Tổng thống Trump lên án mối đe dọa chủ quyền ở Biển Đông; Siêu trực thăng Nga nã đạn nhầm đồng đội tại Zapad-2017; Tổng thống Pháp công khai phản đối tổng thống Mỹ tại Đại hội đồng LHQ
Tin thế giới đáng chú ý sáng 21-09-2017
- Cập nhật : 21/09/2017
Ukraine khoe sắp có vũ khí sát thương, Nga dò hỏi Mỹ
Nga cảnh báo Mỹ cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, xác minh Tổng thống Poroshenko nhận gói viện trợ 500 triệu USD của Washington.
Ngày 19/9, thông tấn TASS dẫn lời Thư ký Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov tuyên bố về khả năng khó có hòa bình ở miền Đông Ukraine nếu Mỹ cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Trả lời báo giới, ông Peskov cho biết, mới đây, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có tuyên bố cho hay về thỏa thuận mới đạt được với Mỹ về gói viện trợ quân sự. Trong đó lần đầu tiên Ukraine đã được cung cấp vũ khí sát thương từ phía Mỹ để đảm bảo an ninh và quốc phòng.
Tuy nhiên, đó mới là tuyên bố từ phía Ukraine, Nga chưa thấy Mỹ có bất cứ tuyên bố nào về thỏa thuận này.
"Đây là tuyên bố của ông Poroshenko, chúng tôi chưa nghe bất cứ tuyên bố nào như vậy từ phía Mỹ" - người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Đồng thời, ông Peskov cũng nhấn mạnh, quan điểm của Moscow là phản đối Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh, Mỹ cấp cho Ukraine khoản vay và các viện trợ là vấn đề song phương của hai nước nhưng Nga luôn bày tỏ lo ngại của mình về các gói viện trợ như vậy.
Ông Peskov khẳng định, việc viện trợ vũ khí sát thương không giúp bình ổn chiến sự ở miền đông Ukraine giữa phe nổi dậy và quân chính phủ.
Trước đó, trong thông báo đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook cá nhân, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thông báo Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật cung cấp vũ khí sát thương mang tính chất phòng thủ cho Ukraine.
Thông báo cũng nêu rõ, dự luật đề ra kế hoạch hỗ trợ Ukraine 500 triệu USD để nước này tăng cường an ninh và quốc phòng.
Thỏa thuận mới được thực hiện trong chuyến thăm New York của ông Poroshenko để tham dự phiên họp tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trong bài phát biểu sẽ diễn ra vào ngày 20/9, Tổng thống Poroshenko được dự định sẽ phát biểu về một dự thảo mới liên quan tới việc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine mà lâu nay dưới sự phản đối của Nga, đã không được thông qua.
Đáng chú ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã bất ngờ đề xuất ý tưởng ủng hộ một sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine.
Theo đó, lực lượng này sẽ bổ sung cho sứ mệnh giám sát thực thi thỏa thuận Minsk cho các nhân viên giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đang thực hiện giám sát ở vùng giao tranh giữa phe ly khai và quân chính phủ.
Sau khi phái đoàn ngoại giao của Nga tại Liên Hiệp Quốc đưa ra bản dự thảo về việc triển khai này, phía Mỹ và Ukraine đã phản đối.
Kiev và Washington cho rằng, họ đồng thuận với việc triển khai sứ mệnh hòa bình của Liên Hiệp Quốc song địa điểm giám sát phải nằm biên giới Nga và Ukraine chứ không nằm dọc đường giới tuyến giữa 2 phe xung đột ở Ukraine.
Theo các quan điểm trước đây của Ukraine, bởi vì Nga đã hỗ trợ và viện trợ các vũ khí hạng nặng cũng như vũ khí sát thương cho phe ly khai ở miền Đông nên lực lượng này rất mạnh.
Đồng thời, quân đội Ukraine lại thiếu thốn các vũ khí sát thương có độ chính xác cao cũng như hệ thống phòng thủ yếu kém nên cuộc xung đột tại đây vẫn chưa thể chấm dứt.
