Châu Âu mâu thuẫn vì hội chứng sợ Triều Tiên; Ai châm ngòi thủ lợi trong khủng hoảng bán đảo Triều Tiên?; Triều Tiên bị nghi bí mật hợp tác chế vũ khí với Syria
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 12-09-2017:
- Cập nhật : 12/09/2017
Liệu Trung Quốc và Triều Tiên có còn 'môi hở răng lạnh'?
Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng miêu tả mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là “môi hở răng lạnh”. Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, tình hình đã có nhiều biến động.
Tự tạo khoảng cách
Khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên vào cuối năm 2011, Chủ tịch Trung Quốc khi đó Hồ Cẩm Đào đã lên tiếng ủng hộ và dự đoán rằng “hợp tác hữu nghị truyền thống” giữa hai quốc gia sẽ được tăng cường.
Hai năm sau, ông Kim Jong-un ra lệnh hành quyết người chú Jang Song-thaek, nhân vật được cho thân thiết với Trung Quốc. Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), từ đây, mối quan hệ giữa hai nước đồng minh suy giảm với nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia lo ngại rằng Trung Quốc có thể giống Mỹ trở thành mục tiêu của nỗi giận dữ từ Triều Tiên.
Theo Reuters, các chuyên gia đánh giá ông Kim Jong-un đã tự tạo khoảng cách với đồng minh Trung Quốc.
Ông John Delury tại Đại học Yonsei nhận định khi mới lên nắm quyền, ông Kim Jong-un còn khá trẻ, chưa được biết đến rộng rãi và nhà lãnh đạo này muốn chứng minh không phụ thuộc vào Trung Quốc. “Tôi cho rằng ông Kim Jong-un đã ra quyết định trước tiên giữ kiểm soát trước ông Hồ Cẩm Đào và nay là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”, ông Delury cho hay.
Với nỗ lực làm nóng quan hệ, ông Tập Cận Bình đã cử quan chức cấp cao trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc là Lưu Vân Sơn tới dự cuộc diễu binh của Triều Tiên trong tháng 10/2015.
Nhưng từ đó đến nay, có đánh giá rằng các động thái của Triều Tiên đã nhiều lần khiến Trung Quốc bẽ mặt. Đơn cử như vụ thử hạt nhân của Triều Tiên trong ngày 3/9 diễn ra khi hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tổ chức tại Trung Quốc. Trong tháng 5, Triều Tiên cũng phóng một tên lửa chỉ vài giờ trước khi Diễn đàn Vành đai, Con đường – một trong những sáng kiến ngoại giao mang dấu ấn của ông Tập Cận Bình- khởi động.
Liệu môi có hở?
Mỹ và các đồng minh tin rằng Trung Quốc cần cứng rắn hơn với Triều Tiên bởi năng lực tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng đã tăng lên trùng với khoảng thời gian mối quan hệ với hàng xóm Bắc Kinh hạ nhiệt.
Trước khi nghỉ hưu trong mùa hè năm nay, đặc phái viên Trung Quốc về Triều Tiên Vũ Đại Vĩ đã không đặt chân đến đất nước hàng xóm trong một năm. Người kế nhiệm ông Vũ Đại Vĩ là Khổng Huyễn Hựu kể từ khi đảm nhiệm chức vụ mới cũng chưa công du đến Triều Tiên.
Tuy nhiên, trước tình hình trên, Giáo sư quan hệ quốc tế Jin Canrong tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh cho rằng việc đánh giá Trung Quốc kiểm soát ngoại giao với Triều Tiên là sai lầm.
“Chưa từng tồn tại quan hệ phụ thuộc giữa hai phía. Chưa bao giờ. Đặc biệt sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên rơi vào tình huống khó khăn và không nhận được đủ sự giúp đỡ từ Trung Quốc vì vậy họ quyết định tự lực”, ông Jin Canrong cho hay.
Khi nạn đói xảy ra vào giữa thập niên 1990 của thế kỷ trước, có thông tin khoảng 200.000 đến 3 triệu người Triều Tiên đã thiệt mạng, gây ảnh hưởng tới kinh tế nước này, buộc Bình Nhưỡng tìm đến thương mại tư nhân. Điều này đã tạo điều kiện để Triều Tiên độc lập khỏi hộ trợ từ bên ngoài và có niềm tin vào tư tưởng “Juche” về tự lập.
