Trung Quốc sử dụng ngôn từ khác nghe có vẻ lạ hơn nhưng bản chất không thay đổi, thể hiện tham vọng của nước này là chi phối toàn bộ Biển Đông.
Tin thế giới đáng chú ý tối 26-09-2017
- Cập nhật : 26/09/2017
Tên lửa mới của Nga làm phương Tây dậy sóng
Xuất hiện trong cuộc triễn lãm MAKS-2017, phương Tây đặc biệt quan tâm và lo ngại các phiên bản mới của tên lửa Nga Kh-38ME và APR-3ME “Grif”.
Tờ báo quân sự của phương Tây “Air&Cosmos” đã thông báo rằng, tại cuộc triển lãm hàng không vũ trụ tại Moscow, Tập đoàn tên lửa chiến thuật (KTRV) đã giới thiệu các tên lửa nâng cấp mới nhất của họ thuộc lớp “không đối mặt” Kh-38ME, Kh-38M và tên lửa chống ngầm APR-3ME “Grif”.Nguồn tin này cho biết rằng, các phiên bản nâng cấp này mạnh hơn hẳn các phiên bản cũ và buộc phương Tây phải lo lắng.
Đối với loại tên lửa Kh-38ME, đầu đạn có sự thay đổi lớn về hình dạng bên ngoài so với phiên bản trước của nó. Tập đoàn tên lửa chiến thuật (KTRV) đã ghép thêm cánh lái cố định nhằm mục đích giảm bớt chịu lực bề mặt và trên cánh tên lửa.
Ngoài ra đầu tự dẫn của tên lửa cũng được thay đổi hình dạng. Các cánh lái gấp trên đầu không còn nữa, chúng cũng có thể được treo ở các khoang vũ khí bên trong máy bay.
Dựa vào đặc điểm này các chuyên gia dự đoán rằng, các nhà thiết kế Nga đã thiết kế sao cho các đầu đạn có thể bay phóng ở tốc độ cao từ khoang bên trong.
Phiên bản Kh-38ME là loại tên lửa hàng không tầm ngắn được dùng để tiêu diệt các mục tiêu nhóm và đơn lẻ trên mặt đất cũng như các tàu mặt nước của kẻ thù trong dải ven biển.
Đặc điểm nổi bật của phiên bản Kh-38ME này là được thiết kể dạng mô đun, đảm bảo tăng cường hiệu quả chiến đấu nhờ sử dụng các hệ thống dẫn đường và phần chiến đấu khác nhau.
Loại tên lửa mới này dự kiến sẽ được trang bị cho máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 và các loại máy bay tiêm kích đa năng Su-35, MiG-35. Tên lửa này lần đầu tiên xuất hiện tại triển lãm MAKS-2017 và thu hút sự quan tâm của các chuyên gia nước ngoài và truyền thông thế giới.
Đối với Kh-38M, chúng đã được các chuyên gia hoàn thiện. Sau khi nâng cấp tầm bắn của nó sẽ tăng lên gấp đôi từ 40 km đến 70 km.
Nhớ rằng, tên lửa Kh-38M là loại tên lửa đa năng dạng mô đun lớp “không đối mặt” thuộc thế hệ mới, chúng sẽ nhanh chóng thay thế một số loại đầu đạn tên lửa Kh-25M và Kh-29M. Lưu ý rằng, tên lửa này cũng có hai biến thể cải tiến: Kh-38MA với đầu đạn tự dẫn bằng radar và tên lửa Kh-38MK với đầu đạn chùm.
Tên lửa mới cuối cùng của KTRV giới thiệu tại triển lãm đó là tên lửa chống ngầm APR-3ME “Grif”. Loại đầu đạn tên lửa này khác với loại tiền nhiệm ‘Orel” đó là khối lượng giảm đến 470 kg và kích thước nhỏ hơn (chiều dài giảm từ 3,68 m xuống còn 3,25 m).
Động cơ phụt kiểu tua bin sử dụng nhiên liệu rắn đã được hiện đại hóa, điều này cho phép động cơ tăng được thời gian hoạt động và tầm bắn của tên lửa. APR-3ME “Grif” cũng được tích hợp đầu đạn tự dẫn có độ nhạy cảm cao hơn và khả năng bảo vệ trước nhiễu cũng như tác động điện từ bên ngoài tốt hơn.
Tên lửa này có thể tiêu diệt được các tàu ngầm hoạt động ở độ sâu 800 m và tốc độ lên đến 80 km/h ở khoảng cách 2500 m.
