Ngoại trưởng Mỹ: Triều Tiên đang trở thành mối họa ngày một lớn với toàn cầu; Triều Tiên đã tính toán kỹ lưỡng để chọc giận Mỹ, Trung Quốc như thế nào?; Hàn Quốc: Triều Tiên sẽ thử hạt nhân lần 6
Tin thế giới đáng chú ý trưa 06-07-2017
- Cập nhật : 06/07/2017
Quân đội Thái Lan giám sát cảnh sát
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha quyết định thành lập một ủy ban bao gồm các tướng lĩnh của quân đội có nhiệm vụ giám sát hoạt động của cảnh sát và tiến hành cải cách lực lượng này.
Ủy ban gồm 36 thành viên, do tướng Boonsang Niempradit, cựu tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan, lãnh đạo.
Thủ tướng Prayuth cho biết chính quyền quân sự sẽ tiến hành cải cách ngành cảnh sát nước này trong thời gian tới dưới sự giám sát của quân đội.
Quyết định được đưa ra sau khi xuất hiện nhiều cáo buộc mua bán chức vụ và đổi chác trong việc thuyên chuyển công tác của lực lượng cảnh sát Hoàng gia ở thủ đô Bangkok.
Ông Wittaya Keawparadai, cựu lãnh đạo của Phong trào cải cách dân chủ nhân dân (PDRC), cho biết ông nhận nhiều thông tin từ những người liên quan trong đường dây mua bán chức vụ của giới cảnh sát, vốn được cho là đã tồn tại nhiều năm.
Theo đó, một cảnh sát muốn chuyển sang công việc của một thanh tra phải trả từ 100.000 đến 2 triệu baht (65 triệu đến 1,3 tỉ đồng). Trong khi đó, ghế cảnh sát trưởng vùng, khu vực có thể được mua với giá từ 5-7 triệu baht (3,2 đến 4,2 tỉ đồng).
Các nguồn tin cho hay đường dây này bị vỡ lở sau khi hơn 10 cảnh sát làm lớn chuyện vì đã đút lót khoảng 50 triệu baht (32 tỉ đồng) cho một quan chức cao cấp phụ trách vấn đề tổ chức và thuyên chuyển thông qua vợ của ông này nhưng cuối cùng lại không được như ý.
Chính phủ đã ra lệnh điều tra rốt ráo về các thông tin nói trên nhưng chưa công bố chi tiết. Giới chức bày tỏ hy vọng Ủy ban giám sát của quân đội vừa mới thành lập sẽ giúp thúc đẩy công tác điều tra.(Thanhnien)
-----------------------------
Khó có đột phá cho khủng hoảng vùng Vịnh
Bộ trưởng Ngoại giao các nước Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã nhóm họp tại thủ đô Cairo ngày 5-7 sau khi 4 nước này nhận được phản hồi của Qatar đối với 13 yêu cầu của họ thông qua trung gian Kuwait.
Hiện chưa rõ nội dung phản hồi của Doha nhưng Bộ trưởng Ngoại giaoQatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani hôm 4-7 tuyên bố những yêu sách này là "phi thực tế và không thể thực hiện".
Trong số các yêu sách, đáng chú ý là Qatar phải chấm dứt hỗ trợ tài chính cho khủng bố, ngừng ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo, đóng cửa đài Al-Jazeera và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.
Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani trao thư trả lời cho Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al Ahmad Al Sabah Ảnh: EPA
Trước thềm cuộc họp, 4 nước nêu trên đã cảnh báo về khả năng gia tăng trừng phạt kinh tế, cô lập ngoại giao, thậm chí trục xuất Qatar khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh nếu Doha không chịu nhượng bộ để chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay.
Dù vậy, theo báo Guardian (Anh), Qatar trước đó nói riêng với các nước đối đầu rằng Doha sẽ không chấp nhận sự kiểm soát về quan hệ ngoại giao, tài chính hoặc truyền thông, trừ khi các nước khác trong khu vực cũng đồng ý biện pháp này - một lập trường cho thấy khó có đột phá cho cuộc đối đầu hiện nay.
Qatar bị một số nước láng giềng phong tỏa từ ngày 5-6 vì "ủng hộ khủng bố và thân thiện với Iran" - những cáo buộc bị Doha bác bỏ.
Đến ngày 22-6, 4 nước vùng Vịnh đưa ra yêu sách 13 điểm để chấm dứt cuộc khủng hoảng vùng Vịnh và cho Qatar 10 ngày thực hiện. Sau khi thời hạn này kết thúc hôm 2-7, Qatar được gia hạn 48 giờ.(NLĐ)
-----------------------
Dân số Nhật Bản giảm mạnh nhất trong nửa thế kỷ qua
Đầu năm nay, dân số Nhật Bản, không bao gồm người nước ngoài đang sinh sống tại đây, đã giảm mức mạnh nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được thống kê để so sánh vào năm 1968.