Trung Quốc đứng về phía Triều Tiên trong cuộc chiến tranh năm 1950-1953 và từ đó đến nay Bắc Kinh luôn là đồng minh của Bình Nhưỡng đồng thời đóng vai trò đối tác thương mại chính.
Tuy nhiên Bắc Kinh luôn lo sợ viễn cảnh các động thái khiêu khích của Bình Nhưỡng dẫn tới hậu quả hỗn loạn, dòng người tị nạn từ nước này tràn sang Trung Quốc, và Bán đảo Triều Tiên hợp nhất thành một quốc gia ủng hộ Mỹ.
Đây là lý do khiến Trung Quốc miễn cưỡng với việc “đánh” vào kinh tế Triều Tiên, đồng thời lo ngại đề xuất như Mỹ đưa ra là cấm vận năng lượng có thể dẫn tới việc Bình Nhưỡng sụp đổ.
Thay vào đó, Trung Quốc liên tục kêu gọi bình tĩnh, kiềm chế và ủng hộ giải pháp đàm phán.
Ông Zhao Tong, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua (Trung Quốc) nhận định Bình Nhưỡng rất không vui khi Bắc Kinh ủng hộ những biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
“Nếu Trung Quốc ủng hộ trừng phạt kinh tế trực tiếp đe dọa tới sự ổn định của chính quyền Triều Tiên thì có khả năng rằng Bình Nhưỡng sẽ trở nên thù địch với Bắc Kinh như với Washington”, ông Zhao Tong phân tích.(Baotintuc)
-------------------------
Triều Tiên dọa gây 'nỗi đau tột cùng' cho Mỹ
Ngày 11/9, Triều Tiên đe dọa sẽ gây ra “nỗi đau tột cùng” cho Mỹ nếu Mỹ tiếp tục thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đưa ra các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào nước này sau vụ thử hạt nhân thứ 6 của Bình Nhưỡng vừa qua.
Trong một tuyên bố do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo nếu Mỹ soạn thảo “bản nghị quyết bất hợp pháp về các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Triều Tiên” thì Bình Nhưỡng sẽ “đảm bảo Washington phải trả giá”.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Các biện pháp sắp tới của Triều Tiên sẽ khiến Mỹ phải chịu sự đau đớn và nỗi thống khổ lớn nhất mà nước này từng phải trải qua trong lịch sử. Thế giới sẽ chứng kiến cách Triều Tiên thuần hóa Mỹ bằng nhiều biện pháp cứng rắn hơn những gì họ tưởng tượng”.
Theo kế hoạch, HĐBA LHQ sẽ tiến hành bỏ phiếu trong ngày 11/9 về dự thảo nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo. Các nhà ngoại giao LHQ cho biết Washington quyết tâm thúc đẩy HĐBA thông qua dự thảo trên nhằm gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán đồng thời chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên, hiện chưa rõ lập trường của Nga và Trung Quốc đối với việc này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó từng tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới sẽ không giúp thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và Nga sẽ phủ quyết dự thảo trên với tư cách nước ủy viên thường trực của HĐBA LHQ.
Trong khi đó, tại Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện John McCain kêu gọi chính quyền Washington cần nghiêm túc cân nhắc việc tái triển khai vũ khí hạt nhân tới Hàn Quốc. Trả lời phỏng vấn kênh CNN, ông McCain cho rằng vấn đề này “cần phải được cân nhắc một cách nghiêm túc” trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo gia tăng tại Bán đảo Triều Tiên.
Ông McCain cũng cho rằng Washington cần phải gửi thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về những hậu quả Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt nếu tiếp tục các "hành động khiêu khích". Bên cạnh đó, Mỹ cần tăng cường gây sức ép về mặt kinh tế đối với Trung Quốc nhằm hối thúc Bắc Kinh nỗ lực hơn trong việc tác động tới Triều Tiên.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên, phe đối lập tại Hàn Quốc đã liên tục kêu gọi triển khai vũ khí hạt nhân tại nước này. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in cho rằng việc này đi ngược lại nguyên tắc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Liên quan vấn đề tên lửa của Triều Tiên, một ban chuyên gia của LHQ phụ trách giám sát việc triển khai các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng cho biết nhóm này đang điều tra nghi vấn Triều Tiên hợp tác với Syria trong các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hóa học.
