Nhà lãnh đạo tối cao Iran cảnh báo Mỹ về thỏa thuận hạt nhân
Ngày 17/9, nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo nước này sẽ phản ứng mạnh mẽ trước bất cứ "hành động sai trái" nào của Mỹ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức).
Lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: EPA/TTXVN
Phát biểu trên truyền hình nhà nước, ông Khamenei nhấn mạnh: "Đất nước Iran sẽ luôn đứng vững và bất cứ hành động sai trái nào của chính quyền Mỹ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân sẽ phải đối mặt với sự phản ứng từ nước Cộng hòa Hồi giáo". Nhà lãnh đạo tinh thần Khamenei cũng cho rằng những cáo buộc giới chức Mỹ về Iran là hoàn toàn bịa đặt trong khi thực tế Iran luôn hành động một cách chân thành và tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) sắp tới, ông sẽ nêu rõ một số điểm cho thấy những hành vi sai trái của Mỹ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân.
Sau nhiều năm căng thẳng với phương Tây, Iran đã đạt được thỏa thuận hạt nhân với Nhóm P5+1 vào tháng 7/2015, theo đó Iran nhất trí hạn chế hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế của phương Tây nhằm vào quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân quốc đang đứng trước nguy cơ sụp đổ nghiêm trọng giữa lúc căng thẳng giữa Washington và Tehran ngày một leo thang trong thời gian gần đây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch tranh cử đã gọi thỏa thuận hạt nhân Iran là "thảm họa" và là "thỏa thuận tồi tệ nhất" từng được đàm phán.
Mới đây nhất, Tổng thống Trump đã phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới chống Iran liên quan đến chương trình tên lửa của quốc gia Hồi giáo.
Phản ứng về động thái này của Mỹ, Iran đã cáo buộc chính Washington vi phạm thỏa thuận hạt nhân, nhưng phía Mỹ đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định rằng lệnh trừng phạt trên không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân nói trên.(TTXVN)
---------------------------
Bí mật thành công quân sự của Nga tại Syria
Phi công Nga lên máy bay chuẩn bị xuất kích tại chiến trường Syria
Le Monde cho rằng, trong bài viết của mình, nhà sử học đã tiết lộ những lý do chính tạo nên thành công trong chiến dịch của Nga. Tờ báo dẫn đoạn trích từ bài báo phân tích của nhà sử học:
"Chiến dịch quân sự này đã giành được thành công: nó cho phép đạt được mục đích chính trị chính yếu là để cứu vãn chế độ Syria lúc đó đang ở trong tình thế rất khó khăn, và thậm chí còn góp phần vào chiến thắng có thể của nó", nhà sử học nêu ý kiến.
Vào cuối năm 2015, Quân đoàn viễn chinh Nga đã đóng một vai trò hữu hình trong việc ngăn chặn các lực lượng nổi dậy. Sau đó, đặc biệt là sau khi chiếm Aleppo, trong việc thiết lập kiểm soát một phần lớn của xa lộ M5, trong tâm chấn của cuộc xung đột. Cuối cùng, Nga đã phát động một chiến dịch ở vùng sa mạc ở phía đông đất nước, nơi mà sân bay quân sự Deir Ezzor gần đó đã được giải phóng khỏi bọn khủng bố. "Cuộc chiến còn lâu mới chấm dứt, nhưng nó không thể kết thúc bằng thất bại của Bashar Assad", Michel Goya tin tưởng.
Đồng thời, nhà sử học nhìn thấy một vấn đề gây tò mò rằng không hiểu vì sao Matxcơva đạt được kết quả ấn tượng như vậy bằng cách sử dụng nguồn lực rất hạn chế. Về số lượng lực lượng triển khai (4-5 nghìn người và 50-70 máy bay) và chi phí triển khai (khoảng 3 triệu euro một ngày), chi phí của Nga chỉ chiếm một phần tư hoặc một phần năm con số của Mỹ. Pháp đã đưa 1.200 lính và khoảng 15 chiếc máy bay đến khu vực, với chi phí 1 triệu Euro mỗi ngày, bay trung bình 6 lần trong một ngày, trong khi máy bay của Nga bay 33 chuyến mỗi ngày.
