Ông Trump: Quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức 'rất nguy hiểm'; Bắc Kinh nói Ấn Độ rút quân khỏi khu vực tranh chấp, New Delhi bác bỏ; Philippines phản đối loại Triều Tiên khỏi Diễn đàn khu vực ASEAN; Ông Trump nói Mỹ đang thua ở Afghanistan
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tối 03-08-2017
- Cập nhật : 03/08/2017
Hàn Quốc chuẩn bị chiến thuật lật đổ ông Kim Jong-un?
Các nhà chiến lược quân sự Hàn Quốc được cho là đang chuẩn bị một cuộc “tấn công phẫu thuật” bất ngờ nhằm vào chính phủ Triều Tiên, các cơ sở hạt nhân và tên lửa.
Hãng tin Sputnik ngày 1-8 cho biết theo báo cáo từ tờ Munwha Ilbocủa Hàn Quốc, các nhà chiến lược quân sự Hàn Quốc được cho là đang chuẩn bị một cuộc “tấn công phẫu thuật” (chiến thuật mở các cuộc tấn công bất ngờ với độ chính xác cao, nhằm vào các mục tiêu cụ thể, không tốn nhiều binh lực và không gây thêm thiệt hại ngoài ý muốn) nhằm vào chính phủ Triều Tiên, các cơ sở hạt nhân và tên lửa. Kế hoạch này do Lực lượng đặc biệt của Tổng thống Moon Jae-in lập nên phòng trường hợp khẩn cấp.
Bộ Tổng tham mưu liên quân và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đi đầu trong việc lên kế hoạch cho chiến dịch này thay vì Văn phòng An ninh quốc gia (NSO) hay Văn phòng Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), theo tờ báo Munwha Ilbo.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại lễ khánh thành khu dân cư mới ở phố Ryomyong, Bình Nhưỡng. Ảnh: SPUTNIK
Đội ngũ của NSO và WMD được giao nhiệm vụ lập kế hoạch “tấn công chính xác” riêng biệt để đáp trả kịch bản Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo thông thường hoặc hạt nhân vượt qua “lằn ranh đỏ”.
Tờ báo của Hàn Quốc cho hay theo kế hoạch, những chiến đấu cơ F-15 sẽ được triển khai để oanh kích và các trung tâm chỉ huy then chốt ở Triều Tiên, trong đó mục tiêu trọng tâm là “cửa sổ của văn phòng Chủ tịch Đảng Lao động, ông Kim Jong-un, tại trụ sở Đảng Lao động Bình Nhưỡng” - một quan chức quân sự Hàn Quốc giấu tên cho biết. Người này tiết lộ các kế hoạch “tấn công phẫu thuật” này đã được soạn thảo vào ngày 31-3.
Tổng thống Moon Jae-in được cho là đã yêu cầu thành lập một lữ đoàn đặc nhiệm gồm 1.000-2.000 người nhằm “loại bỏ giới lãnh đạo hiếu chiến” và “làm tê liệt các cơ sở chỉ huy trong trường hợp khẩn cấp”. Cũng có thông tin cho hay đặc nhiệm Mỹ lên kế hoạch lật đổ ông Kim Jong-un vào ngày 4-7 nhưng đã không xảy ra.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 31-7 thông báo rằng “Triều Tiên có khả năng thử đầu đạn hạt nhân và tên lửa thông qua một vụ thử khác với sức bùng nổ mạnh hơn”. Giới chức quốc phòng tin rằng vụ thử tên lửa tiếp theo của Triều Tiên có thể xảy ra bất cứ khi nào.(PLO)
-----------------------------
Hàn Quốc muốn phát triển vũ khí hạt nhân đối phó với Triều Tiên?
Chính sách chiến lược của Bình Nhưỡng trên bán đảo Triều Tiên là dựa vào lực lượng vũ khí truyền thống, do đó, việc Hàn Quốc có ý định phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó với Triều Tiên là phi logic.
Trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phản đối ý tưởng quốc gia này tự phát triển kho vũ khí hạt nhân, thì nhiều người dân Hàn Quốc lại xem vũ khí hạt nhân là công cụ hữu hiệu để đối phó với sự lớn mạnh không ngừng trong năng lực quân sự của quốc gia láng giềng, Triều Tiên.
Theo kết quả khảo sát mới đây, hơn một nửa người dân Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng quốc gia này cần sở hữu vũ khí hạt nhân. Nghị sĩ Yoon Young-seok thuộc Đảng Hàn Quốc Tự do nhấn mạnh, người dân Hàn Quốc muốn tạo ra thế cân bằng sức mạnh giữa hai miền Triều Tiên.
Sputnik đã có bài phỏng vấn trao đổi với Tiến sĩ Stephen Nagy tại Đại học Thiên Chúa giáo quốc tế tại Tokyo về việc Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân có phải là hướng đi đúng đắn.
"Hiện tại, người dân Hàn Quốc đang phân vân liệu việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân có phải là cách tốt nhất để đối phó trước những thách thức từ Triều Tiên. Các nghị sĩ và cố vấn của Tổng thống Moon Jae-in lâu nay cũng cho rằng, hướng đi đúng đắn là tiến tới hạt nhân hóa Hàn Quốc. Song câu hỏi đặt ra là phản ứng của Triều Tiên cũng như các quốc gia láng giềng trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản sẽ như thế nào nếu Hàn Quốc quyết định hạt nhân hóa", ông Nagy nói.
Cũng theo ông Nagy, việc Hàn Quốc tiến hành hạt nhân hóa không hề giúp quốc gia này được an toàn hơn trước các mối đe dọa từ Triều Tiên. Bởi chiến lược trên bán đảo Triều Tiên của Bình Nhưỡng không phải dựa vào vũ khí hạt nhân mà thực tế là dựa vào hàng triệu binh sĩ Triều Tiên và lực lượng vũ khí truyền thống đang hiện diện tại khu vực biên giới giữa Hàn – Triều. Những vũ khí mà Triều Tiên triển khai tại khu vực sát biên giới Hàn Quốc có thể khai hỏa bất cứ lúc nào nếu như Bình Nhưỡng phát hiện Seoul có ý định tấn công.
Chính ưu thế chiến lược dựa vào các loại vũ khí truyền thống đã giúp Triều Tiên trên cơ Hàn Quốc. Do đó, việc Hàn Quốc có ý định phát triển vũ khí hạt nhân là lựa chọn phi logic trong chiến lược đối phó với quốc gia láng giềng.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng nên cân nhắc về những tuyên bố mang tính chỉ trích của Tổng thống Donald Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, các đồng minh châu Á cần gánh thêm phần chi phí quốc phòng thay vì dựa dẫm vào quân đội Mỹ.
"Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã nhắc tới việc tái cơ cấu, tái dịch chuyển và tái cân bằng các chiến lược của Mỹ trong khu vực cũng như việc để hai quốc gia đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản tự phát triển vũ khí hạt nhân", Tiến sĩ Nagy chia sẻ.
Ông Nagy nói thêm, mối quan hệ đồng minh Mỹ với Hàn Quốc và các đối tác trong khu vực được xây dựng suốt một thời gian dài, có hệ thống và có tổ chức đồng thời ảnh hưởng sâu sắc tới mối quan hệ giữa các binh sĩ và hiến pháp giữa các nước.
Tuy nhiên, ông Trump lại đang chú trọng tới việc các nước đồng minh cần chia sẻ thêm gánh nặng tài chính quân sự và không đưa ra được chiến lược hoạt động trong khu vực đặc biệt là giải quyết mối đe dọa từ Triều Tiên, đã khiến các đối tác mà đặc biệt là Hàn Quốc cảm thấy nghi ngờ.
Đây là lý do các nước trong khu vực đang có xu hướng tự giải quyết các mối đe dọa an ninh một cách độc lập hơn và giải quyết vấn đề Triều Tiên theo chiến lược riêng của mình.
