Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Tình hình BIển Đông - Vì đâu Trung Quốc nghĩ mình có quyền thống lĩnh Biển Đông?
Tin thế giới đáng chú ý chiều 15-09-2017
- Cập nhật : 15/09/2017
Mỹ giáng đòn thù vặt chống Nga
Đáng chú ý, những biện pháp mới của Mỹ mang tính nhỏ lẻ như nhằm vào các hãng truyền thông hay công ty phần mềm Nga.
Mỹ tung tiểu xảo
Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Nga-Mỹ tiếp tục gia tăng, Washington tiếp tục có thêm những động thái được cho là “đổ thêm dầu vào lửa”. Đáng chú ý, những biện pháp mới của Mỹ mang tính nhỏ lẻ như nhằm vào các hãng truyền thông hay công ty phần mềm Nga.
Chính báo chí Mỹ cũng thừa nhận, trong suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Donald Trump liên tục mâu thuẫn với giới lãnh đạo tình báo về kết luận cho rằng Nga đã tiến hành một chiến dịch nhằm can thiệp vào kết quả cuộc bầu cử 2016 theo hướng có lợi cho ông, đồng thời khiến nhiều quan chức trong Quốc hội thất vọng khi có những động thái ngả về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên, trong khi Nhà Trắng hạn chế bình luận về Nga, chuyển hướng các câu hỏi về tiến trình điều tra sang phía luật sư của ông Trump, thì nhiều cơ quan khác của Mỹ lại đang tích cực cho một nỗ lực khác.
Bất chấp mong muốn của hai tổng thống Nga-Mỹ, mối quan hệ song phương vẫn tiếp tục gia tăng căng thẳng
Ngày 11/9, trang tin tức RT của hãng thông tấn Russia Today thuộc chính phủ Nga đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu Russia Today đăng ký hoạt động với tư cách một hãng đại diện nước ngoài theo Luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài (FARA), một điều luật có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Nếu Russia Today tuân thủ yêu cầu này, các nội dung của RT sẽ bị xem là nhằm mục đích tuyên truyền cho Nga thay vì đưa tin thông thường.
Còn Yahoo News cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra đài Sputnik của Nga và có thể cũng sẽ yêu cầu Sputnik tuân thủ chặt chẽ FARA.
Trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo News, Andrew Feinberg, cựu phóng viên đưa tin từ Nhà Trắng cho Sputnik cho biết FBI đã thẩm vấn ông các thông tin về “cơ cấu nội bộ, tiến trình xuất bản và kinh phí hoạt động” của đài này.
Ông nói: “Họ muốn biết xem lệnh được đưa ra từ đâu và liệu tôi có nhận chỉ đạo từ Moscow hay không. Họ rất quan tâm tới những vấn đề như việc tôi được định hướng để đưa tin về một số vấn đề cụ thể”.
Ông Feinberg đã bị người đứng đầu chi nhánh của Sputnik tại Washington sa thải vào hồi cuối tháng 5 với lý do “làm việc kém hiệu quả”, song trong cuộc trao đổi với Yahoo News, ông cho rằng lý do chính khiến ông mất việc là bởi ông không chịu hỏi Thư ký báo chí của Nhà Trắng về một thông tin sai lệch mà Fox News đã đăng tải trước đó.
Tiếp theo, ngày 13/9, Bộ An ninh Nội địa đã yêu cầu mọi cơ quan nhà nước phải ngừng sử dụng các sản phẩm của Kaspersky Lab do lo ngại công ty chuyên về an ninh mạng có trụ sở tại Moscow này có quan hệ với tình báo Nga và đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Elaine Duke đã chỉ thị cho tất cả các văn phòng của chính phủ phải gỡ bỏ hoặc thay thế bất cứ phần mềm chống tin tặc nào của công ty Kaspersky trong vòng 90 ngày.
Bà Duke tuyên bố: "Bộ An ninh Nội địa quan ngại về mối quan hệ giữa một số quan chức Kaspersky với tình báo Nga và các cơ quan chính phủ khác".
