Chân tướng 'hoàng tử khủng bố', thủ lĩnh mới của al-Qaeda
Tờ Đông Phương ngày 2/8 dẫn nguồn tin của truyền thông Anh cho biết, Hamza bin Laden, con trai út của trùm khủng bố Osama bin Laden đã trở thành thủ lĩnh mới của tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda.
Xem Nga phô uy lực 'khủng' của hải quânTrong một đoạn băng ghi âm được lưu truyền, Hamza bin Laden đã cáo buộc vị Quốc vương khai quốc Saud bin Abdul Aziz (1902 – 1969) của Ảrập Xê-út là gián điệp Anh và thề sẽ trả thù cho cha với lời nhắn “Người Mỹ, chúng ta đã đến!”.
Hamza bin Laden (trái) và người cha đã chết của y.
Ali Soufan, cựu nhân viên của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiết lộ, ông đã được đọc một số bức thư của Hamza bin Laden hiện vẫn được coi là tài liệu mật, trong đó tên này luôn thể hiện quyết tâm báo thù cho cha, vốn đã bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt.
Hamza sinh năm 1991, là con út trong số 18 con trai và 6 con gái của Osama bin Laden và cũng là người con được trùm khủng bố sủng ái nhất. Hamza có biệt hiệu là “Hoàng tử khủng bố”. Mẹ của y là Khairiah Sabar, vợ thứ 3 của Osama bin Laden. Bà ta bị bắt ngay tối hôm Osama bin Laden bị giết, rồi bị giam giữ tại Pakistan.
Các nhân viên tình báo Mỹ cho rằng, Hamza có liên quan đến một loạt vụ khủng bố gần đây. Ngày 5/1/2017, Nhà Trắng đã tuyên bố coi Hamza là phần tử khủng bố toàn cầu và áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với y.Tuyên bố nêu rõ, Hamza là phần tử khủng bố toàn cầu và ra lệnh phong tỏa tất cả các tài sản của y trong các khu vực quản hạt của cơ quan tư pháp Mỹ, đồng thời cấm triệt để mọi công dân Mỹ có bất cứ hành vi giao dịch nào đối với Hamza bin Laden.
Hamza bin Laden năm 15 tuổi.
Trước đây, Hamza từng xuất hiện trong hai đoạn video clip tuyên truyền “Thánh chiến” của cha y.
Lần đầu là trong clip phát hành vào năm 2001, khi đó Hamza dự đám cưới của một người anh, đang đọc văn bản với màn hình chạy dòng chữ: “Ta cảnh cáo người Mỹ, nếu các người tiếp tục truy bắt cha ta, các người sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng”.
Lần thứ hai vào năm 2005, khi đó Hamza 15 tuổi, mặc quân phục, tay cầm khẩu súng trường tự động xuất hiện tại khu vực biên giới giữa Pakistan và Afghanistan.
Trong loạt video được al-Qaeda tung ra nhân 3 năm hệ thống tàu điện ngầm London bị đánh bom cũng đã xuất hiện giọng nói đe dọa của Hamza kêu gọi hủy diệt Mỹ, Pháp, Anh và Đan Mạch.
Người ta tin rằng, Hamza có liên đới đến vụ ám sát Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto ngày 27/12/2007, bởi trước đó bà nhiều lần lên tiếng chỉ đích danh Hamza bin Laden là một thủ lĩnh khủng bố. Báo The Sun hồi 2008 còn cho biết, Hamza đã tung lên trang web của al-Qaeda một bài thơ đe dọa phá hủy Mỹ, Anh...
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, tháng 8/2015, Hamza mới chính thức gia nhập hàng ngũ al-Qaeda và xuất hiện trong một đoạn ghi âm kêu gọi người ủng hộ tổ chức này phát động các cuộc tấn công khủng bố ở thủ đô các nước phương Tây.
Tháng 9/2016, Hamza bin Laden cũng cho lan truyền một đoạn băng ghi âm đe dọa hành động trả thù Mỹ và cảnh cáo các công dân nước này dù ở trong hay ngoài lãnh thổ cũng đều trở thành mục tiêu bị tấn công. (Vietnamnet)
------------------------
Trung Quốc bắt đầu ra uy, tích cực can dự vào điểm nóng Trung Đông
Trung Quốc đang tích cực lên tiếng để "đóng góp" cho giải quyết các vấn đề của khu vực Trung Đông, điều này được thúc đẩy bởi sáng kiến "Vành đai, Con đường".
Ngày 18/7/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: Tân Hoa xã.
Gần đây, Bắc Kinh liên tiếp tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao các nước khu vực Trung Đông. Danh sách này gồm có Quốc vương Saudi Arabia Salman bin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Ngoại trưởng Tunisia Khemaies Jhinaoui, Bộ trưởng Nội vụ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) H. E. Dr. Sultan Al Jaber, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani.
