Chân rết IS ở Philippines trữ vũ khí, thực phẩm để kháng cự lâu dài; Hé lộ Israel từng có ý định sử dụng bom nguyên tử; Lo ngại Saudi Arabia-Qatar xung đột quân sự
Tin thế giới đáng chú ý chiều 07-06-2017
- Cập nhật : 07/06/2017
Nga dọa trả đũa sau khi Montenegro gia nhập NATO
Matxcơva phản đối mạnh mẽ việc Montenegro gia nhập NATO, cho rằng việc NATO mở rộng liên minh tới các nước Đông Âu là hành động đe dọa an ninh của Nga.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) tiếp đón Thủ tướng Dusko Markovic của Montenegro tại Nhà Trắng hôm 5-6 - Ảnh: Reuters
Ngày 5-6, quốc gia nhỏ bé vùng Balkan Montenegro đã trở thành thành viên thứ 29 của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dù phải đối mặt với sức ép rất lớn từ Nga.
Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic đang có mặt tại Washington để tham dự buổi lễ ký kết gia nhập NATO và Nga đã đưa ra lời cảnh báo trả đũa trước các “tiến trình thù địch” và “chống lại Nga một cách quá khích”.
Tại buổi lễ tổ chức ở trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, Thủ tướng Dusko Markovic nhấn mạnh: "Đây là một sự kiện lịch sử cho một đất nước đã nếm trải nhiều hy sinh, mất mát trong thế kỷ 19 và 20 để bảo vệ quyền được có một cuộc sống tự do, quyền tự quyết định tương lai, được thế giới công nhận bằng chính cái tên của chúng tôi và các biểu tượng quốc gia của chúng tôi... Sẽ không bao giờ có chuyện một ai khác quyết định cho chúng tôi như trong quá khứ nữa".
Thủ tướng Markovic khẳng định Montenegro hướng đến việc đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ca ngợi việc Montenegro gia nhập tổ chức này là tốt cho hòa bình và an ninh thế giới.
“(Việc này) gửi tín hiệu đến các quốc gia khác mong muốn trở thành thành viên của NATO rằng nếu nước đó thực sự cải cách, đẩy mạnh nền dân chủ, và tăng cường luật pháp, hiện đại hóa sức mạnh quân sự, và đóng góp vào sự phòng thủ chung, họ đều có thể gia nhập liên minh”, ông Stoltenberg phát biểu.
Sau đó, ông Markovic đã gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Nhà Trắng, nhưng không gặp Tổng thống Donald Trump, theo hãng tin Reuters.
Nga vốn là đồng minh hàng đầu với Montenegro và cũng là quốc gia đầu tư lớn nhấn vào nước này. Tuy nhiên mối quan hệ giữa 2 nước ngày một trở nên xấu đi khi quốc gia từng thuộc Nam Tư mong muốn gia nhập NATO, tổ chức được thành lập năm 1949 và được Matxcơva xem là chống Nga
Vào tháng 10-2016, Montenegro cáo buộc các tổ chức gián điệp của Nga và những tổ chức ở trong nước ủng hộ Nga đã tổ chức ám sát thủ tướng Montenegro khi đó là Milo Djukanovic để đưa phe đối lập lên nắm quyền. Điện Kremlin đã phủ nhận điều này.(Tuoitre)
----------------------------------
Đảng cầm quyền Campuchia mất ghế ở Phnom Penh
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) thắng lớn trong cuộc bầu cử xã, phường nhưng lại thua ngay tại thủ đô Phnom Penh và một số địa phương lớn khiến những người ủng hộ không khỏi lo lắng.
Mặc dù đã tích cực “trẻ hóa” để thu hút cử tri trẻ, Đảng CPP vẫn “lép vế” ở những địa phương lớn như thủ đô Phnom Penh - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử hội đồng xã, phường ở Campuchia (nhiệm kỳ 4), trong tổng số 1.646 ghế thì Đảng CPP của Thủ tướng Hun Sen chiến thắng với tỉ lệ cao, chiếm đến trên 70% số ghế, tương đương với 1.163 ghế.
Trong khi đối thủ chính của CPP là Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) chỉ được 482 ghế; đảng nhỏ duy nhất có được ghế hội đồng địa phương là Đảng Đoàn kết dân tộc Khmer, có chỉ một ghế.
Chiến thắng chưa trọn vẹn
Theo các nhà quan sát, tuy giành chiến thắng khá thuyết phục, CPP vẫn chưa thể có được niềm vui trọn vẹn mà nguyên nhân chính là sự trỗi dậy của CNRP tại một số khu vực quan trọng.
CNRP ra đời từ sự hợp nhất giữa Đảng Sam Rainsy (của ông Sam Rainsy) và Đảng Nhân quyền (của ông Kem Sokha). Nhiệm kỳ bầu cử hội đồng xã, phường trước (năm 2012), khi hai đảng này chưa hợp nhất, tổng cộng họ chỉ thắng 40 ghế.
