Philippines: không dùng chủ quyền ở Biển Đông đổi lấy lợi ích kinh tế; Tổng thống bị Quốc hội ‘trói tay’: Dấu hỏi về quyền lực thực sự của ông Trump?; Rủi ro lớn cho thỏa thuận hạt nhân Iran; Campuchia: Chủ tịch đảng KNUP bị truy tố tội 'điều chế ma tuý'
Tin thế giới đáng chú ý trưa 07-08-2017
- Cập nhật : 07/08/2017
Philippines cam kết bảo đảm an toàn cho người Việt bị khủng bố bắt
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Philippines và Việt Nam hôm qua thảo luận về vấn đề con tin Việt đang bị khủng bố giam giữ ở nước này.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp xúc song phương với Ngoại trưởng Philippines. Ảnh: BNG.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano gửi lời chia buồn sâu sắc tới chính phủ, nhân dân và gia đình các công dân Việt Nam bị khủng bố sát hại và cam kết nỗ lực đảm bảo an toàn cho những người còn đang bị giam giữ, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano tuyên bố trong cuộc gặp phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 tại Manila.
6 thuyền viên Việt Nam trên tàu Royal 16 bị nhóm khủng bố Abu Sayyaf bắt cóc gần đảo Basilan, Philippines hồi tháng 11/2016. Cuối tháng 6, Hoàng Võ, một trong các thuyền viên, đã được giải thoát về Việt Nam, tuy nhiên hai công dân Hoàng Trung Thông và Hoàng Văn Hải chúng bị sát hại đêm 4/7. Quân đội Philippines cũng tìm thấy thi thể công dân Trần Việt Văn, sau các đợt tấn công nhóm Abu Sayyaf ở khu vực Tolo, Sulu.
Khu vực gần đảo Basilan là nơi có sự hiện diện của phiến quân Abu Sayyaf, nhóm thường thực hiện các vụ bắt cóc tống tiền ở Philippines. Abu Sayyaf bắt đầu hoạt động từ những năm 1990. Nhóm từng liên kết với al-Qaeda trước khi thề trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Bên cạnh cuộc gặp với ông Cayetano, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gặp ngoại trưởng các nước Singapore, Indonesia, Australia và Lào.(Vnexpress)
--------------------------------
ASEAN bất đồng về tuyên bố chung
Các ngoại trưởng ASEAN thông qua dự thảo khung cho Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), song vẫn chưa thể đồng thuận về tuyên bố chung.
Sáng 5.8, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) và các hội nghị liên quan đã khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc tế Philippines ở TP.Pasay. Theo kênh truyền hình ABS-CBN dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar, các ngoại trưởng ASEAN đã thông qua dự thảo khung cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tài liệu cung cấp nền tảng cho những quy tắc về cách ứng xử tại vùng biển ở khu vực. “Các ngoại trưởng đã thông qua dự thảo khung cho COC để văn kiện này được chính thức chuẩn thuận tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc vào ngày 6.8”, ông Bolivar phát biểu tại cuộc họp báo.
Hiện chưa rõ liệu dự thảo khung COC có thể dẫn đến một bộ quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý với các hướng dẫn nghiêm ngặt hơn Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) hay không. DOC được thông qua từ năm 2002, song không thể ngăn chặn được căng thẳng và các hành động đơn phương ở Biển Đông, và phải mất 15 năm sau khi bắt đầu các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc, các nước liên quan mới đạt được một bước tiến quan trọng về COC. Hiện chưa rõ chi tiết của văn bản này, song theo kênh ABS-CBN, các bên liên quan đã đồng ý “đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải” cũng như “tự do hàng hải và hàng không” ở Biển Đông.
Tiếp tục đàm phán
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, AFP hôm qua đưa tin một nước trong khối ASEAN đã nỗ lực kêu gọi các quốc gia còn lại bày tỏ lập trường cứng rắn hơn đối với những hành động phi pháp của Trung Quốc ở khu vực. Cụ thể, nước này đã đề xuất một số thay đổi về câu từ theo hướng chỉ trích Trung Quốc gay gắt hơn trong bản tuyên bố chung. Theo một bản dự thảo mà AFP có được, quốc gia trên đã vận động ASEAN thể hiện sự quan ngại sâu sắc về “việc xây dựng” trên biển, tức chỉ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông trong nhiều năm gần đây. Quốc gia này cũng muốn ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố rằng COC sẽ “có tính ràng buộc về mặt pháp lý”, điều mà Bắc Kinh luôn phản đối.
Theo AFP dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên, Malaysia cũng vận động đưa vào nhiều câu từ cứng rắn hơn trong tuyên bố chung, bao gồm việc đề cập tới “tài sản quân sự” ở Biển Đông. Tuy nhiên, Campuchia và Philippines không mấy quan tâm đến chuyện này, theo quan chức trên. Philippines trước đây từng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Manila đã tìm cách làm dịu tranh chấp với Trung Quốc để đổi lấy hàng tỉ USD đầu tư và viện trợ từ Bắc Kinh.
