Mỹ lo bí mật công nghệ rơi vào tay Trung Quốc nếu giao vũ khí cho Đài Loan
Mỹ muốn tăng cường quan hệ quân sự với Đài Loan, thậm chí triển khai vũ khí hạt nhân ở Đài Loan, nhưng lại lo ngại những bí mật công nghệ quân sự của Mỹ sẽ bị rò rỉ và rơi vào tay Trung Quốc.
Quyền Trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương David Helvey. Ảnh: VOA.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc mới đây cho hay một bộ phận quan chức "thân Đài Loan" đã can thiệp vào vấn đề Đài Loan, đặc biệt là về quân sự.
Vừa qua, trong một cuộc hội thảo, quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố: "Mỹ cần thiết hỗ trợ Đài Loan có được khả năng phòng vệ cần thiết để ứng phó với mối đe dọa từ Trung Quốc Đại lục".
Tuy nhiên, quan chức này còn cho biết Mỹ lo ngại nếu cung cấp cho Đài Loan các bí mậtcông nghệ thì có thể sẽ bị tiết lộ cho Trung Quốc.
Báo chí Đài Loan cho hay quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương, David Helvey ngày 14/9 đã tham dự hội thảo của Trung tâm nghiên cứu Đài Loan toàn cầu (Global Taiwan Institute).
Khi đề cập đến vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan, David Helvey nói: "Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường khả năng tấn công Đài Loan, tiến hành chuẩn bị thống nhất Đài Loan bằng vũ lực khi cần thiết. Vì vậy Đài Loan phải có đủ khả năng để răn đe quân đội Trung Quốc".
David Helvey còn tuyên bố, Mỹ cần hết sức hỗ trợ cho Đài Loan, bao gồm cung cấp vũ khí, thiết bị và huấn luyện, tổ chức đối thoại với quan chức quốc phòng Đài Loan, tiến hành các hoạt động giao lưu, trao đổi ý kiến cần thiết.
Tuy nhiên, David Helvey còn cho biết khi đi theo phương hướng này, hợp tác giữa giới ngành nghề quốc phòng Đài Loan - Mỹ sẽ không thể tránh khỏi lo ngại về khả năng Đài Loan bảo đảm cho các bí mật, công nghệ nhạy cảm mà Mỹ chuyển giao không bị tiết lộ ra ngoài. Nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn. Ảnh: Sina.
Gần đây, Mỹ không ngừng can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Báo chí Hàn Quốc còn cho biết cựu quan chức Mỹ thậm chí kêu gọi triển khai vũ khí hạt nhân ở Đài Loan. Tuy nhiên, ngày 11/9, Đài Loan cho biết "chưa từng nghe thấy thông tin này".
Tờ Tin tức bình luận Trung Quốc của Hồng Kông ngày 16/9 chỉ ra triển khai vũ khí hạt nhân ở Đài Loan vừa không cần thiết vừa không khả thi. Trong môi trường chính trị hiện thực, Mỹ không thể triển khai vũ khí hạt nhân ở Đài Loan. Đây là một vấn đề chính trị hiện thực và nhận thức thông thường cơ bản.
Điều đáng khẳng định là nhà cầm quyền Đài Loan, bà Thái Anh Văn cũng có nhận thức rõ về vấn đề này. Vì vậy, bà Thái đã lập tức đưa ra tuyên bố chưa từng nghe đến thông tin đó, cũng không có bất cứ kế hoạch liên quan nào, đồng thời chỉ trích báo chí liên quan đưa tin không có kiểm chứng, không có trách nhiệm.
Điều này cho thấy nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nhận thức được tính nghiêm trọng của thông tin liên quan nếu không được làm sáng tỏ kịp thời thì có thể sẽ gây ra hiểu nhầm và phán đoán nhầm không cần thiết, gây ảnh hưởng tiêu cực, phức tạp và nặng nề hơn cho sự phát triển của quan hệ hai bờ. Máy bay trực thăng AH-64E Apache Đài Loan mua của Mỹ.
