Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Mỹ sẽ giành quyền kiểm soát ở Biển Đông
Tin thế giới đáng chú ý trưa 26-09-2017
- Cập nhật : 26/09/2017
Mỹ tăng bán vũ khí, che giấu tuồn vào Syria
Mỹ tư nhân hóa buôn bán vũ khí phi quân sự là một chiêu thức mới để tuồn vũ khí vào Syria từ Trung và Đông Âu.
RT mới đây có bài phân tích về việc Mỹ đang tìm cách che giấu các bằng chứng được một tổ chức nghiên cứu độc lập báo cáo về đường dây tuồn vũ khí từ Trung và Đông Âu vào Syria của Lầu Năm Góc và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Theo đó, ở Mỹ thời gian qua đang dấy lên tranh cãi về việc thay đổi các quy định trong xuất khẩu là việc tư nhân hóa buôn bán vũ khí quân sự.
Reuters thông tin, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có sự thay đổi trách nhiệm ban hành giấy phép xuất khẩu cho "vũ khí phi quân sự" từ Bộ Ngoại giao về Bộ Thương mại. Sự thay đổi này có thể được thực hiện trong những tháng tiếp theo.
Khối lượng vũ khí sản xuất tư nhân của Hoa Kỳ được buôn bán trên khắp thế giới theo các con số thống kê được hiện nay là rất lớn.
Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ và cỡ nhỏ trị giá 4 tỉ USD. Con số này dự kiến sẽ tăng 15-20% trong tương lai. Những vũ khí này bao gồm súng ngắn, súng trường tấn công và thậm chí súng phóng tên lửa cho những người đam mê súng phiêu lưu.
Theo mục tiêu của Bộ Thương mại đề xuất, dòng chảy của vũ khí ở nước ngoài dự kiến sẽ gia tăng đáng kể. Đó là vì vũ khí được thông qua Bộ Thương mại ít có hạn chế về nguy cơ phổ biến vũ khí trái phép hơn so với cơ quan Nhà nước là Bộ Ngoại giao cấp phép. Và việc Bộ Thương mại quan tâm chỉ là tối đa hóa thương mại và lợi nhuận.
Chính quyền của Trump đang thúc đẩy sự thay đổi về luật pháp trên cơ sở là sẽ thúc đẩy thương mại của Mỹ. "Mua hàng Mỹ" là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Donald Trump: "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Và vũ khí phi quân sự sẽ là lĩnh vực quan trọng để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và tạo khối lượng công việc lớn cho nước Mỹ.
Chiến dịch bầu cử của Trump đã được Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ quản lý với giá 30 triệu USD.
Reuters ghi nhận mối lo ngại của các nhà lập pháp cấp cao của Mỹ cho rằng: "Các khẩu súng trường tấn công như Bushmaster sẽ là một số vũ khí mạnh nhất được kỳ vọng sẵn sàng cho xuất khẩu thương mại theo các luật mới".
Tuy nhiên, theo trang tin RT của Nga, vấn đề này không chỉ đơn giản là sự thờ ơ trong việc theo đuổi lợi nhuận. Nó cũng bao gồm việc che giấu các mối liên kết tiềm tàng giữa các cơ quan Mỹ và việc gia tăng các nhóm khủng bố ở Trung Đông.
Dòng chảy vũ khí từ Âu sang Trung Đông dưới sự điều hành của Mỹ?
Báo cáo điều tra của nhóm Mạng lưới các phóng viên Điều tra Balkans (BIRN) công bố hồi đầu tháng này cho biết, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Lầu Năm Góc đã bí mật điều hành một đường dây vận chuyển vũ khí khổng lồ cho các chiến binh ở Syria nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo BIRN, việc chuyển giao vũ khí này bao gồm súng trường tấn công do Liên Xô chế tạo và lựu đạn phóng lựu.
Các vũ khí này dường như đã được thu gom từ các nhà cung cấp ở Bosnia, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Đức và các nơi khác, sau đó được vận chuyển từ Bulgaria và Romania tới Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan trước khi đến đích cuối cùng tại Syria.
Vấn đề hiện nay đối với các cơ quan chức năng ở Mỹ là việc buôn bán vũ khí với quy mô công nghiệp như vậy lại chỉ có dấu vết rất mập mờ, từ các hợp đồng mua bán đến vận chuyển.
