Mỹ cấp vũ khí sát thương cho Ukraine: Nga thề hành động; 7 nước trong Hội đồng bảo an LHQ yêu cầu họp về Myanmar; Canada lộ vũ khí đẩy lùi Nga tại Bắc Cực
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sáng 24-09-2017
- Cập nhật : 24/09/2017
Triều Tiên dọa thử bom H, Mỹ sẽ hành động thích hợp?
Dù Mỹ và nhiều quốc gia cảnh báo Triều Tiên về kế hoạch thử bom nhiệt hạch nhưng Bình Nhưỡng vẫn thể hiện rõ quyết tâm, không hề run sợ.
Mỹ cảnh giác với Triều Tiên
Sau khi tiến hành thử bom nhiệt hạch (bom H) vào ngày 3/9, mới đây Triều Tiên lại tiếp tục dấy lên lo ngại khi tuyên bố sắp thử bom nhiệt hạch ở ngoài khơi Thái Bình Dương.
Ngay lập tức chính quyền Mỹ và Tổng thống Donald Trump đã có những phản ứng về tuyên bố này.Trên trang Twitter cá nhân, ông Trump gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là “gã khùng” đồng thời cảnh báo hành động của Bình Nhưỡng sẽ gặp phải những thử thách.
“Kim Jong Un của Triều Tiên, rành rành là một gã khùng không màng đến đói khổ hay giết chóc chính dân mình, sẽ bị thử thách như chưa từng”, ông Trump chia sẻ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC hôm 22/9 cũng cảnh báo, Tổng thống Trump sẽ có hành động thích hợp nếu Triều Tiên thử một quả bom hạt nhân trên Thái Bình Dương như đã đe dọa.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao, nhưng tất cả lựa chọn quân sự - như Tổng thống Trump đã nói - đang được cân nhắc. Một khi chúng tôi đánh giá bản chất của mối đe dọa này, tổng thống sẽ đưa ra quyết định liên quan đến những hành động thích hợp”, ông Tillerson nhấn mạnh.
Trong khi đó, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton lập tức cảnh báo nếu Triều Tiên thử hạt nhân ở Thái Bình Dương, đó sẽ là hành động gây hấn chưa có tiền lệ và sẽ bị cộng đồng quốc tế đối phó.
Dù phản ứng khá gay gắt, thậm chí từng cảnh báo "hủy diệt" Triều Tiên nếu nước này tiếp tục tiến hành thử bom H, tuy nhiên vào thời điểm này, chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như không giấu khỏi lo lắng trước động thái ngày càng quyết liệt của Bình Nhưỡng.
Hãng tin Reuters ngày 22/9 dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết việc Triều Tiên tiến hành một vụ thử bom H tại Thái Bình Dương sẽ là một sự thay đổi cuộc chơi.
"Mỹ đang xem xét mối đe dọa này một cách rất nghiêm túc", vị quan chức khẳng định với Reuters.
Theo vị quan chức này, thế giới đã quen với những tuyên bố đe dọa hão từ Triều Tiên, nhưng "vẫn cần cảnh giác với một số tuyên bố của họ ở chừng mực nào đó".
Ngay cả Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi được hỏi liệu có thể có hành động quân sự từ Mỹ hay không cũng không trả lời cụ thể vào vấn đề mà chỉ để ngỏ: “Đó sẽ là quyết định của Tổng thống”.
Triều Tiên không nao núng
Ngoài phản ứng từ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đồng loạt lên tiếng cảnh báo Triều Tiên về tuyên bố sắp thử bom nhiệt hạch ở ngoài khơi Thái Bình Dương.
Trong một bài phát biểu tại thủ đô Tokyo, ông Itsunori Onodera, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết nước này có thể phải chuẩn bị cho khả năng một tên lửa Triều Tiên gắn bom H bay qua lãnh thổ Nhật Bản nếu như Bình Nhưỡng quyết tâm thực hiện tuyên bố hôm 21/9.
“Nếu quả bom nhiệt hạch này được gắn trên một tên lửa, chúng tôi không thể bác bỏ khả năng nó sẽ bay qua Nhật Bản... Và nếu nó diễn ra tại Thái Bình Dương, thì ảnh hưởng của nó thậm chí còn lớn hơn”, ông Onodera nhấn mạnh.Hàn Quốc cũng ngay lập tức thống nhất với Hoa Kỳ về việc tăng cường khả năng phòng thủ trước những mối đe dọa từ Triều Tiên.
Trong cuộc gặp bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Hoa Kỳ Donald Trump đã nhất trí sẽ củng cố khả năng phối hợp phòng thủ, thông qua việc Seoul mua sắm và phát triển các loại khí tài quân sự tiên tiến.
Cùng với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành động trên của Triều Tiên đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục gây sức ép để buộc Trung Quốc và Nga thi hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.
Theo bà Bishop, điều quan trọng nhất vào lúc này là tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, đặc biệt là 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, phải thực thi nghiêm túc các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.
“Chỉ có vậy mới có thể buộc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí bất hợp pháp”, bà Bishop nhấn mạnh.
Dù phản ứng của cộng đồng quốc tế đã rõ, tuy nhiên đến thời điểm này có thể thấy rằng Triều Tiên không hề run sợ hay có ý định dừng lại kế hoạch thử bom H của mình.
Phát biểu với báo chí tại New York hôm 22/9, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho hay động thái mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhắc tới có thể liên quan tới một vụ thử bom H trên Thái Bình Dương.
