Hàn Quốc thử bom tấn ứng phó Triều Tiên; Hàn Quốc vạch kế hoạch tiến chiếm Bình Nhưỡng; Tổng thống Trump để ngỏ mọi lựa chọn với Triều Tiên
Tin thế giới đáng chú ý 30-08-2017
- Cập nhật : 30/08/2017
Trung Quốc đã đè được Ấn Độ trên Ấn Độ Dương?
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc không chỉ nói Ấn Độ nên "quen với các cuộc tập trận lớn của Trung Quốc" mà còn gọi quyết định rút quân khỏi khu vực Doklam của Ấn Độ là "sự lựa chọn đúng đắn".
Bài viết xuất hiện trong bối cảnh truyền thông Ấn Độ nói hai cuộc tập trận ở Tây Tạng và Ấn Độ Dương của Trung Quốc là nhằm dằn mặt New Delhi.
Hôm 26-8, truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin các binh sĩ thuộc Quân khu Tây Tạng đã tổ chức tập trận bắn đạn thật dài 13 giờ ở khu vực có độ cao hơn 4.600m.
Mục đích của cuộc tập trận nhằm nâng cao năng lực chiến đấu của lục quân Trung Quốc tại khu vực có địa hình cao.
Cùng thời gian đó, 3 tàu của hải quân Trung Quốc gồm 2 tàu khu trục và 1 tàu tiếp tế cũng tổ chức diễn tập bắn đạn thật trên Ấn Độ Dương. Trong các khoa mục tập trận, có mục tiêu diệt các tàu mặt nước của kẻ thù.
Tây Tạng là khu vực sát biên giới Trung Quốc và gần với Doklam, nơi quân đội Trung Quốc - Ấn Độ đối mặt nhau kể từ hồi tháng 6 vừa qua.
Ngày 28-8, cuộc đối đầu này đã chấm dứt khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Ấn Độ đã tự nguyện rút quân khỏi khu vực.
Hãng tin Tân Hoa xã ngày 29-8 đã gọi đây là quyết định đúng đắn và nhấn mạnh "New Delhi nên tiếp tục có thái độ tốt như vậy" để duy trì quan hệ Trung - Ấn.
Một số cơ quan truyền thông trung lập chỉ nói rằng hai bên "đồng ý hòa hoãn rút quân" trong khi báo chí Bắc Kinh nhìn nó như chiến thắng của Trung Quốc.
Cũng có nguồn tin nhận định rằng Ấn Độ có chút lép vế trong vụ việc này nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Modi.
Tuy nhiên, trước khi diễn biến này xảy ra, hai cuộc tập trận của Trung Quốc tại hai khu vực gần Ấn Độ, ngay trong thời điểm nhạy cảm bị xem là một tín hiệu khiêu khích, dằn mặt của Bắc Kinh.
"Cuộc tập trận trên Ấn Độ Dương lần đầu tiên được Trung Quốc tuyên bố công khai trong lúc này, có thể được hiểu là một thông điệp mạnh mẽ dành cho Ấn Độ, đó là một hành động quân sự khiêu khích nơi hải quân Ấn Độ có ảnh hưởng truyền thống", tờ Hindustan Times viết.
Đáp lại, thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh cuộc tập trận hải quân là nhằm tăng cường sự hữu nghị, hiểu biết giữa các quốc gia và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, trách nhiệm của hải quân Trung Quốc.
Một chuyên gia quân sự Trung Quốc thậm chí còn lớn tiếng đặt câu hỏi: "Việc gì Ấn Độ phải lo lắng khi mỗi năm mấy nước phương tây đều tổ chức tập trận ở khu vực này? Hà cớ gì Trung Quốc lại không được xuất hiện ở đại dương rộng lớn như vậy?".
Giới quan sát nhận định New Delhi có cơ sở để lo lắng trước sự xuất hiện ngày càng dày đặc của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.
Với việc Ấn Độ Dương là một trong 3 tuyến đường huyết mạch trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong thời gian tới, hải quân Trung Quốc sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa tại khu vực.
Hai quốc gia sát sườn Ấn Độ, Pakistan ở phía tây và Sri Lanka ở cực nam, đều có các cảng nước sâu do Trung Quốc đầu tư.
Cảng Gwadar đã bắt đầu tiếp nhận tàu chiến Trung Quốc tới đồn trú với danh nghĩa bảo vệ tài sản của Trung Quốc.
Tại Sri Lanka, cảng Hambantota đã thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh sau khi chính quyền nước này mất khả năng trả nợ.(Tuoitre)
-------------------------
Ả-rập Saudi mệt mỏi với mộng Bá chủ Trung Đông
Khi đã phớt lờ cảnh báo của Washington thì những "Bá chủ Trung Đông" muốn từ bỏ ước vọng cũng không hề dễ dàng...
Ả-rập Saudi muốn rút khỏi cuộc chiến Yemen nhưng không thể
Sau khi hàng loạt email của Hoàng tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ả-rập Saudi Mohammed bin Salman bị rò rỉ, theo Al Jazeera ngày 15/8, đã có nhiều nhận định rằng Ả-rập Saudi đã thất bại chiến lược trong cuộc chiến tại Yemen.
Những email bị Middle East Eye làm rò rỉ đã tiết lộ nội dung trao đổi về cuộc chiến Yemen giữa Hoàng tử Mohammed bin Salman với cựu đại sứ Mỹ tại Israel Martin Indyk và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Steven Hadley.
Cuộc thảo luận này được cho là diễn ra trong khoảng thời gian một tháng trước khi Ả-rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập phong toả Qatar, với cáo buộc Doha cố tình làm suy yếu liên minh trong cuộc chiến Yemen và có quan hệ thân thiện với Iran.
