ xung đột là khá thấp vì Bình Nhưỡng cũng sở hữu vũ khí hạt nhân và giữa các quốc gia hạt nhân chưa từng có mâu thuẫn nào quá lớn để bùng phát thành xung đột.
Một số nhà quan sát cho biết còn quá sớm để thảo luận về một Bình Nhưỡng thời hậu chiến. Theo giới phân tích, hiếm khi một chủ đề như vậy được nêu ra bởi các học giả Trung Quốc.
Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh thực hiện nhiều bước đi khác nhau để bày tỏ sự thiếu kiên nhẫn đối với người hàng xóm. Gần đây nhất, Trung Quốc cấm nhập khẩu hàng dệt may từ Triều Tiên và hạn chế nguồn cung cấp dầu mỏ bắt đầu từ năm sau.
Đã có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị về mặt quân sự. Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết Phó Tổng tham mưu trưởng Quân khu miền Trung, Xu Qiliang, gần đây đã thị sát lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh miền Bắc vốn phụ trách khu vực biên giới giữa Trung Quốc với Triều Tiên.(NLĐ)
----------------------------
Lo ngại tên lửa Triều Tiên gắn chất độc VX
Chuyên gia lo ngại kho vũ khí hóa học của Triều Tiên cũng có thể gây ra hậu quả khủng khiếp.
Theo NBC News hôm 24-9, Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân ước tính Triều Tiên sở hữu từ 2.500 đến 5.000 tấn vũ khí hóa học.
Đặc biệt, Bình Nhưỡng được cho là dự trữ nhiều VX - chất độc thần kinh gây chết người. Đây là loại chất độc từng được dùng để ám sát người được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo Kim Jong-un, tại sân bay Kuala Lumpur - Malaysia.
Theo ông Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy của Trung đoàn vũ khí hoá học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN) Anh, kho dự trữ hoá học của Triều Tiên có thể gây tổn hại đến hàng ngàn người nếu chúng được gắn vào tên lửa hoặc rơi vào tay những kẻ Hồi giáo cực đoan.
Ông nói: "Khả năng mà Triều Tiên cung cấp chất hóa học hoặc khả năng hạt nhân cho các tay súng là mối quan tâm lớn tại thời điểm này. Nhiều người có thể đã quên nhưng trong năm 2006, Triều Tiên từng giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad và chính quyền của ông thực hiện chương trình hạt nhân nhưng sau đó bị Israel phá hủy".
Cách đây vài tuần, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đã chặn hai tàu Triều Tiên tiến về phía Bắc Syria cùng với "các trang thiết bị dùng để chế tạovũ khí hóa học", theo NBC. Ông De Bretton-Gordon mô tả VX là loại vũ khí hoá học độc hại nhất từng được sản xuất và chỉ cần lượng cực nhỏ có thể gây chết người.
Tại hội nghị quốc tế về thiết bị quốc phòng và an ninh diễn ra ở London - Anh, ông de Bretton-Gordon nói: "Tôi nghĩ bây giờ chúng ta biết rằng Triều Tiên có 5.000 tấn VX. Chúng ta biết họ có tên lửa có khả năng bắn từ 6.437 đến 9.656 km và khả năng mang đầu đạn nửa tấn. Nửa tấn VX trên tên lửa cũng có thể giết chết hàng chục ngàn người và Triều Tiên có thể làm điều đó bây giờ. Do đó đây là mối quan tâm thực sự".
Tuy nhiên, chuyên gia Hazel Smith tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS) ở London nói rằng sẽ có sự thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Triều Tiên. Theo bà, Triều Tiên sẽ quan tâm nhiều hơn tới việc bảo vệ việc nhập khẩu dầu vốn vẫn đang hoạt động bất chấp các biện pháp trừng phạt kinh tế.(NLĐ)