Có thể thấy, có những tuyên bố từ phía Mỹ đang nhằm tác động lên quan hệ hai bờ. Trên thực tế từ đầu năm 2017 đến nay, một bộ phận người Mỹ liên tục đưa ra các vấn đề như "bán vũ khí cho Đài Loan", "Luật du lịch Đài Loan", "tàu chiến Đài - Mỹ thăm nhau"...
Mỹ thông qua những hành động này nhằm tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gây phiền phức cho quan hệ hai bờ, thách thức nghiêm trọng ranh giới đỏ "một Trung Quốc".
Trước đây, có học giả Mỹ cho rằng Trung Quốc muốn thống nhất Đài Loan - điều này không phù hợp với lợi ích của Mỹ, Mỹ cần đưa ra xử lý cần thiết.
Đối với vấn đề Đài Loan, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo và muốn Mỹ tuân thủ nguyên tắc "một Trung Quốc", tuân thủ 3 thông cáo chung Trung - Mỹ, xử lý thận trọng và thỏa đáng vấn đề Đài Loan.
Ngày 15/9, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ ông Thôi Thiên Khải tuyên bố Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Trung Quốc tuyệt đối không cho phép, kiên quyết phản đối bất cứ người nào có ý đồ lợi dụng bất cứ cớ gì, đưa vũ khí hạt nhân vào Đài Loan.
Đối với một số văn kiện do Quốc hội Mỹ thông qua hay phát biểu của một số chính khách Mỹ liên quan đến tăng cường quan hệ quân sự Mỹ - Đài, Trung Quốc cũng kiên quyết phản đối.
Trung Quốc yêu cầu Mỹ tuân thủ nguyên tắc "một Trung Quốc", tuân thủ 3 thông cáo chung Trung - Mỹ. Ai phá hoại nền tảng này đều là thách thức nghiêm trọng đối với quan hệ Trung - Mỹ.(Viettimes)
----------------------------
Vũ khí Nga: Tương lai ảm đạm
Một số khách hàng lớn của Nga không che giấu ý định tìm nhà cung cấp vũ khí khác hoặc nỗ lực cải thiện khả năng tự cung cấp
Bản báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI, trụ sở ở Thụy Điển) đã vẽ nên bức tranh u ám của ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí Nga trong tương lai - bị chèn ép một bên là phương Tây, còn bên kia (ngày càng tăng) là Trung Quốc.
Trung Quốc lấn lướt
SIPRI dự báo một khi Trung Quốc đuổi kịp về công nghệ và độ tin cậy, Nga sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa nếu muốn giữ vị thế xuất khẩu vũ khí hiện nay. Suốt thập kỷ qua, Nga đã giữ vững thị phần của mình bất chấp sự trì trệ nào đó về kỹ thuật, trong lúc vũ khí Trung Quốc ngày một tinh vi. Thế nhưng, về lâu dài, thành tựu này khó có thể duy trì.
Ưu thế chính của Trung Quốc nằm ở ngân sách quốc phòng lớn và không ngừng gia tăng. Mức tăng trưởng chi tiêu quân sự của Trung Quốc lúc nào cũng cao hơn tăng trưởng kinh tế trong vòng 2 thập niên qua và xu hướng này không có dấu hiệu thay đổi. Điều đó tạo ra nhu cầu khổng lồ cho vũ khí trong nước ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục mua trang thiết bị quân sự của Nga dù không đều đặn.
So với Bắc Kinh, Moscow có quy mô kinh tế nhỏ hơn, tăng trưởng cũng không ấn tượng. Điều này có nghĩa là nhu cầu trong nước không đủ lớn để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Nga tăng trưởng đáng kể. Chưa hết, tình trạng thiếu kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực thiết bị quân sự càng đe dọa triển vọng xuất khẩu vũ khí của Nga về lâu dài.
