Triều Tiên lại phóng nhiều tên lửa từ bờ biển phía đông; Mỹ thừa nhận có thể bị Triều Tiên tấn công tên lửa hạt nhân; Trung Quốc đề nghị Triều Tiên dừng gia tăng căng thẳng
Tin thế giới đáng chú ý tối 08-06-2017
- Cập nhật : 08/06/2017
Indonesia sắp trao trả gần 700 ngư dân Việt Nam
Dự kiến công tác trao trả sẽ diễn ra vào ngày 9-6 tới tại đảo Batam của Indonesia. Ba tàu cảnh sát biển của Việt Nam sẽ đến đón công dân về nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 7-6, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia và các cơ quan chức năng của Indonesia đã hoàn thành hồ sơ thủ tục để trao trả bằng đường biển một đợt ngư dân Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay gồm 690 người.
Dự kiến công tác trao trả sẽ diễn ra vào ngày 9-6 tới tại đảo Batam của Indonesia. Đây là đợt trao trả ngư dân thứ hai mà Việt Nam và Indonesia thực hiện trên biển và là đợt trao trả thứ 6 trong năm nay.
Ông Nguyễn Thanh Giang, phụ trách công tác lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, cho biết hiện nay, các cơ quan chức năng của hai nước đang khẩn trương hoàn thành những khâu cuối cùng để việc trao trả ngư dân có thể diễn ra theo đúng như kế hoạch.
Dự kiến lúc 9h sáng ngày 9-6, sẽ có 3 tàu cảnh sát biển của Việt Nam mang số hiệu 8001, 8005 và 4039 cập cảng Batam để đón các ngư dân.
Số ngư dân này bị giữ ở các đảo Pontianak, Tanjung Pinang, Tarempa, Batam và Natuna của Indonesia.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn, trao trả trên biển là hình thức vận chuyển an toàn, hiệu quả nhất đối với một số lượng ngư dân lớn như vậy về Việt Nam.
Nếu chọn hình thức trao trả qua đường hàng không như trước đây thì ít nhất đến hết năm nay mới có thể đưa được hết số lượng ngư dân này về nước.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay và cả đợt trao trả này, 1.030 ngư dân Việt Nam được đưa về nước, bằng số ngư dân được trao trả trong cả năm 2016.(TTXVN)
-------------------------------------
Philippines phá kế hoạch tấn công quy mô lớn của phiến quân
Ngày 7/6, quân đội Philippines cho biết các binh sĩ của nước này đã phá vỡ một kế hoạch của các tay súng phiến quân Hồi giáo hiện ẩn náu tại thành phố Marawi để "truyền bá khủng bố" trong cuộc nổi loạn bạo lực có thể dẫn đến việc những phần tử cực đoan kiểm soát hoàn toàn thành phố miền Nam này.
Hải quân Philippines trong chiến dịch truy quét phiến quân ở thành phố Marawi ngày 30/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trong một cuộc họp báo trong bối cảnh quân đội đã nối lại hoạt động không kích nhằm vào các tay súng thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), người phát ngôn quân đội Restituto Padilla nêu rõ: "Đó thực sự là một kế hoạch lớn hơn và có thể nó có sức tàn phá lớn hơn".
Trong khi đó, nghị sĩ JV Ejerctito khẳng định: "Rõ ràng là những kẻ khủng bố này có mục đích cuối cùng là muốn Marawi độc lập hoặc tách khỏi nền cộng hòa. Với một kế hoạch như vậy, đây là một cuộc nổi loạn và một mối đe dọa với an ninh quốc gia, vì vậy tuyên bố thiết quân luật là chính đáng".(Baotintuc)
---------------------------------
Báo Mỹ: Qatar - ngòi nổ cho Đại chiến thế giới mới?
Tạp chí Foreign Policy cho rằng nếu Mỹ không nhanh chóng ngăn chặn mọi diễn tiến nghiêng về thế chiến tranh thì một cuộc chiến tương tự như Chiến tranh thế giới I sẽ bắt đầu.
Trong bài viết mới đây trên tờ Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) của Mỹ, ông Simon Henderson – Giám đốc chương trình chính sách Vùng Vịnh và năng lượng tại Viện Chính sách Cận Đông Washington đưa ra nhận định, rằng động thái các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar có thể là sự khởi đầu cho một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Ông cho biết: "Từ lâu các nước Hồi giáo dòng Sunni đã tìm lý do để chiến tranh với Iran. Tình hình tại Qatar có lẽ chỉ là một cái cớ, và họ đã quyết định tận dụng cơ hội này".
