Nhiều nước muốn mua Su-34 Nga sau chiến dịch không kích ở Syria; Bước chuyển chiến thuật nguy hiểm của IS sau khi thất thủ ở thành trì Mosul, Iraq; Vệ binh Cách mạng Iran yêu cầu Mỹ dời căn cứ cách Iran 1.000 km; Trung Quốc đưa nhiều thiết bị quân sự đến gần biên giới với Ấn Độ
Tin thế giới đáng chú ý trưa 21-07-2017
- Cập nhật : 21/07/2017
Trung Quốc trừng phạt 210.000 quan chức vi phạm quy tắc ứng xử
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 20.7 thông báo trong 6 tháng đầu năm 2017 có 210.000 quan chức nước này bị phạt vì vi phạm bộ quy tắc ứng xử của đảng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Kỳ Sơn vừa tuyên bố sẽ tăng cường thanh tra kỷ luật sau đại hội đảng sắp tới REUTERS
Trong số đó có 38 quan chức cấp bộ hoặc cấp tỉnh, hơn 1.000 người ở cấp châu, trên 8.400 cấp huyện và 129.000 người khác từ các vùng nông thôn và doanh nghiệp, theo Tân Hoa xã dẫn thông báo từ CCDI.
Hồi năm 2016 có tổng cộng 415.000 người bị kỷ luật vì vi phạm bộ quy tắc ứng xử của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và một số quy định khác.
Số liệu về quan chức bị trừng phạt được đưa ra vài ngày sau khi Chủ nhiệm CCDI Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh rằng ủy ban bày sẽ tăng cường kiểm tra kỷ luật sau đại hội CPC 19, dự kiến diễn ra trong vài tháng tới.
Ông Vương cho biết thêm trong 12 vòng kiểm tra từ đại hội CPC 18, được tổ chức hồi năm 2012, CCDI đã thanh tra 277 tổ chức đảng, 16 khu vực cấp tỉnh và 4 tổ chức chính phủ. Cuộc kiểm tra cũng nhắm vào các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và đại học lớn.
CCDI thường công bố danh sách những đơn vị bị nhắm tới và thu thập thông tin thông qua nhiều kênh khác nhau trước khi tiến hành thanh tra.(Thanhnien)
--------------------
Trump lệnh CIA ngừng hỗ trợ phe nổi dậy Syria
Chính quyền Mỹ quyết định ngừng chương trình cung cấp vũ khí và huấn luyện cho lực lượng nổi dậy chống chính quyền tại Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngừng chương trình vũ trang và huấn luyện lực lượng nổi dậy Syria chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Washington Post hôm nay dẫn nguồn tin từ các quan chức giấu tên Mỹ.
Ông Trump đã quyết định ngừng chương trình bí mật này sau cuộc họp tại phòng Bầu Dục với Giám đốc CIA Mike Pompeo và Cố vấn An ninh quốc gia H.R. McMaster, trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/7 tại Đức. CIA từ chối đưa ra bình luận về thông tin này.
Nhiều quan chức Mỹ cho rằng quyết định trên là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm cải thiện mối quan hệ với Nga.
"Đối với tôi, ông Trump đã trao một món quà vô điều kiện cho ông Putin. Đây không phải là nguyên tắc ngoại giao cơ bản. Chúng ta phải có yêu cầu, ví dụ phải lập các khu an toàn để người Sunni không bị ảnh hưởng bởi các cuộc không kích. Tôi không hiểu tại sao ông Trump lại làm thế", cựu nhân viên CIA Bob Baer nhận định.
Chương trình hỗ trợ các nhóm nổi dậy ở Syria của CIA được chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama khởi xướng vào năm 2013 nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Assad, nhưng không đem lại hiệu quả khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Syria vào cuối năm 2015. (Vnexpress)
------------------------
Mỹ đi nước đôi về chuyện Qatar tài trợ khủng bố
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng hệ thống tài chính của Qatar vẫn đang bị các thực thể hỗ trợ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố sử dụng.
Các ủng hộ viên của phong trào Hezbollah Li Băng dưới quyền lãnh đạo của Sayyed Hassan Nasrallah trong cuộc tuần hành đánh dấu ngày lễ Al-Quds ở phía nam Beirut, Li Băng - Ảnh: Reuters
Theo kênh truyền hình Al Arabiya của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về chủ nghĩa khủng bố năm 2016, công bố ngày 19-7, khẳng định Qatar đang cố gắng đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp tài chính cho khủng bố vẫn đang sử dụng hệ thống tài chính của Qatar và tiền được những người hành hương bí mật tuồn sang cho các nhóm cực đoan.
Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), tổ chức khủng bố al-Qaeda, Phong trào Hồi giáo Hezbollah và các nhóm khác là mối đe dọa trước tiên và nghiêm trọng nhất đối với chính quyền Mỹ.
Vừa đấm vừa xoa
Dĩ nhiên, ở góc độ khác, như đài al Jazeera ủng hộ Qatar thì thông tin được khai thác dưới góc độ “Qatar đã đạt được những tiến bộ đáng kể” trong cuộc chiến chống khủng bố và là đối tác tích cực của Mỹ trong tiến trình này.
Chính câu chữ và những tuyên bố của Mỹ cho thấy nước này rất cần đồng minh lớn Saudi Arabia (được khen ngợi đang hỗ trợ tích cực cho Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực) nhưng cũng không dám bỏ Qatar (nơi có căn cứ quân sự lớn của Mỹ).
Hôm 9-6, vài ngày sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng cô lập Qatar, tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Qatar chấm dứt hỗ trợ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Romania Klaus Iohanni, ông Trump nhấn mạnh: "Thật không may, Qatar là nhà bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta cần phải ngăn chặn hoạt động cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố. Đã đến lúc cần phải kêu gọi Qatar chấm dứt hoạt động hỗ trợ tài chính cho khủng bố và tư tưởng cực đoan của Doha".