Phía Ukraine đã nhiều lần bày tỏ mong muốn, để góp phần giải quyết cuộc xung đột này, Mỹ nên cấp các gói viện trợ về vũ khí sát thương.
Với dự thảo được cho là sẽ do Tổng thống Ukraine trình bày tại Hội đồng bảo an mới đây, việc triển khai sứ mệnh hòa bình của Liên Hiệp Quốc chắc chắn sẽ nhận được sự phản đối từ phía Nga.
Bởi điều này ủng hộ các cáo buộc cho rằng Nga là một bên tham gia trong cuộc chiến ở miền Đông Ukraine, đi ngược lại các thỏa thuận và định dạng Normandy được thiết lập để giải quyết hòa bình ở Ukraine từ trước tới nay.
Thời gian qua, Mỹ cũng đã nhiều lần đề cập tới hiệu quả thực sự của định dạng Normandy trong giải quyết cuộc chiến ở miền Đông Ukraine.
Ukraine và Mỹ cũng thúc đẩy các cuộc gặp song phương, cho thấy sự ủng hộ của chính quyền ông Donald Trump trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine các gói quân sự, đặc biệt là xem xét việc cấp vũ khí sát thương.
Nhiều năm qua, chính quyền Kiev hy vọng Mỹ sẽ hỗ trợ vũ khí sát thương, đặc biệt là tên lửa chống tăng.
Năm 2015, Thượng viện Mỹ từng phê chuẩn dự luật cho phép hỗ trợ loại vũ khí này cho Ukraine, nhưng quyết định về việc này vấp phải sự phản đối của chính quyền khi đó của Tổng thống Barack Obama.
Mới đây, chính quyền Mỹ đã cam kết hỗ trợ trang thiết bị quân sự trị giá 175 triệu USD cho quân đội Ukraine, nâng tổng số hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine lên 750 triệu USD kể từ năm 2015.
Tuy nhiên, vấn đề cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine vẫn đang trong quá trình cân nhắc.(Baodatviet)
----------------------------
Ai đứng sau ông Saakashvili để đối phó với Tổng thống Poroshenko?
Theo giới chuyên gia, cựu Tổng thống Gruzia, cựu Thống đốc Odessa Saakashvili hiện không phải là mối lo ngại của Tổng thống Poroshenko, mà chính là những người đứng đằng sau lợi dụng ông này mới khiến Tổng thống Ukraine mất ăn mất ngủ...
Theo Ria Novosti, thời điểm hiện nay ở Ukraine là thời gian khó khăn nhất đối với tổng thống Petro Poroshenko. Vấn đề đặt ra là: liệu Tổng thống có thể giữ được quyền lực, hay sẽ phải thay đổi toàn bộ cơ cấu chính quyền Ukraine?
Ông Saakashvili, một người mới vượt rào vào Ukraine tham gia cuộc đua đã làm suy yếu vị thế của Tổng thống Poroshenko. Cái mà phe đối lập ở Ukraine cần để tạo "bước đột phá" – chính là chỉ ra sự yếu kém của tổng thống, chứ không phải là chính bản thân cựu Thống đốc Odessa Saakashvili. Đây chính là thời điểm mà bà Yulia Tymoshenko và Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov sẽ nắm bắt để tận dụng thời cơ này.
Ukraine không cần một nhà lãnh đạo như Saakashvili
Rõ ràng, Saakashvili đã quá sợ hãi trước khi tiến về biên giới Ukraine. Và cuối cùng những người ủng hộ đã phải nhấc vị cựu Tổng thống Gruzia, cựu Thống đốc Odessa trên tay theo đúng nghĩa đen - như nâng "chiếc vali không tay cầm".
Saakashvili - một người bị tước quyền công dân Ukraine, đã được ở trong khách sạn sang nhất tại Lviv. Thị trưởng thành phố Andrei Sadovoy đã đón nhận và vỗ về ông này, còn bà Yulia Tymoshenko đã xuất hiện cùng ông tại cuộc mít tinh. Tuy nhiên ông vẫn không nhận được sự ủng hộ từ cử tri.