Cũng nguồn tin ngoại giao nói trên cho hay tuyên bố chung dự kiến sẽ được công bố sau khi kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, nhưng đã bị trì hoãn do nổ ra tranh cãi giữa các bên về từ ngữ liên quan đến vấn đề Biển Đông. “Chưa có sự đồng thuận”, nhà ngoại giao này cho biết, đồng thời tiết lộ thêm rằng ủy ban soạn thảo được giao nhiệm vụ tiếp tục các cuộc đàm phán trong tối 5.8. (Thanhnien)
--------------------------
Afghanistan bắt xe tải chở 16 tấn chất nổ tại Kabul
Các quan chức tình báo Afghanistan ngày 6/8 thông báo đã bắt giữ một xe tải tại thủ đô Kabul cất giấu hơn 16 tấn chất nổ chứa trong các thùng được đánh dấu là thức ăn cho gia cầm.
Lực lượng an ninh Afghanistan làm nhiệm vụ trong chiến dịch chống phiến quân tại tỉnh Helmand. Ảnh: EPA/TTXVN
Trong một thông báo, Tổng cục An ninh Quốc gia Afghanistan nêu rõ chiếc xe chứa đầy chất nổ dùng để chế tạo bom, áo gài bom nhằm tiến hành các hoạt động khủng bố tại thủ đô Kabul.
Trước đó, ngày 31/5 vừa qua, khoảng 150 người thiệt mạng và 400 người bị thương, trong đó hầu hết là dân thường, khi một xe tải lớn chở 1,5 tấn thuốc nổ đã phát nổ tại khu vực ngoại giao đoàn của thủ đô Kabul vào giờ cao điểm buổi sáng. Hiện chưa có nhóm nào nhận gây ra vụ tấn công này.
Liên quan tình hình an ninh tại Afghanistan, cùng ngày, Bộ Nội vụ nước này cho hay cảnh sát đã tiêu diệt 34 phiến quân Taliban và làm bị thương 29 tay súng sau một chiến dịch đặc biệt tại tỉnh miền Bắc Baghlan.
Theo thông báo của Bộ Nội vụ Afghanistan, Bộ tổng tư lệnh các đơn vị đặc nhiệm của cảnh sát đã phát động một chiến dịch quy mô lớn chống phiến quân tại huyện Baghlan-e-Markazi, thuộc tỉnh Baghlan.
Chiến dịch đã bắt đầu cách đây vài ngày và đã truy quét phiến quân tại 16 làng. Cũng trong cuộc truy quét này, lực lượng an ninh đã thu giữ 1 súng phóng rocket RPG-7, nhiều đạn dược và tiêu hủy 20 thùng chứa thuốc nổ. Chiến dịch an ninh trên được triển khai sau hàng loạt vụ tấn công do Taliban cầm đầu nhằm vào các chốt an ninh và thường xuyên phong tỏa đường cao tốc nối thủ đô Kabul với 3 tỉnh miền Bắc.
Tình hình an ninh tại Afghanistan trở nên bất ổn kể từ cuối năm 2014 khi lực lượng nước ngoài do Mỹ đứng đầu đã kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại đây và chỉ duy trì khoảng 13.000 quân để đào tạo lực lượng Afghanistan cũng như chống khủng bố. Lợi dụng bất ổn, nhiều tổ chức khủng bố đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này.
Để đối phó với tình hình trên, các lực lượng an ninh của Afghanistan đã tăng cường các chiến dịch an ninh trên cả nước để chống lại các tay súng Hồi giáo cực đoan, trong đó có lực lượng Taliban.(TTXVN)
------------------------
Việt Nam đề nghị sớm khởi động đàm phán thực chất COC
Phó thủ tướng Việt Nam cho rằng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông phải được đàm phán thực chất và có ràng buộc pháp lý.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) đang diễn ra tại thủ đô Manila, Philippines, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN đẩy mạnh trao đổi với Trung Quốc, sớm khởi động đàm phán thực chất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, TTXVN đưa tin.
Phó thủ tướng hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh cần giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao.
Theo Phó thủ tướng, cách tiếp cận phù hợp, thỏa đáng về Biển Đông vừa là đóng góp thiết thực của ASEAN đối với hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực vừa là thước đo năng lực, hiệu quả của ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Các ngoại trưởng ASEAN hôm nay đã thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Ngày mai, dự thảo này dự kiến được đưa ra phê chuẩn tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với Trung Quốc.
Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông bắt đầu được ASEAN thảo luận từ năm 2002, với kỳ vọng xây dựng một văn kiện mang tính ràng buộc để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục trì hoãn việc thảo luận các điều khoản của COC trong nhiều năm qua.(Vnexpress)