Trong thời gian đó, Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra tuyên bố của mình về vấn đề Palestine, khủng hoảng Vùng Vịnh và vấn đề Libya – đây đều là những vấn đề nóng ở khu vực Trung Đông hiện nay.
Trong vấn đề Palestine, Trung Quốc đề xuất “chủ trương 4 điểm” và “phương án 2 nhà nước”. Về cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, Trung Quốc đưa ra “chủ trương 3 điểm”. Còn trong vấn đề Libya, Trung Quốc tuyên bố kiên trì “nguyên tắc 4 điểm”.
Những phương án, nguyên tắc và lập trường này của Trung Quốc có nội dung rất khác nhau, nhưng phương châm chỉ đạo có tính thống nhất, đó là kiên trì phương hướng lớn giải quyết bằng chính trị và ngoại giao, hành động dựa trên các nguyên tắc của quan hệ quốc tế.
Ở bề ngoài, những nguyên tắc, chủ trương và lập trường do Trung Quốc đưa ra hoàn toàn không có gì đặc biệt, nhưng chính phủ Trung Quốc tập trung thể hiện quan điểm, lập trường về các vấn đề điểm nóng của khu vực Trung Đông như vậy đã cho thấy một phương hướng chiến lược khác trước đây.
Đó là Trung Quốc mong muốn tìm kiếm tiếng nói lớn hơn ở khu vực Trung Đông, động lực cho sự chuyển hướng chiến lược này hoàn toàn không phải chỉ xuất phát từ yếu tố kinh tế, mà là tham vọng mở rộng ảnh hưởng. Thủ tướng Lý Khắc Cường và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Cankao.
Nhiều năm qua, do quan hệ giữa Trung Quốc và các nước khu vực Trung Đông chủ yếu là quan hệ kinh tế, vì vậy Trung Quốc luôn kiên trì cách làm “đi tàu nhanh Mỹ” trong vấn đề Trung Đông, hoàn toàn không muốn tham gia sâu vào vấn đề chính trị Trung Đông. Trung Quốc hoàn toàn không muốn “đứng về một bên” trong vấn đề Trung Đông phức tạp.
Nhưng cùng với việc Trung Quốc bắt đầu nỗ lực mở rộng biên giới chiến lược của “Vành đai, Con đường” trên phạm vi thế giới, cách làm chỉ quan tâm đến lợi ích thương mại ở khu vực Trung Đông của Trung Quốc rõ ràng đã lỗi thời. Trung Quốc đã đến thời điểm từ bị động chuyển sang chủ động trong các vấn đề của khu vực Trung Đông.
Ngày 30/5 tại Văn phòng Trung Quốc tại Palestine, đặc phái viên vấn đề Trung Đông của Trung Quốc là Cung Tiểu Sinh đã trình bày lập trường của Chính phủ Trung Quốc trong vấn đề Trung Đông, nhấn mạnh sự phát triển của “Vành đai, Con đường” sẽ trở thành một trong những đóng góp quan trọng nhất của Trung Quốc đối với việc giải quyết các vấn đề điểm nóng của khu vực Trung Đông.
Điều đáng chú ý là, Trung Quốc tiếp đón nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của cả những đang tồn tại đối đầu ở khu vực Trung Đông như Israel và Palestine, cho thấy Trung Quốc tìm cách phát huy vai trò trong việc tái khởi động đàm phán hòa bình Palestine - Israel. Khi hai bên xảy ra căng thẳng, Trung Quốc né tránh việc làm mếch lòng bất cứ bên nào.(Viettimes)
---------------------------------- Báo Mỹ: Nga vẫn để “một cửa” cho Tổng thống Trump
Cựu nhân viên CIA Beebe cho rằng qua tuyên bố trả đũa ngoại giao của Tổng thống Putin, vẫn có thể Nga đặt hy vọng vào Tổng thống Trump và nếu như không tìm cách cân bằng thì Hoa Kỳ sẽ gặp hiểm họa khó lường.
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump
Bình luận trên tờ The National Interest về việc Nga trả đũa các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cựu lãnh đạo trung tâm phân tích vấn đề Nga của CIA -George Beebe nhận định: Moscow vẫn dành cơ hội cho ông Trump.
Theo ông Beebe, tại Washington vẫn có ý kiến cho rằng Nga đang "giơ tay một cách yếu đuối" và thực sự nhượng bộ dưới áp lực của Mỹ. Tuy nhiên, những dấu hiệu mà Moscow đang gửi đi bằng lời nói và hành động của mình, đã vẽ một bức tranh rất khác.
