Lập căn cứ quân sự tại Israel, Mỹ cảnh báo Nga, Iran; Thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải thay đổi nếu muốn "giữ chân" Mỹ; Nga bộc lộ sức mạnh quân sự trong tập trận Zapad
Tin thế giới đáng chú ý tối 20-09-2017
- Cập nhật : 20/09/2017
Indonesia phá âm mưu tấn công Tổng thống Widodo
Cảnh sát Indonesia đã bắt giữ nghi can âm mưu tấn công Tổng thống Joko Widodo tại một lễ hội văn hóa ở thành phố Cirebon ngày 19.9.
Cảnh sát tại thành phố Cirebon, tỉnh Tây Java ngày 18.9 bắt giữ nghi can 31 tuổi tại khu vực gần bãi đáp trực thăng ở sân ban Penggung cùng tang vật là 5 chai bom xăng, 1 lưỡi lê, một khẩu súng hơi kiểu ngắn, và thư kêu gọi “thánh chiến”, theo tờ The Straits Times. Tổng thống Joko Widodo dự kiến đến thành phố này tham dự lễ hội trong ngày 19.9.
Nghi can được cảnh sát nêu tên viết tắt là IM, thành viên của lực lượng Jemaah Ansharut Daulah (JAD), nhóm khủng bố có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). JAD còn là nhóm đứng sau nhiều cuộc tấn công ở Indonesia gần đây.
Trước đó, cảnh sát chống khủng bố Indonesia cũng phá một âm mưu tấn công bằng bom hóa học nhắm vào dinh tổng thống ở Jakarta. Âm mưu bị ngăn chặn khi cảnh sát triệt phá hang ổ và bắt 5 người tại thành phố Bandung, Tây Java hôm 15.8.
Tang vật thu được tại ngôi nhà bao gồm hóa chất nghi là dùng để chế tạo bom. Cuộc đột kích diễn ra chỉ 2 ngày trước khi Indonesia kỷ niệm ngày độc lập lần thứ 72.(Thanhnien)
------------------------
"Tiếp" Mỹ - Nhật, Trung-Nga rầm rập tập trận chung?
Hải quân Trung Quốc và Nga tiến hành diễn tập ở biển Okhotsk và biển Nhật Bản từ ngày 18 - 26/9/2017, gây nghi ngờ cho dư luận là có ý đồ nhằm đối phó với quân đội Mỹ - Nhật.
Cuộc diễn tập này được chia làm 2 giai đoạn: diễn tập trên bờ và diễn tập trên biển. Giai đoạn trên bờ được tiến hành từ ngày 18 - 21/9; còn giai đoạn trên biển từ ngày 22 - 26/9 tổ chức ở biển Nhật Bản và vùng biển phía nam biển Okhotsk.
Vào ngày 16/9, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, trung tá Vladimir Matveyev đã cho biết Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Trung tướng Điền Trung đã đến Vladivostok để chuẩn bị trước cho cuộc diễn tập lần này.
Theo ông Vladimir Matveyev, hải quân hai nước Trung Quốc và Nga sẽ cử 11 tàu chiến mặt nước, 2 tàu ngầm, 4 máy bay săn ngầm và 4 máy bay trực thăng tham gia diễn tập “Liên hợp trên biển - 2017” giai đoạn 2.
Trong đó, Hải quân Nga sẽ cử tàu khu trục săn ngầm Admiral Tributs, tàu cứu hộ Igor Belousov, tàu hộ vệ Perfect và một tàu tên lửa. Ngoài ra, Nga còn cử một tàu săn ngầm cỡ nhỏ, một tàu khảo sát thủy văn, một tàu kéo và 2 tàu ngầm diesel-điện tham gia biên đội tiếp tế, bảo đảm. Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc cử tàu khu trục tên lửa Thạch Gia Trang, tàu hộ vệ tên lửa Đại Khánh, tàu tiếp tế tổng hợp Đông Bình Hồ và tàu cứu hộ tàu ngầm Trường Đảo.
Ông Vladimir Matveyev cho biết: “Giai đoạn diễn tập trên biển sẽ tập khoa mục tác chiến hiệp đồng trên biển - trên không. Trong giai đoạn này, Hạm đội Thái Bình Dương Nga sẽ sử dụng 2 máy bay săn ngầm IL-38, 2 máy bay săn ngầm Tu-142M3, máy bay trực thăng Ka-27PS và máy bay trực thăng Ka-27. Lực lượng đường không Hải quân Trung Quốc sẽ cử máy bay trực thăng Z-9C và Z-9D tham gia”.
Cuộc diễn tập lần này chủ yếu là tập cứu hộ liên hợp và bảo vệ tuyến đường giao thông trên biển. Trong giai đoạn diễn tập trên biển sẽ tiến hành các hạng mục như cứu hộ tàu ngầm, phòng không biên đội, săn ngầm biên đội, chống hạm biên đội, giải cứu liên hợp tàu bị bắt cóc, cứu hộ tàu gặp nạn liên hợp.
