Mỹ đẩy Saudi Arabia xích lại gần Nga hơn?; Israel cải thiện quan hệ với Mỹ Latinh; Việt Nam sản xuất đạn chống tăng OG-9
Tin thế giới đáng chú ý trưa 12-09-2017
- Cập nhật : 12/09/2017
Vì sao Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ không thể là đối tác?
Dù là đồng minh trong khối NATO, quan hệ song phương giữa Washington - Ankara vẫn vô cùng căng thẳng. Nguyên nhân là do Mỹ không tôn trọng những vấn đề mà Thổ Nhĩ Kỳ vốn coi là "giới hạn đỏ".
Chia sẻ với Sputnik, chuyên gia Ahmet Gencehan Babis tại Trung tâm Phân tích chiến lược và Các mối quan hệ quốc tế TURKSAMnhận định: "Mỹ nên tôn trọng những vấn đề nhạy cảm của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu không, hai nước sẽ chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực trong mối quan hệ song phương. Thật khó để có thể cải thiện quan hệ giữa hai nước nếu như Mỹ không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố".
Cũng theo ông Babis, "Mỹ đang bao che cho một số tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Vấn đề này lâu nay cũng đã tạo ra những rào cản trong quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước suốt một thời gian dài. Trong đó, rào cản lớn nhất hiện nay giữa Mỹ - Thổ chính là việc dẫn độ nhà thuyết giáo đạo Hồi Fethullah Gulen (FETO). Về phần mình, Mỹ không có bất cứ tuyên bố hay động thái nào cho thấy sự ủng hộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này".
Ngoài ra, Mỹ còn từ chối điều động một số chuyên gia tới Thổ Nhĩ Kỳ để huấn luyện cho các phi công nước này sử dụng chiến đấu cơ F-16. Theo ông Babis, Washington vẫn khăng khăng cho rằng, các phi công Thổ Nhĩ Kỳ phải tới Mỹ để tham gia chương trình huấn luyện nhưng lại chống lưng cho các tổ chức khủng bố hoạt động gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Babis, hành động của Mỹ không hề phù hợp với mối quan hệ đồng minh giữa hai nước. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ có hành động đáp trả Mỹ. Thậm chí, ông Babis còn cảnh báo "nếu Mỹ không thay đổi quan điểm, quan hệ giữa Mỹ - Thổ sẽ càng bị xói mòn".
Tuy nhiên, với tư cách là thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể dễ dàng rút lui khỏi liên minh quân sự này. "Điều đó có nghĩa là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cần có những hành động thận trọng hơn với nhau", ông Babis kết luận.
Trước đó, trong phiên họp của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 6/9, Thổ Nhĩ Kỳ đã được mô tả là một "đồng minh của Mỹ trong khối NATO nhưng không phải là đối tác".
Các quan chức Mỹ cũng khẳng định, kế hoạch mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất của Thổ Nhĩ Kỳ "đã đi ngược lại với lợi ích của các đồng minh trong khối NATO".
Theo Sputnik, hồi tháng 7/2016, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đã đập tan một âm mưu đảo chính tại quốc gia này. Khoảng 250 người đã thiệt mạng trong cuộc đảo chính bất thành. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc ông Fethullah Gulen, một nhà thuyết giáo đạo Hồi sống lưu vong tại Mỹ đứng đằng sau cuộc đảo chính trên và yêu cầu Washington dẫn độ ông này về Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Washington đã từ chối yêu cầu của Ankara.
Ngoài ra, Mỹ còn bị cáo buộc chống lưng cho Đảng Lao động người Kurd (PKK). Đây là lực lượng thường xuyên giao tranh với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984. Mục tiêu ban đầu của PKK là thành lập một nhà nước độc lập do người Kurd lãnh đạo nhưng sau đó PKK đã thay đổi quan điểm và đòi quyền bình đẳng cũng như xây dựng một khu tự trị người Kurd ngay trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. (Infonet)
----------------------
Thủ tướng Hun Sen đòi giải tán đảng đối lập
Chính quyền Phnom Penh của Thủ tướng Hen Sen tiếp tục có những động thái nhắm vào hoạt động của đảng chính trị đối lập.
