Chuyên gia Mỹ kinh ngạc vì đạn UAV mới của Nga; Bầu cử Đức sẽ quyết định tương lai châu Âu như thế nào?; Israel, Iran cãi nhau kịch liệt tại LHQ
Tin thế giới đáng chú ý trưa 21-09-2017
- Cập nhật : 21/09/2017
Tổng thống Trump lên án mối đe dọa chủ quyền ở Biển Đông
Trong bài phát biểu tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng LHQ ở thành phố New York tối qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thế giới cần phải loại bỏ những mối đe dọa đối với chủ quyền ở Ukraine và Biển Đông.
Tổng thống Trump phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 20.7, lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Theo AFP, tuy không trực tiếp nhắc đến Nga và Trung Quốc, nhưng phát biểu này của Tổng thống Trump rõ ràng nhắm đến Moscow và Bắc Kinh.
Tổng thống Trump nói rõ: “Chúng ta phải bảo vệ các quốc gia, lợi ích và tương lai của họ. Chúng ta phải bác bỏ những mối đe dọa đối với chủ quyền từ Ukraine đến Biển Đông. Chúng ta phải tôn trọng luật pháp, biên giới và văn hóa...”.
Đây là bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Trump tại Đại hội đồng LHQ kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 1.
Ngoài ra, chủ nhân Nhà Trắng còn tuyên bố nếu buộc phải bảo vệ chính mình và các đồng minh, Mỹ không có lựa chọn nào khác là phải “phá hủy hoàn toàn” CHDCND Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ cô lập Triều Tiên cho đến khi nước này dừng hành vi “thù địch”.
Cũng tại kỳ họp trên, Tổng thống Mỹ chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran ký hồi năm 2015 và cảnh báo Washington sẽ không thể tuân theo thỏa thuận này nếu Tehran tiếp tục có các “hoạt động gây bất ổn”.(Thanhnien)
-----------------------
Siêu trực thăng Nga nã đạn nhầm đồng đội tại Zapad-2017
Trong tập trận Zapad-2017, một chiếc trực thăng chiến đấu đa năng của Nga đã nã đạn nhầm khiến binh sĩ nước này thiệt mạng.
Theo nguồn tin báo chí của Quân khu phía Tây của Nga cho biết, trong khuôn khổ cuộc tập trận chung do Nga - Belarus thực hiện mang tên Zapad-2017, một chiếc trực thăng đã bắn nhầm tên lửa khiến 2 chiếc xe tải quân sự tham gia tập trận bốc cháy và binh sĩ trong xe thiệt mạng nhưng không rõ số người.
Tuy nhiên, ngay sau khi nguồn tin này được công khai, tờ Novayagazeta chiều 19/9 cho hay, Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng xác nhận có xảy ra vụ tai nạn khi một chiếc trực thăng của quân đội vô tình bắn các tên lửa nhưng không có thiệt hại về con người.
Theo những thông tin ban đầu, chiếc trực thăng thực hiện vụ bắn nhầm này chính là Mi-8AMTSh - phiên bản được thiết kế riêng cho Lực lượng An ninh Liên Bang Nga (FSB).
Đây là dòng trực thăng mới đưa vào hoạt động trong các đơn vị FSB từ năm 2012. Với cấu hình điện tử và các hệ thống vũ khí đặc biệt dành riêng cho FSB, trực thăng Mi-8AMTSh trở thành trực thăng đa nhiệm đầy sức mạnh.
Cụ thể là, trực thăng này được thiết kế kiểu đặc biệt với tổ hợp dẫn đường, tấn công mới cho lực lượng đặc nhiệm. Máy bay được lắp hệ thống các kênh hồng ngoại và ảnh nhiệt cùng máy đo xa laser.
Trên Mi-8AMTSh có đài sục sạo quan sát với các kênh nhiệt (hồng ngoại) và ảnh nhiệt và radar bám địa hình. Các thông tin từ toàn bộ hệ thống cảm biến sẽ được hiển thị trên màn hình riêng cho 2 phi công.