Theo quan điểm của tác giả, hiện giờ chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời khắc lịch sử, cũng tương tự như vụ ám sát Thái tử Áo - Hung Franz Ferdinand tại Sarajevo vào năm 1914. Sự kiện này đã được sử dụng như một cái cớ chính thức để châm ngòi cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Trong trường hợp này, mục đích thực sự của Ả rập Xê út và Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE không phải là Iran mà là Qatar, quốc gia từ lâu đã đứng ngoài thỏa thuận chung của các quốc gia vùng Vịnh trong các vấn đề liên quan đến Tehran.
Hôm thứ Hai vừa rồi (5/6), một loạt nước Ả Rập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha, đồng thời cáo buộc nước này hỗ trợ cho những kẻ khủng bố. Bên cạnh đó, Riyadh công bố lệnh cấm bay đối với hãng hàng không Qatar Airways, đóng cửa biên giới và các cảng của mình với nước này.
Ngay sau đó Tehran đã lên tiếng ngỏ ý hỗ trợ cho Qatar và sẵn sàng cung cấp ba cảng biển của mình cho nước này sử dụng. Riyadh và Abu Dhabi coi động thái này như một sự xác nhận cho mối quan hệ "nguy hiểm" giữa Doha và Tehran.
Ông Henderson nhận định rằng, Washington có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xoa dịu tình hình đang có nhiều khả năng bùng nổ này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang ở một vị trí thuận lợi, vì trước khi nhậm chức ông đã lãnh đạo ExxonMobil – công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực năng lượng ở Qatar.
Ông Henderson nhấn mạnh: "Washington phải hành động nhanh chóng và ngăn chặn mọi bước tiến hướng đến chiến tranh, chứ không phải ngồi chờ cho đến khi cuộc chiến bắt đầu".
Cuối tháng Năm vừa qua, trên trang web của hãng thông tấn nhà nước lớn nhất Qatar là QnA, đã phát đi một bản tin với danh nghĩa của tiểu vương Tamim bin Hamad Al Tani, theo đó ông tuyên bố hỗ trợ cho Iran - đối thủ địa chính trị chính của Ả Rập Xê Út trong khu vực, cũng như sẽ phát triển các mối quan hệ tốt đẹp với Israel.
Sau đó chính quyền Qatar cho biết rằng cơ quan thông tin này bị một tổ chức tin tặc chưa rõ danh tính tấn công. Tuy nhiên, Riyadh và Abu Dhabi không coi việc Qatar phản bác bản tin là một động thái nghiêm túc.(Infonet)
--------------
Mỹ từ bỏ vị trí số 1 thế giới, Trung Quốc đã sẵn sàng đảm nhận?
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris đã tạo ra cả cơ hội và thách thức cho Trung Quốc trong tham vọng vươn lên giành vị trí số 1 thế giới.
Liệu Trung Quốc có thể thay thế Mỹ giữ vị thế số 1 thế giới? Đây là câu hỏi mà nhiều chuyên gia phân tích đặt ra sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút tên Mỹ khỏi hiệp định Paris hôm 1/6.
"Hiện giờ dưới sự lãnh đạo của ông Trump, nước Mỹ đang từ bỏ nhiều trách nhiệm, liệu Trung Quốc có sẵn sàng và có đủ năng lực để nắm vai trò là người đứng đầu thế giới", Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời Giáo sư Xiaoyu Pu tại Đại học Nevada Reno.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi tháng Một.
Cũng theo ông Pu, việc Mỹ rút tên khỏi Hiệp định Paris sẽ tạo thêm cơ hội để Trung Quốc nâng vị thế trên trường quốc tế song điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh "sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn". Ông Pu còn nhận định Trung Quốc hiện chưa sẵn sàng đảm nhận vị thế số 1 thế giới bởi điều này sẽ đặt lên vai Bắc Kinh nhiều trách nhiệm hơn nữa.
"Trung Quốc cần phải tính toán thận trọng giữa một bên là vị thế và một bên là trách nhiệm cũng như sự kỳ vọng giữa trong và ngoài nước", ông Pu nói.
Phần lớn các nhà phân tích cũng đồng tình với quan điểm rằng, quyết định không tham gia Hiệp định Paris của ông Trump sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín và vị trí của một cường quốc như Mỹ. Ngoài ra, quyết định này còn tác động lớn tới mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh chủ chốt, đối tác thương mại và cả cơ hội kinh tế trong ngành năng lượng sạch với các quốc gia khác. Nói cách khác, quyết định của ông Trump sẽ đẩy Trung Quốc vào thế lấp đi khoảng trống số 1 thế giới mà Mỹ từ bỏ.
