Lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên gọi nhau bằng đủ loại biệt danh; Ông Trump cảnh báo ông Kim Jong-un; Tổng thống Trump sẽ hành động nếu Triều Tiên thử bom H ở Thái Bình Dương
Tin thế giới đáng chú ý trưa 24-09-2017
- Cập nhật : 24/09/2017
Kịch bản Nga can thiệp vào Iraq: Kẻ khóc người cười?
Trong trường hợp Nga trực tiếp can thiệp vào Iraq, chắc chắn sẽ khiến cục diện tại Trung Đông thay đổi.
Nước cờ ẩn
TASS ngày 22/9 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nhấn mạnh, Nga tin rằng các tay súng khủng bố IS cần phải bị trừng phạt bất kể là chúng ở đâu. Tại một cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa diễn ra, một nghị quyết về điều tra tội ác của IS tại Iraq đã được thông qua.
Theo lời ông Gennady Gatilov, Nga hoan nghênh những bước tiến vững chắc của Iraq trong cuộc chiến chống IS cũng như các bước khôi phục chủ quyền đất nước.
"Chúng tôi đánh giá cao những thành công gần đây của các lực lượng vũ trang Iraq trong chiến dịch truy quét các tay súng khủng bố IS, giải phóng những khu vực bị chiếm đóng khỏi sự kiểm soát của tổ chức Hồi giáo cực đoan này", ông Gatilov nhấn mạnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định, Moscow luôn sẵn sàng hỗ trợ về cả giải pháp chính trị lẫn quân sự cho giới chức Iraq.
Hiện nay, Iraq đã và đang mua nhiều vũ khí hiện đại từ Nga, bên cạnh nguồn cung cấp từ phương Tây.
Đây không phải lần đầu tiên Nga ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ Iraq trong cuộc chiến chống IS. Vào tháng 10/2015, Moscow từng tuyên bố sẽ xem xét nếu có đề nghị của Chính phủ Iraq về việc tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào IS ở nước này.
Dưới sự tác động của Mỹ, Iraq chưa chính thức mời người Nga vào giúp sức chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng. Tuy nhiên, chính phủ Iraq đã nhiều lần bóng gió đề cập tới việc này.
Hồi tháng 7, Phó Trưởng ban Đối ngoại của Quốc hội Iraq, ông Abbas al-Bayati nói với giới truyền thông Nga rằng, Iraq đặc biệt hoan nghênh chính phủ Nga các công ty của nước này tham gia vào công cuộc tái thiết cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy của đất nước.
Ông nhấn mạnh rằng, thị trường Iraq mở rộng cửa cho hàng hóa của các công ty Nga, người Iraq tin cậy vào chất lượng sản phẩm của Nga.
"Chúng tôi hy vọng rằng các công ty dầu mỏ và vũ khí của Nga sẽ chiếm vị trí đặc biệt trên thị trường Iraq", ông Bayati nói.
Như vậy là không rõ vô tình hay cố ý mà giới lãnh đạo các nước Iraq và Syria đều bày tỏ mong muốn mời các doanh nghiệp Nga vào đầu tư các hạng mục quan trọng của các nước này, đặc biệt là lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt; cùng với việc cung ứng các loại vũ khí-trang bị.
Hồi năm ngoái, Iraq còn đầu tư hơn 1 tỷ USD để mua sắm hàng trăm phiên bản xuất khẩu của xe tăng T-90 Nga. Trong đó, khoảng 73 chiếc tăng T-90S và biến thể chỉ huy T-90SK sẽ được bàn giao trong năm nay.
Thậm chí, chính phủ Iraq còn hợp tác với Syria, Iran và Nga để đảm bảo an ninh khu vực biên giới Syria-Iraq.
Các phương tiện truyền thông Iraq dẫn lời quan chức Iraq nhấn mạnh rằng, Iraq và đồng minh của họ sẽ không cho phép thành lập bất kỳ "vùng đệm" nào giữa hai quốc gia.