Mô tả cách tiếp cận vấn đề của Nga thực sự giống như "chủ nghĩa thực dụng lạnh lùng", ông Beebe nhận định: "Hiểu được họ - là một vấn đề cực kỳ quan trọng, nếu chúng ta muốn tránh một vòng xoáy hành động và phản ứng nguy hiểm - những thứ sẽ dẫn đến tăng căng thẳng với Nga".
Trong tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt, Điện Kremlin đã cho thấy một số biện pháp trả đũa.
Có hai điểm chính được quan tâm ở đây là: cắt giảm số lượng các nhà ngoại giao Mỹ tại Nga và lệnh cấm sử dụng khu nghỉ dưỡng tại Serebryany Bor. Cần nhắc lại rằng, vào tháng 12 năm ngoái, cựu Tổng thống Barak Obama cũng đã có hành động tương tự đối với 35 nhà ngoại giao Nga.
Ông Beebe cho rằng, điều ít được để ý đến lại là một điểm quan trọng đó là - sự sẵn sàng đưa ra biện pháp bổ sung trong trường hợp các mối quan hệ bị suy giảm hơn nữa. Các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ trong những lĩnh vực mà họ không thể thực hiện nếu không có sự tham gia của Nga.
Theo quan điểm của tác giả, xét tình hình của Washington và Moscow, nếu căng thẳng tiếp tục tới mức độ xảy ra một cuộc đối đầu là điều có thể, nhưng "không nhất thiết phải xảy ra": ông cho rằng, Nga vẫn để cửa cho một thỏa hiệp.
Thực tế Moscow đã đưa thời hạn giảm số lượng nhân sự ngoại giao Mỹ tại Nga là ngày 1/9, trong khi đó hồi tháng 12 năm ngoái chính quyền Obama chỉ đưa ra thời hạn cho đại sứ quán Nga có ba ngày, điều đó cho thấy điện Kremlin vẫn có một số hy vọng từ phía ông Trump.
Ông Beebe giải thích, động thái này của Nga có thể làm mềm đòn của Quốc hội Mỹ đồng thời có thể để tránh cho quan hệ song phương suy giảm hơn nữa.
Quan chức CIA cũng lưu ý rằng, hiện giờ khi Mỹ vẫn đang suy nghĩ về con đường phía trước, mà hiểu sai các bước đi của Moscow, ví dụ như muốn ông Putin yếu bớt trong việc duy trì khả năng đàm phán, thì chính là một sự nguy hiểm. Ông Beebe đi đến kết luận: Washington cần phải tìm một sự cân bằng trong cách tiếp cận của mình để tránh thảm họa sau này.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev ngày 1/8 cho rằng Washington sẽ phạm một sai lầm "cốt yếu" nếu mở rộng các biện pháp trừng phạt sang hợp tác chống khủng bố với Moscow cũng như các lĩnh vực cùng quan tâm như cuộc chiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và di cư bất hợp pháp.
Ông Kosachev chỉ trích ban lãnh đạo Mỹ "ngày càng vô trách nhiệm và khó lường trong các hành động của mình" và sẽ "phạm sai lầm tai hại" nếu như Mỹ "mở rộng các biện pháp trừng phạt vốn dĩ đã rất phi lý và vô nghĩa nhằm vào việc hợp tác với Nga trong giải quyết hầu hết các vấn đề then chốt trong thời đại của chúng ta, như chủ nghĩa khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tội phạm xuyên biên giới, di cư bất hợp pháp".
Hồi tuần trước, Hạ viện và Thượng viện của Mỹ đã thông qua một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga, Iran, và Triều Tiên cũng như hạn chế khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump dỡ bỏ các chế tài chống Moscow.
Trong một diễn biến khác, vào hôm 1/8, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và phu nhân Karen Pence đã dẫn đầu một phái đoàn có chuyến thăm chính thức kéo dài hai ngày tới Gruzia. Chuyến thăm diễn ra sau khi ông Pence rời Tallinn (thủ đô ngày nay của Estonia), nơi ông có cuộc gặp các nhà lãnh đạo Estonia, Latvia và Lithuania. Trong chuyến thăm đến Tbilisi lần này Phó Tổng thống cho biết, Hoa Kỳ vẫn muốn thiết lập quan hệ tốt đẹp với Nga.
Như đã đưa tin hôm 27/7 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên. Trước đó hai ngày, Hạ viện Hoa Kỳ cũng thông qua dự luật này với đa số phiếu tán thành. Hiện giờ Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ có 10 ngày để ký hoặc phản đối dự luật.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Gruzia Giorgi Kvirikashvili, ông Pence nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn bãi bỏ các biện pháp trừng phạt và muốn có quan hệ tốt với Nga, nhưng điều này chỉ có thể đạt được sau khi phía Nga chấm dứt các hành động phá hoại".(Infonet)