Về mặt cấu trúc, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc xem ra đang đi theo hướng hứa hẹn hơn Nga. Đặc biệt, Trung Quốc dường như nỗ lực đưa năng suất của nền kinh tế dân sự vào ngành công nghiệp quốc phòng. Trong khi đó, Nga lại không đạt thành công tương tự trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ tư nhân mạnh mẽ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cho thấy khả năng nắm bắt và tích hợp công nghệ nước ngoài (kể cả của Nga) thông qua các phương cách hợp pháp hoặc bất hợp pháp.
Ưu thế của Nga nằm ở vai trò xuất khẩu vũ khí lâu đời, dẫn đến mối quan hệ sâu đậm và tích cực với nhiều khách hàng. Thế nhưng, đây là những khả năng Trung Quốc có thể xây dựng được. Hơn nữa, trong khi Nga từ lâu vẫn hưởng lợi từ việc phương Tây nói không với thương vụ bán vũ khí cho một số quốc gia đặc biệt, Trung Quốc lại không hề cho thấy sự ngần ngại nào như thế. Theo tạp chí The Diplomat, một trong những cơ hội còn lại của Nga là chào bán vũ khí cho các quốc gia mà Trung Quốc không chịu bán vì những lý do chiến lược nhưng quy mô các thị trường này vẫn còn hạn chế… Chưa hết, một nguy cơ khác của Nga trên thị trường vũ khí quốc tế là một số khách hàng lớn không che giấu ý định tìm nhà cung cấp khác, như Mỹ, hoặc nỗ lực cải thiện khả năng tự cung cấp trang thiết bị quân sự.
Nhiều nước muốn mua tên lửa của Nga Ảnh: RT
Vẫn có sức hút mạnh mẽ
Nói gì thì nói, Nga hiện vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính cho một số khách hàng ở thế giới đang phát triển. Ngoài ra, nước này đạt thành công trong việc ký kết hợp đồng vũ khí với khách hàng ở Cận Đông và Đông Nam Á. Moscow cũng gia tăng nỗ lực bán vũ khí ở Mỹ Latin, tập trung vào Venezuela. Trong khi đó, Trung Đông và Bắc Phi là những khu vực mua nhiều vũ khí của Nga. Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Moscow.
Theo SIPRI, Nga nắm giữ vị trí nước xuất khẩu vũ khí đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, trong nhiều năm qua. Cụ thể, 21% lượng vũ khí bán ra trên toàn cầu năm 2016 đến từ Nga. Nếu tính cả giai đoạn 2000-2016, vũ khí xuất khẩu của Nga chiếm trung bình 25% thị trường toàn cầu mỗi năm. Trang thiết bị quân sự của Nga vẫn có sức hút mạnh mẽ với các nước đang phát triển bởi sự đa dạng và giá cả cạnh tranh. Tên lửa và máy bay tiếp tục chiếm một phần đáng kể trong số vũ khí xuất khẩu của Nga.
Là khách hàng quan trọng ở châu Á, Trung Quốc đã mua của Nga nhiều loại máy bay và tàu chiến tiên tiến, bên cạnh các hệ thống vũ khí và cả tên lửa. Chẳng hạn, từ năm 1996, Moscow đã bán cho Bắc Kinh chiến đấu cơ Su-27, chiến đấu cơ đa năng Su-30, tàu khu trục lớp Sovremenny được trang bị tên lửa đối hạm Sunburn và tàu ngầm diesel dự án 636 lớp Kilo. Trung Quốc còn là quốc gia đầu tiên mua chiến đấu cơ Su-35 của Nga (24 chiếc, trị giá 2 tỉ USD) sau khi 2 bên đạt thỏa thuận vào năm 2015.
Trong năm 2015, Nga còn bán vũ khí cho một loạt quốc gia khác, như nối lại hợp đồng bán hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho Iran sau khi thỏa thuận bị hủy năm 2010. Trong khi đó, Ấn Độ đồng ý mua ít nhất 200 trực thăng Ka-226 trị giá đến 1 tỉ USD, còn Algeria mua 14 chiến đấu cơ Su-30MKI. Đáng chú ý, Pakistan đã mua 4 trực thăng tấn công MI-35 của Nga sau khi được Moscow dỡ bỏ cấm vận vũ khí năm 2014. (NLĐ)
------------------------
Tại sao cựu sĩ quan NATO chống lại Ukraine, NATO?