Tờ Vượng báo (Đài Loan) cho rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Mỹ là mục tiêu giả định của cuộc diễn tập lần này. Hai bên muốn thông qua tập luyện “tấn công bằng tàu ngầm và phòng thủ săn ngầm” nhằm làm cho tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Quân đội Mỹ không có chỗ ẩn náu ở phía tây Nhật Bản, khi cần thiết thậm chí có thể cắt đứt tuyến đường giao thông trên biển ở vùng biển này.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng Trung Quốc muốn thông qua diễn tập để thể hiện khả năng tác chiến trên toàn cầu. Ông nói: “Nếu Hải quân Trung Quốc muốn trở thành hải quân tầm xa thực sự thì cần có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết và ở các vùng biển không quen. Chỉ có Nga có thể cung cấp nơi huấn luyện này cho Trung Quốc”. Chuyên gia hải quân Trung Quốc Nghê Lạc Hùng cho rằng: “Một khi Nga và Nhật Bản xảy ra xung đột trên biển, Moscow hoàn toàn không cần sự giúp đỡ của Trung Quốc. Nhưng Moscow còn muốn cung cấp vùng biển quan trọng này để tiến hành diễn tập liên hợp. Điều này cho thấy Nga ủng hộ thái độ của Bắc Kinh về chính trị và ngoại giao”.
Theo tờ Liên hợp buổi sáng Singapore, thời gian và địa điểm diễn tập giữa hải quân hai nước Trung Quốc và Nga lần này là “nhạy cảm”. Cho dù Trung Quốc và Nga tuyên bố cuộc diễn tập không liên quan đến bên thứ ba, nhưng địa điểm và thời gian diễn tập lại gây liên tưởng cho dư luận. (Viettimes)
------------------------------
Lãnh đạo Hong Kong sợ dân chọc giận Bắc Kinh
Chính quyền Hong Kong vừa lên tiếng yêu cầu người dân chấm dứt các cuộc tranh luận, tuyên truyền đòi độc lập vì sợ sẽ chọc giận Bắc Kinh.
Tấm băng-rôn với dòng chữ "Hong Kong độc lập" treo trong khuôn viên trường ĐH Trung Quốc của Hong Kong vào ngày 8-9 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, tân đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) khẳng định chính quyền không muốn can thiệp hay trừng phạt những người có tư tưởng đòi độc lập trong các trường đại học, tuy nhiên các chiến dịch này đã trở nên "có tổ chức và mang tính hệ thống" thay vì chỉ đơn thuần là tự do ngôn luận.
"Rõ ràng nó đã vi phạm nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ… và làm tổn hại mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hong Kong. Nó không có lợi cho sự phát triển của Hong Kong và phải ngừng ngay lập tức" - bà Carrie Lam lên tiếng gay gắt.
Bà Lam còn cho rằng các chiến dịch đòi độc lập đã vi phạm Bộ luật cơ bản của Hong Kong.
Văn bản luật này bảo vệ quyền được phát ngôn, quyền tụ tập biểu tình của dân Hong Kong, tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo các chiến dịch tuyên truyền độc lập kéo dài có thể bị quy tội "kêu gọi chống phá chính quyền".
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, đã cảnh báo Hong Kong rằng đòi độc lập là "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua vì đây là vùng lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.
Những người ủng hộ chủ trương theo Trung Quốc xuống đường phản đối các nhà hoạt động dân sựu của phong trào Chiếm trung tâm khi họ ra tòa ngày 19-9 - Ảnh: REUTERS
Các phong trào đòi độc lập trở nên phổ biến ở Hong Kong thời gian gần đây, đặc biệt trong các trường đại học. Một số sinh viên Hong Kong thậm chí đi treo những tấm áp phích tuyên truyền trong trường và hành động vấp phải phản ứng giận dữ từ các sinh viên Trung Quốc đại lục.
Vụ ầm ĩ kéo theo những lời chỉ trích từ truyền thông nhà nước Trung Quốc và một tuyên bố chung của hiệu trưởng các trường đại học Hong Kong, trong đó nói họ không ủng hộ Hong Kong độc lập.
Bình luận về cảnh báo của đặc khu trưởng Carrie Lam, ông Chris Patten, vị toàn quyền cuối cùng của Anh tại Hong Kong, kêu gọi nhà chức trách nên nỗ lực hơn nữa để đối thoại với giới trẻ, giải thích cho họ hiểu vì sao họ sai.
"Bà Lam nói đúng, đó là hành động đòi độc lập sẽ kích động những phản ứng xấu nhất từ truyền thông và nhà cầm quyền Bắc Kinh" - ông Patten nhận xét.
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam (phải) cụng ly cùng phó thị trưởng Thượng Hải Zhou Bo tại một sự kiện ở Thượng Hải hồi tháng 8 vừa qua - Ảnh: REUTERS
Bà Carrie Lam được cho là thân Bắc Kinh. Vị cựu tổng thư ký chính quyền Đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) này đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 26-3 năm nay, trở thành trưởng đặc khu trong nhiệm kỳ 5 năm.
Vào cuối năm 2016, truyền thông Trung Quốc từng dẫn lời ông Vương Quang Á - lãnh đạo Văn phòng các vấn đề về Hong Kong, Macau, khẳng định: "Hong Kong là một phần không thể tách rời của đất nước, không có tình huống nào cho phép Hong Kong độc lập. Đây là một điểm mấu chốt không thể chạm đến".
Theo ông Vương, "một quốc gia, hai chế độ" là thoả thuận mới nên trong quá trình thực hiện có những "tình huống, vấn đề, thách thức mới" phát sinh là chuyện thường.
"Chính phủ trung ương kiên nhẫn và tin vào Hong Kong. Cho đến khi nào nguyên tắc 'một quốc gia' không bị tổn hại, những khác biệt giữa hai hệ thống hoàn toàn có thể được chấp nhận và tôn trọng" - ông Vương nói.(Tuoitre)