Hàn Quốc diễn tập tấn công chính xác thị uy Triều Tiên; Trump phàn nàn về giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 06-07-2017
- Cập nhật : 06/07/2017
Mỹ và Hàn Quốc tập trận đáp trả Triều Tiên
Sau khi Triều Tiên có đợt thử tên lửa mới nhất, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành tập trận chung như một hành động đáp trả.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 4-7 (giờ Mỹ), quân đội Mỹ xác nhận đợt tập trận này nhằm đối phó với “những hành động gây bất ổn và vô luật pháp” của Triều Tiên.
Trước đó trong ngày, Bình Nhưỡng đã có hành động gây sốc khi triển khai đợt thử nghiệm tên lửa mới nhất được xác nhận là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm bắn có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Tuyên bố từ truyền thông nhà nước Triều Tiên còn cho rằng đó là loại tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân lớn.
Lục quân Mỹ cho biết thêm rằng trong đợt tập trận này sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS kết hợp với tên lửa Hyunmoo của Hàn Quốc bắn ra vùng biển ngoài khơi phía đông Hàn Quốc.
Đây là hai trong số các hệ thống tên lửa chiến thuật đáng sợ nhất thế giới, dẫu thời gian thử nghiệm và ra mắt đã từ những năm 1980.
“Chúng tôi tiến hành phối hợp tập trận với Hàn Quốc để thể hiện khả năng hỏa lực chính xác của chúng tôi”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White phát biểu.
Việc tập trận của liên quân Mỹ - Hàn tuy vậy cũng là chủ đề nhạy cảm. Lâu nay tình trạng trên bán đảo Triều Tiên vẫn bị cuốn theo một vòng xoáy gần như bất tận: Triều Tiên phóng tên lửa, Mỹ - Hàn tập trận đáp trả, sau đó Triều Tiên lại lấy đó làm cớ để tiếp tục chương trình tên lửa - hạt nhân.
Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 4-7, hai lãnh đạo nhất trí cần phải tìm giải pháp chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên họ cũng nhắc nhở rằng Mỹ và Hàn Quốc nên có thái độ tương xứng, thể hiện qua việc có thể phải chấm dứt các đợt tập trận để Triều Tiên không có cớ gây bất ổn.
Song song với lĩnh vực quân sự, Mỹ cũng ra sức thúc đẩy các biện pháp kinh tế và ngoại giao để đáp trả Triều Tiên. Hôm 4-7, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã trao đổi với Đại sứ Trung Quốc Liu Jieyi (Lưu Kết Nhất) tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng bà muốn có một phiên họp khẩn về Triều Tiên. Phiên họp này sẽ diễn ra vào 15h ngày hôm nay (5-7) theo giờ Mỹ.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong khi đó cũng lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên thử tên lửa. Ông nói: “Hành động này tiếp tục là sự vi phạm nghiêm trọng đến nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và khiến căng thẳng leo thang ở mức độ nguy hiểm. Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên phải chấm dứt các hành động khiêu khích, đồng thời tuân thủ nghĩa vụ quốc tế của họ”.(Tuoitre)
----------------------------
Vấn đề Triều Tiên: tổng thống Trump chỉ 'đáp trả' trên Twitter
Màn thử nghiệm tên lửa liên lục địa (ICBM) mới đây của Triều Tiên đang đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thế khó với rất ít lựa chọn.
Dự kiến rạng sáng mai (6-7, giờ VN), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ có cuộc họp khẩn về tình hình Triều Tiên. Cuộc họp này được phía Mỹ kêu gọi sau khi Triều Tiên có hành động thử nghiệm tên lửa mới nhất vào sáng 4-7, mà Washington cho rằng đó là một biểu hiện khiêu khích, gây bất ổn an ninh trong khu vực.