Ngày 11-9, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra tối hậu thư buộc Đảng cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập phải ngừng ủng hộ nhà lãnh đạo Kem Sokha nếu không muốn bị giải tán.
Ông Kem Sokha, chủ tịch CNRP, bị cảnh sát bắt giữ hôm 3-9 và đang bị truy tố. Chính quyền Campuchia cáo buộc ông Sokha vi phạm điều 443 Bộ luật hình sự tội "thông đồng với nước ngoài", hình phạt là từ 15-30 năm tù.
Các nhà quan sát quốc tế cho rằng chính quyền Phnom Penh đương nhiệm đang mạnh tay với phe đối lập vì sắp diễn ra tổng tuyển cử vào tháng 7-2018. Đây là thử thách lớn nhất đối với ông Hun Sen trong hơn 30 năm cầm quyền.
Đảng CNPR tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ ông Sokha trong vai trò lãnh đạo và dọa tẩy chay cuộc bầu cử nếu ông này không được thả.
"Chúng tôi không thể tham gia một cuộc bầu cử thiếu tự do và công bằng" - bà Mu Sochua, phó chủ tịch CNRP, tuyên bố.
Phát biểu tại Phnom Penh hôm nay, Thủ tướng Hun Sen cảnh báo quan điểm của CNPR có thể dẫn đến việc giải thể đảng này.
"Nếu đảng CNPR tiếp tục bảo vệ kẻ phản bội, điều đó đồng nghĩa đảng này cũng là kẻ phản bội. Sẽ không có chỗ cho đảng này hoạt động trong tiến trình dân chủ của Campuchia" - ông Hun Sen nhấn mạnh.
Trước đó, chính quyền thủ tướng Hun Sen cũng yêu cầu đảng CNRP phải nhanh chóng tìm người thay lãnh đạo đảng theo thời hạn qui định trong hoạt động chính trị ở Campuchia. Theo đó nếu không có lãnh đạo thì đảng sẽ không được tham gia tranh cử.
Trong một diễn biến liên quan, Quốc hội Campuchia hôm nay bỏ phiếu thông qua việc truy tố ông Kem Sokha với tội danh phản quốc. Các thành viên đảng CNRP trong Quốc hội đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu, nhưng nó vẫn được thông qua với 67 phiếu thuận.
"Điều này cho phép chính phủ xúc tiến việc bắt, giam giữ và truy tố ông Kem Sokha", Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin tuyên bố.
Ông Kem Sokha bị cáo buộc câu kết với nước ngoài có âm mưu gây loạn trong nước - điều tương đương với các tội phản quốc và làm gián điệp. Chính Thủ tướng Hun Sen cũng tuyên bố thẳng rằng Mỹ đứng sau giật dây vụ này.
Trong tình hình đất nước được cho là "còn rối ren", Thủ tướng Hun Sen cũng vừa bắn tiếng có thể ở lại đảm nhiệm trọng trách lèo lái đất nước thêm 10 năm nữa!(Tuoitre)
--------------------------
Đi tìm phương thuốc đặc trị 'khối u' khủng bố ở châu Âu
Được biết đến như "trái tim của châu Âu", Brussels dễ dàng lôi cuốn những ai từng được đặt chân tới nơi đây với phong cảnh thanh bình và những tòa nhà theo lối kiến trúc tân cổ điển.
Nhưng hình ảnh các nhân viên an ninh trang bị vũ trang liên tục tuần tra tại các công viên, sân vận động và các điểm du lịch lại khiến nhiều người thức tỉnh với thực tế rằng chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành tại "lục dịa già" như một "khối u ác tính", khi "trái tim châu Âu" chỉ riêng năm nay đã 2 lần trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ cực đoan.
Trên thực tế, vấn nạn này đang ngày càng trở nên nhức nhối khi tần suất các vụ tấn công khủng bố vẫn tiếp tục tăng dù chính phủ các quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) không ngừng tăng cường nhiều biện pháp chống khủng bố. Trong 8 tháng đầu năm nay, châu Âu chứng kiến ít nhất 13 vụ tấn công khủng bố khiến ít nhất 58 người thiệt mạng trong khi hơn 300 người khác bị thương tại các quốc gia gồm Bỉ, Anh, Phần Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Thụy Điển.