Hoàng tử Bin Salman đã cho hai cựu quan chức Mỹ biết là Ả-rập Saudi muốn rút khỏi cuộc chiến Yemen và Riyadh không phản đối Mỹ can dự với Iran. Tuy nhiên, vấn đề là liệu Riyadh có thể đơn phương rút quân được hay không.
Nhà phân tích quân sự Yemen Adam Baron cho rằng Ả-rập Saudi khó có thể đơn phương rút quân vì an ninh của vương quốc này phụ thuộc vào an ninh của Yemen, nghĩa là Riyadh muốn ra khỏi cuộc chiến phải kèm theo những điều kiện.
“Điều kiện cần thiết là phiến quân Houthis phải giao nộp vũ khí hạng nặng, chấm dứt các cuộc tấn công xuyên biên giới và Iran không có bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào ở Yemen". Rõ ràng đây là điều gần như không tưởng.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ngay cả khi Riyadh không có điều kiện tiên quyết thì Ả-rập Saudi cũng không thể rút chân khỏi vũng lầy Yemen. Và đây chính là hậu quả từ tham vọng Bá chủ Trung Đông của những ông hoàng xứ Ả-rập.
Phớt lờ cảnh báo của Washington
Làn gió của Mùa Xuân Ả-Rập đã lật đổ Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh vào năm 2012 và đưa ông Abd Rabbuh Mansur Hadi lên nắm quyền. Tuy nhiên, chính quyền của tân Tổng thống Hadi cũng không trở thành trung tâm đoàn kết trong một nước Yemen có nhiều chia rẽ.
Đây được xem thời cơ cho lực lượng Houthis - phong trào du kích của người Hồi giáo dòng Shiite ở miền bắc Yemen, ra đời khi xung đột bùng phát vào năm 1994, ngay sau khi Yemen thống nhất, song bị đặt ra ngoài đời sống chính trị tại quốc gia Trung Đông này.
Houthis đã kết hợp cùng lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh tiến hành các hoạt động quân sự, qua đó giành được quyền kiểm soát chính quyền Yemen vào năm 2014. Hành động của Houthis đã bị Ả-rập Saudi Arabia và các đồng minh lên án là vi hiến.
Riyadh cho rằng Tehran đã đứng đằng sau các cuộc tấn công quân sự của lực lượng du kích Houthis, để qua đó nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng tại Trung Đông và làm mất ổn định tại khu vực biên giới phía Nam của Ả-rập Saudi.
Ngày 25/3/2015, Tổng thống Mansur Hadi phải trốn chạy đến Aden, miền nam Yemen và kêu gọi sự trợ giúp quân sự của Liên đoàn Ả-Rập. Đáp lời, Liên minh Ả-rập do Ả-rập Saudi đứng đầu đã tấn công Houthis từ biên giới phía nam - Riyadh chính thức tham gia vào cuộc chiến Yemen.
Phản ứng trước hành động quân sự của Ả-rập Saudi, Đại sứ Mỹ tại Yemen Stephen Seche, đã lên tiếng rằng các nước vùng Vịnh đã phóng đại vai trò của Iran đối với lực lượng du kích Houthis tại Yemen.
Theo giới phân tích, khi nhà ngoại giao Mỹ nhận định: "Với cuộc can thiệp quân sự vào Yemen này, thế giới Hồi giáo Sunni muốn nói với Iran rằng : hãy rời khỏi sân sau của chúng tôi”, điều đó cho thấy Washington đã nhìn nhận Riyadh là muốn hiện thực hoá mộng Bá chủ Trung Đông.
Tuy nhiên, có lẽ Riyadh cố tình phớt lờ lời cảnh báo của Washington, vì vậy người Mỹ đã để cho Ả-rập Saudi gần như một mình một ngựa đối đầu với Iran trong cuộc chiến tại Yemen, mà họ thừa biết rằng Riyadh không thể giành chiến thắng.
Đến nay, sau hơn 2 năm, Riyadh mới nhận ra mình thất bại và chính thức lên tiếng muốn rút khỏi Yemen, song dường như Washington vẫn chưa sẵn sàng giúp Riyadh làm điều đó, ngay cả khi Ả-rập Saudi chấp nhận đứng sau cả Mỹ và Iran.
Theo thông báo của LHQ, hiện nay có hơn 27 triệu người Yemen đang ở trên bờ vực của nạn đói và đối mặt với đại dịch tả "chưa từng có". Đất nước Yemen đang hướng tới nguy cơ "sụp đổ hoàn toàn".
Khoảng 80% dân số Yemen phải sống phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo. Theo LHQ, cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới đang xảy ra ở Yemen và việc can thiệp quân sự của Ả-rập Saudi đã góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng ấy.
Theo nhà nghiên cứu chính trị vùng Vịnh Luciano Zaccara tại Đại học Qatar, hiện nay thế giới đã chỉ trích nặng nền cuộc tấn công quân sự vào Yemen của liên minh Ả-rập do Ả-rập Saudi cầm đầu, qua đó làm hoen ố hình ảnh của Riyadh.
Chính vì vậy, Hoàng tử Mohammed bin Salman - Thái tử kế vị của Ả-rập Saudi - mong muốn rút nhanh khỏi cuộc chiến Yemen, chấp nhận mất vị thế trước Tehran, song điều đó dường như không nằm trong khả năng của Riyadh.
Có thể thấy rằng, mộng Bá chủ Trung Đông của các đồng minh là điều mà Mỹ không bao giờ chấp nhận, Do vậy, khi đã phớt lờ cảnh báo của Washington thì những "Bá chủ Trung Đông" muốn từ bỏ ước vọng cũng không hề dễ dàng, khi chưa điêu đứng bởi cái giá nặng nề. (Ngọc Việt-ĐVO)
-------------------------