Cựu sĩ quan NATO đang chiến đấu vì người dân Donbass cho rằng, quân đội Ukraine hoặc lực lượng dân quân không nên đánh thức “gấu Nga”.
Tình hình khu vực Donbass vẫn luôn ở trạng thái căng thẳng. Hằng ngày đại diện các nước cộng hòa miền Đông đều tuyên bố rằng, quân đội Ukraine tấn công vào các làng mạc bằng súng cối, đại pháo mặc dù thực tế thỏa thuận ngừng bắn vẫn đang được duy trì.
Tổng thống Ukraine đang tìm mọi cách để khôi phục chủ quyền đối với khu vực Donbass, thậm chí cả Crimea.
Trong diễn biến mới nhất sau cuộc pháp kích của quân đội Ukraine, có mặt tại hiện trường, phóng viên hãng thông tấn liên bang FAN đã có bài phỏng vấn với cựu sỹ quan NATO, ông Pascal (người Hà Lan). Ông này đã tiết lộ nguyên nhân tại sao ông lại chiến đấu vì Donbass.
Ông cho biết rằng, năm nay ông đã 38 tuổi và ông tình nguyện đấu tranh vì Donbass bởi vì các nhà lãnh đạo NATO đã làm quá nhiều điều xấu.
Ông cho rằng, mọi nguồn gốc mâu thuẫn, xung đột cũng như sự xuất hiện các tổ chức khủng bố đều bắt nguồn từ NATO. Vì vậy ông đã quyết định không phục vụ quân đội NATO.
Ông Pascal tiết lộ rằng, trong suốt thời gian ở NATO ông đã học được nhiều kỹ năng không chỉ giúp ông trong cuộc sống mà còn giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ ở Donbass.
Ông khẳng định rằng, quân đội Ukraine kém hơn hẳn quân đội các nước NATO cả về sức mạnh lẫn chiến thuật. Mặc dù lực lượng dân quân miền Đông Ukraine với trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí lạc hậu nhưng quân đội Ukraine hoàn toàn không thể giành thế chủ động.
Ông cho rằng, nếu được các chuyên gia NATO thực hiện huấn luyện, quân đội Ukraine sẽ chiến đấu hiệu quả hơn nhiều.
Trong khi đó khi nói về các quân nhân, dân quân tự vệ của lực lượng các nước miền Đông chiến đấu với tinh thần rất cao. Đã hơn 3 năm nay họ vẫn không để mất một tấc đất nào.
Ông Pascal cho rằng, những người này mong muốn được sống dưới chính quyền các nước tự xưng thay vì dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Poroshenko. Ông cũng tiết lộ rằng, những người dân ở các nước Cộng hòa Donetsk và Lugansk rất tốt bụng, rất nhiều người đã cảm ơn vì ông đã chiến đấu và giúp đỡ họ.
Sau chiến tranh ông sẽ đưa gia đình của ông tới Donbass. Ông thích cuộc sống ở đây, đặc biệt là cách nuôi dạy trẻ em ở Donbass hơn hẳn ở Hà Lan, ông nói.
Khi được hỏi về cuộc chiến ở khu vực này, ông Pascal cho rằng, trong tình hình hiện tại quân đội Ukraine không đủ sức để giành thắng lợi trước lực lượng các nước miền Đông. Hơn nữa thực tế thỏa thuận ngừng bắn đang được duy trì bởi một số quốc gia, đặc biệt là Nga.
Ông cho rằng, quân đội Ukraine hoặc các nước miền Đông không nên, thậm chí không dám có những hành động nào ảnh hưởng lớn hoặc khiêu khích quá đối với Nga. Nếu “gấu Nga” thức tỉnh hậu quả sẽ khó lường. Chúng ta nên nhớ lại lịch sử những lần “gấu Nga” bừng tỉnh.