Đến năm 2013, khi CNRP ra mắt và chạy đua mạnh mẽ vào quốc hội bằng việc dấy lên làn sóng dân tộc cực đoan, họ đã tạo ra một cú sốc chính trị ở Campuchia khi giành 55/123 ghế đại biểu quốc hội (CPP có 68 ghế).
Tại cuộc bầu cử hội đồng xã, phường vừa qua, tuy chưa giành được số ghế như kỳ vọng nhưng CNRP đã ghi dấu ấn “ngoạn mục” ở những địa bàn trọng yếu, trong đó đáng kể là thủ đô Phnom Penh, Siem Reap, Kampong Cham...
Theo kết quả sơ bộ, tại thành phố du lịch Siem Reap, CNRP giành được 56 ghế, trong khi CPP chỉ được 44 ghế; ở tỉnh Kampong Cham, CNRP áp đảo hơn khi giành tới 76 ghế, so với 33 ghế của CPP. Đặc biệt, tại thủ đô Phnom Penh, CNRP vượt lên CPP với tỉ lệ phiếu sát sao 54-51 ghế.
Nỗ lực của CPP
Đảng CPP cho thấy những cải tổ của mình đã đạt được thắng lợi nhất định, giúp đảng này giành được số phiếu áp đảo. Chính sách kinh tế thông thoáng đã đưa Campuchia trở thành nước có tăng trưởng GDP cao nhất Đông Nam Á, cũng là một minh chứng để CPP ghi điểm.
Điều này là tối quan trọng, bởi “trận chung kết” thực sự sẽ diễn ra vào giữa năm 2018, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu quốc hội. Kết quả cuộc bầu cử đó sẽ quyết định ai sẽ lãnh đạo đất nước.
Hụt hơi ở các khu vực trung tâm nhưng CPP lại thắng lớn ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa và có biên giới với Việt Nam như Kampot, Takeo, Kandal, Svay Rieng, Prey Vieng...
Đây là những địa phương có số ghế lãnh đạo phường, xã cao nhất (thủ đô Phnom Penh chỉ đứng thứ tư về số ghế hội đồng xã, phường với 105 ghế, so với Kandal 127 ghế, Prey Vieng 116 ghế...).
Trả lời Tuổi Trẻ, ông L.Đ., một cử tri gốc Việt ở Phnom Penh, cho rằng việc CPP mất điểm trước CNRP tại một số địa bàn quan trọng cũng là dịp để đảng cầm quyền xem lại việc điều hành của mình.
Còn ông L.M.T., cử tri gốc Việt ở tỉnh Siem Reap, cho rằng do bộ máy chính quyền của CPP cầm quyền có biểu hiện “chủ quan”, xem nhẹ nhu cầu, nguyện vọng dù nhỏ của dân.
Ông T. cho hay tại Siem Reap, ngay khi có kết quả bỏ phiếu sơ bộ, dường như chính quyền do CPP lãnh đạo đã có sự điều chỉnh, một vài vị trí đã được thay đổi.
“Họ làm không tốt, ảnh hưởng uy tín đảng thì đáng ra phải thay lâu rồi. Chứ để người dân thất vọng thì khó mà được phiếu” - ông T. nhận xét.(Tuoitre)
-----------------------------
Trung Quốc đáp trả Đài Loan về dân chủ
Ngày 5.6, phát ngôn viên Văn phòng phụ trách vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Mã Hiểu Quang đã có phản ứng mạnh sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn “ngỏ ý” hỗ trợ Trung Quốc chuyển sang dân chủ, theo Reuters.
Ông Mã nhấn mạnh rằng chỉ có người Trung Quốc ở đại lục mới có quyền nói về vấn đề của đại lục.
Theo ông, những “giá trị và tư tưởng” do đảng Dân tiến cầm quyền của bà Thái thúc đẩy đã gây ra tình trạng hỗn loạn ở Đài Loan.
Trước đó, hôm 4.6, ngày đánh dấu 28 năm xảy ra sự kiện Thiên An Môn ở Bắc Kinh, bà Thái cho rằng khoảng cách lớn nhất giữa Đài Loan và Trung Quốc là dân chủ và tự do.(Thanhnien)
--------------------------
Nga điều Su-27 chặn B-52 Mỹ
Đài RT dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga nói rõ lực lượng phòng không nước này phát hiện chiếc B-52 vào khoảng 14 giờ ngày 6.6 (theo giờ Việt Nam) nên đã triển khai một chiếc Su-27 để ứng phó. Khi đó, chiếc B-52 bay trên không phận thuộc vùng biển trung lập.
Sau khi B-52 rời khỏi khu vực, chiếc Su-27 mới bay trở về căn cứ. Vụ việc này xảy ra trong bối cảnh NATO tiến hành hàng loạt cuộc tập trận gần biên giới Nga.
NATO đang tổ chức một trong những cuộc tập trận lớn nhất từ đầu năm tới nay ở Romania, theo RT.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Mỹ đối với động thái của Nga.(Thanhnien)