Không thể chờ đợi nữa
“Triều Tiên vừa phóng một tên lửa nữa. Anh chàng này không có gì hay ho hơn để làm trong đời hay sao?”, ông Trump nhắc tới lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong dòng trạng thái trên Twitter ngày 4-7. Tổng thống Mỹ gần như thể hiện sự bất lực tới mức khó hiểu về Triều Tiên.
Tính đến ngày 5-7 theo giờ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc vẫn phản ứng... như thường lệ. Họ kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn, thúc giục các nước mạnh tay để bóp nghẹt yết hầu tài chính Triều Tiên.
Trên Twitter, ông Trump lại nhắc tới Trung Quốc: “Thật khó tin Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ nhân nhượng với điều này thêm nữa. Có lẽ Trung Quốc sẽ hành động mạnh mẽ với Triều Tiên và kết thúc câu chuyện phi lý này một lần và mãi mãi”.
Nhưng theo đánh giá của giới quan sát, đây không phải lúc để Mỹ tiếp tục những cách thể hiện cũ, vì thời gian không chờ đợi họ nữa.
Thứ nhất, như lời Ngoại trưởng Rex Tillerson thừa nhận ngày 4-7, Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa liên lục địa ICBM. Nếu đúng theo đánh giá của chuyên gia vũ khí David Wright với hãng tin Yonhap, loại tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên hoàn toàn đủ khả năng vươn tới đất Mỹ.
Điều này đồng nghĩa với việc, thời gian cứ trôi qua lặng lẽ, Triều Tiên ngày càng thể hiện những tiến bộ mới trong công nghệ tên lửa - hạt nhân. Và nếu đúng như hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA “khoe”, thì Triều Tiên đã có khả năng gắn đầu đạn “cỡ lớn” vào tên lửa của họ.
Tầm bao phủ của loại tên lửa Triều Tiên thử nghiệm hôm 4-7. Vùng Alaska phía tây nước Mỹ sẽ bị đặt trong tầm bắn - Ảnh: David Wright
Tiếp nữa, bất kể các nước có lên án cỡ nào, Triều Tiên dưới thời lãnh đạo Kim Jong Un vẫn bỏ ngoài tai và càng thể hiện sự quyết tâm lớn hơn cả thời ông Kim Jong Il và ông Kim Il Sung. Báo Washington Post cho biết với hàng loạt cuộc thử nghiệm gần đây, ông Kim Jong Un chỉ trong vòng một năm đã đưa ra quyết định phóng tên lửa nhiều hơn cả 17 năm cầm quyền của cha mình, ông Kim Jong Il.
Ít lựa chọn
Từng không dưới một lần “đoan chắc” qua Twitter rằng Triều Tiên không đời nào phát triển công nghệ hạt nhân tới mức đáng sợ, nay ông Trump hẳn phải cảm thấy hơi nóng phà phía sau gáy. Báo chí Mỹ dẫn lời các chuyên gia phân tích rằng, lúc này người đứng đầu Nhà Trắng có rất ít lựa chọn đối với Triều Tiên.
Ông Anthony Ruggiero, chuyên gia nghiên cứu về các cuộc xung đột lâu dài về ngoại giao và quân sự tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ, nhận xét trên Washington Post: “Thật không may, chính quyền của ông Trump có quá ít lựa chọn ngoài việc gia tăng áp lực kinh tế lên Trung Quốc và Triều Tiên. Mỹ đã lãng phí 10 năm với hàng loạt cuộc đàm phán bị cho thất bại và chiến lược giữ điềm tĩnh vốn không hiệu quả ngay từ ban đầu”.
Cũng theo ông Ruggiero, vấn đề nằm ở chỗ khi Mỹ hối thúc các nước trừng phạt Triều Tiên, thì họ luôn phải đối diện với ít nhất hai lá phiếu chống từ Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ở Điện Kremlin ngày 4-7 - Ảnh: Reuters
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng cực kỳ phức tạp. Tuần trước, chính quyền ông Trump công bố quyết định trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc với cáo buộc rửa tiền cho Triều Tiên. Sau đó Washington lại chọc giận Bắc Kinh bằng việc phê chuẩn hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan.