Giấy tờ BIRN khai thác được có các bằng chứng rõ ràng liên quan đến Lực lượng Tác chiến đặc biệt Mỹ (SOCOM) và CIA. Đó là một trong những nguyên nhân khiến CIA đã lọt vào tầm quan sát của giới chức Đức vì nghi ngờ vận chuyển lậu số vũ khí từ Trung và Đông Âu tới Syria. Vụ việc đã thuộc vào diện buộc phải điều tra.
Đơn cử như BIRN đã xác định được hơn 700 triệu USD được chi tiêu cho vũ khí và đạn dược kể từ tháng 9/2015 nhằm cung cấp cho phiến quân ở Syria.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên ngân sách 584 triệu USD cho hoạt động này vào các năm, tài chính 2017 và 2018 cũng như khoản 900 triệu USD mua đạn dược thời Liên Xô từ nay đến năm 2022.
Các vũ khí và đạn dược mà Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp cho Syria được gửi đi thông qua một mạng lưới hậu cần bao gồm một đội quân buôn bán vũ khí, các công ty vận tải, các hãng hàng không, các căn cứ quân sự của Đức, các sân bay ở Balkan và các cảng.
Việc mua hàng được định tuyến qua 2 kênh. Một do SOCOM điều hành và một do Picatinny Arsenal điều hành.
BIRN cho biết, Picatinny Arsenal là một kho vũ khí ít được biết đến, có liên kết mật thiết với căn cứ quân sự ở Rock Island, New Jersey.
Picatinny Arsenal đã mua vũ khí và đạn dược của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ có trị giá 480 triệu USD từ Bulgaria, Croatia, Romania, Séc, Ukraine, Georgia, Ba Lan và Serbia.
Đơn vị này đã trưng các dữ liệu công khai hồ sơ cung cấp số lượng lớn các thiết bị của khối Đông Âu cho Iraq và Afghanistan. Nhưng sau đó, đơn vị này đã thận trọng hơn về các dữ liệu hợp đồng mua bán kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Syria. Thay vì địa điểm cuối cùng của vũ khí là Iraq hay Afghanistan, đơn vị này đã không ghi nhãn hàng hóa cho sản phẩm được gửi tới Syria.
Lý giải của BIRN cho rằng, việc mờ ám này là bởi cuộc chiến ở Syria là một hình thức xung đột khác, ở đó, vũ khí được cung cấp là cho nhóm dân quân đứng lên chống lại chính phủ hiện tại chứ không phải là cấp vũ khí cho một lực lượng Nhà nước.
BIRN đã phát hiện 7 hợp đồng trị giá 71 triệu USD được ký kết vào tháng 9/2016 cho chương trình được mã hóa theo Bộ Quốc phòng Mỹ là "V7" nhằm đào tạo và trang bị cho các lực lượng dân chủ ở Syria.
Tuy nhiên, sau khi BIRN yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ và các nước có liên quan cung cấp về việc giao nhận gói hàng này vào tháng 3 năm nay, các tài liệu trên đã nhanh chóng bị xóa khỏi hồ sơ công khai.
Các phóng viên của BIRN đã sao chụp tất cả các tài liệu trước khi chúng bị xóa và Lầu Năm Góc đã từ chối giải thích những thay đổi dữ liệu này.
RT bình luận, bằng việc chuyển giao trách nhiệm giám sát xuất khẩu vũ khí phi quân sự từ Bộ Ngoại giao về Bộ Thương mại, chính quyền Mỹ có thể che giấu sự tham gia của Chính phủ liên bang trong việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp.
Thay vì Lầu Năm Góc hoặc CIA phải làm các loại giấy tờ, hợp đồng mua bán, vận đơn... cho các hoạt động vận chuyển mờ ám của mình thì trách nhiệm làm các giấy tờ đó bây giờ, dưới sự cho phép của Bộ Thương mại Mỹ, sẽ chuyển cho các công ty vũ khí tư nhân và những người mua cá nhân ở nước ngoài.
Rõ ràng, việc tư nhân hóa các hợp đồng buôn bán vũ khí phi quân sự sẽ cho phép Washington né tránh những câu hỏi về sự vi phạm luật pháp quốc tế.
Điều này ắt hẳn sẽ giảm bớt trách nhiệm giải trình của chính quyền Mỹ khi việc vận chuyển vũ khí sang Syria đang được điều tra. Lầu Năm Góc và CIA có thể dễ dàng đưa ra các phủ nhận hợp lý trước những cáo buộc tài trợ cho các phần tử khủng bố.(Đông Phong - Baodatviet.vn)
---------------------------
Đức: Bà Merkel chiến thắng nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 24-9 đã giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ tư nhưng phải đối mặt với khó khăn trong việc hình thành liên minh cầm quyền.
