Những chủ đề trong cuộc gặp 'định hình thế giới' Trump-Putin; Việt Nam xác nhận 7 công dân thiệt mạng ở Trung Quốc; Trung Quốc công bố ảnh trực thăng quân sự phóng tên lửa; Trung Quốc bực tức vì oanh tạc cơ Mỹ bay qua Biển Đông
Tin thế giới đáng chú ý trưa 08-07-2017
- Cập nhật : 08/07/2017
Đài Loan xử nghi can gián điệp đại lục
Giới công tố Đài Loan hôm qua khởi tố một công dân Trung Quốc với cáo buộc âm mưu chiêu dụ gián điệp cho chính quyền đại lục.
AFP dẫn thông báo từ Văn phòng Công tố Đài Bắc cho biết nghi can họ Chu, đến Đài Loan du học từ năm 2012. Trong khi đó, giới truyền thông tiết lộ người này tên Chu Hoằng Húc, đến từ tỉnh Liêu Ninh và vừa tốt nghiệp trường Chính Đại, một trong những viện đại học danh giá nhất Đài Loan.
Theo hồ sơ vụ án, Chu được một quan chức Trung Quốc tuyển mộ tại một sự kiện giao lưu giữa 2 bờ eo biển Đài Loan tại Thượng Hải hồi tháng 7.2014. Nhiệm vụ của nghi can là xây dựng mạng lưới gián điệp bằng cách lôi kéo “quan chức, cảnh sát, những người có ảnh hưởng trong xã hội …” và giới thiệu họ gặp gỡ phía đại lục.
Giới công tố Đài Loan cáo buộc trong giai đoạn tháng 8.2016 - 3.2017, Chu đã cố gắng lôi kéo một quan chức Đài Loan bằng số tiền lên tới 10.000 USD/quý, nhưng không thành.
Bắc Kinh chưa có phản ứng về các thông tin trên.(Thanhnien)
----------------------------------
Tổng thống Trump: Quan hệ Mỹ - châu Âu 'đang phát triển mạnh mẽ'
Khác với thái độ chỉ trích trước đây, Tổng thống Donald Trump ngày 6-7 ca ngợi mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu là "đang phát triển mạnh mẽ", đồng thời cam kết giữ quy ước phòng thủ chung với NATO.
Theo Reuters, phát biểu tại thành phố Warsaw trong khuôn khổ chuyến thăm Ba Lan, Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu rõ: "Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế, và có thể trong nhiều mặt thậm chí còn mạnh mẽ hơn".
Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định Washington đã thể hiện đầy đủ cam kết phòng thủ chung với NATO thông qua cả lời nói và hành động.
Tuy nhiên, ông cũng “nhắc khéo” các nước châu Âu cần tăng cường đầu tư hơn nữa trong lĩnh vực quốc phòng để "bảo vệ chính mình".
Dù sao đi nữa, tuyên bố trên được xem là "cú ngoặt" của Tổng thống Trump, người từng làm các đồng minh của Mỹ thất vọng vì không đề cập tới việc hỗ trợ cho ngân sách NATO trong chuyến thăm trụ sở liên minh này hồi tháng 5 vừa qua.
Trước đó cùng ngày, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda tại Warsaw, Tổng thống Donald Trump đã mô tả Ba Lan là "một đối tác và đồng minh thực sự", nhấn mạnh quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Ba Lan cũng như NATO vẫn là yếu tố then chốt giúp tránh các xung đột.
Ông hoan nghênh Ba Lan là một trong số ít các quốc gia đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ và cam kết tài chính, và nhân đó hối thúc các nước thành viên NATO thực hiện nghĩa vụ của mình, gia tăng đóng góp cho các hoạt động của liên minh.
Trong lịch trình dày đặc tại Ba Lan, Tổng thống Mỹ cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ba Biển - một sáng kiến của Ba Lan và Croatia quy tụ 12 quốc gia giữa biển Baltic, biển Adriatic và Biển Đen.
Sau Ba Lan, ông Donald Trump sẽ tới Đức tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).(Tuoitre)
----------------------
Trung-Ấn căng thẳng, báo TQ đổ thêm dầu vào lửa
Truyền thông Trung Quốc (TQ) ngày 6-7 kêu gọi Bắc Kinh tái cân nhắc lập trường và ủng hộ “nền độc lập” của vùng Sikkim (Ấn Độ), theo trang NDTV.