Báo chí Triều Tiên ngày 23/9 đã đồng loạt đưa tin về cuộc diễu hành ủng hộ nhà lãnh đạo Kim Jong Un đối với Mỹ do các quan chức cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên và quân đội nước này tổ chức hôm 22/9.
Đây là cuộc diễu hành được tổ chức tại trụ sở của Ban Chấp hành Trung ương đảng ở Bình Nhưỡng.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong-he đã đọc tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong Un với Mỹ trong cuộc tuần hành và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ người dân.
Thậm chí, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên Ri Myong-su tuyên bố sẽ thực hiện cuộc chiến tranh phủ đầu không thương tiếc nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Mỹ dự định tấn công Triều Tiên.(Baodatviet)
-------------------
'Hoạt động địa chấn bất thường' ở Triều Tiên nghi do một vụ nổ
Ngày 23/9, Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO), cơ quan giám sát việc giải trừ hạt nhân, thông báo họ đang nghiên cứu hoạt động địa chấn bất thường ở Triều Tiên.
Giám đốc Cục động đất và núi lửa thuộc Cơ quan khí tượng Hàn Quốc công bố biểu đồ rung chấn đo được sau một trận động đất do vụ thử bom H ở Triều Tiên ngày 3/9. Ảnh: EPA/TTXVN
Thông báo trên của CTBTO được đưa ra sau khi có thông báo về một trận động đất ở Triều Tiên.
Trên trang mạng Twitter, Thư ký điều hành của CTBTO Lassina Zerbo nêu rõ, các nhà phân tích đang đánh giá một hoạt động địa chấn bất thường với cường độ nhỏ hơn nhiều ở Triều Tiên. Theo CTBTO, hoạt động địa chấn trên được phát hiện ở vị trí cách địa điểm Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu hồi đầu tháng này khoảng 650 km.
Trước đó, Trung tâm mạng lưới động đất Trung Quốc (CENC) thông báo vào lúc 16 giờ 29 phút (giờ địa phương) ngày 23/9, một trận động đất mạnh 3,4 độ Richter đã xảy ra ở khu vực miền Đông Bắc của Triều Tiên. Tâm chấn của trận động đất này được xác định ở tọa độ 41,36 độ vĩ Bắc, 129,06 độ kinh Đông.
Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cho biết trận động đất ở Triều Tiên được phát hiện ở khu vực Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong. Đây là nơi có bãi thử hạt nhân Punggye-ri, bãi thử duy nhất của Triều Tiên. Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cũng nhận định đây là một trận động đất tự nhiên, trong khi các chuyên gia CENC nghi ngờ đây có thể là một vụ nổ.
Trận động đất trên xảy ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc khẩu chiến về tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, khiến quốc tế quan ngại.
Ngày 3/9 vừa qua, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Trận động đất mạnh 5,6 độ Richter tại Triều Tiên do vụ thử hạt nhân lần thứ sáu trên gây ra có thể cảm nhận được rộng rãi ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, và làm rung chuyển một số thành phố của nước này.(TTXVN)
-------------------------
Trung Quốc hạn chế xuất nhập khẩu một số mặt hàng đối với Triều Tiên
Ngày 23/9, Trung Quốc thông báo sẽ cấm xuất khẩu một số sản phẩm dầu mỏ sang Triều Tiên, đồng thời cấm nhập khẩu các mặt hàng dệt may từ nước này.
Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ cấm xuất khẩu một số sản phẩm dầu mỏ tinh luyện sang Triều Tiên bắt đầu từ ngày 1/10. Ảnh: AFP
Đây được xem là quyết định nhằm tuân thủ nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trừng phạt Bình Nhưỡng sau hành động thử hạt nhân vào ngày 3/9 vừa qua.
Trong tuyên bố đăng trên trang web, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ cấm xuất khẩu một số sản phẩm dầu mỏ tinh luyện sang Triều Tiên bắt đầu từ ngày 1/10.
Theo lệnh cấm trên, xuất khẩu dầu tinh luyện của Trung Quốc sẽ hạn chế xuống 2 triệu thùng/năm kể từ ngày 1/1/2018, riêng khí hóa lỏng tự nhiên sẽ bị cấm hoàn toàn và ngay lập tức. Tuy nhiên, lệnh cấm trên sẽ không áp dụng đối với dầu thô, vốn đang chiếm thị phần lớn nhất tại Triều Tiên.
Bộ trên cũng cho biết Trung Quốc sẽ áp đặt ngay lập tức quyết định cấm nhập khẩu hàng dệt may, vốn được xem là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên.
Trước đó, Bắc Kinh đã ngừng việc mua than đá, quặng sắt, hải sản và một số sản phẩm khác của Triều Tiên. Theo thống kê, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 90% thương mại của Triều Tiên.
Ngày 11/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết hạn chế các nguồn cung nhiên liệu cho Triều Tiên và cấm các mặt hàng dệt may xuất khẩu của Triều Tiên.
Trung Quốc, một trong 5 nước ủy viên thường trực có quyền phủ quyết, đã nhất trí với nghị quyết trừng phạt này sau khi Mỹ chấp thuận loại bỏ đề xuất về lệnh cấm vận dầu mỏ hoàn toàn ra khỏi dự thảo nghị quyết.
Trong diễn biến liên quan, theo hãng AFP, giá xăng tại Triều Tiên đã tăng mạnh, giá xăng bán lẻ ở Bình Nhưỡng tăng khoảng 20% trong vòng 2 tháng qua.(Baotintuc)