"Ông Donald Trump đã hoàn toàn nhường vị trí lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề chủ chốt liên quan tới thế giới cho Trung Quốc", SCMP dẫn lời Giáo sư David Zweig tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong.
Còn theo Giáo sư Jessica Chen Weiss tại Đại học Cornell, quyết định từ bỏ Hiệp định Paris của Tổng thống Trump "chính là biểu tượng cho việc Mỹ từ bỏ vị trí số 1 thế giới và là món quà ngoại giao dành cho Trung Quốc". Với Trung Quốc, tình trạng biến đổi khí hậu và môi trường thực sự là vấn đề đáng quan tâm.
Theo Hiệp định khí hậu Paris, Mỹ đồng ý cắt giảm 28% mức khí thải so với năm 2005 vào năm 2025. Đây là một trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm tình trạng khí hậu ngày càng ấm lên. Song theo ông Trump, việc làm này sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp than và công ăn việc làm tại Mỹ.
Về phần mình, vào năm 2007, Trung Quốc đã giành lấy vị trí là quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất từ Mỹ. Theo Hiệp định Paris, Trung Quốc sẽ giảm thiểu phát thải khí carbon từ năm 2030 và vào cuối năm 2030, 1/5 năng lượng mà nước này sử dụng sẽ không phải từ nguồn hóa thạch.
Trái với quyết định từ bỏ Hiệp định Paris của Mỹ, Trung Quốc lại nhiều lần tái khẳng định cam kết thực thi kế hoạch cắt giảm khí phát thải nhà kính. Thậm chí, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi tháng Một, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình còn gọi Hiệp định Paris là "một thành tựu giành được một cách vô cùng khó khăn". Theo đó, Trung Quốc đang nỗ lực cho đóng cửa các nhà máy điện đốt than và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Cụ thể, Trung Quốc đã cho ngừng xây dựng 103 nhà máy điện đốt than mới đồng thời thông báo kế hoạch chi hơn 360 tỷ USD cho lĩnh vực năng lượng tái tạo cho tới cuối thập niên này.
Giới chuyên gia cho rằng tuyên bố từ bỏ Hiệp định Paris của ông Trump đã chứng minh Mỹ tình nguyện từ bỏ vị thế lãnh đạo thế giới đối với một trong những vấn đề nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh châu Âu, trong khi lại tạo ra sức cạnh tranh ngày càng lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như với các nước đối đầu như Triều Tiên và Iran.
Cũng theo giới chuyên gia, việc ông Trump cho rằng Mỹ cần rút khỏi trường quốc tế trong nhiều lĩnh vực như thiết lập quy định đầu tư, thương mại và môi trường, đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris cũng khiến ngày càng có nhiều quốc gia nghiêng về phía Trung Quốc trong các vấn đề mang tính quốc tế cũng như ủng hộ các sáng kiến của Bắc Kinh.
Một trong những ví dụ điển hình cho thấy hàng loạt sáng kiến của Trung Quốc đã được cộng đồng quốc tế nhiệt liệt ủng hộ là "Diễn đàn Hợp tác kinh tế Một vành đai, một con đường" được Trung Quốc tổ chức hồi tháng trước. Một vài ví dụ khác như việc Trung Quốc cho ra đời Qũy Con đường Tơ lụa trị giá 40 tỷ USD vào năm 2013 hay Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được hình thành vào tháng 10/2014 và Ngân hàng Phát triển mới trị giá 50 tỷ USD hồi tháng 7/2015.
Ngoài ra, giới phân tích cho rằng sự rút lui của Mỹ còn là cơ hội để Trung Quốc tăng cường và mở rộng mối quan hệ với các đồng minh lớn của Washington ở châu Âu và nhiều khu vực khác. Đây được xem là món quà chiến lược lớn nhất mà Mỹ trao cho Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Donald Trump thi hành chính sách đối ngoại cô lập và chính sách thương mại bảo hộ.
"Đầu tiên là vấn đề an ninh và giờ là khí hậu, các quốc gia châu Âu tự nhận thấy rằng, họ không còn thể dựa vào đối tác lâu đời là Mỹ và buộc chuyển sang hợp tác với Trung Quốc để thực thi các cam kết chống biến đổi khí hậu", ông Zweig chia sẻ. (Infonet)