Ngoài khoang vận tải lớn cho binh sỹ hoặc vật tư hàng hóa, trực thăng Mi-8AMTSh trang bị vũ khí theo kiểu của Mi-8AMT, bao gồm cả tên lửa chống tăng ATGM Shturm, kính chống đạn xung quanh buồng lái và phần động cơ được bọc giáp để có thể chịu được lực tấn công của nhiều loại đạn khác nhau.
Mi-8AMTSh còn nhận được trợ giúp từ hệ thống dẫn hoa tiêu trên cơ sở định vị toàn cầu GLONASS và đèn hồng ngoại TSL-1600. Khi hoạt động ban đêm, trực thăng Mi-8AMTSh sử dụng đèn TSL-1600 để chiếu sáng chiến trường và không gian trên không, đổ bộ quân và hỗ trợ hỏa lực mạnh để tấn công các mục tiêu của nó.
Dù được trang bị tối tân nhưng sự cố bắn nhầm đáng tiếc của Mi-8AMTSh tại Zapad-2017 sức mạnh và độ tin cậy của dòng trực thăng này đang bị nghi ngờ. Tuy nhiên, đây không phải là tai nạn đáng tiếc nhất của nga khi thực hiện tập trận Zapad-2017. Hôm 15/9, một chiếc oanh tạc cơ Tu-22M3 đã bị phá hủy hoàn toàn vì hỏng càng đáp sau khi hoàn thành bài bay tập trận. Cũng với lỗi này, một chiếc máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130 cũng bị phá hủy.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đây là những tai nạn đáng tiếc chưa từng xảy ra với những cuộc tập trận trước đó của lực lượng này nhưng rất may mắn không có thiệt hại về con người.(Baodatviet)
---------------------
Tổng thống Pháp công khai phản đối tổng thống Mỹ tại Đại hội đồng LHQ
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo vệ ngoại giao đa phương tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm thứ 3 (19/9), công khai phản đối bình luận trước đây của tổng thống Mỹ Donald Trump rằng các quốc gia nên đặt lợi ích riêng lên trước.
"Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần chủ nghĩa đa phương" để giải quyết các vấn đề toàn cầu từ chiến tranh đến thay đổi khí hậu, ông Macron nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Pháp công khai phản đối ông Trump về 3 vấn đề chính sách quan trọng: cuộc khủng hoảng Triều Tiên, thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran và biến đổi khí hậu.
Về căng thẳng Triều Tiên, ông Macron nói rằng các vụ khiêu khích tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng là một mối đe doạ tiềm ẩn đối với thế giới. Tuy nhiên Pháp muốn hợp tác với Trung Quốc và Nga để giải quyết khủng hoảng bằng phương pháp chính trị và đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán. Trong khi đó, ông Trump từng có thái độ hung hăng hơn và khẳng định Mỹ sẽ "hoàn toàn tiêu diệt" Triều Tiên nếu buộc phải tự bảo vệ mình hoặc các đồng minh.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng đánh dấu một điểm bất đồng khác giữa Paris và Washington. Ông Trump không nhắc đến vấn đề này mà chỉ đề cập đến nỗi đau của người Mỹ từ những cơn bão gần đây ở Texas và Florida. Ngược lại, ông Macron nói rằng "hành tinh này sẽ không đàm phán với chúng ta" và khẳng định Pháp sẽ làm việc với tất cả các quốc gia để thực hiện hiệp định. Ngoài ra, nhà lãnh đạo trẻ tuyên bố hoàn toàn tôn trọng quyết định của Mỹ về việc rút khỏi hiệp định nhưng cho biết cánh cửa vẫn mở ra nếu Washington muốn quay lại.
Tổng thống Pháp cũng kêu gọi Mỹ không từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Quan điểm này của ông Macron cũng phù hợp với các cường quốc thế giới khác trong thỏa thuận là Anh, Đức và Trung Quốc.(NDH)