Ông Donald Trump nói thêm rằng ưu tiên số một của ông trên cương vị tổng thống là đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ.
Đến ngày 11-7, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến công du vùng Vịnh nhằm tháo ngòi căng thẳng ở khu vực đã ký kết bản thỏa thuận chống tài trợ cho khủng bố với Qatar - bước đi được cho là nhằm xoa dịu khu vực dù bị các nước cấm vận tuyên bố là "vẫn chưa đủ".
Ngoại trưởng Mohammed Ben Abdulrahman Al-Thani của Qatar và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, trao đổi văn bản Doha
Rồi phía Mỹ tại tung tin tình báo cho rằng chính UAE đã tổ chức tấn công tin tặc khiến nổ ra vụ khủng hoảng hiện tại.
Trong khi đó, hôm 18-7, bốn quốc gia Ả rập ở vùng Vịnh đang cô lập Qatar lại hối thúc chính quyền Doha cam kết thực thi 6 nguyên tắc về chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan cũng như thương thuyết một kế hoạch với những giải pháp cụ thể để thực hiện các nguyên tắc này.
Trong số 6 nguyên tắc này có các cam kết chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố; ngăn chặn hoạt động hỗ trợ tài chính cũng như cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố; và ngừng tất cả các hoạt động khiêu khích và tuyên truyền kích động thù hận hay bạo lực.
Bước đi này có thể mở đường cho việc sớm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.
Từ hôm 5-6, Saudi Arabia, Ai cập, UAE và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar, với cáo buộc Doha hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng. Qatar đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc này.
Nhóm nước trên sau đó đã đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm và đặt ra hạn chót 10 ngày để Qatar thực hiện các yêu cầu.
Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ các yêu cầu trên, cho rằng chúng vi phạm chủ quyền quốc gia của mình.
Báo cáo mới của Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Iran, Syria và Sudan là 3 nước bảo trợ khủng bố ở năm thứ hai liên tiếp.
Theo đó, 3 nước này sẽ bị áp đặt các quy định nghiêm ngặt về hoạt động tài trợ nước ngoài của Mỹ, cấm hoạt động mua bán và xuất khẩu liên quan đến quốc phòng cũng như các biện pháp trừng phạt về tài chính.
Binh sĩ Iraq chụp ảnh lưu niệm với lá cờ của khủng bố IS thu giữ được ở thành phố Mosul - Ảnh: Reuters
Chưa đụng Triều Tiên
Đáng chú ý là trong danh sách mới nhất về các nước bảo trợ khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ không có Triều Tiên.
Như vậy, Mỹ vẫn duy trì quyết định từ năm 2008 đến nay mặc dù Washington đe dọa có thể xem xét việc đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách này nhằm gia tăng sức ép lên quốc gia Đông Bắc Á liên quan đến vấn đề hạt nhân.
Trong văn bản mới này, Washington xác nhận Bình Nhưỡng không có bất cứ động thái gì ủng hộ chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đồng thời đảm bảo Bình Nhưỡng sẽ không ủng hộ hoạt động khủng bố trong tương lai.
Mỹ đã đưa Triều Tiên vào danh sách các nước tài trợ khủng bố vào năm 1988 sau vụ đánh bom máy bay khiến toàn bộ 115 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Đến năm 2008, Mỹ đã rút Triều Tiên khỏi danh sách này để bày tỏ thiện chí cho vòng đàm phán 6 bên cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, vòng đàm phán này sau đó đã đổ vỡ do Bình Nhưỡng rút khỏi bàn đàm phán.
Hồi tháng 4-2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Washington đang xem xét khả năng đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách nói trên nhằm gia tăng sức ép đối với nước này trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.(Tuoitre)
----------------------------
Tiêm kích Trung Quốc đeo tên lửa tầm xa mới
Một tiêm kích J-10C Trung Quốc mang theo tên lửa đối không tầm xa chưa từng được biên chế.
Ảnh chụp một tiêm kích J-10C hôm 18/7 cho thấy Trung Quốc có thể đã biên chế dòng tên lửa đối không ngoài tầm nhìn (BVRAAM) mới, có định danh không chính thức là PL-15. Phi cơ này mang theo hai quả PL-15 và hai tên lửa đối không tầm ngắn PL-10, Sputnik đưa tin.
Chuyên gia quân sự Andrew Tate ước tính quả đạn PL-15 dài 3,7 m và có đường kính 0,2 m. Nó được gắn cánh ổn định cỡ nhỏ ở phần giữa thân và cánh lái truyền thống ở phần đuôi. Quả đạn này không được trang bị hệ thống vector lực đẩy như PL-10, nhiều khả năng nó chỉ có thể đổi hướng bằng cánh lái đuôi. Phần cánh nhỏ có thể giúp đạn PL-15 nằm gọn trong khoang vũ khí của tiêm kích tàng hình J-20.
Tiêm kích J-10 Trung Quốc xuất kích huấn luyện
PL-15 cũng không có cửa hút gió như các tên lửa dùng động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet). Điều này cho thấy Trung Quốc chỉ trang bị động cơ tên lửa nhiên liệu rắn tiêu chuẩn cho PL-15, hạn chế tầm bắn tối đa của quả đạn. Chuyên gia Andrew Tate cho rằng Trung Quốc phát triển PL-15 từ dòng tên lửa PL-12, trong đó ứng dụng nhiều công nghệ từ tên lửa đối không tầm xa R-77 của Nga.(Vnexpress)