Ông Putin: Nếu Nga-Mỹ chiến tranh, không ai sống sót; Chuyên gia Nga nhận định nguyên nhân sâu xa khủng hoảng vùng Vịnh và khả năng xung đột khu vực; Mỹ: Trung Quốc có thể bố trí 3 trung đoàn máy bay chiến đấu tại quần đảo Trường Sa.
Tin thế giới đáng chú ý trưa 08-06-2017
- Cập nhật : 08/06/2017
Mỹ cảnh báo Trung Quốc tiếp tục tăng cường kiểm soát Biển Đông
Báo cáo mới, mang tựa đề “Military and Security Developments Involving the People's Republic of China” (tạm dịch: Những diễn biến an ninh và quân sự liên quan CHND Trung Hoa”, được công bố trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 6.6.
Theo tài liệu, Trung Quốc tăng cường các bước nhằm gia tăng kiểm soát hiệu quả đối với những khu vực tranh chấp, trong đó có các khu vực nước này chiếm đóng trái phép, và tránh làm leo thang dẫn tới xung đột quân sự.
“Hồi năm 2016, Trung Quốc dùng lực lượng hải cảnh, dân quân biển và tàu cá để gia tăng hiện diện trên biển tại nhiều thực thể ở Biển Đông theo sau phán quyết tháng 7 của tòa trọng tài”, báo cáo viết. Ngày 12.7.2016, Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng các biện pháp kinh tế và chính sách thương mại mang tính trừng phạt nhằm ngăn chặn những bên phản đối hành động của Bắc Kinh ở khu vực.
Cũng theo báo cáo mới của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang tập trung mở rộng các tiền đồn mà nước này xây dựng trái phép trên 3 đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Ở đó, Trung Quốc đã và đang xây đường băng, cảng biển, kho nhiên liệu, 24 nhà chứa máy bay có kích cỡ dành cho chiến đấu cơ, tòa nhà quản lý, cở sở liên lạc...
Tài liệu cảnh báo một khi những cơ sở hạ tầng được xây hoàn tất, Trung Quốc sẽ có khả năng triển khai 3 trung đoàn không quân tới khu vực này. Báo cáo còn nói Bắc Kinh đã hoàn tất việc xây dựng trái phép cơ sở hạ tầng trên 4 đá Gạc Ma, Gaven, Tư Nghĩa và Châu Viên, cũng trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo báo cáo, bất chấp việc chính quyền Trung Quốc biện hộ rằng những cơ sở nói trên nhằm cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống trên các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, hầu hết các nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh đang cố tăng cường kiểm soát thực tế bằng cách nâng cấp cơ sở hạ tầng dân và quân sự ở Biển Đông.
Các cơ sở hạ tầng sẽ “cho phép Bắc Kinh duy trì sự hiện diện lâu dài, linh hoạt của quân đội cũng như lực lượng hải cảnh ở khu vực”, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo trong báo cáo mới.(Thanhnien)
--------------------------------
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ quyết can thiệp khủng hoảng Qatar
Ngày 6-6, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xác định rõ thái độ của Mỹ ủng hộ các nước Ả Rập nỗ lực hành động chống khủng bố thì Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ lo ngại quanh việc Qatar bị thế giới Ả Rập cô lập.
Ngày 6-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Quốc vương Tamim Bin Hamad Al Thani của Qatar, nói rằng cuộc khủng hoảng phải được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, thông qua đối thoại. Reuters dẫn thông tin từ điện Kremlin.
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani tham dự hội nghị Liên đoàn Ả Rập năm 2014 tại Kuwait. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói cô lập và trừng phạt Qatar không giải quyết được vấn đề. Phong trào Anh em Hồi giáo (MB) có quan hệ tốt với đảng cầm quyền AK do ông Erdogan sáng lập.
Qatar tính tới ngày 6-6 đã bị 8 nước Ả Rập cắt quan hệ dưới sự khởi xướng của Saudi Arabia, cho rằng vì ủng hộ khủng bố. Ngoài Saudi Arabia còn có các nước Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập, Yemen, Libya, Mandives, Maurirania. Ngoài ra Jordan quyết định tăng áp lực lên Qatar bằng cách hạ cấp quan hệ ngoại giao.