Bà cũng bày tỏ quan ngại rằng các cơ quan tình báo Nga có thể dựa vào pháp luật để yêu cầu hoặc ép buộc sự hỗ trợ từ Kaspersky. Bà Duke nêu rõ: "Nguy cơ Chính phủ Nga, dù tự mình hành động hay phối hợp với Kaspersky, có thể lợi dụng việc truy cập thông qua các sản phẩm của Kaspersky nhằm xâm nhập các hệ thống thông tin và thông tin liên bang trực tiếp tác động đến an ninh quốc gia Mỹ".
Kaspersky Labs nhanh chóng phản pháo khi cho rằng “các cáo buộc này xuất phát từ những nhận định hoàn toàn sai lầm”.
Nga vẫn thiện chí
Các biện pháp trên diễn ra sau hàng loạt cú đòn trả đũa giữa Nga và Mỹ. Sau khi Quốc hội Mỹ buộc Tổng thống Trump phải ký thông qua một điều luật nhằm áp đặt thêm một loạt đòn trừng phạt mới với Nga vì việc nước này can dự vào quá trình bầu cử, Tổng thống Putin đã yêu cầu Mỹ cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại Nga xuống còn 755 người.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ lại yêu cầu Nga đóng cửa 3 cơ quan ngoại giao tại thủ đô Washington, thành phố New York và San Francisco. Tuần này, Nga đã có những động thái gây khó dễ cho các nhà ngoại giao Mỹ tại các điểm đỗ xe ở St. Petersburg và Yekaterinburg.
Quan hệ Nga - Mỹ ngày càng trở nên tồi tệ là điều không thể phủ nhận, dù rằng Tổng thống Donald Trump nhiều lần hứa hẹn về mục tiêu cải thiện mối bang giao giữa hai nước. Trong chiến dịch tranh cử và cả sau khi lên nắm quyền, ông Trump đã nhiều lần có dấu hiệu mong muốn xích lại gần Nga.
Tổng thống Putin cũng nhanh chóng tỏ ý sẵn sàng đáp lại “thiện chí” này. Trong tháng thứ 3 từ sau khi ông Trump lên nắm quyền, Nga đã gửi Nhà Trắng một đề xuất vạch rõ lộ trình “bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa các bộ nganh của hai nước Mỹ và Nga”.
Tuy nhiên những nỗ lực ấy đã chững lại. Ngày 13/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov được nói: “Điều đáng tiếc là (những nỗ lực của chúng tôi) không được đáp lại”. Bình luận của ông Peskov cũng tương đồng với nhận định của nhà lãnh đạo Nga khi cho rằng Mỹ vẫn do dự trong việc khôi phục quan hệ ngoại giao với Nga.
Hồi đầu tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí còn chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vì những căng thẳng đang diễn ra, đồng thời cho rằng nhà ngoại giao Mỹ đã liên tục mắc sai lầm kể từ sau khi được tặng thưởng Huân chương Hữu nghị Nga hồi năm 2013.
Tổng thống Nga Putin trao Huân chương Hữu nghị cho ông Rex Tillerson khi còn là CEO của ExxonMobil năm 2013
Mặc dù vậy, ông Putin nhấn mạnh rằng ông vẫn “hy vọng mục tiêu và triển vọng hợp tác cũng như hữu nghị cuối cùng cũng sẽ đưa ông ấy (Tillerson) đi đúng lộ trình”.
Giới chức Nga cũng luôn khẳng định chỉ đáp lại các biện pháp thiếu thân thiện từ phía Washington và không mong muốn siết chặt thêm vòng xoáy leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương.
Hồi tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cam kết rằng Moscow sẽ không phá vỡ bất kỳ một kênh liên lạc nào với Mỹ, trong đó có định dạng các cuộc gặp cấp thứ trưởng ngoại giao. Cuộc gặp này vừa được tiến hành hôm 12/9 tại Helsinki, Phần Lan giữa ông Ryabkov và người đồng cấp Mỹ Thomas Shannon.
