Nghị sĩ Philippines đã báo động về việc 5 tàu Trung Quốc xuất hiện bất thường gần đảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tin thế giới đáng chú ý tối 15-08-2017
- Cập nhật : 15/08/2017
Thái Lan xác nhận mua 6 tên lửa của Mỹ
Ngày 13.8, chính phủ Thái Lan chính thức xác nhận thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ nói Bangkok muốn mua 6 tên lửa loại RGM-84L Harpoon Block II và RTM-84L Harpoon Block II từ Washington.
Đô đốc Jumpol Lumpikanon, người phát ngôn của hải quân Thái Lan, cho giới truyền thông hay đây là một phần của dự án tăng cường vũ trang cho hải quân được đưa ra từ năm 2014 nhằm “phục vụ công tác huấn luyện”.
“Đây là đợt trang bị vũ khí thứ ba, sẽ còn đợt thứ tư và toàn bộ quá trình mua sắm này đều diễn ra công khai, minh bạch”, ông Jumpol phát biểu.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ phát thông cáo cho biết Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ đã chấp thuận hợp đồng bán vũ khí cho Thái Lan trị giá gần 25 triệu USD.
Theo Washington, số tên lửa nói trên sẽ được lắp đặt cho tàu khu trục loại DW3000 do Hàn Quốc sản xuất và bàn giao cho Bangkok vào năm 2018. (Thanhnien)
---------------------------
Philippines lo tên lửa Triều Tiên rơi trúng
Người phát ngôn Các lực lượng vũ trang Philippines Restituto Padilla ngày 14-8 nói rằng trong trường hợp Triều Tiên phóng tên lửa về hướng đảo Guam, các mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên có thể sẽ rơi xuống một số khu vực thuộc đảo chính nằm ở phía Bắc Philippines, theo AP.
Theo ông Padilla, các khu vực này gồm các tỉnh phía Đông và phía Bắc của đảo Luzon như Batanes và hai thị trấn ven biển là Appari và Aurora. Tuy nhiên, Tướng Padilla nhấn mạnh khả năng tên lửa Triều Tiên hoặc các mảnh vỡ của tên lửa này rơi xuống lãnh thổ Philippines là “mong manh”.
“Tên lửa Triều Tiên có ít khả năng rơi xuống Philippines vì đường đi của bất kỳ tên lửa nào bay từ Triều Tiên tới đảm Guam cũng sẽ không băng qua Philippines” – ông Padilla giải thích trong cuộc phỏng vấn với CNN trước đó hôm 11-8.
Vị trí đảo Guam (Mỹ) và đảo Luzon (Philippines) so với Triều Tiên. Đồ họa: BẢO ANH/CNN
Ông Padilla kêu gọi người dân gần các tỉnh phía Bắc Philippines tránh xa những khu vực được đề cập.
Mặc dù vậy, Tướng Padilla khẳng định quân đội và chính phủ Philippines vẫn không xem nhẹ khả năng tên lửa Triều Tiên lạc đường bay. Ông nói rằng có một loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên “từng cho thấy mức độ chính xác ra sao”.
“Khả năng tên lửa không đi thẳng có thể dẫn tới tên lửa sẽ rơi xuống nơi nào đó khác. Đó là khả năng mà chúng tôi đang chuẩn bị đề phòng. Chúng tôi xem khả năng này là mong manh nhưng sự chuẩn bị là vô cùng cần thiết” – ông Padilla nói.
Hôm 10-8, Triều Tiên đã công bố một kế hoạch chi tiết về việc phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12 bay qua Nhật Bản và rơi xuống vùng biển gần đảo Guam của Mỹ, hơi hiện có 7.000 quân nhân Mỹ cùng các khí tài như máy bay ném bom….Washington cảnh cáo Bình Nhưỡng không làm vậy và dọa sẽ đáp trả bằng “hỏa lực và thịnh nộ” nếu Triều Tiên dám tiếp tục có các động thái khiêu khích.
Tuyên bố của Triều Tiên nói rằng các tên lửa Hwasong-12 sẽ bay qua bầu trời trên ba tỉnh Shimane, Hiroshima và Kochi của Nhật Bản. Tên lửa này sẽ bay quãng đường 3.356,7 km trong khoảng thời gian 1.065 giây và rơi cách đảo Guam khoảng từ 30 tới 40 km.
Đảo Guam nằm cách bờ biển phía Đông của Philippines khoảng 2.500 km, theo CNN.(PLO)
----------------------------
Phó Thủ tướng Australia có nguy cơ mất chức do mang 2 quốc tịch
Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền tại Australia, với đa số mong manh trong Quốc hội, bất ngờ rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” sau khi Phó Thủ tướng Barnaby Joyce ngày 14/8 bị tố giác mang 2 quốc tịch, đồng nghĩa với việc ông có nguy cơ phải rời khỏi Quốc hội.