Ông Martin Schulz, ứng cử viên đối thủ phe trung tả của bà Merkel, thừa nhận đảng Dân chủ xã hội (SPD) của ông đã bị "đánh bại". Ông Schulz sau đó tuyên bố sẽ đưa SPD, đối tác nòng cốt trong liên minh các đảng phái nắm quyền thống trị truyền thống trở thành đảng đối lập.
Trong khi đó, bà Merkel phát biểu sau khi giành chiến thắng cuộc bầu cử ngày 24-9: "Chúng tôi có nhiệm vụ thành lập chính phủ mới. Bốn năm qua tôi đã trải qua rất nhiều thử thách".
Nhấn mạnh việc "chúng ta đang sống trong thời kỳ bão tố", bà Merkel cam kết sẽ thành lập một chính phủ có tính ổn định cao tại Đức.
Các đài truyền hình ARD và ZDF cho biết đảng CDU của bà Merkel và đồng minh – đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) giành được tổng cộng 33% phiếu bầu, giảm so với 41,5% cách đây 4 năm. Đây được xem là "màn trình diễn kém cỏi nhất" CDU và CSU trong các cuộc bầu cử gần đây.
SPD của ông Schulz chỉ thu về dưới 21% phiếu bầu, giảm từ mức 25,7% vào năm 2013 và 23% cách đây 8 năm. Còn đảng cực hữu Sự lựa chọn khác vì nước Đức (AfD) cán đích ở vị trí số 3 với 13% phiếu bầu, theo sau là đảng Dân chủ Tự do (FDP) với khoảng 10,5% phiếu bình chọn.
Riêng đảng Cánh tả cùng đảng Xanh mỗi đảng giành được 9% phiếu bầu.
FDP là một trong những đối tác liên minh của Thủ tướng Merkel trong nhiệm kỳ hai (2009-2013) của bà nhưng đã để mất toàn bộ số ghế tại quốc hội 4 năm trước. Kết quả bầu cử lần này cho thấy sự trở lại ngoạn mục của họ. Thủ lĩnh FDP Christian Lindner nói với phóng viên: "Ở một quốc gia lớn, sự trở lại của chúng tôi là một thông điệp đáng khích lệ. Sau thất bại có thể sẽ là một khởi đầu mới".
Theo hãng tin AP, bà Merkel sẽ không thành lập liên minh với đảng Cánh tả. Như vậy, chính phủ Đức có thể tiếp tục bằng một "đại liên minh" hoặc sự kết hợp giữa liên minh của bà Merkel với FPD và đảng Xanh. Liên minh này còn được biết đến với cái tên "liên minh Jamaica".
Đảng SPD hôm 24-9 cho biết sẽ không tiếp tục ủng hộ bà Merkel. Ông Schulz nói: "Rõ ràng cử tri đã đặt chúng tôi vào vai trò đối lập". Đề cập tới vị trí thứ ba trong cuộc bầu cử của AfD, ông Schulz cho biết thêm: "Không thể có một đảng cực hữu dẫn đầu phe đối lập ở Đức".(NLĐ)
------------------------
Mỹ dọa đồng minh dù Nga tập trận xong
Phương Tây cùng các nước Baltic và Ba Lan đã vẽ nên một bức tranh rất khác về Zapad-2017.
Lo ngại hay hoang tưởng?
Nga cùng Belarus đã kết thúc cuộc tập trận chung quy mô lớn mang tên Zapad 2017 (phương Tây 2017) từ ngày 14-20/9.
Tuy vậy, đây tiếp tục trở thành chủ đề được giới phân tích phương Tây mổ xẻ với những dự đoán về ý đồ và hành động trong tương lai của Nga.
Theo Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, Zapad 2017 có thể là cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Các quốc gia vùng Baltic đã bày tỏ mối lo ngại và cho rằng cuộc tập trận này gây ra một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia của họ và làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng chiến lược vốn đã hiện diện ở khu vực này.
Trong khi đó, những ý kiến khác lại cho rằng các cảnh báo này là hoang tưởng và không thể biện minh.
Những cảnh báo của các nước Baltic từng được đưa ra vào năm 2010 khi Pháp lần đầu tiên nhất trí bán một số tàu đổ bộ Mistral cho Nga, bất chấp các mối quan ngại và phản đối ban đầu của một số quốc gia thành viên NATO, trong đó có các nước Baltic.