Tuy nhiên, giới quan sát tại Nga nghi ngờ hiệu quả của các cuộc gặp này. Giám đốc Quỹ nghiên cứu Mỹ mang tên F.Roosevelt của Đại học MGU (Nga) Yuri Rogulev đánh giá giới chính trị tại Mỹ "đều đang chìm ngập trong chiến dịch chống Nga" nên bất kỳ một quyết định nào của Chính quyền Donald Trump cũng đều phải "ướm ý tứ của quốc hội và công luận vốn đang đòi hỏi các hành động kiên quyết và khát máu".(Baodatviet)
----------------------
Liên Hiệp Quốc cảnh báo tình hình Myanmar
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp khẩn ngày 13-9, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) và tổng thư Ký Antonio Guterres đã lên tiếng cảnh báo về tình hình bạo lực tại Myanmar.
"Hội đồng bày tỏ lo ngại trước các thông tin về tình trạng lạm dụng vũ lực trong các chiến dịch an ninh (của chính quyền Myanmar) và kêu gọi lập tức có các biện pháp để chấp dứt bạo lực tại bang Rakhine, xoa dịu tình hình, tái thiết luật pháp và trật tự, bảo vệ dân thường… và giải quyết vấn đề tị nạn" - Reuters dẫn tuyên bố chung của LHQ.
Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp kín của LHQ thảo luận về tình trạng bạo lực khiến gần 380.000 người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine phải vượt biên sang Bangladesh.
Theo đó, ngoài lên án bạo lực, LHQ cũng kêu gọi Chính phủ Myanmar cho phép các nhân viên cứu trợ nhân đạo tiếp cận những người cần giúp đỡ tại bang Rakhine.
Đây là tuyên bố chung đầu tiên của LHQ về Myanmar trong chín năm qua và nhận được sự đồng thuận của cả Nga và Trung Quốc.
Trước đó cùng ngày, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ tin tức về việc các lực lượng an ninh Myanmar tấn công dân thường là "hoàn toàn không thể chấp nhận".
"Khi một phần ba dân số Rohingya phải chạy khỏi đất nước, liệu còn từ nào khác có thể diễn tả được điều đó" - ông Guterres nói, cho biết ông đã nói chuyện với nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi của Myanmar.
Ông cũng kêu gọi nhà chức trách Myanmar ngừng chiến dịch quân sự tại bang Rakhine và duy trì nguyên tắc thượng tôn pháp luật.(Tuoitre)
------------------------------------
Pháo M777 nổ lòi ra linh kiện Trung Quốc
Trong khi điều tra pháo M777 phát nổ, các nhà chức tránh Ấn Độ đã biết được trên dòng pháo nước này tự phát triển có dùng linh kiện Trung Quốc.
Sau sự cố khẩu M777 phát nổ trong diễn tập bắn đạn thật của lực lượng pháo binh hồi tháng 8/2017, một cuộc điều tra đã được tiến hành để xác định nguyên nhân sự cố của lựu pháo do Mỹ sản xuất. Cựu chỉ huy pháo binh Ấn Độ, Tướng Rahul Bhonsle cho biết, sự cố này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như đạn bị nhồi quá nhiều thuốc nổ, thậm chí là lỗi hàng loạt với các quả đạn pháo 155mm.
Tuy nhiên, trong khi điều tra về sự cố khẩu M777 không rõ vì lý do gì khiến các nhà điều tra lại tập trung vào pháo Dhanush 155mm do Ấn Độ tự phát triển và đã phát hiện ra sự thật động trời. Theo kết quả điều tra của Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ (CBI), pháo 155mm do nước này tự phát triển dùng nhiều linh kiện có nguồn gốc Trung Quốc.
NDTV dẫn nguồn tin CBI cho biết, nhiều linh kiện do Trung Quốc sản xuất với giá rẻ, núp dưới bóng "sản xuất tại Đức" đã tìm được đường vào dây chuyền sản xuất pháo Dhanush.
CBI cho biết, Dhanush là phiên bản cải tiến của pháo Bofors, vốn hoạt động rất hiệu quả trong cuộc chiến Kargil năm 1999. Tuy nhiên, không chỉ M777, khẩu pháo do Ấn Độ phát triển cũng nhiều lần phát nổ khi bắn đạn thật. Sự cố đã khiến CBI khởi tố vụ án đối với một công ty trụ sở tại Delhi về việc sử dụng linh kiện Trung Quốc.