Nhà phân tích chính trị Kost Bondarenko nói trên tờ RIA Novosti:"Nhìn chung, người dân vẫn đang bối rối: Điều gì thực sự đã xảy ra? Nếu ông Saakashvili xuất hiện như một "hiệp sĩ quý tộc"- một người chiến đấu theo cách của mình, đối đầu "kẻ hám lợi", thì nó chỉ là một vấn đề, nhưng Saakashvili và nhóm của ông ta đã trực tiếp vi phạm pháp luật cũng như sử dụng vũ lực chống lại cán bộ thực thi pháp luật. Trên các mạng xã hội và thông tin người ta nhạo báng hành động của ông ta và thể hiện thái độ hoài nghi ..."
Khi "cơn mê" về bước đột phá cuối cùng đã tan biến, một cuộc họp kín của phe đối lập Ukraine được tổ chức.
RIA Novosti cho biết, ông Saakashvili tự đề xuất cho mình làm người đứng đầu mặt trận thống nhất chống Poroshenko. Tuy nhiên, các đối tác của ông - bà Tymoshenko, Sadovoy và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Hrytsenko - đã quyết định khác. Họ chỉ cần Saakashvili như một kẻ nhử đòn, chứ không phải là người lãnh đạo.
Kẻ phá đám chính trị
Tại cuộc họp kín, bà Tymoshenko và các đối tác của mình đã gạt ông Saakashvili ra khỏi vai trò "chỉ huy" mặt trận và thậm chí ngay cả trong việc thành lập mặt trận (mỗi mặt trận, theo bà Tymoshenko, sẽ đi theo cách "của riêng mình"), vai trò của nó được định sẵn là một kẻ phá đám chính trị.
Bây giờ thì cựu thống đốc sẽ đi vòng quanh các thành phố và làng mạc của Ukraine và tố cáo mạnh mẽ Tổng thống Poroshenko.
Giám đốc Viện Phân tích và Quản lý Chính sách Ukraine Ruslan Bortnik lý giải: "Saakashvili sẽ gây nguy hại cho chính quyền nếu đóng vai trò như một điểm kết nối phản đối cực đoan. Vây quanh ông Saakashvili, không phải là những người ủng hộ ông Saakashvili, mà là những kẻ phản đối ông Poroshenko - Đó chính là công thức".
Việc chính quyền mất đi thế cân bằng–là một trong những chiến thắng chính của bà Tymoshenko và đối tác của bà, chứ không phải ông Saakashvili.
Sự tinh tế của tình hình hiện nay là bản thân ông Saakashvili hoàn toàn không có ý tưởng và không đại diện cho bất kỳ nguy hiểm nào đối với Tổng thống Poroshenko. Ông Saakashvili, cho dù có quốc tịch Ukraine, theo luật cũng không thể tham gia trong cuộc bầu cử tổng thống. Còn việc tước quyền công dân chỉ thêm vào cho cựu Tổng thống Gruzia sự cam đảm, nhưng không mang đến cho ông ta chút giá trị nào đối với Tổng thống Poroshenko.
Nhà phân tích Bondarenko nói: "Ông Saakashvili dường như không phải là mối đe dọa cho ông Poroshenko. Tổng thống không e ngại ông ta, mà chỉ lo lắng về những người đang cố gắng lợi dụng ông Saakashvili - đặc biệt là bà Yulia Tymoshenko, người có cả kinh nghiệm, thứ hạng, và cả uy tín".
"Lá phiếu vàng" của ông Arsen Avakov
Các nhà lãnh đạo thế giới hiện nay không có nhiều thời gian quan tâm đến Ukraine được nữa. Bà Merkel thì đang lo bầu cử, ông Trump – đối phó với bất đồng nội bộ, London – đang tìm đường ra khỏi EU, Paris – đang có Tổng thống mới không được lòng dân...
Hiện lúc này ông Poroshenko lại không ngừng "tiếp xăng" cho cuộc xung đột âm ỉ giữa Nga và phương Tây. Điều đó gây phiền nhiễu và khiến nhiều người ở châu Âu, và cả Hoa Kỳ đều mất tập trung: họ muốn Tổng thống Ukraine đứng yên một chỗ và đừng cố đến gần chỗ đông người.
