Ngưng nhập khẩu năng lượng, gửi trả lao động về nước, hoặc trừng phạt các ngân hàng trong nước đang làm ăn với Triều Tiên là những cách mà Trung Quốc có thể áp dụng để gây áp lực kinh tế cho nước láng giềng.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chiều 15-08-2017:
- Cập nhật : 15/08/2017
Giám đốc CIA: không có mối đe dọa chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên
Giám đốc cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo khẳng định không có mối đe dọa về chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên bất chấp căng thẳng đang gia tăng.
Giám đốc CIA Mike Pompeo nói rằng ông sẽ không ngạc nhiên nếu Bình Nhưỡng lại phóng thử tên lửa - Ảnh: AFP
Đài BBC ngày 13-8 dẫn lời ông Pompeo nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng đang chuyển sang mức "đáng báo động mới" về chương trình vũ khí và sẽ không gây ngạc nhiên nếu nước này thử nghiệm một vị phóng tên lửa khác.
Ngoài ra ông Pompeo nói rằng ông "khá chắc chắn" rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ "tiếp tục cố gắng phát triển" chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Ông Pompeo cũng cho rằng Bình Nhưỡng đang tiến gần đến việc phát triển thành công một vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công vào nước Mỹ.
Giám đốc CIA cảnh báo thêm rằng sự kiên nhẫn chiến lược của Washington dành cho chính quyền Kim Jong Un đã kết thúc và cả 2 nước này trong những ngày qua đã nổ ra những cuộc khẩu chiến gay gắt.
Bình Nhưỡng đã loan báo kế hoạch bắn tên lửa vào lãnh thổ Guam của Mỹ tại Thái Bình Dương, khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch này giữa tháng 8.
Đáp lại tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Triều Tiên sẽ gặp rắc rối lớn nếu có chuyện xảy ra tại Guam.
Tuy nhiên ông Pompeo phủ nhận về một mối đe dọa của một cuộc xung đột hạt nhân. "Tôi đã nghe nhiều người bàn về chiến tranh hạt nhân, thông tin tình báo không cho thấy chúng ta đang ở thời điểm đó" - giám đốc CIA tuyên bố.
Một số nước đồng minh của Washington cũng bày tỏ quan ngại về sự leo thang của cuộc khủng hoảng hiện tại trên bán đảo Triều Tiên.
Đồng minh lớn nhất của Triều Tiên là Trung Quốc cũng lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế.(Tuoitre)
-----------------------
"Soi" hệ thống phòng thủ tên lửa Nga ở Viễn Đông trước mối đe dọa từ Triều Tiên
Các lực lượng quân sự Nga ở vùng Viễn Đông vẫn tiếp tục nhiệm vụ như bình thường và không bị đặt trong tình trạng cảnh báo, dù căng thẳng giữa Mỹ - Triều Tiên đang không ngừng gia tăng.
"Các lực lượng vũ trang Nga ở vùng Viễn Đông bao gồm các đơn vị phòng không vẫn đang hoạt động như bình thường. Không có bất cứ mệnh lệnh nào liên quan tới việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu", Sputnik dẫn nguồn tin từ Quân khu phương Đông của Nga hôm 11/8.
Thông tin trên hoàn toàn trái ngược với tuyên bố trước đó của thượng nghị sĩ Nga Viktor Ozerov về việc các hệ thống phòng không của Nga ở vùng Viễn Đông đã được đặt trong tình trạng cảnh báo cao độ giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng gia tăng.
Hệ thống phòng không của Nga.
Vào cuối tuần qua, Mỹ và Triều Tiên vẫn không ngừng có những tuyên bố công kích lẫn nhau. Về phần mình, Nga đã bày tỏ mối quan ngại trước tình hình căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Moscow phản đối việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân đồng thời nhấn mạnh nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa Washington và Bình Nhưỡng hiện là "rất lớn".
Các vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng thử tên lửa bao gồm 2 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hồi tháng trước của Triều Tiên không chỉ vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà còn khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên tới đỉnh điểm. Trong khi, Mỹ khẳng định hai quả tên lửa mà Triều Tiên phóng hồi tháng Bảy là ICBM, thì Bộ Quốc phòng Nga lại cho rằng đây chỉ là tên lửa tầm xa.
Trên thực tế, các lực lượng quân sự Nga ở vùng Viễn Đông hiện đã sẵn sàng đối phó với bất cứ viễn cảnh xung đột bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên. Bởi Nga vẫn luôn phải đối mặt với mối đe dọa từ việc tên lửa của Triều Tiên có thể bay thẳng về phía quốc gia này khi gặp trục trặc kỹ thuật hay vị trí mục tiêu tấn công bị tính toán sai.
Do đó, vùng Viễn Đông của Nga hiện đang được Bộ Chỉ huy Phòng không và Tên lửa số 11 đặt trụ sở ở Khabarovsk bảo vệ. Đây cũng là một trong những đơn vị có năng lực và được trang bị nhiều vũ khí tối tân nhất của quân đội Nga.