Phó Thủ tướng, đồng thời là Chủ tịch đảng Quốc gia Barnaby Joyce cùng ngày thừa nhận ông có thể không đủ tư cách nghị sĩ trong cơ quan lập pháp Australia sau khi bị tố giác mang 2 quốc tịch Australia và New Zealand. Chính phủ New Zealand cũng đã thừa nhận ông Joyce được công nhận là công dân của nước này do cha ông là người gốc New Zealand.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Joyce khẳng định sẽ không từ chức và sẽ đưa vấn đề này ra Tòa án Tối cao Australia để tòa quyết định về tư cách nghị sĩ của ông trong Quốc hội Australia.
Về phần mình, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã trấn an dư luận khi bày tỏ tin tưởng thế đa số của chính phủ trong Quốc hội sẽ vẫn được bảo toàn vì một nghị sĩ giữ hai quốc tịch nằm trong khối Cộng đồng chung sẽ không bị ảnh hưởng. Trong cuộc bầu cử năm ngoái, Liên đảng Liên đảng Tự do-Quốc gia giành được 76 ghế trong Quốc hội, chỉ quá bán 1 ghế.
Theo Hiến pháp Australia, các chính khách ở nước này không được bầu vào Quốc hội nếu giữ 2 quốc tịch. Vấn đề này đang trở nên nóng trên chính trường Australia trong một vài tuần trở lại đây khi một số nghị sĩ thuộc các đảng nhỏ buộc phải từ chức do bị phát hiện mang 2 quốc tịch. Công đảng đối lập đã ngay lập tức nắm lấy cơ hội này, kêu gọi ông Joyce từ chức.
Nếu Tòa án Tối cao Australia ra phán quyết buộc ông Joyce phải rời ghế nghị sĩ, Công đảng đối lập sẽ kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ và khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Turnbull sẽ phải dựa vào sự ủng hộ của một số nghị sĩ độc lập thì mới có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu này.
Trong trường hợp, ông Joyce buộc phải ra đi, đồng nghĩa với việc Liên đảng cầm quyền mất thế đa số, Thủ tướng Turnbull có thể sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử trước thời hạn, trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy uy tín của Liên đảng ngày càng giảm sút trước Công đảng và nhiều nguy cơ sẽ thất bại trong một cuộc bầu cử sớm.(TTXVN)
-----------------------------
Iran quyết phát triển tên lửa thách thức Mỹ
Dự luật này đã được 240 nghị sĩ Quốc hội Iran thông qua vào ngày 13-8. Theo đó, Iran sẽ tăng cường đầu tư vào chương trình tên lửa và hoạt động của lực lượng Quds. Đây là một nhánh của lực lượng Vệ binh cách mạng Iran hoạt động ở nước ngoài. Theo Press TV, Iran sẽ trích khoảng 520 triệu USD từ ngân sách để chi cho chương trình phát triển tên lửa và hoạt động của lực lượng này.
Các nghị sĩ Iran cũng nhấn mạnh rằng dự luật này không vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các nước, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Iran cũng cáo buộc Washington “phá hủy” thỏa thuận này.
Hãng tin IRNA dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araqchi rằng "dự luật này không hề vi phạm thỏa thuận hạt nhân và cũng không cho bên còn lại có cơ hội kiểm soát". Ông cũng nói thêm rằng dự luật nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Hassan Rouhani và phải được thông qua lần thứ hai trước khi Hội đồng tối cao Guardian Council của Iran phê duyệt.
Tên lửa Iran. Ảnh: REUTERS
"Iran sẽ không phải trả giá vì vi phạm thỏa thuận JCPOA" - người phát ngôn của Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của Iran Hossein Naghavi cho biết.
Theo Reuters, dự luật này nói rõ Mỹ đứng sau các hoạt động khủng bố và tìm cách trừng phạt những đối tượng Mỹ hỗ trợ cho khủng bố như IS và Mặt trận al-Nusra. Iran sẽ cấm nhập cảnh, tịch thu tài sản và chặn tài khoản ngân hàng của bất kỳ đối tượng nào có liên quan.
Các cơ quan chính phủ khác như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Tình báo, lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC), lực lượng Quds Force và quân đội Cộng hòa sẽ đưa ra kế hoạch chiến lược toàn diện "để chống lại các mối đe dọa từ Mỹ", truyền thông Iran trích dẫn dự luật mới được thông qua.
Trước đó, Iran tuyên bố sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt mới mà ông Trump đã ký ngày 2-8. Iran tin rằng các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đã vi phạm điều khoản của thỏa thuận hạt nhân.
Quân đội Mỹ và Iran thường xuyên có những chạm trán căng thẳng tại vùng Vịnh Ba Tư. Trước đó vào ngày 8-8, một máy bay không người lái của Iran đã áp sát máy bay Mỹ đang hạ cánh xuống tàu sân bay. Hồi tháng 7, tàu chiến Mỹ đã nổ súng cảnh báo tàu Iran vì có hành động khiêu khích. Iran cho rằng những vụ chạm trán này là hành động “khiêu khích và thiếu chuyên nghiệp”.(PLO)