Theo điều tra ban đầu của CBI cho thấy một nhà máy ở Jabalpur, bang Madhya Pradesh, nơi sản xuất một số khẩu pháo đầu tiên, đã chấp nhận sử dụng chi tiết quan trọng là trục xoay và một số bộ phận có xuất xứ từ Trung Quốc.
Hợp đồng đặt hàng đầu tiên của Ấn Độ tại xưởng này có từ năm 2013 với 4 trục xoay. Đến tháng 8/2014, xưởng được đặt hàng thêm hai ổ xoay. Việc chuyển hai trục xoay mỗi lần cho quân đội Ấn Độ được thực hiện vào ba dịp từ tháng 4/2014 đến tháng 12/2014.
Tuy nhiên, trong quá trình dùng thử, loại pháo này đã phát sinh nhiều sự cố khác nhau mà đỉnh điểm là việc đạn bắn trúng loa hãm giật đầu nòng gây hư hỏng nặng.
Với sự cố liên tiếp trên 2 dòng pháo chủ lực của Ấn Độ, truyền thông nước này thừa nhận rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột với láng giềng Trung Quốc hoặc Pakistan, pháo binh nước này sẽ không có gì để dùng.(Baodatviet)
----------------------------
Nước Nga bị 'khủng bố hàng loạt' qua điện thoại
Các đe dọa đánh bom xuất hiện liên tục trong hai ngày 12 và 13-9 tại nhiều địa điểm ở nước Nga. Tại thủ đô Matxcơva, hơn 20.000 người đã được sơ tán trong ngày 13-9.
Cảnh sát cho biết nhiều khả năng đây là một dạng "khủng bố qua điện thoại" nhưng ở mức độ "chưa từng có", một quan chức cấp cao Nga nói với hãng thông tấn Tass. Theo vị này, mục đích của những kẻ đe dọa là gây hoang mang dư luận, song cần thận trọng xác minh các cuộc gọi.
Các lời đe dọa đánh bom xuất hiện liên tục, làm đảo lộn cuộc sống tại hơn 22 thành phố ở Nga. Theo hãng tin Bloomberg, hơn 45.000 người đã được sơ tán khỏi các sân bay, trường học và các tòa nhà chính phủ trên khắp nước Nga chỉ trong 2 ngày gần đây.
Thủ đô Matxcơva hôm nay (13-9) đã trở thành nạn nhân mới nhất của loại "khủng bố qua điện thoại" này. Hơn 20.000 người tại 30 địa điểm ở Matxcơva đã được sơ tán sau.
Theo một quan chức thuộc cơ quan tình trạng khẩn cấp Nga, các cuộc gọi đe dọa đánh bom xuất hiện cùng lúc và tiếp diễn ngay trong lúc người dân được sơ tán. Không một quả bom nào được tìm thấy, cho thấy nó chỉ là các đe dọa khủng bố giả.
Trong số những địa điểm bị đe dọa sẽ cho nổ tung, có 3 ga tàu điện ngầm lớn là Leningrad, Kiev và Kazan; trường Đại học y dược Matxcơva và một trung tâm mua sắm gần Quảng trường Đỏ. Cảnh sát với chó nghiệp vụ đã được triển khai tới kiểm tra các tòa nhà.
Bộ Nội vụ Nga từ chối đưa ra bình luận.
Truyền thông Nga đưa tin các cuộc gọi này phần lớn đến từ Ukraine. Theo đài Russia Today, những kẻ tung tin khủng bố giả có thể đối mặt với án phạt 5 năm tù.
Nhiều cuộc điều tra đã được mở, tuy nhiên rất khó để xác định chính xác vị trí thủ phạm do chúng có thể đã sử dụng các đoạn băng ghi âm sẵn, các hệ thống quay số tự động và các phương tiện kỹ thuật số để che giấu nơi ẩn nấp.(Tuoitre)