Theo báo cáo dài 111 trang công bố ngày 9/9, hai nước thành viên LHQ đã chặn 2 tàu chở hàng trên đường tới Syria. Một nước thành viên khác đã thông báo với ban chuyên gia trên rằng có dấu hiệu số hàng hóa trên 2 tàu này được vận chuyển theo hợp đồng giao dịch giữa Tập đoàn Trao đổi Phát triển Khai mỏ Triều Tiên (KOMID) với Syria.(TTXVN)
---------------------------
Triều Tiên im lặng sau khi bắt giữ thuyền Nga
Triều Tiên tiếp tục bắt giữ một du thuyền của Nga. Dù sau đó đã thả ngay nhưng nước này không tiết lộ nguyên nhân bắt giữ.
Triều Tiên im lặng
Tờ Sputnik của Nga ngày 10/9 dẫn lời đại diện Bộ Ngoại giao Nga tại thành phố Vladivostok cho biết, lực lượng bảo vệ bờ biển của Triều Tiên vừa bắt giữ một du thuyền của Nga nhưng sau đó thả ngay.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, trung tâm điều phối vào 13h giờ địa phương (tức khoảng 10h sáng theo giờ Việt Nam) thông báo về việc một du thuyền Nga bị bắt giữ.“Lãnh sự quán Nga đã nhận được thông báo. Tuần duyên Triều Tiên dường như quyết định không đưa du thuyền về cảng mà để nó dời đi”, tờ Sputink cho hay.
Trong khi đó, hãng TASS dẫn báo cáo của câu lạc bộ du thuyền Seven Feet cho biết, bộ đội biên phòng Triều Tiên đã bắt giữ du thuyền “Nadezhda” từ Primorye khi con tàu được gửi từ Vladivostok đến cuộc đua thuyền quốc tế.
Nguồn tin cho hay, sau khi bị bắt giữ, du thuyền với hai người Bắc Triều Tiên đã tiến về phía CHDCND Triều Tiên.
Trang interfax cũng dẫn thông báo tại văn phòng Bộ Ngoại giao Nga ở Vladivostok khẳng định, bộ đội biên phòng Triều Tiên đã thả tàu Nadezhda của Nga bị bắt giữ. Trước đó, Tổng lãnh sự Nga tại Chongjin đã vào cuộc để xử lý vụ việc.
“Trung tâm Điều phối Cứu trợ Hải quân nói rằng chiếc du thuyền đã được thả, nó tiếp tục di chuyển dọc theo tuyến đường”, nguồn tin cho biết.
Tuy nhiên Triều Tiên vẫn im lặng và lý do bộ đội biên phòng nước này bắt giữ tàu Nga không được báo cáo một cách cụ thể.
Liên tiếp bắt nhầm tàu Nga
Hồi tháng 6 vừa qua, một du thuyền Nga mang tên Katalexa xuất phát từ Đài Loan đến thành phố Vladivostok của Nga, đã bị một tàu Triều Tiên bắt giữ ở phía Tây Bắc Biển Nhật Bản.
Vụ việc được xác định xảy ra vào tối 15/6 tại khu vực cảng Rajin, tỉnh Rason của Triều Tiên. Khi đó, trên du thuyền có 3 thành viên thủy thủ đoàn.
"Đại sứ quán đã thành lập 1 đội do Đại sứ Alexander Matsegora và Tham tán Alexander Minaev dẫn đầu để xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến du thuyền Katalexa", đại sứ quán Nga tiết lộ.
Theo lãnh sự quán Nga ở Chongjin (Triều Tiên), phía Triều Tiên giải thích nguyên nhân của vụ bắt giữ này là do hiểu nhầm.
Trước đó, hồi tháng 5 năm ngoái, lực lượng tuần duyên Triều Tiên đã bắt giữ thuyền buồm Elfin thuộc Hội Thuyền buồm Primorye trên biển Nhật Bản, tại khu vực cách cảng Kosong, phía đông nam Triều Tiên khoảng 128 km.
Vào thời điểm trên, thuyền buồm Elfin, chở theo 5 người và di chuyển từ thành phố Busan, Hàn Quốc để trở về TP Vladivostok, miền Đông nước Nga sau khi tham gia một cuộc thi thuyền buồm quốc tế
Một ngày sau đó, tờ Sputnik dẫn lời ông Yuri Bochkarev, Tổng lãnh sự quán Nga tại Chongjin (Triều Tiên), cho hay việc Triều Tiên bắt giữ du thuyền Elfin chở vận động viên Nga là một sự nhầm lẫn.
“Lời giải thích được đưa ra là do có một sự nhầm lẫn”, ông Bochkarev nhấn mạnh.(ĐVO)