Trung Quốc "lớn tiếng" cảnh cáo cả Nhật Bản và Ấn Độ
Trung Quốc đã lớn tiếng cảnh cáo cả Nhật Bản và Ấn Độ sau khi Thủ tướng Shinzo Abe cam kết đầu tư vào vùng đông bắc hẻo lánh của Ấn Độ, khu vực Bắc Kinh khẳng định đang xảy ra tranh chấp chủ quyền.
Sputnik đưa tin, một ngày sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Ấn Độ và cam kết tăng cường mối quan hệ kinh tế chiến lược song phương bao gồm đầu tư vào các bang hẻo lánh phía Đông Bắc Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng nhắc nhở cả Tokyo và New Delhi.
Theo Trung Quốc, khu vực các bang hẻo lánh phía Đông Bắc Ấn Độ là vùng biên giới đang xảy ra “tranh chấp chủ quyền”. Do đó, chừng nào chưa có một thỏa thuận chính thức giữa Trung - Ấn, sự xuất hiện của bên thứ ba là không được hoan nghênh.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Cụ thể, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, Trung Quốc phản đối mọi khoản đầu tư nước ngoài bao gồm từ Nhật Bản vào khu vực Đông Bắc Ấn Độ và phản đối bất cứ bên thứ ba nào can thiệp vào tranh chấp biên giới giữa Trung - Ấn.
“Chúng tôi đang cố gắng giải quyết tranh chấp bằng đối thoại giữa hai bên. Trong hoàn cảnh hiện nay, các bên cần tôn trọng vấn đề này và sự tham gia của bên thứ ba để giải quyết tranh chấp giữa hai nước là không nên”, bà Hoa phát biểu trong buổi họp báo ở Bắc Kinh.
Bà Hoa cũng khẳng định, không có bất cứ lời nói bóng gió nào liên quan tới Trung Quốc trong tuyên bố chung của Nhật Bản và Ấn Độ.
“Thực tế, chúng tôi đã theo dõi sát sao chuyến thăm tới Nhật Bản của Thủ tướng Nhật Bản. Tôi đã đọc bản tuyên bố chung của hai nước một cách cẩn thận và tôi không thấy có điều gì liên quan tới Trung Quốc”, bà Hoa nói thêm.
Theo giới chuyên gia Ấn Độ, trong bối cảnh New Delhi và Tokyo đẩy mạnh quan hệ song phương để đạt được những lợi ích chiến lược lớn hơn trong khu vực, sự khó chịu của Trung Quốc là điều dễ hiểu.
“Tuyên bố từ phía Trung Quốc không hề đáng ngạc nhiên nhất là liên quan tới khoản đầu tư của Nhật Bản vào vùng Đông Bắc Ấn Độ, khu vực kém phát triển và thiếu cơ sở hạ tầng. Ấn Độ đã thay đổi chính sách truyền thống để mở cửa chào đón các khoản đầu tư nước ngoài tới khu vực này. Trong khi đó, Nhật Bản đã hứa phát triển khu vực Đông Bắc Ấn Độ để giúp Ấn Độ kết nối với Đông Nam Á và các mục tiêu chiến lược lớn hơn của Nhật Bản. Đặc biệt, Chương trình Đối cơ sở hạ tầng chất lượng (EPQI) của Nhật Bản với Ấn Độ đang tạo ra thách thức với sáng kiến 'Một vành đai, một con đường' của Trung Quốc", Tiến sĩ Jagannath P. Panda tại Viện Phân tích và Nghiên cứu quốc phòng ở New Delhi chia sẻ với Sputnik. (Infonet)
----------------------
Thổ Nhĩ Kỳ bắt 74 đối tượng tình nghi là thành viên IS
Ngày 16/9, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin cảnh sát nước này đã bắt giữ 74 đối tượng tình nghi là thành viên của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Cảnh sát chống bạo động Thổ Nhĩ Kỳ gác tại Ankara ngày 4/7. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nguồn tin trên, cảnh sát chống khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các chiến dịch đồng thời tại 15 địa điểm khác nhau ở thành phố Istanbul. 73 người nước ngoài trong số những người bị bắt giữ đã được chuyển cho các bộ phận liên quan để tiến hành trục xuất. Hiện chưa có thông tin về quốc tịch của những đối tượng này.
Trong khi đó, nhật báo Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong khuôn khổ các chiến dịch trên, cảnh sát còn thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến những kế hoạch tấn công của tổ chức khủng bố IS.
Báo này dẫn báo cáo sơ bộ của cảnh sát cho hay những đối tượng trên đang có kế hoạch gia nhập lực lượng IS tại Syria và Iraq.
Từ năm 2015 đến nay, IS đã gây ra nhiều vụ tấn công đẫm máu tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 300 người thiệt mạng.
Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã trục xuất ít nhất 5.000 đối tượng tình nghi khủng bố và cấm 53.000 người khác nhập cảnh nước này.(TTXVN)
---------------------------
Pháp cảnh báo nguy cơ khủng bố nhằm vào đường sắt châu Âu
Cảnh sát Pháp phát tài liệu mật cảnh báo về những cuộc tấn công vào tuyến đường sắt và các vụ ngộ độc thực phẩm ở châu Âu.
Binh sĩ tuần tra tại quảng trường gần tháp Eiffel. Ảnh: AFP
"Dựa trên những tài liệu tuyên truyền của phiến quân gần đây, trong đó có các kế hoạch làm tàu trật bánh, cần đặc biệt chú ý đến bất cứ thông tin về hành vi đột nhập, âm mưu phá hoại đường sắt", Le Parisien hôm nay đưa tin, dẫn báo cáo dài 7 trang của cảnh sát hồi đầu tháng 9.
Tài liệu tập trung vào thông tin tuyên truyền của phiến quân trong ba tháng qua, cảnh báo những tên khủng bố đã được chỉ đạo chế tạo bom, được kêu gọi gây "trật bánh tàu, cháy rừng hoặc ngộ độc thực phẩm" tại châu Âu.
Cảnh sát cho rằng "các mối đe doạ về một cuộc tấn công vẫn còn rất cao" tại Pháp. Theo tài liệu mật, ngoài mạng lưới đường sắt, cần tăng cường cảnh giác tại các trường học, bao gồm các "sản phẩm hoặc tài liệu nhạy cảm" phiến quân có thể trộm từ phòng thí nghiệm để chế bom.
Pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau các cuộc tấn công ở Paris hồi tháng 11/2015, trong đó hơn 130 người chết. Tình trạng được gia hạn nhiều lần, trong đó lần gia hạn mới nhất là vào tháng 7, dự kiến kéo dài đến ngày 1/11. Tuần trước, một người đàn ông mang dao đe doạ một binh sĩ tuần tra ga tàu điện Chatelet ở Paris. Nghi phạm hô "Thánh Allah" và "Nhà nước Hồi giáo" bị bắt sau đó. (Vnexpress)