Nói cách khác, sẽ rất khó để Mỹ cậy vào quyết tâm từ Nga và Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp hôm 4-7, ngay trước khi hai vị lãnh đạo này đến dự Hội nghị G20 tổ chức ở Đức.
Ông Putin và ông Tập thống nhất rằng cần phải có biện pháp buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên họ cũng yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận, thể hiện một nỗ lực chung để giảm căng thẳng.
Bên cạnh đó, thậm chí trong nội bộ nước Mỹ, ông Trump cũng khó tìm thấy sự thống nhất. Báo New York Times ngày 4-7 dẫn lại lời Phó Đô đốc James D. Syring thuộc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ nói trong cuộc điều trần Quốc hội tháng trước rằng Mỹ phải “chắc chắn rằng Triều Tiên có thể bắn tên lửa đạn đạo chạm tới chúng ta”. Vấn đề là loại tên lửa mới đây Triều Tiên thử nghiệm có thể đến Alaska - khu vực phía tây nước Mỹ giáp Canada, nhưng không tới... Los Angeles.
Đó là lý do ông Trump chưa thể đưa ra tuyên bố nào về “lằn ranh đỏ” để cảnh báo Triều Tiên không đi quá giới hạn.
Mà nếu Triều Tiên có vượt qua thì sao? Một cuộc xung đột quân sự là “kiểu chiến tranh tồi tệ nhất trong đời nhiều người”, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói với chương trình Face the Nation trên đài CBS hồi tháng 5...(Tuoitre.vn)
----------------------------------
Phóng tên lửa liên lục địa - bước ngoặt nguy hiểm của Triều Tiên
Việc Triều Tiên thử thành công tên lửa liên lục địa được cho là bước ngoặt nguy hiểm bởi nó đe dọa an ninh khu vực và thế giới.
Ảnh minh họa.
Kênh truyền hình trung ương Triều Tiên hôm 4/7 ca ngợi vụ phóng tên lửa cùng ngày của nước này là "thành công rực rỡ". Nhưng đối với Mỹ, đây giống như bất ngờ không mong đợi: Một vũ khí với tầm bắn xuyên lục địa đã được Bình Nhưỡng tung ra sớm hơn nhiều năm so với những gì chuyên gia phương Tây từng nhận định, theo Washington Post.
Vài giờ sau vụ phóng thử, cơ quan tình báo Mỹ liên tục tính toán nhằm xác định tên lửa Triều Tiên, được cho là mẫu Hwasong-14, thể hiện như thế nào trong lần bay đầu tiên. Dù kết quả ra sao, giới phân tích vẫn đồng thuận rằng Bình Nhưỡng đã có bước tiến dài mang tính cột mốc, mang đến khả năng tấn công những mục tiêu cách xa hàng nghìn km.
Sau vụ phóng sáng qua, Triều Tiên tuyên bố thử thành công ICBM đầu tiên, khi nó bay cao tới khoảng 2.800 km trước khi tấn công trúng mục tiêu trên biển Nhật Bản cách đó 930 km.
Theo David Wright, đồng giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Quan tâm (UCS) ở Mỹ, tên lửa Hwasong-14 này có thể đạt tầm bắn tối đa 6.700 km khi khai hỏa ở góc chuẩn, giúp nó vươn đến Alaska, nhưng chưa đủ để bắn tới những bang trên lục địa Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ hôm nay cũng xác nhận Triều Tiên phóng thành công tên lửa ICBM.
"Đây thật sự là vấn đề lớn. Đó chính xác là ICBM", ông Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Giải trừ Vũ khí, bình luận. "Chẳng có lý do gì để tin nó đã đạt đến tầm bắn tối đa".
Vượt dự kiến nhiều năm
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 4/7. Ảnh:KCNA.