Phá thế độc tôn của Mỹ
Trong trường hợp Nga trực tiếp can thiệp vào Iraq, chắc chắn sẽ khiến cục diện tại Trung Đông thay đổi. Cả Nga và Iraq đều nhận được những thuận lợi nhất định, nhưng Mỹ thì ngược lại.
Thứ nhất, một khi Nga can thiệp quân sự tại Iraq, Mỹ sẽ không còn vị thế độc tôn tại quốc gia này. Chính phủ Iraq không phải dè chừng quá nhiều vào thái độ của Mỹ trước khi đưa ra quyết sách.
Thứ hai, dưới sự hỗ trợ của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố, Iraq sẽ nhanh chóng quét sạch IS khỏi đất nước. Bởi lẽ, không giống như Mỹ, Nga không có bất kỳ một mối liên hệ hay thỏa thuận ngầm với IS.
Thực tế, Nga - Syria và Iraq đang phối hợp cùng nhau để quét sạch IS khỏi biên giới giữa hai nước. Nếu hoạt động này được nâng lên (Nga trực tiếp tham chiến tại Iraq), chắc chắn vùng biên giới Syria - Iraq trải dài 600 km sẽ nằm trong quyền kiểm soát của Nga - Syria và Iraq chứ không phải là liên minh chống khủng bố do Mỹ cầm đầu.
Trên cơ sở này, quân đội Syria có thể nhanh chóng tiến tới vùng nông thôn Deir Ezzor theo hướng tây bắc, kiểm soát vùng lãnh thổ giàu tài nguyên này trước Mỹ và người Kurd.
Thứ ba, hiện người Kurd tại Iraq đang tiến hành trưng cầu ý dân nhằm thành lập nhà nước ly khai, chính phủ Iraq chắc chắc sẽ không chấp nhận điều này. Việc người Kurd đòi ly khai rất có thể dẫn đến một cuộc nội chiến tại Iraq.
Người Kurd thành lập nhà nước riêng vốn nằm trong sự tính toán của Mỹ để duy trì sự hiện diện tại cả Syria và Iraq, kiểm soát nguồn tài nguyên dồi dào tại đây. Chính vì vậy, Mỹ sẽ không can thiệp hoặc can thiệp một cách chiếu lệ trong việc người Kurd đòi ly khai. Thế nhưng, điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu có sự hiện diện của Nga.(Baodatviet)
-----------------------
Canada áp lệnh trừng phạt đối với nhiều quan chức cấp cao Venezuela
Chính phủ Canada chiều 22/9 đã công bố quyết định áp lệnh trừng phạt đối với 40 cá nhân và quan chức Chính phủ Venezuela có liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang diễn ra ở quốc gia Nam Mỹ này.
Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết trong danh sách những người bị trừng phạt có Tổng thống Nicolas Maduro, Chủ tịch Quốc hội lập hiến Delcy Rodriguez, cùng nhiều thành viên nội các và giới chức quân đội, tòa án, Ủy ban Bầu cử Quốc gia.
Theo Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland, các lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực buộc Chính quyền của Tổng thống Maduro phải khôi phục trật tự hiến pháp và tôn trọng các quyền của người dân. Canada đang xác minh tài sản của những người có tên trong danh sách trừng phạt để áp dụng Đạo luật về Các biện pháp Kinh tế Đặc biệt.
Các lệnh trừng phạt của Canada gần giống với các lệnh trừng phạt của Mỹ được Chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra trước đó đối với 46 người Venezuela.
Theo kế hoạch, Canada sẽ chủ trì cuộc họp tiếp theo của Nhóm Lima, một tổ chức gồm hơn 10 quốc gia ở châu Mỹ nhằm thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng Venezuela hiện nay.(Baotintuc)
---------------------
Nga tập trung tiêu diệt “xương sống” của Hải quân Mỹ
Các chuyên gia của tờ The National Interest lo ngại vũ khí chống tàu mới của Nga có thể “đặt dấu chấm hết” cho các tàu sân bay của Mỹ.