Cựu lãnh đạo đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố của Pháp (GIGN) Frederic Gallois (Phê-đê-rích Ga-loa) nhận định nguyên nhân chính gây ra những vấn đề an ninh nhức nhối nằm ở chỗ các đối tượng khủng bố không chủ đích sử dụng những nguồn lực tốn kém để gây ra những hậu quả đặc biệt, mà chúng chỉ muốn gây càng nhiều bất ổn ở những quốc gia mà chúng nhắm tới. Một trong những yếu tố khiến việc phát hiện và ngăn chặn khủng bố trở nên đặc biệt khó khăn, là không giống những vụ tấn công được lên kế hoạch và đầu tư bài bản như vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, các vụ khủng bố tại châu Âu hiện nay hầu hết được thực hiện theo mô tuýp "con sói đơn độc" nhưng có sự chuẩn bị kỹ càng.
Ngoài ra, các đối tượng thực hiện không chỉ là người có "tiền sự" mà còn có cả những công dân bình thường, lý lịch trong sạch, khiến việc điều tra càng trở nên khó khăn hơn. Hay việc sử dụng các phương tiện truyền thông hoặc các công cụ tin tức khi gây án cũng đang gây khó cho các nhà chức trách. Thêm vào đó, do rất nhiều nghi phạm khủng bố tại châu Âu là thế hệ sau của những công dân nhập cư, nên lâu nay giới chức châu Âu hoàn toàn "mất cảnh giác" trước nguy cơ từ các công dân bị cực đoan hóa sau khi tham gia các tổ chức cực đoan tại Trung Đông cũng như những khu vực có chiến sự khác. Europol hiện đang theo dõi sát sao khoảng 5.000 công dân về nước với tư cách một công dân hợp pháp sau khi các tổ chức khủng bố như "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng dần bị triệt phá tại Trung Đông.
Phân tích về nguyên nhân số vụ khủng bố gia tăng, triết gia người Pháp Ruwen Ogien cho rằng các vấn đề xã hội và kinh tế kết hợp với tình hình quốc tế là nguồn gốc nuôi dưỡng những "khối u" này. Theo ông, số vụ khủng bố gia tăng có liên quan tới chính sách can thiệp của các nước châu Âu tại Trung Đông trong tiến trình mở rộng thị trường và tìm kiếm nguồn tài nguyên nhằm thiết lập sức ảnh hưởng tại khu vực này, trong đó biện pháp chống khủng bố được coi là công cụ để thực hiện "chính sách Trung Đông". Việc áp dụng "tiêu chuẩn kép" này của phương Tây khiến chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông không thể bị tiêu diệt. Trong khi đó, tình hình kinh tế sa sút, tỷ lệ thất nghiệp tăng trong vài năm trở lại đây cũng khiến cho những vấn đề hội nhập của người nhập cư ở châu Âu, vốn đã tồn tại từ lâu nay lại nổi lên và diễn biến phức tạp hơn.
Lúc này, các quốc gia châu Âu cần đối chiếu các chính sách trong và ngoài khu vực để có những điều chỉnh chỉnh phù hợp với thời cuộc, đây được cho là chìa khóa cho sự ổn định lâu dài của "lục địa già".(TTXVN)
---------------------
Thủ tướng Israel thăm Mỹ bàn về Iran-Syria?
Thủ tướng Israel gặp Donald Trump có thực sự muốn bàn về khu định cư của Israel trong một khu dân cư của Palestine.
Ngày 10/9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng này tại thành phố New York nhân dịp tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 27/9.
Tổ chức phi chính phủ Peace Now cho biết giới chức Israel ngày 10/9 sẽ thảo luận về việc cấp giấy phép xây dựng cho dự án khu định cư lớn nhất của Israel nằm trong một khu dân cư của Palestine.
Ủy ban kế hoạch và xây dựng của Hội đồng thành phố Jerusalem sẽ xem xét việc cấp giấy phép xây dựng cho dự án khu định cư trên tại khu vực Jabel Mukaber ở Đông Jerusalem.
