Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Mưu mô Tập Cận Bình và nỗi lo của Mỹ về vấn đề Triều Tiên trước G20
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 08-07-2017
- Cập nhật : 08/07/2017
Triều Tiên dọa đánh Hàn Quốc ‘dễ như ăn bánh’
Triều Tiên đưa ra cảnh báo sau khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc tổ chức bắn hàng loạt tên lửa ra biển Nhật Bản để thị uy Bình Nhưỡng.
Hôm 5-7, quân đội Mỹ và Hàn Quốc phối hợp tổ chức bắn một loạt tên lửa ra biển Nhật Bản. Động thái được đánh giá là để thị uy đáp trả Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Bình Nhưỡng hôm 4-7.
Trước thông tin này, Triều Tiên ngày 6-7 đã chỉ trích kịch liệt. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nói rằng Seoul là một “con rối” và cảnh báo việc tiêu diệt Hàn Quốc sẽ “dễ như ăn bánh”.
“Việc Triều Tiên quét sạch các lực lượng Hàn Quốc là dễ như ăn bánh…và chúng tôi bây giờ đã có khả năng tiêu diệt nước Mỹ thậm chí khi lục địa Mỹ nằm bên kia đại dương” – KCNA tuyên bố ngày 6-7.
KCNA còn chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vì đã tố cáo Triều Tiên “thay vì vui mừng trước sự kiện đáng khen ngợi” được Triều Tiên thực hiện.
Sáng 4-7, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo ra hướng biển Nhật Bản. Nước này tuyên bố đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14, bay được chặng đường 933 km với độ cao 2.802 km và bắn trúng mục tiêu giả định trên biển Nhật Bản.
Bình Nhưỡng nói rằng tên lửa Hwasong-14 của nước này có thể tấn công “trung tâm của nước Mỹ” bằng “các đầu đạn hạt nhân lớn”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn nói rằng vụ phóng tên lửa là một quà tặng dành cho Washington nhân dịp Quốc khánh Mỹ 4-7.(PLO)
---------------------
Mỹ chưa đủ sức bắn hạ ICBM Triều Tiên
Ba thập niên qua, đã có hàng trăm tỉ USD đổ vào quốc phòng nhưng hiện Mỹ vẫn chưa thể chắc chắn 100% bắn hạ các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đe dọa nước này. Nỗi lo lại chồng nỗi lo sau khi Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 đủ sức vươn tới Alaska.
Khó mà “ngon giấc”
Tại cuộc họp báo ngày 6-7 ở Ba Lan, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Triều Tiên sẽ lãnh nhiều hậu quả nặng nề vì “cách cư xử quá sức tồi tệ” của nước này. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đe dọa Washington sẽ dùng sức mạnh quân sự nếu cần thiết.
Mỹ buộc phải phản ứng mạnh vì mối đe dọa họ đang đối mặt cũng quá lớn. Tờ Politico dẫn nguồn tin các lãnh đạo quân đội Mỹ cho biết: Hệ thống tên lửa đánh chặn thiết kế để bảo vệ Mỹ khỏi ICBM trong các lần thử gần đây có tỉ lệ thất bại khá cao. Hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn mặt đất (GMD) do Tập đoàn Boeing cùng một số nhà thầu quốc phòng thiết kế vẫn chưa đủ sức giúp người Mỹ “ngon giấc”.
Trong lần thử gần nhất ngày 30-5, GMD từ California đã chặn thành công một ICBM. Nhưng đó chỉ là lần thử thành công đầu tiên trong gần 10 năm qua. Thực tế trong bốn lần thử trước đó, chỉ có ba lần GMD thành công. Trong năm lần thử trước nữa, chỉ có hai lần thành công, tương đương 40%.
“40% dĩ nhiên không thể gọi là thành công” - Phil Coyle, cựu lãnh đạo bộ phận thử vũ khí Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định. Tỉ lệ thành công trung bình của GMD được đánh giá là 55%. Nghĩa là cứ hai ICBM Triều Tiên nhắm vào Mỹ, khả năng sẽ có một quả bắn trúng. Theo ông Coyle, sở dĩ khả năng này hạn chế vì đây là phần Mỹ đầu tư phát triển ít nhất sau Chiến tranh lạnh.