Nga đang tích cực phát triển các phương tiện chống tàu mới nhằm vô hiệu hóa các tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Nên nhớ rằng hạm đội tàu sân bay được coi là “xương sống” của Hải quân Mỹ, vì vậy tờ báo The National Interest đã tuyên bố rằng, Mỹ cần phải quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là hướng phát triển của Nga nhằm tìm ra các biện pháp đối phó.
Các nhà phân tích của tờ báo còn lưu ý thêm rằng, trong thời đại ngày nay các loại vũ khí chống tàu hiện đại đang khiến vai trò của tàu sân bay ngày càng giảm đi. Ví dụ Nga, họ tuyên bố không cần thêm tàu sân bay. Theo các chuyên gia, hiện nay các tàu sân bay dễ bị tiêu diệt và hơn nữa chi phí sản xuất cũng như vận hành quá đắt đỏ.
Tờ báo nhấn mạnh, từ những năm 1940 các tàu sân bay trở thành “xương sống” của Hải quân Mỹ và giúp họ thống trị biển cả. Tuy nhiên hiện nay lợi thế này của Mỹ đứng trước nguy cơ biến mất vì các phương tiện, vũ khí siêu chính xác của các nước nhằm chống lại Mỹ.
Ngư lôi tàu ngầm
Đây là loại vũ khí được sử dụng để tiêu diệt các tàu ngầm, tàu chiến từ thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ II. Chúng được coi là loại vũ khí truyền thống và “kinh nghiệm” nhất trong việc chống tàu.
Hiện nay các loại ngư lôi được trang bị hiện đại và rất thông minh. Điều này khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn chúng gần như không thể. Có nhiều loại ngư lôi khác nhau với sức công phá và dạng nổ khác nhau có thể phá hủy tàu sân bay hoặc ít nhất cũng khiến chúng rất khó hoạt động.
Tên lửa hành trình
Các loại tên lửa này có thể được phóng từ các máy bay, tàu mặt nước, tàu ngầm và các bệ phóng từ mặt đất với độ chính xác rất cao trở thành mối đe dọa thực sự đối với tàu sân bay Mỹ. Ví dụ loại tên lửa hành trình Calibr của Nga, chúng đã chứng minh hiệu quả cũng như độ chính xác gần như tuyệt đối ở chiến trường Syria.
Ngoài ra, Nga và các nước khác cũng đang sở hữu nhiều loại tên lửa tiên tiến, chúng được trang bị công nghệ dẫn đường chính xác cho phép tiếp cận mục tiêu mà khó có thể bị đánh chặn.
Tên lửa đạn đạo
Các tên lửa đạn đạo chống hạm mới nhất của Nga có khả năng tiêu diệt được mục tiêu ở khoảng cách không thể tưởng tượng được và vượt qua được các hệ thống bảo vệ dễ dàng. Nếu trúng loại tên lửa này, động năng của chúng cũng đủ để nhấn chìm một tàu sân bay hoặc gây hỏng hóc nghiêm trọng trên tàu sân bay khiến chúng không thể chiến đấu.
Rõ ràng các tàu sân bay của Hải quân Mỹ đang phải đối mặt với những mối đe dọa rất lớn và điều đặc biệt là chúng đến từ phía Nga – đối thủ tiềm tàng của Hải quân Mỹ.
Có thể thấy hướng phát triển của Nga là tạo ra nhiều loại vũ khí chống tàu khác nhau và thậm chí xây dựng hạm đội tàu mặt nước hùng hậu có thể mang theo các loại vũ khí này. Tất nhiên mục đích của họ chưa bao giờ thay đối, đó là chống lại Mỹ.
Sự xuất hiện của các loại vũ khí chính xác tiêu diệt tàu sân bay sẽ khiến vai trò của tàu sân bay giảm đi và trong tương lai nhiều khả năng số lượng tàu sân bay sẽ ngày càng giảm. Mỹ sẽ buộc phải xem xét lại và tìm cách tăng khả năng bảo vệ cho hạm đội tàu sân bay trước các cuộc tấn công từ xa, chuyên gia kết luận.(Baodatviet)