Liên quan tới việc Triều Tiên sẽ phản ứng như thế nào khi Hàn Quốc tự phát triển kho vũ khí hạt nhân, Tiến sĩ Nagy nhấn mạnh, từ trước tới nay, phản ứng của Bình Nhưỡng thường là ngày càng gay gắt dù là đối đầu với Mỹ, vòng đàm phán hạt nhân 6 bên, hay với Hàn Quốc.
Do đó, nếu chính quyền Hàn Quốc muốn theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân, Seou đồng thời cần tiến hành chính sách ngoại giao "bên miệng hố chiến tranh" để từ đó tạo thêm áp lực với Triều Tiên và thu hút sự trợ giúp từ các đối tác trong khu vực vốn quan tâm tới nền độc lập của Triều Tiên như Nga và Trung Quốc.
"Khi chúng ta nhìn vào cách Triều Tiên đối phó với áp lực từ chính quyền của Tổng thống Trump cũng như các đối tác của Mỹ trong khu vực, vấn đề còn kéo theo cả Nga và Trung Quốc. Bởi cả hai quốc gia này đều muốn xóa bỏ tầm ảnh hưởng của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên", ông Nagy kết luận.(Infonet)
---------------------------------
Triều Tiên có ý gì khi thay đổi chiến thuật phóng tên lửa?
Giới chức Triều Tiên đã thay đổi cách thức tiến hành phóng tên lửa sau khi có báo cáo từ truyền thông cho rằng Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã có cơ hội ám sát lãnh đạo Kim Jong Un hôm 4/4 nhưng cuối cùng lại quyết định không “hạ thủ”.
Theo Business Insider, thay vì để ông Kim thị sát bệ phóng tên lửa trong vòng hơn một tiếng đồng hồ cũng như ngồi quan sát các vụ thử giữa ban ngày như các lần thử tên lửa hồi đầu tháng 7, vụ phóng hôm 28/7 vừa qua đã được tiến hành giữa đêm và có rất nhiều người “đóng thế” ông Kim Jong Un cùng có mặt tại bãi thử.
Sự thay đổi này có thể mang những ẩn ý chiến lược. Mặc dù quân đội Mỹ đã thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa, song hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia Hoa Kỳ (GMD) lại chưa bao giờ được thử nghiệm trong bóng tối. Như vậy các hệ thống đánh chặn này chưa được thử nghiệm về tính hiệu quả khi tác chiến trong màn đêm.
Ví dụ như, Cơ quan thẩm định trách nhiệm của chính phủ (GAO) đã báo cáo năm 2016 rằng các vụ thử hệ thống GMD cho đến nay vẫn chưa đủ để cho thấy năng lực phòng vệ một cách hiệu quả nhất.
Việc phóng tên lửa vào ban đêm cũng như xuất hiện nhiều thế thân của ông Kim Jong Un không phải là những thay đổi duy nhất mà Bình Nhưỡng thực hiện trong lần thử vũ khí hôm 28/7 vừa qua.
Jeffrey Lewis, Trung tâm James Martin về không phổ biến vũ khí thuộc ĐH Middlebury, nhận định: “Theo các báo cáo, vụ thử tên lửa hôm 28/7 được thực hiện từ một địa điểm bất thường ở trung tâm của khu vực nông thôn mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Và sự thay đổi này có vẻ đã phát huy tác dụng”. Ông Lewis cũng cho rằng việc điều chỉnh chiến lược của Bình Nhưỡng là nhằm đáp trả các thông tin khẳng định lực lượng Mỹ đã phát hiện tên lửa 70 phút trước khi phóng.
Trước đó, hôm 12/7, Sputnik cho hay các lực lượng Hoa Kỳ đã “có thể ám sát ông Kim dễ dàng ở cự ly gần nhưng cuối cùng lại không thực hiện”.
Kể từ đầu năm 2017, quân đội Triều Tiên đã phóng thử 18 tên lửa trong tổng số 12 lần thử vũ khí.(Infonet)