Tuy nhiên, những sự kiện gần đây về tình hình đang diễn ra tại Iran và Syria lại không khiến cuộc gặp này được giới quan sát cho rằng chỉ có nội dung đơn thuần là gặp mặt như vậy.
Israel đang ngày càng lo ngại về sự ảnh hưởng gia tăng của Iran tại Syria.
Giới phân tích cho rằng, Israel sẽ tăng cường phối hợp với Nga hơn nữa để chống lại ảnh hưởng của Iran, đặc biệt là cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi hôm 23/8 vừa qua.
Trước cuộc gặp, Israel đã gửi đi các thông điệp mạnh mẽ rằng việc Iran tiếp tục hiện diện tại Syria là mối đe dọa rất lớn đối với Israel. Như vậy, nhiều khả năng, nội dung trọng tâm tại buổi gặp nêu trên là vai trò của Iran tại Syria.
Tuy nhiên, sẽ ít có khả năng Israel đạt được một thỏa thuận nào đó với Nga để giải quyết các mối lo ngại hiện tại. Đặc biệt là khi Nga đang có một sự ảnh hưởng tốt nhất ở Trung Đông, và cũng đang trong nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa đóng góp của Iran với liên minh ủng hộ Tổng thống Syria với mối lo ngại thực sự của Israel.
Trong khi Nga còn đang trì hoãn về quyết định, Israel được cho là tiếp tục nỗ lực thuyết phục Mỹ chưa nên từ bỏ Syria vào tay Nga, mà theo đó, sẽ là về tay Iran.
Giới phân tích cho rằng, dù có tiếng là đồng minh chính của Israel nhưng Mỹ có khả năng sẽ không giúp sức cho Israel trong vấn đề Syria nếu không đủ sức thuyết phục.
Thực tế, kinh nghiệm trong quá khứ từ các cuộc khủng hoảng tại Afghanistan và Iraq, Mỹ không muốn phải xử lý thêm cuộc khủng hoảng Syria.
Trong mọi trường hợp, Mỹ đều sẽ hậu thuẫn chính trị cho bất cứ hành động nào của Israel, bao gồm hành động quân sự quy mô lớn, nhưng không nhiều hơn thế.
Điều này đã thôi thúc Israel có các bước đi tiến gần hơn tới Mỹ La-tinh mà cụ thể hơn là cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump như Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã giới thiệu.
Chưa thể rõ ràng về các lợi ích mà ông Netanyahu mang đến cho Mỹ thế nào, có đủ sức thuyết phục Lầu Năm Góc tin tưởng vào kế hoạch mới ở Trung Đông hay không, song giới phân tích Mỹ cũng đưa ra những nguyên tắc mà họ cho rằng, Israel muốn đạt được mục đích ở Syria thì buộc phải cân nhắc.
Trong đó, phân tích Mỹ cho rằng, các bước đi của Israel nhằm chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Iran sẽ phụ thuộc vào khả năng và sự khéo léo của nước này đối với Nga và đặc biệt là cần cẩn trọng với những gì Nga đã hứa hẹn.
Lời khuyên được đưa ra cho Israel là cần sẵn sàng sử dụng bạo lực khôn ngoan để ngăn Iran đạt được các mục tiêu của họ tại Syia thông qua Nga.
Trong đó, chú ý với thỏa thuận với Nga về giám sát hiện diện của Iran tại phía Bắc Damascus, ít nhất cách Cao nguyên Golan 40 km cho đến khi tất cả các lực lượng nước ngoài rút khỏi Syria. Đặc biệt cần nhấn mạnh vai trò giám sát của Nga và khả năng hành động tự do của Israel tại khu vực Syria-Lebanon để đảm bảo các lợi ích an ninh quan trọng của mình.
Đồng thời, Israel cũng nên sử dụng một cách thông minh các bước đi mà theo Mỹ, cần thông minh một chút để gây ra thiệt hại ở cả Syria và Lebanon như biện pháp răn đe và thuyết phục nga phải chấp nhận “giới hạn đỏ” mà Israel đặt ra cho Iran.(ĐVO)