Hiện nay Nga đang sở hữu nhiều lại tên lửa chiến lược với tầm bắn khác nhau có hiệu quả rất cao, đặc biệt là tên lửa hành trình Kalibr, tuy nhiên người Nga vẫn chưa muốn dừng lại khi tạo ra các phiên bản mới này.
Nội bộ phương Tây một lần nữa lại dậy sóng và buộc phải tìm cách để ngăn chặn mối đe dọa này.(Baodatviet)
-------------------------
Thủ tướng Nhật nắm cơ hội, quyết giải tán hạ viện
Quyết định bầu cử sớm của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm tranh thủ sự ủng hộ đang lên của cử tri và nội bộ đảng đối lập rối loạn.
Thông tin được đưa ra trong cuộc họp báo chiều 25-9, theo Đài truyền hình NHK của Nhật Bản.
"Tôi sẽ giải tán hạ viện vào ngày 28-9 tới", ông Abe xác nhận.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định cuộc bầu cử sẽ không làm ông sao nhãng khỏi tình hình trên bán đảo Triều Tiên sau khi có ý kiến quan ngại nó diễn ra trong thời điểm nhạy cảm.
Trước đó, Hãng tin Reuters cùng ngày dẫn lời ông Natuo Yamaguchi - một đồng minh chính trị cấp cao của ông Abe, tiết lộ cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 22-10 tới.
Tỉ lệ ủng hộ ông Abe đã tăng lên con số 50% sau khi sụt giảm xuống 30% hồi tháng 7 vì bê bối thiên vị và cáo buộc quan liêu.
Các tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên trong thời gian gần đây đã giúp ông Abe lấy lại hình ảnh cứng rắn, đập tan những chỉ trích của phe đối lập trước đó.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa nó sẽ giúp đương kim thủ tướng giữ được thế đa số tuyệt đối 2/3 tại hạ viện sau cuộc bầu cử vào tháng 10 tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng thủ tướng Nhật Bản đang chơi ván bài liều khi kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Việc mất thế 2/3 có thể khiến mục tiêu sửa đổi hiến pháp hòa bình mà ông Abe chủ trương bấy lâu nay thêm khó khăn.
Các cuộc khảo sát cho thấy Đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Abe và liên minh có thể mất thế đa số tuyệt đối nhưng vẫn sẽ đủ ghế để thành lập chính phủ mới.
Kết quả điều tra do Nikkei tiến hành hồi cuối tuần rồi cho thấy khoảng 44% cử tri sẽ bầu cho đảng của ông Abe, vượt hơn con số 8% cho Đảng Dân chủ đối thủ và 8% cho đảng mới thành lập của thị trưởng Tokyo Yuriko Koike.
Vài giờ trước cuộc họp báo của ông Abe, bà Koike đã tuyên bố thành lập đảng mới có tên "Hi vọng" và quyết giành ghế hạ viện với đảng cầm quyền.
Một cuộc khảo sát nội bộ của LDP dự báo số ghế do đảng này và đảng liên minh Komeito nắm giữ sau cuộc bầu cử có thể giảm từ 323 ghế xuống còn 280 ghế. Một đạo luật cải cách đã cắt giảm số ghế tại hạ viện xuống còn 465 ghế.
Vậy tại sao Thủ tướng Abe lại quyết định tổng tuyển cử dù biết có khả năng cao sẽ bị mất thế đa số tuyệt đối tại cơ quan quyền lực nhất quốc hội?
Các nguồn tin cho rằng ông Abe đã tính toán và tự tin có thể thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử vào tháng 10 tới. Việc ông Abe tiếp tục làm Thủ tướng có thể đảm bảo các kế hoạch mà ông đã vạch sẵn như tăng thuế tiêu dùng, tăng ngân sách cho các chương trình giáo dục và chăm sóc trẻ em.(Tuoitre)
-----------------------
Vũ khí Nga ế hàng so với Trung Quốc: Thực tế khác
Nga hiện vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính cho một số khách hàng ở thế giới đang phát triển.í
Trung Quốc sẽ vượt Nga?
Bản báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI, trụ sở ở Thụy Điển) cho rằng, ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí Nga trong tương lai sẽ bị chèn ép bởi một bên là phương Tây, bên còn lại là Trung Quốc.
SIPRI dự báo một khi Trung Quốc đuổi kịp về công nghệ và độ tin cậy, Nga sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa nếu muốn giữ vị thế xuất khẩu vũ khí hiện nay.