“Bắc Kinh cần xem lại lập trường về vấn đề Sikkim. Mặc dù TQ năm 2003 đã công nhận việc Ấn Độ sáp nhập Sikkim, nước này vẫn có thể điều chỉnh lập trường” - tờ Thời Báo Hoàn Cầu nổi tiếng “diều hâu” cảnh báo. Bài viết cũng cáo buộc Ấn Độ đang tiến đến “bá quyền khu vực” và đòi nước này phải “trả giá”.
Lập luận này như đổ thêm dầu vào lửa đối với tình hình căng thẳng biên giới Trung-Ấn suốt 19 ngày qua, kể từ sau vụ việc biên phòng Ấn Độ giáp mặt với binh lính TQ ở vùng Dokalam. Vùng Dokalam là khu vực có phân định biên giới chưa được thống nhất giữa ba bên Ấn Độ, Bhutan và TQ. Bắc Kinh khẳng định quân Ấn Độ xâm phạm chủ quyền nhưng New Delhi và Bhutan đều khẳng định khu vực xảy ra vụ việc nằm trên lãnh thổ Bhutan.
Một nhóm quân TQ tuần tra tại khu vực biên giới ở Ngari thuộc vùng tự trị Tây Tạng vào tháng 4-2017. Ảnh: REUTERS
Đây là lần đầu tiên giữa Ấn Độ và TQ xảy ra tranh chấp về chủ quyền trên khu vực liên quan đến một nước thứ ba, theo The Guardian. Điều này cho thấy xung đột biên giới giữa hai gã khổng lồ châu Á đã leo thang lên một bước mới, không còn dừng ở các tranh chấp song phương. Đại sứ TQ tại Ấn Độ ngày 5-7 cảnh báo tranh chấp biên giới Trung-Ấn tại khu vực Himalaya là xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong hơn 30 năm qua, theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).
Truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn tin từ quân đội cho hay hiện tại mỗi bên đã điều động khoảng 3.000 binh sĩ đối đầu trực diện nhau ở khu vực biên giới Sikkim - Bhutan - Tây Tạng. Cũng trong tháng trước, Tổng Tư lệnh quân đội Ấn Độ Bipin Rawat nói rằng nước này “đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh”, ám chỉ rằng New Delhi có khả năng giải quyết cả những thách thức nội bộ lẫn bên ngoài liên quan đến chủ quyền của mình. Ở chiều ngược lại, tờ Thời Báo Hoàn Cầu ngày 5-7 cũng dẫn lời nhiều chuyên gia TQ đòi Bắc Kinh dùng đến “con đường quân sự” để chấm dứt tranh chấp nếu “Ấn Độ từ chối lắng nghe”.(PLO)
-------------------------
Pháp điều tra bữa tiệc 456.000 USD liên quan đến Tổng thống Macron
Nhà chức trách Pháp đang xem xét việc tổ chức một bữa tiệc ở Mỹ năm ngoái dưới thời bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron.
Uỷ viên công tố Paris hôm nay mở cuộc điều tra về cáo buộc thiên vị liên quan đến một sự kiện quảng bá công nghệ năm 2016 tại Las Vegas, bang Nevada, Mỹ được tổ chức bởi một cơ quan của chính phủ Pháp, Reuters đưa tin.
Bữa tiệc trị giá 456.000 USD tại Triển lãm đồ điện tử tiêu dùng Las Vegas do Business France, cơ quan của chính phủ chuyên thúc đẩy lợi ích kinh doanh của Pháp ở nước ngoài, chủ trì. Thời điểm đó ông Emmanuel Macron là bộ trưởng kinh tế, dưới thời Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Văn phòng uỷ viên công tố cho biết cuộc điều tra toàn diện được thực hiện sau khi điều tra sơ bộ hồi giữa tháng ba, trên cơ sở thông tin do các thanh tra viên tài chính nhà nước cung cấp cho thấy có thể quá trình đấu thầu để tổ chức sự kiện không được thực hiện đúng quy định.
Bà Muriel Penicaud, người đứng đầu Business France khi đó, hiện là Bộ trưởng Lao động của Pháp.
Với cương vị là bộ trưởng tài chính, ông Macron đã tham gia và phát biểu tại sự kiện để thúc đẩy lĩnh vực startup tại Pháp.
Các trợ lý của ông Macron hồi đầu năm cho biết ông không liên quan gì đến việc tổ chức buổi tiệc. Tuy nhiên, một nguồn tin tiết lộ với AFP rằng có thể đội ngũ của ông Macron đã gây sức ép để tổ chức một "bữa tiệc quan trọng với hình ảnh cá nhân bộ trưởng và ứng viên tương lai".(Vnexpress)