Putin cáo buộc Mỹ nuôi dưỡng al-Qaeda; Tin tặc Nga tấn công mạng bầu cử 39 bang của Mỹ; Bộ trưởng quốc phòng Mỹ ta thán để đòi thêm tiền; Lở đất làm thiệt mạng 137 người tại Bangladesh
Tin thế giới đáng chú ý chiều 14-06-2017
- Cập nhật : 14/06/2017
Gần 200 nghị sĩ Mỹ kiện Trump nhận tiền từ nước ngoài
Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ kiện ông Trump ra tòa án liên bang với cáo buộc nhận tiền từ chính phủ nước ngoài.
Hơn 190 nghị sĩ đảng Dân chủ hôm nay kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tòa án liên bang vì cho rằng ông Trump nhận các khoản vốn cho doanh nghiệp của mình từ nguồn tiền các chính phủ nước ngoài, theo Reuters.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng ông Trump đã không tìm sự chấp thuận của quốc hội Mỹ với bất cứ khoản chi nào cho hàng trăm doanh nghiệp của mình và nhận tiền từ chính phủ nước ngoài từ khi lên nắm quyền vào tháng một, dù hiến pháp Mỹ quy định rõ điều này.
Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận, song từng tuyên bố lợi ích kinh doanh của ông Trump không vi phạm hiến pháp. Tổ chức Trump cho biết sẽ tặng lợi nhuận từ khách hàng đại diện cho chính phủ nước ngoài vào ngân khố Mỹ, song sẽ không yêu cầu các khách hàng công bố danh tính.
Ít nhất 30 thượng nghị sĩ Mỹ và 166 hạ nghị sĩ là nguyên đơn trong vụ kiện ông Trump hôm nay, con số nhà lập pháp kiện một tổng thống Mỹ lớn nhất trước tới nay, theo hai luật sư đại diện cho bên nguyên đơn.
Điều khoản "tiền công nước ngoài" cấm các nhân viên chính phủ Mỹ nhận tiền hoặc quà tặng từ chính phủ nước ngoài, trừ khi có sự chấp thuận của quốc hội.
"Tổng thống thất bại trong việc nói với chúng tôi về các khoản tiền công, tiết lộ những khoản thanh toán và lợi ích mà ông nhận được, điều này có nghĩa là chúng tôi không thực hiện được công việc của mình. Chúng tôi không tán thành với những điều mà chúng tôi chưa được biết", Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, một trong những người tham gia kiện, nói trong phiên họp hôm qua.
Hạ nghị sĩ John Conyers, một nguyên đơn khác, nói thêm: "Tổng thống Trump có xung đột lợi ích với ít nhất 25 nước, có vẻ ông ấy đang dùng nhiệm kỳ tổng thống của mình để tối đa hóa lợi ích".
Bộ Tư pháp Mỹ từ chối đưa ra bình luận. Một số vụ kiện với ông Trump đã được đệ trình lên tòa án trong vài tháng qua, gồm một nhóm phi chính phủ nghiên cứu đạo đức, một nhóm nhà hàng thương mại và các công tố viên trưởng của Maryland, Columbia.
Họ cáo buộc ông Trump nhận tiền từ nước ngoài và chính phủ Mỹ thông qua đế chế kinh doanh của mình và đẩy các khách sạn, nhà hàng khác vào thế cạnh tranh không công bằng, gợi ý cho chính phủ các nước dành sự đối xử đặc biệt với các doanh nghiệp của tổng thống.
Từ khi nắm quyền vào tháng một, ông Trump đã nhường lại quyền điều hành tập đoàn Trump cho các con, nhưng không từ bỏ quyền sở hữu đế chế kinh doanh này, dù nhiều người Mỹ cho rằng ông nên làm vậy để tránh xung đột lợi ích với đất nước. (VNexpress)
-----------------------------
Myanmar bay thử tiêm kích 'Sấm sét' do Trung Quốc sản xuất
Không quân Myanmar nhận bàn giao và bay thử tiêm kích FC-1 đầu tiên do nước này đặt mua từ Trung Quốc và Pakistan.
Chiếc FC-1 kiểm tra kỹ thuật trước khi bay thử. Ảnh: FYJS.
Myanmar hôm 13/6 nhận bàn giao tiêm kích FC-1 đầu tiên cho không quân nước này. Đây là phiên bản xuất khẩu của mẫu tiêm kích đa năng do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất, Livejournal đưa tin.
Trung tâm Phân tích và Nghiên cứu công nghệ Nga (CAST) cho biết không quân Myanmar đặt mua 6 tiêm kích FC-1 hồi năm 2015 với tổng trị giá khoảng 144 triệu USD. Chúng dự kiến bổ sung và thay thế cho phi đội tiêm kích lạc hậu của Myanmar, bao gồm 24 chiếc F-7M được Trung Quốc sao chép và cải tiến từ MiG-21 Liên Xô, 30 máy bay MiG-29 mua từ Nga và 21 cường kích A-5 của Trung Quốc.
FC-1/JF-17 "Thunder" (Sấm sét) là mẫu tiêm kích đa năng hạng nhẹ, một động cơ được phát triển bởi liên doanh giữa Tổ hợp hàng không Pakistan (PAC) và Tập đoàn máy bay Thành Đô (CAC) của Trung Quốc. Nó có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát đường không, tấn công mặt đất và đánh chặn. Phiên bản Trung Quốc sản xuất mang định danh FC-1, trong khi JF-17 là sản phẩm của PAC.
Tiêm kích FC-1/JF-17 bay thử nghiệm
FC-1 được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau trên 7 giá treo với tổng khối lượng 3,6 tấn, cùng một pháo nòng đôi GSh-23-2 cỡ 23 mm. Phiên bản của Myanmar sử dụng động cơ Klimov RD-93 do Nga sản xuất, được phát triển từ mẫu RD-33 trên tiêm kích MiG-29 của nước này. Máy bay có tốc độ tối đa 1.960 km/h, bán kính chiến đấu 1.350 km và trần bay 17 km.(Vnexpress)
-----------------------------
Putin bàn về khủng hoảng Qatar với Vua Arab Saudi
Tổng thống Nga cảnh báo việc cô lập Qatar sẽ cản trở việc tìm ra kết thúc hoà bình cho chiến tranh Syria, trong điện đàm với Vua Arab Saudi.
Tổng thống Vladimir Putin và Quốc vương Salman hôm nay "trao đổi quan điểm về tình hình hiện nay ở Trung Đông", trong đó có tình hình leo thang về Qatar, Sputnik dẫn thông cáo của Điện Kremlin.
Thông báo nêu rõ vấn đề không giúp "thống nhất nỗ lực chung trong việc hoà giải người Syria và cuộc chiến chống mối đe doạ khủng bố". Hai lãnh đạo cũng thảo luận về quan hệ song phương và biện pháp chống khủng bố trong khu vực.
Tass dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay cho biết Nga ủng hộ xây dựng quan hệ thân thiện với tất cả các nước vùng Vịnh và tất cả mọi vấn đề, bao gồm mâu thuẫn ngoại giao xung quanh Qatar, cần được giải quyết bằng biện pháp chính trị và ngoại giao.
Arab Saudi, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và một số nước khác tuần trước cắt quan hệ với Qatar, cáo buộc nước này hậu thuẫn khủng bố. Qatar bác bỏ cáo buộc, cho rằng thông tin này "không có cơ sở".(Vnexpress)
--------------------------------