Tên lửa mới của Nga làm phương Tây dậy sóng; Thủ tướng Nhật nắm cơ hội, quyết giải tán hạ viện; Vũ khí Nga ế hàng so với Trung Quốc: Thực tế khác
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 26-09-2017:
- Cập nhật : 26/09/2017
Mỹ, Triều Tiên thi nhau ‘đọ gan’ đầy rủi ro
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo việc nước này phóng tên lửa vào nước Mỹ là “không thể tránh khỏi”, chỉ vài giờ sau khi máy bay ném bom Mỹ vờn quanh bờ biển Triều Tiên.
Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 23-9 (giờ New York), Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho một lần nữa nhấn mạnh thông điệp cảnh báo: Nếu phát hiện Mỹ và đồng minh có dấu hiệu triển khai “một chiến dịch đánh vào đầu não lãnh đạo (Bình Nhưỡng) hoặc tấn công quân sự”, Triều Tiên sẵn sàng có “biện pháp ngăn chặn” mạnh tay.
“Không thể tránh khỏi”
Ông Ri cũng đồng thời chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt biệt danh cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “người đàn ông tên lửa”. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo ngôn từ của tổng thống Mỹ đang khiến viễn cảnh “tên lửa Triều Tiên ghé thăm lãnh thổ Mỹ trở nên không thể tránh khỏi”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên cáo buộc tổng thống Mỹ mới là người theo đuổi một sứ mệnh tự sát. “Nếu như tính mạng của người dân Mỹ vô tội bị đe dọa vì hành động tấn công tự sát này, ông Trump sẽ là người phải gánh chịu mọi trách nhiệm” - ông Ri Yong-ho kịch liệt chỉ trích Tổng thống Donald Trump. Ông Ri tuyên bố mục đích tối thượng của Triều Tiên là thiết lập một sự “cân bằng quyền lực” với Mỹ. “Lực lượng hạt nhân quốc gia là một biện pháp ngăn chặn chiến tranh, chấm dứt mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ và ngăn ngừa xâm lược quân sự” - ông Ri Yong Ho khẳng định.
Ngày 24-9, người phát ngôn đảng Dân chủ cầm quyền tại Hàn Quốc Baek Hye-run đã phản pháo bài phát biểu của ông Ri Yong-ho là “đầy tính đe dọa”. Trước đó, vào ngày 20-9, Tổng thống Trump trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ cũng từng đưa ra tuyên bố sẵn sàng “hủy diệt toàn bộ Triều Tiên” khiến lãnh đạo nhiều cường quốc quan ngại.
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 23-9 (giờ New York). Ảnh: REUTERS
Leo thang đầy rủi ro
Các động thái leo thang căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên đang diễn ra dồn dập từ cả hai phía. Các tuyên bố đe dọa của ông Ri Yong-ho được đưa ra chỉ vài tiếng sau khi Mỹ điều động máy bay ném bom hạt nhân siêu thanh B-1B Lancer bay trên không phận quốc tế gần bờ biển phía Đông Triều Tiên. Các máy bay được điều động từ căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam, nơi Triều Tiên vào tháng trước từng đe dọa sẽ đặt làm mục tiêu phóng thử tên lửa. Hộ tống các chiếc B-1B còn có một số máy bay chiến đấu F-15C Mỹ đóng tại căn cứ không quân Kadena, đảo Okinawa, Nhật Bản.
Trong thế kỷ 21, chưa từng có máy bay ném bom hay máy bay chiến đấu nào của Mỹ bay xa như vậy về phía Bắc vùng phi quân sự (DMZ). Điều này nhấn mạnh Mỹ xem các hành động bất cẩn của Triều Tiên nghiêm trọng đến mức nào.
DANA WHITE, nữ phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói về việc máy bay ném bom Mỹ tiến sát không phận bờ biển Triều Tiên
Trước đó một ngày, ông Kim Jong-un đã phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình Triều Tiên đáp trả những tuyên bố của ông Trump. Ông cảnh báo Triều Tiên sẵn sàng tiến hành vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay. Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho cho biết Triều Tiên có thể sẽ phóng thử tên lửa vũ trang bom H trên Thái Bình Dương. Cuộc đấu khẩu “đọ gan” giữa Bình Nhưỡng và Washington ngày càng gay gắt.