Dưới thời hai Quốc vương Hamad bin Khalifa al Thani và Tamim Bin Hamad Al Thani cầm quyền, Qatar theo đuổi các chính sách độc lập khu vực, mở rộng ảnh hưởng nhằm đưa đất nước thoát khỏi cái bóng của Saudi Arabia. (PLO)
------------------------------
Sự thật về hợp đồng vũ khí 110 tỉ USD giữa Mỹ và Ả Rập Saudi
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này đã ký hợp đồng bán vũ khí trị giá 110 tỉ USD cho Ả Rập Saudi.
Tuy nhiên, đài ABC News hôm 6-6 cho biết thực tế đây chưa phải là hợp đồng và số tiền bán vũ khí hiện chỉ khoảng 25 tỉ USD.
Giám đốc Viện Brookings (BIP) Bruce Riedel, đồng thời là cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), khẳng định hợp đồng vũ khí trị giá 110 tỉ USD giữa Washington và Riyadh thực chất "không hề tồn tại".
"Hai bên trao đổi thư từ, dự định nhưng chưa ký hợp đồng. Nhiều thư từ trong số đó khiến giới quốc phòng Mỹ tin là Ả Rập Saudi sẽ quan tâm mua vũ khí Mỹ trong một ngày không xa" – ông Riedel cho biết.
Trả lời phỏng vấn đài ABC News, ông Riedel nói rằng Mỹ đưa ra bản danh sách các vũ khí muốn bán cho Ả Rập Saudi trong vòng 4-5 năm tới nhưng đó không phải hợp đồng. Hơn nữa, Riyadh có thể không đủ khả năng để chi trả một món tiền lớn như vậy. "Giá dầu giảm và chi phí cho cuộc chiến tại Yemen đồng nghĩa với việc Ả Rập Saudi không còn dồi dào tiền mặt" – cựu nhân viên CIA giải thích.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Ả Rập Saudi trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Vào thời điểm Tổng thống Donald Trump thông báo về hợp đồng vũ khí hồi tháng 5, Lầu Năm Góc liệt kê 6 đề xuất bán vũ khí cho Ả Rập Saudi - đã được quốc hội Mỹ thông qua, với tổng trị giá khoảng 23,7 tỉ USD.
Trong đó, 5/6 đề xuất được công bố dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, theo ABC News. Chẳng hạn, Lầu Năm Góc đề xuất bán 4 tàu khu trục trị giá 11,25 tỉ USD cho Ả Rập Saudi vào năm 2015 nhưng đến nay không có hợp đồng nào được ký kết.
Tiếp đó, cuối tháng 5 và đầu tháng 6, thêm 3 đề xuất bán vũ khí cho Ả Rập Saudi được Lầu Năm Góc trình quốc hội, bao gồm bán hệ thống huấn luyện và radar trị giá khoảng 1,7 tỉ USD. Như vậy, tổng trị giá các đề xuất bán vũ khí cho "đại gia" Vùng Vịnh mới vào khoảng 25 tỉ USD.
Theo Cơ quan Hợp tác An ninh Phòng thủ (DSCA) của Lầu Năm Góc, 85 tỉ USD còn lại trong "hợp đồng" mà ông Donald Trump nói tới có thể xem là một bản ghi nhớ (MOI), được mô tả như "khả năng phòng thủ tiềm năng trong tương lai" dành cho Ả Rập Saudi.
Trong thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump thông báo, các "khả năng phòng thủ" này gồm có an ninh biên giới, chống khủng bố, an ninh hàng hải, hiện đại hóa không quân, phòng không, phòng thủ tên lửa, nâng cấp thông tin liên lạc và không gian mạng.
"Việc bán vũ khí cho Ả Rập Saudi là một thỏa thuận sâu rộng. Chúng tôi sẽ thông báo cho quốc hội và công bố chi tiết về từng giao dịch sau khi kết thúc hợp đồng. Chúng tôi có quan hệ tốt với Ả Rập Saudi và mong muốn tiếp tục hợp tác để thúc đẩy an ninh khu vực" – trung tá Roger Cabiness, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói với đài ABC News.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ "nói quá" về các thương vụ. Năm 2013, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông John Kerry đã tới Oman và ký bản ghi nhớ về hợp đồng vũ khí trị giá 2,1 tỉ USD với nước này, bao gồm triển khai một Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Song nhiều phần của thỏa thuận, bao gồm hệ thống THAAD, cho đến nay vẫn chưa hoàn thành.(NLĐ)
------------------------------