Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên hướng tới nối lại giao lưu dân sự; Nhật Bản diễn tập đề phòng tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên; Quan điểm của Hàn Quốc để tái khởi động khu công nghiệp Kaesong
Tin thế giới đáng chú ý tối 07-06-2017
- Cập nhật : 07/06/2017
Chân rết IS ở Philippines trữ vũ khí, thực phẩm để kháng cự lâu dài
Giới chức Philippines cho biết các tay súng Hồi giáo cực đoan ở thành phố Marawi đã tích trữ vũ khí và lương thực trong nhà thờ và đường hầm để chuẩn bị cố thủ lâu dài.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh giao tranh tại thành phố miền nam đã kéo dài gần 2 tuần mà quân đội chính phủ vẫn chưa thể quét sạch nhóm nổi loạn có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khỏi Marawi.
Tướng Carlito Galvez, chỉ huy quân đội tại vùng tây Mindanao, cho biết có khoảng 200 tay súng Maute và các nhóm nổi dậy khác vẫn đang cố thủ trong thành phố và lực lượng này đã chuẩn bị đủ đạn dược và thực phẩm để dù ở đây 2 tháng cũng không chết đói.
Reuters nhận định việc các tay súng nổi dậy chuẩn bị cho cuộc trấn giữ lâu dài ở Marawi cho thấy mức độ tổ chức của lực lượng cực đoan này. Bên cạnh các tay súng người Philippines, nhóm nổi dậy còn có nhiều người nước ngoài mang quốc tịch Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Chechnya và Morocco.
Cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng tại Marawi làm dấy lên lo ngại rằng IS đang xây dựng thêm thành trì mới ở miền nam Philippines.
Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 3.6 tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn Marawi trong vòng 3 ngày, tuy nhiên các quan chức cấp cao Philippines tỏ ra thận trọng hơn về thời điểm giải phóng thành phố.
Khi nói về lý do tại sao nhóm nổi loạn có thể chống cự trước lực lượng hùng hậu của quân đội chính phủ lâu như vậy, các quan chức giải thích rằng còn nhiều dân thường ở trong thành phố.
Những người này bị bắt làm con tin và trở thành lá chắn sống cho tay súng. Đến nay vẫn còn 500-600 dân thường mắc kẹt với tình trạng thiếu thức ăn và nước uống, theo Reuters.(Thanhnien)
--------------------
Hé lộ Israel từng có ý định sử dụng bom nguyên tử
Một nhóm chuyên gia Mỹ vừa tiết lộ rằng năm 1967, Israel đã từng vội vã lên kế hoạch sẽ đánh bom nguyên tử nếu nước này thất bại trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967.
Kế hoạch này có mật danh là "Chiến dịch Shimshon" nhằm kích nổ một vũ khí hạt nhân trên đỉnh một ngọn núi ở bán đảo Sinai, Ai Cập. Dù chiến dịch này không được thực hiện, nhưng cũng cho thấy được chính sách hạt nhân mập mờ mà Israel duy trì trong nhiều năm qua.
Chiến dịch ngày tận thế" này được Dự án lịch sử quốc tế về phổ biến hạt nhân của Trung tâm nghiên cứu quốc tế Woodrow Wilson làm rõ vào ngày 5-6. Theo các nhà nghiên cứu, chiến dịch này được đưa ra nhằm đe dọa các nước Ả Rập khác như Jordan, Ai Cập, Iraq và Syria.
Phần lớn các chi tiết về chiến dịch đã được tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với cố Chuẩn tướng Itzhak Yaakov và Tiến sĩ Avner Cohen - một học giả về lịch sử hạt nhân tại trung tâm.
Một vụ thử bom nguyên tử với đám mây hình nấm đặc trưng.
Tiến sĩ Cohen giải thích trên trang web của trung tâm rằng, "Rõ ràng mà nói thì chiến dịch này chỉ có tính thể hiện. Tuy nhiên việc nhanh chóng đề ra kế hoạch khẩn cấp này cho thấy khi đó Israel vô cùng lo ngại về tình hình. Nếu chiến tranh thất bại và sự tồn tại của Israel bị đe dọa thì Israel vẫn còn một quân ác chủ bài khác".
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1999, Tướng Yaakov cho biết "Điều này rất bình thường. Bạn có kẻ thù và anh ta dọa sẽ ném bạn xuống biển. Bạn tin anh ta. Anh ta nói sẽ tấn công bạn bằng vũ khí hóa học. Vậy bạn đang tìm kiếm thứ gì? Thứ gì đó mà có thể ngăn chặn anh ta? Làm sao để ngăn chặn được? Bạn đe dọa anh ta. Nếu bạn có thứ gì đó có thể đe dọa được thì bạn đem ra dọa anh ta”.
Dù các nước đều biết rằng Israel đã chế tạo xong vũ khí nguyên tử đầu tiên, nhưng việc Israel sử dụng nó như thế nào vẫn còn là một bí mật.