Dù vậy, nhiều ý kiến vẫn bác bỏ khả năng xung đột quân sự nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Trả lời trên đài truyền hình NTV, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24-9 nhận định: “Người Mỹ sẽ không tấn công Triều Tiên vì họ không còn hoài nghi mà biết rất rõ Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân”. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng cho rằng không tài nào Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác có đủ 100% thông tin về các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, hãng Itar Tass dẫn lời ông Lavrov. Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Moscow cũng không loại trừ trường hợp “tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.(PLO)
-----------------------
Điềm báo cho Triều Tiên
Sắc lệnh hành chính mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên là lời tuyên chiến đơn phương về mặt kinh tế, với mục đích quật ngã Triều Tiên bằng cách trừng phạt gián tiếp bất cứ nước nào có quan hệ thương mại hay giao dịch tài chính với Bình Nhưỡng.
Thay vì đưa Bình Nhưỡng đến gần bàn đàm phán hơn, những biện pháp này nhiều khả năng thúc đẩy chiến tranh và thậm chí là làm sụp đổ chính quyền Triều Tiên nếu chúng được thực thi có hiệu quả.
Thắt chặt trừng phạt Triều Tiên khó lòng đem lại thành công. Thứ nhất, Mỹ phải làm sao để lệnh cấm vận đơn phương của mình được thực thi trên toàn cầu - điều chắc chắn không thể thành hiện thực chỉ với các biện pháp trừng phạt gián tiếp. (Trung Quốc là bậc thầy trong việc tạo ra các ngân hàng quy mô nhỏ và các thực thể không dính dáng tới hệ thống tài chính Mỹ, từ đó mặc sức giao dịch tại những nơi trong tầm ngắm trừng phạt gián tiếp của Mỹ). Do đó, Mỹ có thể phải mở rộng trừng phạt gián tiếp ra toàn bộ quốc gia hoặc áp đặt cấm vận đi kèm biện pháp quân sự.
Thứ hai, nỗ lực cấm vận Triều Tiên nhiều khả năng dẫn tới khủng hoảng nhân đạo. Dù bị hạn chế xuất khẩu hàng hóa theo đường chính ngạch, Bình Nhưỡng vẫn còn nhiều phương cách khác - như họ từng chứng minh khả năng bằng cách đánh bại các lệnh trừng phạt trước đó.
Tuy nhiên, trong khi giới tinh hoa và chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn được nuôi sống thì đại đa số người dân nước này có thể hứng chịu tình trạng thiếu thốn, thất nghiệp, nạn đói hoặc bệnh tật vì bị cắt đứt khỏi thương mại toàn cầu.
Thứ ba, không đủ thời gian để bảo đảm chiến lược của Mỹ đạt hiệu quả. Khuất phục một đất nước về mặt kinh tế - dù nghèo như Triều Tiên - không phải là chuyện làm được trong một vài tuần mà phải mất nhiều năm trời! Nhưng thời gian cho Mỹ không tính bằng năm bởi Triều Tiên có thể đạt mục tiêu tấn công các thành phố nước này bằng vũ khí nhiệt hạch chỉ trong vài tháng hoặc 1 năm nữa.
Nhiều khả năng đây chính là nguyên nhân khiến ê-kíp cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quyết định một cách không chính thức rằng chiến tranh là điều không tránh khỏi. Dĩ nhiên, ông Kim Jong-un sẽ đáp trả bằng cách này hay cách khác: Tấn công mạng nhằm vào Mỹ hoặc tấn công Nhật Bản, Hàn Quốc.(PLO)
-----------------------------
Liệu vũ khí hóa học Triều Tiên sẽ được bán cho IS?
Một chuyên gia về vũ khí cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ cung cấp vũ khí hóa học cho nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) để phát động một cuộc tấn công gây chết chóc nhằm trả đũa Mỹ.