Một tên lửa đánh chặn được giữ tại căn cứ Greely (Alaska), nằm trong hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn mặt đất (GMD). Ảnh: LATIMES
Không còn nhiều thời gian
Hệ thống tên lửa GMD có 36 tên lửa đánh chặn, 32 quả ở căn cứ Fort Greely (Alaska) và bốn quả còn lại ở Vandenberg (California). Cơ quan Tên lửa phòng thủ Mỹ muốn tăng số lượng lên 44 quả vào cuối năm nay.
Phần lớn quan chức đương nhiệm và đã về hưu của quân đội Mỹ đều lo ngại cơ hội bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước một vụ tấn công bất ngờ bằng ICBM là khá mỏng manh. Điều trần Quốc hội tháng trước, Phó Đô đốc James Syring, lúc đó là giám đốc Cơ quan Tên lửa phòng thủ, bày tỏ lo ngại trước đà phát triển tên lửa của Triều Tiên trong sáu tháng qua và “nghi ngờ độ tin cậy” của hệ thống đánh chặn. Theo ông, Mỹ còn cần ít nhất 5-6 năm nữa mới hoàn thiện được khả năng của toàn bộ hệ thống GMD.
Chuyên gia Riki Ellison, nhà sáng lập Liên minh Hỗ trợ tên lửa phòng thủ, lạc quan hơn nói rằng Mỹ cần khoảng… bốn năm để hoàn thiện GMD. Nhưng tốc độ phát triển tên lửa của Triều Tiên nhanh hơn mọi người nghĩ, chuyên gia tên lửa John Schilling báo động. Triều Tiên chỉ cần 1-2 năm nữa để hoàn thiện ICBM đủ sức đặt Mỹ vào tầm ngắm. Lầu Năm Góc đang chạy đua với thời gian nhưng có vẻ “vận động viên” này cần một quyền trợ giúp.(PLO)
------------------
Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi giúp phi hạt nhân hóa Triều Tiên
Theo hãng thông tấn Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 7/7 đã tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo thế giới lên án Triều Tiên về vụ phóng tên lửa gần đây cũng như nỗ lực chấm dứt tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong bài diễn thuyết tại Quỹ Korber nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi nhất thế giới (G20) tại Đức ngày 6/7. Ảnh: EPA/TTXVN
Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg, Đức, Tổng thống Moon nêu rõ dù không phải là một chủ đề được dự kiến thảo luận, nhưng vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên "đang là một thách thức nghiêm trọng đòi hỏi sự quan tâm và hành động chung của G20".
Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép đối với Triều Tiên, coi đây là cách khiến Bình Nhưỡng nhận ra rằng vũ khí hạt nhân và tên lửa không bao giờ đảm bảo cho sự tồn tại của họ và phải tiến tới bàn đàm phán.
Sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị, Tổng thống Moon tuyên bố ông ủng hộ đối thoại với Triều Tiên, bất chấp “hành động khiêu khích hạt nhân” trong vụ phóng tên lửa hồi đầu tuần.
Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông nhận thấy vai trò của nhà lãnh đạo Nga trong việc giúp làm dịu cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin cảnh báo các bên liên quan không được để mất kiểm soát khi đối phó với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, theo đó ông hối thúc áp dụng cách tiếp cận “thực tế và chính xác” trong vấn đề này.
Trong khi đó, cùng ngày, Triều Tiên đã bóng gió nước này sẽ tiếp tục có hành động nhằm vào Mỹ bất chấp các cảnh báo của Washington về vụ phóng thử tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng.
Yonhap dẫn tuyên bố của một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải cảnh báo: “Mỹ sẽ liên tục nhận thêm những gói quà kích cỡ khác nhau từ CHDCND Triều Tiên" vì Washington tìm cách tăng cường các biện pháp trừng phạt và gây sức ép nhằm phá hoại sức mạnh quốc gia và vị trí chiến lược của Triều Tiên.
Người phát ngôn trên cũng ngụ ý Triều Tiên sẽ không thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa với Hàn Quốc, đồng thời nêu rõ Triều Tiên sẽ không thương lượng về chương trình tên lửa và hạt nhân của mình, trừ khi Mỹ từ bỏ lập trường thù địch đối với Triều Tiên.
Sáng 4/7 vừa qua, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Kim Châng Un), đồng thời cảnh báo loại tên lửa này có thể nhằm trúng bất cứ mục tiêu nào trên thế giới.(TTXVN)