Xe tăng Israel tại Bethlehem vào tháng 6-1967. Ảnh: SPUTNIK
Năm 2001, tiến sĩ Cohen cũng phỏng vấn cựu Tham mưu trưởng của Israel, Zvi Tzur. Ông Tzur cho rằng chiến dịch Shimshon là một cách để Israel đánh giá các lựa chọn trong chiến tranh tại thời điểm đó dựa vào năng lực kỹ thuật của nước này.
Ông Tzur nói, "Tôi không nói về việc tạo ra một vũ khí mà có thể tiêu diệt thế giới.Tôi đang nói về việc lựa chọn một phép thử mà có thể khiến mọi người hiểu được nên hành động cẩn trọng trước Israel. Vào thời đó, chúng tôi thậm chí không có sự lựa chọn đó”.
Để ngăn chặn những lời kêu gọi phi hạt nhân ở Trung Đông, Israel chưa bao giờ thừa nhận kho vũ khí hạt nhân của nước mình. Nếu khi đó Israel thông qua "Chiến dịch Shimshon" thì đó sẽ là lần đầu tiên có một quốc gia đánh bom nguyên tử sau khi Mỹ ném bom 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật vào năm 1945.(PLO)
-------------------
Lo ngại Saudi Arabia-Qatar xung đột quân sự
Một chuyên gia nói với hãng tin Sputnik (Nga) rằng sở dĩ Saudi Arabia cắt quan hệ ngoại giao với Qatar là để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược toàn diện nước láng giềng.
Theo hãng tin Sputnik ngày 6-6, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc Viện về các vấn đề vùng Vịnh, GS Ali al-Ahmed nói rằng quyết định cắt mọi quan hệ với Qatar của Saudi Arabia có lẽ là bước mở đầu cho cuộc xâm lăng tiểu vương quốc giàu có này.
“Tôi nghĩ đó là cuộc xâm lược Qatar… Tôi đã nhận được các báo cáo về các hoạt động chuyển quân của Saudi Arabia gần biên giới Qatar. Saudi Arabia có vẻ đang chuẩn bị” – ông al-Ahmed nhấn mạnh hôm 5-6.
Các xe bọc thép của Saudi Arabia. Ảnh: AFP
Ông Al-Ahmed cảnh báo rằng một cuộc tấn công toàn diện vào Qatar có thể xảy ra sớm hơn so với dự đoán của bất cứ ai.
“Nếu có sự cắt giảm đáng kể hoặc ngừng các cuộc không kích của Saudi nhằm vào lực lượng nổi dậy ở Yemen, đó sẽ là một tín hiệu mấu chốt. Viễn cảnh này nếu xảy ra sẽ cho thấy Saudi đang dồn lực lượng để thực hiện một động thái bất ngờ giáng vào Qatar” – ông al-Ahmed nhận định.
Chuyên gia al-Ahmed cũng lo ngại khả năng Mỹ đứng về phía Saudi Arabia nếu xung đột quân sự nổ ra. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là người có quan hệ thân thiết, gần gũi với hoàng gia Saudi trong suốt 15 năm ông giữ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí ExxonMobil.
Tuy nhiên, các dự đoán của ông al-Ahmed thật sự là khá khó tin. Căn cứ không quân al-Udeid của Qatar hiện đang là “nhà” của gần 10.000 quân Mỹ và là nơi Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) đóng đô. Đây cũng là căn cứ quan trọng để Mỹ và liên quân chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mở các chiến dịch quan trọng tại Syria và Iraq. Những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và ông Tillerson vừa qua dù ủng hộ lý do chống Iran trong quyết định cắt ngoại giao với Qatar của các nước vùng Vịnh, nhưng vẫn kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa giải.
Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani trong một hội nghị thượng đỉnh tại Riyadh, Saudi Arabia vào ngày 11-11-2015. Ảnh: REUTERS
Nếu Riyadh xâm chiếm Doha, Saudi Arabia cũng sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), đặc biệt là Vương quốc Bahrain.
“Người Saudi Arabia hẳn rất tức giận với người Qatar. Họ không muốn để Yemen có được độc lập. Bahrain cũng không ưa gì Qatar" – ông nhấn mạnh. “Saudi có hai mục tiêu: Thứ nhất, đưa Qatar vào mối quan hệ phụ thuộc và khi đó sẽ không có biện pháp thỏa hiệp. Thứ hai, Saudi đang chằm chằm nhìn vào trữ lượng tiền mặt khổng lồ của Qatar. Họ muốn nó’ – ông nói.
Ông al-Ahmed cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rõ với Saudi rằng ông hy vọng Riyadh trả cho Washington một số tiền lớn dù trực tiếp hay gián tiếp xem như là chi phí Mỹ bảo hộ vương quốc này. Điều này làm tăng gánh nặng tài chính lên Riyadh.
“Saudi cần tiền ở bốn phương tám hướng. Bây giờ ông Trump lại đưa ra yêu cầu mới về tài chính với họ: Họ sẽ cạn kiệt tiền. Vì thế, họ rối bời với đống tiền mặt mới phát sinh trên” – ông nói. Saudi vẫn quyết tâm ngồi “chiếu trên” Qatar bởi cho rằng nước này hoàn toàn quy phục họ, al-Ahmed kết luận.(PLO)