Điều này cho thấy thách thức về nhân khẩu học đối với tăng trưởng kinh tế tại xứ sở Phù Tang là không hề nhỏ.
Người dân Nhật Bản dạo bộ trên một đường phố ở Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo số liệu được Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 5/7, tính đến ngày 1/1 vừa qua, dân số Nhật Bản đã giảm mức kỷ lục là 308.084 người so với một năm trước đó xuống còn 125.583.658 người, đánh dấu năm thứ 8 giảm liên tiếp. Số trẻ em được sinh ra đã giảm 2,9% so với một năm trước xuống còn 981.202 trẻ, mức thấp nhất kể từ khi có số liệu để tham chiếu vào năm 1974.
Những người 65 tuổi hoặc lớn tuổi hơn chiếm 27,2% tổng dân số - tỷ lệ cao nhất được ghi nhận, trong khi số người dưới 14 tuổi giảm ở mức kỷ lục là 12,7%. Số người nước ngoài đăng ký cư trú tại Nhật Bản đã tăng 6,9% so với một năm trước đó lên 2.323.428 người.
Nhật Bản từ lâu đã do dự trong việc mở cửa đối với người nhập cư. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường nỗ lực nhằm thu hút sinh viên và các lao động tay nghề cao từ nước ngoài.
Theo số liệu mới nhất, dân số Nhật Bản nói chung, bao gồm cả người nước ngoài, đã giảm 0,1% so với năm ngoái xuống còn 127.907.086 người(TTXVN)
--------------------------
5 quốc gia sa mạc Sahara thành lập lực lượng chống khủng bố chung
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, 5 quốc gia khu vực Sahel (G5 Sahel), bao gồm Mali, CH Chad, Mauritania, Niger và Bourkina Faso, đã chính thức thành lập lực lượng chống khủng bố chung, với biên chế ban đầu là 5.000 binh sĩ nhằm phối hợp tiến hành các chiến dịch chung chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan và tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đang hoành hành tại khu vực sa mạc Sahara rộng lớn này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các quốc gia "G5 Sahel", các nước Sahel thống nhất sớm thành lập lực lượng chung chống khủng bố. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo các nhà phân tích khu vực, sau hơn 20 năm kể khi nhóm khủng bố AQMI, được coi là chi nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Bắc Phi xuất hiện thì đây là lần đầu tiên các quốc gia Tây Phi nằm trong sa mạc Sahara thiết lập một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố và chống tội phạm xuyên quốc gia.
Hiện có 12.000 binh sĩ trong Phái bộ Liên hợp quốc tại Mali để duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực. Ngoài ra, quân đội Pháp cũng đang duy trì hơn 4.000 binh sĩ để hỗ trợ và tiếp tục chiến dịch chống khủng bố mang tên “ Barkhane’’ tại đây.
Nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G5 Sahel vừa được tổ chức tại thủ đô Bamako của Mali, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hỗ trợ lẫn nhau giữa các lực lượng quân sự Pháp, Phái bộ Liên hợp quốc và quân đội G5 Sahel.
Tổng thống Pháp cũng cam kết sẽ đồng hành cùng lực lượng chống khủng bố mới của G5 Sahel, nhất là từ nay đến cuối năm nay, Paris sẽ cung cấp 60 xe quân sự chiến thuật, thiết bị thông tin trị giá gần 10 triệu USD và hỗ trợ các chiến dịch quân sự trên thực địa của lực lượng đa quốc gia này.
Trước đó, Pháp đã vận động Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua Nghị quyết số 2359, ủng hộ việc triển khai lực lượng G5 Sahel, nhưng HĐBA không trao cho lực lượng này sứ mệnh của LHQ, do vậy không được sự hỗ trợ về tài chính.
Trước mắt, để đáp ứng đủ nhu cầu tài chính cho việc triển khai lực lượng G5 Sahel, ước tính lên tới hơn 450 triệu USD mỗi năm, Pháp dự kiến vận động các nước thành viên của Liên minh châu Âu ( EU) như Đức, Bỉ, Hà Lan cùng tài trợ. Theo thỏa thuận, mỗi nước trong nhóm G5 Sahel sẽ đóng góp khoảng 12 triệu USD/năm.
Theo một số nguồn tin, hiện chiến dịch chống khủng bố “Barkhane” mà Pháp đang triển khai tại khu vực này có chi phí quá lên tới gần 900 triệu USD mỗi năm.(TTXVN)
------------------