Zapad, có nghĩa là "phía Tây" trong tiếng Nga, đồng thời biểu thị đường hướng chiến lược về phía Tây. Đây là cuộc tập trận Zapad đầu tiên kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào đầu năm 2014.
Là cuộc tập trận chung giữa Nga và Belarus, Zapad diễn ra trên khắp vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Belarus đến bán đảo Kola ở vùng Viễn Bắc. Chỉ riêng ở Belarus có tới 7 cuộc tập trận trong khuôn khổ Zapad.
Nga và Belarus đều tuyên bố số lượng binh sĩ tham gia không vượt quá mức tối đa là 13.000 như đã được quy định trong Văn kiện Vienna năm 2011.
Trong số này, Belarus khẳng định 3.000 quân nhân đại diện cho phía Nga, cùng với khoảng 280 xe, phương tiện cùng với 25 máy bay phản lực và trực thăng; phần còn lại là của phía Belarus.
Sự hiện diện của Nga bao gồm các đơn vị thuộc Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1, đặc biệt là Sư đoàn bọc thép tinh nhuệ Tamanskaia.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đảm bảo với phương Tây rằng sự minh bạch mang tính bắt buộc theo hiệp ước được duy trì, đồng thời giấy mời tham gia được gửi cho các nhà quan sát 50 ngày trước khi diễn ra cuộc tập trận; tuy nhiên, Nga đã có một số phản đối trước những cam kết của ông Lukashenko.
Về mặt hình thức, Zapad-2017 là cuộc tập trận có khái niệm mang tính phòng thủ. Do những đặc điểm nổi bật này, Nga đã mô tả các quốc gia thuộc vùng Baltic, nhất là Litva, là những nước gieo rắc sự hoang mang.
Người ta cho rằng một số nhà phân tích Nga thậm chí còn nhận định Zapad-2017 được duy trì trên quy mô nhỏ là nhằm làm dịu bớt những quan ngại của NATO.
Quy mô thực sự
Phương Tây cùng các nước Baltic và Ba Lan đã vẽ nên một bức tranh rất khác về Zapad-2017. Những điểm khác biệt này bắt đầu với việc Nga gia tăng số lượng đặt các toa xe lửa hàng năm tại Belarus tới con số đáng kinh ngạc.
Các nhà phân tích ở khu vực Baltic tin rằng so với quy định là chỉ có 13.000 binh sĩ tham gia, Zapad-2017 thực tế có sự tham dự của hơn 100.000 quân, đòi hỏi phía Nga phải sử dụng khoảng 4.000 toa xe lửa để di chuyển quân và đảm bảo công tác hậu cần.
Số lượng toa xe lửa được Moscow đặt được Chính phủ Nga công khai ước tính có thể vận chuyển tới 8.000 quân, một con số mâu thuẫn với số lượng chính thức mà Belarus đã công bố về quy mô tham gia của Nga trong cuộc tập trận.
Những tính toán của phương Tây cho thấy số toa xe lửa này đủ khả năng vận chuyển 2 sư đoàn cơ giới và thiết giáp của Nga - khoảng 30.000 binh sĩ và đội ngũ nhân viên hỗ trợ.
Do những cuộc diễn tập tàu đổ bộ của Nga gần đây ở Biển Đen, giới phân tích phương Tây tin rằng Zapad-2017 chắc chắn mô phỏng hoạt động đổ bộ, một nhiệm vụ quân sự phù hợp nhất cho một trong những vùng biển của Nga: Biển Baltic.
Phương Tây đã có phản ứng trước những lo ngại của các nước Baltic về cuộc tập trận Zapad-2017. Các nhóm chiến đấu đa quốc gia theo như cam kết tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Warsaw vào tháng 7/2016 cuối cùng đã bắt đầu được triển khai một cách trùng hợp đến các quốc gia Baltic và Ba Lan.
Quân đội Mỹ, châu Âu cũng cam kết tăng cường sự hiện diện của họ tại các nước Baltic trong thời gian diễn ra cuộc tập trận Zapad-2017, với 600 lính dù từ 3 đơn vị được triển khai đến 3 nước Baltic. Sự hiện diện của NATO, đặc biệt là Mỹ, cũng đã gia tăng thông qua một loạt cuộc tập trận quân sự liên tiếp có quy mô nhỏ.