Trong khi đó, thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông, nơi đóng quân của sư đoàn phòng không số 93 cùng 4 phân bộ phòng không tên lửa S-300PS và 2 phân bộ S-400. Tổng cộng, thành phố Vladivostok có gần 50 bệ phóng tên lửa.
Ngoài ra, thành phố Komsomolsk-on-Amur cũng là nơi hoạt động của sư đoàn phòng không số 25. Đơn vị này có 8 phân bộ S-300PS và 2 phân bộ S-300V với tổng cộng 80 bệ phóng tên lửa.
Dù thực tế, hệ thống phòng thủ tên lửa của Bộ Chỉ huy Phòng không và tên lửa số 11 có nhiệm vụ đập tan các cuộc tấn công tiềm tàng từ phía đông và bảo vệ Hạm đội Thái Bình Dương, nhưng lực lượng này vẫn có thể ứng phó trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga còn có thể hoạt động như một phần của hệ thống phòng không và tên lửa tích hợp. Bởi con tàu đầu đàn của Hạm đội Thái Bình Dương là tàu tuần dương tên lửa Varyag được trang bị hệ thống phòng không Fort. Đây là phiên bản của hệ thống S-300 hoạt động trên các tàu chiến. Hệ thống này có phạm vi hoạt động trên 200 km và tầm ngắm cao hơn 27 km.
Hạm đội Thái Bình Dương còn có trung đoàn tên lửa 1.532 đặt tại Petropavlovsk-Kamchatsky cùng 3 phân bộ tên lửa S-400.
Chia sẻ với Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok cho hay: "Hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga ở vùng Viễn Đông không có khả năng ngăn chặn ICBM. Tuy nhiên, các hệ thống S-300 và S-400 được triển khai ở khu vực này có thể dễ dàng ngăn chặn các tên lửa tầm trung của Triều Tiên".
Cũng theo chuyên gia này, để nhanh chóng phát hiện sớm các vụ phóng tên lửa đạn đạo, Nga nên sử dụng cơ sở hạ tầng của các lực lượng không gian vũ trụ bao gồm những vệ tinh thuộc hệ thống cảnh báo sớm. (Infonet)
------------------------
Bình Nhưỡng sắp phóng tên lửa từ tàu ngầm
Các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy căn cứ tàu ngầm ở Triều Tiên đang có những hoạt động bất thường, có khả năng một vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm đang được chuẩn bị.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) xem xét phần thiết bị được cho là đầu đạn hạt nhân - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin AFP, đó là nhận định của ông Joseph Bermudez, chuyên gia về quân sự và tình báo Triều Tiên, đăng tải trên trang 38 North thuộc Học viện Mỹ - Hàn Quốc (Đại học Johns Hopkins).
Qua phân tích hình ảnh vệ tinh, ông Bermudez đánh giá Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM).
“Các hình ảnh vệ tinh thương mại gần đây phát hiện một số hoạt động ở Triều Tiên. Có vẻ như nước này đang tăng tốc phát triển phân nhánh trên biển của lực lượng hạt nhân” - vị chuyên gia Mỹ cho biết.
Hình ảnh của một tàu ngầm lớp SINPO mang tên lửa đạn đạo thực nghiệm tại căn cứ Mayang-do cho thấy đây có thể là một phiên bản cải tiến của tên lửa Pukguksong-1.
Pukguksong-1 là một loại tên lửa SLBM đã được phóng thử thành công ngày 24-8-2016. Tên lửa đã bay 500km về hướng Nhật Bản.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi đó tuyên bố họ có thể bắn tới nước Mỹ lục địa từ tàu ngầm trên Thái Bình Dương.
Chuyên gia Bermudez so sánh các hoạt động ở căn cứ tàu ngầm Triều Tiên những tuần gần đây giống với các vụ thử tên lửa trước đó.
Nếu Bình Nhưỡng thử thành công hệ thống SLBM, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên sẽ tăng thêm một bậc, theo chuyên gia này. Vì khi đó Bình Nhưỡng có thể triển khai vũ khí hạt nhân xa khỏi bán đảo Triều Tiên và đánh trả trong trường hợp các căn cứ của họ bị tấn công phủ đầu.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga ngày 13-8 cho rằng nguy cơ chạm trán quân sự của cuộc khủng hoảng Triều Tiên là rất cao.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình "Nước Nga -1", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh nếu tình hình thực sự diễn biến theo cách mà Mỹ đe dọa, đó sẽ là một thảm họa lớn.
Theo bà Zakharova, Mỹ dường như “không hiểu” về hậu quả nghiêm trọng của một cuộc xung đột vũ trang, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước trong khu vực chứ không chỉ có Washington.
Hiện tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang trở thành tâm điểm chú ý trong những ngày gần đây khi Mỹ và Triều Tiên không ngừng thách thức nhau liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. (Tuoitre)
-------------------------