Chủ tịch Kim Jong Un cùng các tướng lĩnh và nhà khoa học hào hứng sau vụ phóng thành công tên lửa Hwasong bay qua vùng lãnh thổ Nhật - Ảnh: REUTERS
Trong một cảnh báo mới đây, ông Hamish de Bretton-Gordon, một cựu chỉ huy thuộc trung đoàn vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN) của Anh, nói rằng viễn cảnh Triều Tiên cung cấp vũ khí hóa học cho các chiến binh IS là "một mối lo ngại lớn", theo tờ Express của Anh ra ngày 24-9.
Số liệu từ Trung tâm nghiên cứu về không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS) của Mỹ cho biết Triều Tiên hiện sở hữu từ 2.500 - 5.000 tấn vũ khí hóa học, trong đó có một lượng lớn chất độc thần kinh VX.
Đây là loại chất độc đã được dùng để ám sát ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, vào đầu năm nay ở sân bay Kuala Lumpur của Malaysia.
Giữa bối cảnh Mỹ và Liên Hiệp Quốc siết chặt các biện pháp trừng phạt đánh vào kinh tế nhằm "kềm chân" Triều Tiên trong việc phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa, ông Bretton-Gordon cảnh báo Bình Nhưỡng có thể sẽ xoay xở một nguồn thu mới bằng cách bán vũ khí hóa học cho IS tại Syria.
"Khả năng Triều Tiên cung cấp một số năng lực hóa học hay hạt nhân cho các chiến binh IS là mối lo ngại lớn hiện nay" - ông Bretton-Gordon trả lời phỏng vấn của Đài NBC.
Ông nhấn mạnh: "Một số người có thể đã quên rằng vào năm 2006, Triều Tiên từng giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng chính quyền ông ấy xây dựng chương trình hạt nhân riêng. Tuy nhiên, chương trình này đã bị Israel thủ tiêu".
Vị chuyên gia cho biết cách đây một vài tuần, Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) của Liên Hiệp Quốc đã chặn hai tàu hàng của Triều Tiên có chở thiết bị chế vũ khí hóa học khi các tàu này di chuyển về hướng miền bắc Syria.
Hiện tại, Tập đoàn thương mại khai thác mỏ KOMID của Triều Tiên được cho là nhà cung cấp vũ khí chính cho Trung tâm nghiên cứu khoa học Syria (SSRC). Đây là nơi chịu trách nhiệm chính cho chương trình vũ khí hóa học của Syria.
Khói đen bốc lên sau một cuộc tấn công của IS ở thị trấn al-Bab, tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria vào ngày 26-10-2016 - Ảnh: REUTERS
"Chúng ta đều biết rằng IS có nhiều tiền. Chỉ trong năm vừa rồi, nhóm này đã nỗ lực mua uranium được làm giàu từ bọn tội phạm Nga với mức giá 40 triệu USD/kg. Vậy ông Kim Jong Un sẽ bán chất độc thần kinh VX với mức giá này hay không? Tôi nghĩ hoàn toàn có khả năng đó" - ông Bretton-Gordon bày tỏ lo ngại.
Theo luật quốc tế, chất độc thần kinh VX hiện bị cấm sử dụng vì được liệt vào danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).
Giữa bối cảnh "khát tiền" vì các biện pháp trừng phạt và căng thẳng leo thang với Mỹ, việc Bình Nhưỡng có tìm tới con đường bán vũ khí hóa học cho IS tại Trung Đông hay không vẫn không thể nói trước được.
Trong một diễn biến gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ "tiêu diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng phát động một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay những hoài nghi về một cuộc chiến tranh hóa học giữa hai bên vẫn chưa được đề cập nhiều.
Thật ra, ông Trump từng chứng minh rằng ông sẵn sàng can thiệp nếu vũ khí hóa học được sử dụng.
Hồi tháng 4 năm nay, ông Trump đã phát lệnh tấn công một căn cứ không quân của Syria bằng 59 tên lửa Tomahawk để phản ứng với một vụ tấn công hóa học trước đó khiến ít nhất 74 người thiệt mạng ở Tây Bắc Syria. Ở thời điểm đó, Washington cáo buộc chính quyền ông Assad đứng sau vụ tấn công và vì thế phóng tên lửa để trừng trị.(Tuoitre)