Suốt thập kỷ qua, Nga đã giữ vững thị phần của mình bất chấp sự trì trệ nào đó về kỹ thuật, trong lúc vũ khí Trung Quốc ngày một tinh vi. Thế nhưng, về lâu dài, thành tựu này khó có thể duy trì.
Ưu thế chính của Trung Quốc nằm ở ngân sách quốc phòng lớn và không ngừng gia tăng. Mức tăng trưởng chi tiêu quân sự của Trung Quốc lúc nào cũng cao hơn tăng trưởng kinh tế trong vòng 2 thập niên qua và xu hướng này không có dấu hiệu thay đổi.
Điều đó tạo ra nhu cầu khổng lồ cho vũ khí trong nước ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục mua trang thiết bị quân sự của Nga dù không đều đặn.
So với Bắc Kinh, Moscow có quy mô kinh tế nhỏ hơn, tăng trưởng cũng không ấn tượng. Điều này có nghĩa là nhu cầu trong nước không đủ lớn để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Nga tăng trưởng đáng kể.
Chưa hết, tình trạng thiếu kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực thiết bị quân sự càng đe dọa triển vọng xuất khẩu vũ khí của Nga về lâu dài.
Về mặt cấu trúc, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc xem ra đang đi theo hướng hứa hẹn hơn Nga. Đặc biệt, Trung Quốc dường như nỗ lực đưa năng suất của nền kinh tế dân sự vào ngành công nghiệp quốc phòng.
Trong khi đó, Nga lại không đạt thành công tương tự trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ tư nhân mạnh mẽ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cho thấy khả năng nắm bắt và tích hợp công nghệ nước ngoài (kể cả của Nga) thông qua các phương cách hợp pháp hoặc bất hợp pháp.
Theo tạp chí The Diplomat, một trong những cơ hội còn lại của Nga là chào bán vũ khí cho các quốc gia mà Trung Quốc không chịu bán vì những lý do chiến lược nhưng quy mô các thị trường này vẫn còn hạn chế.
Một nguy cơ khác của Nga trên thị trường vũ khí quốc tế là một số khách hàng lớn không che giấu ý định tìm nhà cung cấp khác, như Mỹ, hoặc nỗ lực cải thiện khả năng tự cung cấp trang thiết bị quân sự.
Thực tế khác
Nga hiện vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính cho một số khách hàng ở thế giới đang phát triển ở Cận Đông, Đông Nam Á, Mỹ Latin, Trung Đông và Bắc Phi. Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Moscow.
Theo SIPRI, Nga nắm giữ vị trí nước xuất khẩu vũ khí đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, trong nhiều năm qua. Cụ thể, 21% lượng vũ khí bán ra trên toàn cầu năm 2016 đến từ Nga.
Nếu tính cả giai đoạn 2000-2016, vũ khí xuất khẩu của Nga chiếm trung bình 25% thị trường toàn cầu mỗi năm. Trang thiết bị quân sự của Nga vẫn có sức hút mạnh mẽ với các nước đang phát triển bởi sự đa dạng và giá cả cạnh tranh.
Trong lĩnh vực hàng không quân sự và phòng thủ Nga hoàn toàn vượt trội so với Mỹ - điều này đã quá rõ ràng. Hiệu quả của các loại vũ khí mặt đất, các hệ thống thông tin liên lạc và phương tiện chiến tranh điện tử trong quá trình chiến đấu ở Syria đã chứng minh tất cả.
Ngay cả các quốc gia đồng minh với Mỹ như Saudi Arabia, Qatar... đã bắt đầu muốn mua vũ khí Nga sau những màn phô diễn sức mạnh cực ấn tượng trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.
Theo dữ liệu mới nhất, xuất khẩu máy bay quân sự Nga chiếm 27% tổng sản lượng xuất khẩu máy bay trên thế giới, con số này thậm chí còn cao hơn so với Mỹ. Đối với các loại vũ khí trang bị mặt đất, Nga cung cấp cho các nước trên thế giới chiếm 30% tổng sản lượng xuất khẩu trên thế giới.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, ông Alexander Vasilyevich Fomin tiết lộ rằng, thông qua hoạt động ở Syria họ đã nắm được kinh nghiệm vận hành hơn 600 loại vũ khí khác nhau, ví dụ như Su-35, Su-34, Su-24 và Su-25.
Nga còn khiến cả thế giới phải nể phục khi sử loại tên lửa thường được sử dụng phóng từ các tàu chiến, phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm. Họ hy vọng rằng năm 2017 xuất khẩu vũ khí có thể đạt đến 50 tỷ USD.(Baodatviet)