Lý do Nga ‘bình chân như vại’ trước tên lửa hạt nhân Triều Tiên; Hàn Quốc đặt mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vào năm 2020
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 21-07-2017
- Cập nhật : 21/07/2017
Triều Tiên rục rịch lắp đặt tên lửa liên lục địa
Hình ảnh vệ tinh từ Mỹ cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho một đợt thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hoặc tên lửa tầm trung.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên trong bức ảnh công bố ngày 4-7 - Ảnh: Reuters
Đài CNN của Mỹ dẫn lời hai quan chức chính quyền quen thuộc với giới tình báo xác nhận có những dấu hiệu về đợt thử tên lửa tiếp theo của Bình Nhưỡng.
Ảnh chụp vệ tinh phát hiện một số hình ảnh và tín hiệu radar, trong đó thể hiện rằng Triều Tiên có thể đang tiến hành thử nghiệm các thành phần, bộ phận điều khiển tên lửa cho một đợt phóng ICBM hoặc tên lửa tầm trung.
Các quan chức Mỹ nêu trên cũng phỏng đoán rằng Triều Tiên đang tiếp tục chuẩn bị cho một đợt phóng tên lửa từ tàu ngầm, tuy nhiên tình báo Mỹ đánh giá đây mới chỉ là giai đoạn chuẩn bị bước đầu.
Ngày 4-7 qua, Triều Tiên được cho đã thử nghiệm thành công một tên lửa ICBM. Những thông tin mới nhất của CNN dẫn lời tướng Paul Selva - phó tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đã phát triển các kỹ thuật tinh vi, che giấu được các đợt thử nghiệm tên lửa của mình.
“Tôi tin vào khả năng của cộng đồng tình báo của chúng ta trong việc quan sát được đợt thử nghiệm, nhưng không chắc thấy được sự triển khai của các hệ thống tên lửa này. Kim Jong Un và quân đội của ông ta rất giỏi trong việc nguỵ trang, che giấu và đánh lừa”, tướng Paul Selva trình bày với Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 18-7.
Theo tướng Selva, đến nay Mỹ tin rằng năng lực phát triển ICBM của Triều Tiên vẫn còn hạn chế, và Bình Nhưỡng chưa chứng minh được khả năng tấn công Mỹ theo cách hiệu quả.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo quân đội Mỹ cho rằng hệ thống dẫn đường và kiểm soát tên lửa tầm xa của Triều Tiên có thể đã cải thiện trước lúc một tên lửa của họ có thể tấn công Mỹ trong thực tế.
Tướng Selva - người tham gia sâu rộng vào chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ, có quan điểm rằng tổng thống Donald Trump phải cân nhắc các lựa chọn quyết đoán để ngăn chặn hiểm hoạ từ Triều Tiên.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis lâu nay vẫn cảnh báo căng thẳng với Triều Tiên có thể sẽ đạt tới ngưỡng xung đột, và thúc đẩy các biện pháp ngoại giao để xử lý tình hình.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao cấp cao Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã nhóm họp trong ngày 19-7 và tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác ba bên trong việc đối phó với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Nhiều nhà phân tích cho rằng vấn đề Triều Tiên là một ưu tiên cao trong nội dung cuộc họp do việc này diễn ra sau khi Bình Nhưỡng phóng thử ICBM hôm 4-7. Vụ phóng làm dấy lên mối lo ngại rằng Triều Tiên đang tiến gần hơn tới việc phát triển tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân. (Tuoitre)
-----------------
Nga, Mỹ bất đồng về tên lửa Triều Tiên phóng thử
Mỹ, Nga bất đồng về loại lửa đạn đạo Triều Tiên phóng thử hồi đầu tháng, trong bối cảnh Washington muốn Liên Hợp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng mạnh hơn.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tổ chức họp, công bố tin tình báo trước các đại sứ khác tại Hội đồng Bảo an hôm 17/7 và kết luận Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao hôm nay cho biết.
Cuộc họp diễn ra sau khi Nga gửi thư và biểu đồ lên Hội đồng Bảo an ngày 8/7, khẳng định tên lửa được Triều Tiên phóng hôm 4/7 là tầm trung.
Việc Nga kết luận tên lửa của Triều Tiên không phải ICBM sẽ khiến Mỹ khó thúc đẩy Hội đồng Bảo an áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng. Hội đồng Bảo an thường ra tuyên bố lên án Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm trung. Các nhà ngoại giao nói Nga và Trung Quốc chỉ ủng hộ trừng phạt cứng rắn hơn nếu tên lửa phóng thử là tầm xa.
Mỹ hai tuần trước đã cung cấp dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên cho Trung Quốc. Bà Haley muốn dự thảo được đưa ra biểu quyết trong vài tuần nhưng quá trình thương lượng giữa Mỹ và Trung Quốc "tiến triển chậm". (Vnexpress)
---------------------
Triều Tiên nói mong muốn cải thiện quan hệ từ Hàn Quốc là 'vô nghĩa'
Triều Tiên nói hy vọng cải thiện quan hệ song phương của Hàn Quốc là "vô nghĩa" bởi Seoul vẫn có chính sách đối đầu với Bình Nhưỡng.
Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận đảng Lao động Triều Tiên, hôm nay kêu gọi Hàn Quốc quyết định về việc có nên tiếp tục chính sách đối đầu và khuất phục Mỹ hay không. "Từ bỏ đối đầu và thù địch là điều kiện tiên quyết để mở cánh cửa hòa giải và thống nhất giữa hai miền", tờ báo viết.
Bình luận trên được đưa ra ba ngày sau khi Hàn Quốc đề xuất tổ chức đối thoại quân sự hai miền vào ngày 21/7 tại làng đình chiến Panmunjom để xoa dịu căng thẳng và đối thoại Chữ thập Đỏ vào ngày 1/8 nhằm nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị chia cắt sau chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.
Hàn Quốc hôm 17/7 cho biết họ muốn Triều Tiên phản hồi đề xuất thông qua các kênh liên lạc, đang bị đình chỉ, giữa hai miền.
Triều Tiên cắt đứt các kênh liên lạc giữa hai miền từ tháng 2/2016, sau khi Hàn Quốc đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong để đáp trả các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên.
Yonhap dẫn lời một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói ông không coi bình luận trên Rodong Sinmun là phản ứng chính thức từ Triều Tiên về đề nghị đối thoại. Ông nhận định khó có thể tổ chức đối thoại vào ngày 21/7 vì thời gian chuẩn bị quá ngắn và các kênh liên lạc bị gián đoạn, ngay cả khi Bình Nhưỡng có câu trả lời tích cực.
"Hàn Quốc và Triều Tiên có sáng kiến giải quyết các vấn đề trên bán đảo là điều quan trọng", người này nói. "Không có hạn chót đối với nỗ lực của Seoul trong cải thiện quan hệ thông qua đối thoại".(Vnexpress)
-----------------------