Theo kết quả đạt được, không còn nghi ngờ gì nữa, tiềm năng hoạt động của Nga (tỷ lệ chi phí đã chi và hiệu quả chiến lược của chúng) là rất cao so với Mỹ và Pháp, Goya nói.
Đặc điểm chính của cuộc nội chiến ở Syria, theo đánh giá của sử gia Pháp là ở chỗ các nước ủng hộ các bên đối lập, cụ thể là Mỹ và Nga, tránh tất cả mọi đụng độ trực tiếp với nhau. Kết quả là một bên nào đó chiếm được lãnh thổ thì bên kia tự động dừng tiến tới theo hướng đó.
Ông Goya gọi chiến lược này là chiến lược của "người đi bộ không cẩn thận", những người qua đường ở nơi không đúng quy định, buộc tài xế phải dừng xe. Đó là một chiến lược mà Nga và Liên Xô sử dụng trong quá khứ, nhà sử học nhận xét.
Với sự tham gia của mình vào cuộc xung đột Syria, Nga đã làm phức tạp thêm tình hình của những nước tham gia khác. Nga tự khẳng định vị thế của mình trên vùng trời, đặc biệt, khi triển khai các tổ hợp công nghệ cao như hệ thống phòng không từ mặt đất và từ biển.
Thành phần chính của học thuyết quân sự của Nga là hoạt động kết hợp. Mục tiêu của họ nắm bắt những điểm mấu chốt, chia rẽ lực lượng kẻ địch và buộc các nhóm vũ trang có thể thương lượng phải tự nguyện rút lui.
Chiến dịch không quân ở Syria cũng cho Nga cơ hội để kiểm tra vũ khí mới, và, quan trọng nhất, trình diễn chúng, Michel Goya ghi nhận.(Viettimes)
------------------------------
Hamas nhất trí bàn giao Dải Gaza cho chính phủ đoàn kết Palestine
Ngày 17/9, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas tuyên bố đã sẵn sàng bàn giao khu vực Dải Gaza cho chính phủ đoàn kết của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Ngư dân Palestin đánh bắt cá tại Dải Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng ngày, một thủ lĩnh cấp cao của phong trào Fatah do Tổng thống Abbas đứng đầu, ông Mahmoud Aloul cho biết Fatah hoan nghênh việc Hamas chấp nhận các điều kiện quan trọng nhằm chấm dứt sự chia rẽ về chính trị và lãnh thổ kéo dài suốt thập kỷ qua tại Palestine. Phát biểu trên Đài Tiếng nói Palestine, ông Aloul khẳng định Fatah "mong muốn thấy điều này xảy ra trước khi có những bước đi tiếp theo".
Trước đó, Hamas thông báo đã nhất trí giải thể “Hội đồng hành chính” kiểm soát Dải Gaza và sẵn sàng cho phép chính phủ tổ chức các cuộc bầu cử mới cũng như tham gia đàm phán với Fatah. Hamas cho biết điều này xuất phát từ mong muốn của phong trào về đoàn kết dân tộc, cũng như đáp lại những nỗ lực của Ai Cập nhằm chấm dứt sự chia rẽ giữa các phe phái Palestine.
Sau cuộc chiến giữa hai phe vào năm 2007, Hamas kiểm soát Dải Gaza, trong khi Fatah kiểm soát Bờ Tây. Nhiều nỗ lực hòa giải giữa hai phe phái chính của Palestine đã thất bại. Kể từ tháng 3/2009, Ai Cập đã đứng ra làm trung gian trong cuộc đàm phán hòa giải giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine.
Thỏa thuận hòa giải được chính quyền Ai Cập soạn thảo năm 2009 và được cả Hamas và Fatah thông qua vào tháng 5/2011, sau các cuộc biểu tình của người dân Palestine nhằm khôi phục sự thống nhất giữa các phe phái chính trị Palestine sau 4 năm xung đột.
Gần đây, phái đoàn đại diện của chính quyền Tổng thống Abbas và thủ lĩnh phong trào Hamas đã tới Cairo để tham gia cuộc đàm phán về hòa giải dân tộc Palestine.(Baotintuc)