Chuyên gia Bondarenko nhấn mạnh: "Hoa Kỳ là người điều khiển chính các hoạt động chính trị ở Ukraine. Nếu đạt được thỏa thuận với Washington, thì ông Poroshenko sẽ gặp rắc rối. Điều này giải thích sự căng thẳng và mâu thuẫn của Poroshenko trong tình hình với Saakashvili. Nếu sự việc không phải như thế thì ông Poroshenko sẽ vẫn có cơ hội để khôi phục lại trật tự".
Thời điểm của sự thật sẽ đến, theo các nhà phân tích, khi phe đối lập mang người ủng hộ và những người có quan điểm cực đoan đến dưới bức tường của Quốc hội Ukraine. Họ muốn tổ chức một cuộc biểu tình vào cuối tháng 9 tới.
"Lá phiếu vàng trong tình huống này –chính là của người đứng đầu Bộ Nội vụ Arsen Avakov: không rõ ông sẽ cư xử thế nào trong tương lai. Liệu đội quân của ông sẽ bảo vệ Quốc hội hay chỉ đơn giản là phủi tay? Vì vậy thời điểm này ông Poroshenko sẽ phụ thuộc vào Hoa Kỳ (tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc) và không thể nhanh chóng quản lý tình hình"- ông Bondarenko nhắc lại.
Do đó Ukraine có thể sớm sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị thứ hai, mà thậm chí không thể lường trước hậu quả.(Infonet)
----------------------------
Tổng thống Trump muốn rộng tay xuất khẩu súng
Quyền quản lý mua bán súng đạn có thể được chuyển giao từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Thương mại để thúc đẩy xuất khẩu.
Hãng Reuters ngày 20.9 dẫn nguồn 4 quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump sắp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hãng xuất khẩu vũ khí, chủ yếu là súng trường và đạn dược.
Theo đó, các trợ lý của tổng thống đang hoàn tất kế hoạch chuyển giao quyền giám sát các giao dịch vũ khí phi quân sự của Bộ Ngoại giao sang Bộ Thương mại.
Với quan tâm thường về mối đe dọa đối với sự ổn định, Bộ Ngoại giao và thắt chặt quy định đối với giao dịch này, tuy nhiên Bộ Thương mại tập trung hơn vào việc mua bán và lợi nhuận.
Các quan chức thuộc nhiều bộ ngành cho biết quy định mới sẽ cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí điều hành, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu súng đạn và tạo việc làm tại Mỹ.
“Buôn bán vũ khí sẽ thoải mái hơn. Các vị có thể mở rộng cửa nếu làm đúng cách”, một quan chức nói.
Động thái này phản ánh việc tuân thủ cam kết ủng hộ công nghiệp vũ khí của ông Donald Trump khi vận động tranh cử.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ và những người kêu gọi kiểm soát vũ khí lo ngại rằng điều này có thể khiến tội phạm và các băng nhóm nổi dậy mua được vũ khí dễ dàng hơn, nhất là các vũ khí thường được sử dụng trong các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ.
Hiện dự thảo quy định mới sắp hoàn tất để trình lên Nhà Trắng trong vài ngày tới. Quy định này có thể ban hành mà không cần Quốc hội thông qua, nhưng sẽ được công bố để tham khảo ý kiến người dân trước khi áp dụng vào năm 2018.
Năm ngoái, Bộ Ngoại giao cấp phép xuất khẩu vũ khí thương mại trị giá khoảng 4 tỉ USD (91.000 tỉ đồng). Nếu quy định mới được áp dụng thì Bộ Thương mại sẽ quản lý khoảng 3,2 tỉ USD trong đó.
Theo thống kê, các nước nhập khẩu vũ khí thương mại từ Mỹ trong những năm gần đây chủ yếu là Canada, Úc, Thái Lan và Ả Rập Xê Út.
Theo ông Lawrence Keane, phó chủ tịch Hiệp hội các môn thể thao bắn súng quốc gia Mỹ (NSSF), quy định mới sẽ giúp việc xuất khẩu súng đạn tăng 15-20% hàng năm.(Thanhnien)