Với nhiều người dân Triều Tiên lúc này, vị lãnh tụ của họ đã có thể sánh ngang với lãnh đạo của các siêu cường trên thế giới...
Tin thế giới đáng chú ý tối 29-08-2017
- Cập nhật : 29/08/2017
Tổng thống Pháp mất ủng hộ vì cải cách mạnh tay
Sau 4 tháng nắm quyền, tỉ lệ ủng hộ tổng thống Emmanuel Macron trong tháng 8 đã rơi xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua tại Pháp.
Theo báo Independent (Anh), kết quả thăm dò dư luận mới nhất tại Pháp cho thấy, chỉ vài tháng sau chiến thắng vang dội ở cuộc bầu cử tổng thống, phần lớn cử tri Pháp hiện đang không hài lòng với cách điều hành đất nước của tổng thống Emmanuel Macron.
Cụ thể, kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Ifop thực hiện cho báo Le Journal du Dimanche (JDD) cho thấy "tỉ lệ không hài lòng" của người dân với ông Macron đã tăng lên 57%, cao hơn mức 43% của tháng 7.
Trong khi đó chỉ còn 40% người dân hài lòng với nhà lãnh đạo theo đường lối trung lập, giảm 14 điểm % so với hồi tháng 7.
Như vậy vị tổng thống trẻ nhất nước Pháp kể từ thời Napoléon đã phải đối mặt với mức ủng hộ thấp nhất với một tổng thống Pháp trong vòng 20 năm qua.
Mức sụt giảm này cũng là lớn nhất với một tổng thống Pháp kể từ thời ông Jacques Chirac năm 1995. Hiện tỉ lệ ủng hộ ông Macron thậm chí còn thấp hơn so với người tiền nhiệm Francois Hollande vốn là người từng bị chỉ trích rất nặng nề.
Người phát ngôn chính phủ Pháp, ông Christophe Castaner, cho rằng đảng Nền Cộng hòa tiến bước của ông Macron đang phải trải qua một thời đoạn khó khăn.
Tuy nhiên ông Castaner cũng nói thêm rằng việc làm phật lòng một số người cũng là cái giá cần thiết nếu chính phủ muốn thúc đẩy những chính sách cải cách mới.
Phát biểu trên đài BFMTV, ông Castaner giải thích: "Vâng, chúng tôi đang đương đầu với nhiều khó khăn, nhưng quý vị không thể chỉ mất thời gian nhìn vào những kết quả thăm dò dư luận khi quý vị đang làm việc cho một chính phủ. Chúng tôi ở đó để cải cách đất nước. Đất nước cần chúng tôi để chấp nhận những rủi ro, và chúng tôi đang chấp nhận những rủi ro đó".
Kể từ sau khi nhậm chức, bất kể những nỗ lực mở rộng các hoạt động trên chính trường thế giới, ông Macron đã và đang đối mặt với nhiều rắc rối trong nước. Trong đó bao gồm những cuộc thảo luận nảy lửa tại Quốc hội về những chính sách cải cách lao động, những bất đồng với quân đội và các cắt giảm trong chính sách hỗ trợ nhà ở.
Tỉ lệ ủng hộ giảm sút cũng có thể bị tác động sau khi công luận Pháp bùng lên những chỉ trích vì sự "vung tay quá trán" với mức chi tiêu "làm đẹp" của tổng thống trong 100 ngày đầu tại nhiệm lên tới 26.000 euro và cả nỗ lực ông Macron quyết tâm chính danh "đệ nhất phu nhân" cho vợ.
Ông Bernard Sananes, lãnh đạo hãng khảo sát dư luận Elabe của Pháp, cho biết kết quả điều tra dư luận mới có thể sẽ là động lực cho các đối thủ chính trị của ông Macron sau khi đảng Nền Cộng hòa tiến bước của ông Macron giành được đa số ghế trong Quốc hội. (Tuoitre)
-----------------------
IAEA tiến hành đợt thanh sát đầu tiên về an ninh hạt nhân của Trung Quốc
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) từ ngày 28/8 đã bắt đầu tiến hành đợt thanh sát đầu tiên về công tác đảm bảo an ninh hạt nhân của Trung Quốc theo đề nghị của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc (CAEA).
Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn thông tin từ CAEA cho biết trong khuổn khổ đợt thanh sát kéo dài 10 ngày, phái đoàn của IAEA sẽ tiến hành đánh giá về hệ thống an ninh hạt nhân, luật pháp và công tác giám sát của chính phủ trong lĩnh vực này và đi thăm các nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Chiết Giang.
Sau khi hoàn thành công tác đánh giá về các hệ thống an ninh hạt nhân, IAEA sẽ đưa ra các đề xuất cải tiến đối với phía Trung Quốc. CAEA khẳng định Trung Quốc coi vấn đề an ninh hạt nhân là một bộ phận cấu thành quan trọng của an ninh quốc gia.
Cũng trong ngày 28/8, Ủy ban Thường vụ Nhân đại Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành thảo luận để thông qua dự thảo luật an ninh hạt nhân, trong đó nhấn mạnh tới các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Theo dự luật, Trung Quốc cần phải thúc đẩy các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn hạt nhân để phòng ngừa và giải quyết các mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.(TTXVN)
------------------
Ông Trump dọa chấm dứt NAFTA với Canada và Mexico
Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ hủy bỏ NAFTA, gây chia rẽ với các đối tác thương mại Canada và Mexico trong một bài tweet ngày 27-8.
Công nhân và nông nhân biểu tình phản đối khi vòng tái đàm phán đầu tiên của NAFTA diễn ra tại Washington - Ảnh: Reuters
Ông Trump viết dòng tweet này chỉ vài ngày trước khi Mỹ, Canada và Mexico lên kế hoạch tổ chức một vòng đàm phán thứ hai để viết lại thỏa thuận 23 năm tuổi này.
"Chúng ta đang trong tiến trình tái đàm phán NAFTA (thỏa thuận thương mại tệ hại nhất từng có) với Mexico và Canada. Cả hai đang rất khó khăn, có lẽ nên chấm dứt?" - ông Trump viết.
Ông Trump, theo Reuters, từng cam kết trong suốt chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ đại tu hoặc sẽ rút khỏi Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ. Ông Trump cho rằng hiệp định này đang giết chết việc làm của người dân Mỹ và khiến Mỹ bị thâm hụt trầm trọng hơn.
Vòng đàm phán đầu tiên kéo dài 5 ngày để viết lại Hiệp định giữa 3 nước đã kết thúc vào tuần trước với tất cả các bên cam kết sẽ thực hiện nhanh tiến trình sửa đổi thỏa thuận.
Với dòng tweet trên, ông Trump đã làm cho vòng đàm phán thứ hai bắt đầu ngày 1-9 tại Mexico nóng lên.(Tuoitre)
-------------------------------
Romania có thể gia nhập Eurozone vào năm 2022
Theo Ngoại trưởng Romania, Teodor Melescanu, quốc gia này có thể gia nhập Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào năm 2022, khi thu nhập của bộ phận dân cư nghèo nhất tại thành thị được cải thiện. Hiện Romania là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại Liên minh châu Âu (EU).
Lãnh đạo các nước thành viên EU và giới chức liên minh chụp ảnh chung tại Hội nghị ở Rome ngày 25/3. Ảnh: EPA/TTXVN
Ông Melescanu cho biết hiện nay Romania đáp ứng được tất cả các tiêu chí chính thức để gia nhập Eurozone, song nước này vẫn lo ngại việc gia nhập sẽ có tác động tiêu cực đến thu nhập của những người nghèo nhất và của người về hưu. Do đó, Romania có thể sẽ gia nhập Eurozone trong 5 năm nữa, vào năm 2022. Hiện Eurozone gồm 19 thành viên và Lithuania là thành viên mới nhất, gia nhập năm 2015.
Theo số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố mới đây, kinh tế Romania trong quý II/2017 tăng trưởng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng đầu trong EU. Các nước có tốc độ tăng trưởng mạnh tiếp theo là Latvia 4,8% và CH Czech (CH Séc) 4,5%.
Với 21,4 triệu dân, Romania dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,5-5,6% trong năm 2017. (TTXVN)