Đặc biệt, tháng 6/2017 là một tháng đầy bận rộn. Các cuộc tập trận của NATO ở Baltic bao gồm cuộc tập trận Saber Knight 2017 với sự tham gia của 800 binh sĩ thuộc 3 quốc gia Baltic cùng với Đan Mạch nhằm huấn luyện cho các đơn vị cấp lữ đoàn; Saber Strike 2017, một cuộc tập trận trên bộ và trên không kết hợp ở Latvia với hơn 2.000 binh sĩ từ 8 quốc gia NATO; và BALTOPS 2017, một cuộc tập trận trên biển nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa NATO và các đối tác khu vực, có sự tham gia của 4.000 quân, 50 tàu chiến và tàu ngầm, hơn 50 máy bay từ 14 nước NATO và các quốc gia đối tác.
Quan trọng nhất là cuộc tập trận Iron Wolf do Litva và Ba Lan chủ trì cũng trong tháng 6 với sự tham gia của hơn 5.000 binh sĩ thuộc 10 quốc gia NATO.
Cuộc tập trận này của NATO là cuộc tập trận đầu tiên phác thảo một kịch bản rõ ràng liên quan đến việc bảo vệ các quốc gia Baltic – bảo vệ khoảng trống Suwalki (thị trấn ở Ba Lan) trước nỗ lực của Nga nhằm chia cắt các quốc gia Baltic khỏi phần còn lại của NATO.
Lộ trò kiếm cớ
Với những diễn biến liên quan tới Zapad-2017, giới phân tích Mỹ bình luận rằng Nga lâu nay có truyền thống luôn tìm cách đánh lừa phương Tây về quy mô các cuộc tập trận. Đôi khi Nga đánh lừa bằng cách ước tính thấp một cách có chủ đích số binh sĩ tham gia.
Cũng có lúc Nga sắp đặt các cuộc tập trận được chính thức chia thành nhiều cuộc diễn tập, chủ yếu diễn ra đồng thời, đặt dưới một bộ chỉ huy chung để không vi phạm các ngưỡng theo quy định mà bên ngoài yêu cầu.
Hơn nữa, Nga gần đây cũng có truyền thống sử dụng các cuộc tập trận để làm điểm khởi đầu cho các cuộc chiến hoặc làm “vỏ bọc” che đậy cho các hành động can thiệp.
Vào nửa cuối tháng 7/2008, Quân đoàn số 58 của Nga đã tiến hành các cuộc tập trận Kavkaz định kỳ ở vùng Caucasus để tập trung quân về phía bắc Gruzia đúng thời điểm cho một cuộc chiến vào đầu tháng 8 năm đó.
Vào năm 2013, Nga đã tái áp dụng một khái niệm huấn luyện cũ, đó là thực hiện một cuộc tập trận chớp nhoáng. Trong vòng một năm, một cuộc tập trận chớp nhoáng đã được tổ chức mà đã dẫn đến việc triển khai quân tới Crimea và các vùng lân cận, và kết quả là cuộc chinh phục bán đảo này.
Câu hỏi được Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại của Mỹ đặt ra là liệu Nga sẽ tiếp tục theo đuổi mô hình này với Zapad-2017 hay không? Nếu có thì để chống lại ai?
Các quốc gia Baltic không phải là những mục tiêu tiềm tàng duy nhất mặc dù các nước này là những ứng cử viên duy nhất trong NATO. Zapad-2017 đưa hàng chục nghìn binh sĩ Nga đến gần Kiev hơn so với trước đây kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Đưa ra những luận điểm trên, giới phân tích phương Tây khẳng định các động thái của NATO đối với các nước vùng Baltic và sát biên giới Nga là hoàn toàn chính đáng.
Theo đó, không nên đánh giá các nước Baltic là “hoang tưởng” dù điều này sẽ giúp NATO tiết kiệm tiền bạc, thời gian và sức lực trong trường hợp tốt nhất cũng như trong ngắn hạn.
Thay vào đó, cần nhận định thái độ của các nước Baltic là thận trọng dù điều này sẽ tiêu tốn tiền bạc, thời gian và sức lực. Như thế có nghĩa là NATO đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.
Những tình huống địa chính trị thuận lợi được coi là vô giá và đặt trong hoạt động quân sự quy mô của Nga như Zapad 2017, NATO hy vọng “náu mình” với cái mác chính sách phòng thủ mạnh mẽ.(Baodatviet)