Cuộc thử nghiệm ngày 4/7 là minh chứng rõ nét nhất cho thấy Triều Tiên đang tiến rất nhanh trên con đường hướng tới mục tiêu chế tạo một mẫu tên lửa ICBM thực thụ. Tên lửa Hwasong-14 phóng đi lần này có thể chưa vươn tới lục địa Mỹ và chưa có bằng chứng về việc Triều Tiên đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa. Tuy nhiên, chúng giờ đây hoàn toàn nằm trong tầm với của Bình Nhưỡng, chuyên gia nhận định.
"5 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển đáng chú ý, vượt qua kỳ vọng về năng lực tên lửa đạn đạo Triều Tiên", Victor Cha, cựu giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, nhận xét. "Năng lực của họ liên tục khiến ta bất ngờ".
Bất chấp việc giới chức tình báo Mỹ cố tìm cách cách ngăn cản Triều Tiên thúc đẩy chương trình tên lửa và hạt nhân, Bình Nhưỡng vẫn đạt được những bước đột phá trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ như phát triển động cơ nhiên liệu rắn, khả năng phóng tên lửa cơ động, bao gồm cả tên lửa khai hỏa từ tàu ngầm. Theo phân tích ban đầu, Hwasong-14 sử dụng một loại động cơ tên lửa đạn đạo do chính Triều Tiên chế tạo, mẫu mà Bình Nhưỡng từng "khoe" hồi giữa tháng ba.
Hầu hết các tên lửa mà Triều Tiên phóng trước đây đều dùng loại động cơ cải biên áp dụng công nghệ cũ từ thời Liên Xô. Song theo Lewis, trong lần thử nghiệm vừa qua, mọi chuyện đã khác.
"Đấy không phải bản sao chép động cơ cổ lỗ thời Liên Xô, cũng không phải hai động cơ Liên Xô chắp vá với nhau. Đây là thứ khác hẳn", ông Lewis nhấn mạnh. "Khi lần đầu tiên công bố về động cơ tên lửa ngày 18/3, họ khẳng định 'thế giới sẽ sớm biết nó có ý nghĩa gì'. Lúc này chúng ta đều nhìn thấy họ mang thiết kế động cơ cơ bản ấy cho một tên lửa ICBM như thế nào".
Thông báo về vụ thử nghiệm trên một bản tin đặc biệt hôm qua, Triều Tiên tuyên bố họ đã nắm trong tay tên lửa ICBM đủ để phòng vệ trước các cuộc tấn công từ Mỹ hay những kẻ thù khác.
Theo các nhà phân tích Mỹ, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ lâu vẫn tính toán rằng ICBM mang đầu đạn hạt nhân sẽ là vũ khí ngăn chặn hữu hiệu nhất của ông trước mọi mối đe dọa.
"Với vị thế một cường quốc hạt nhân sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa mạnh nhất, có thể vươn tới bất kỳ phần nào của thế giới, Triều Tiên về cơ bản sẽ chấm dứt được những lời đe dọa chiến tranh hay sức ép từ Mỹ, đồng thời bảo vệ hiệu quả ổn định, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực", một phát ngôn viên chính phủ Triều Tiên nói trong bản tin phát trên truyền hình. Ông này thêm rằng tên lửa Triều Tiên hôm 4/7 "đặt ở góc cao nhất" nhằm tránh gây hại đến các quốc gia láng giềng.
Giới phân tích Mỹ cũng đồng tình cho rằng Triều Tiên đặt góc khai hỏa tên lửa cao có lẽ nhằm tránh khả năng bắn trúng lãnh thổ Nhật Bản. Hơn nữa, đường đi của tên lửa còn giúp Bình Nhưỡng đảm bảo mục tiêu giữ bí mật, bởi nếu thả động cơ tên lửa xuống đáy biển, Triều Tiên sẽ ngăn được các thợ lặn Mỹ và Nhật Bản tìm ra nó để phân tích.(Vnexpress)