Hai nhà lãnh đạo đã tập trung vào vấn đề thương mại trong cuộc hội đàm đầu tiên diễn ra tại Nhà Trắng.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 01-06-2017
- Cập nhật : 01/06/2017
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc giấu tổng thống về 4 bệ phóng THAAD Mỹ
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc "cố tình" không nhắc đến việc triển khai thêm 4 bệ phóng trong hệ thống tên lửa THAAD khi báo cáo cho tân tổng thống.
Người phát ngôn Nhà Xanh Yoon Young-chan ngày 30/5 cho biết Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cố tình giấu thông tin về các bệ phóng Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trong báo cáo tuần trước, khi Seoul đang chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6.
"Nhà Xanh xác nhận Bộ Quốc phòng đã cố tình che giấu việc triển khai thêm 4 bệ phóng", Reuters dẫn lời Yoon nói.
Tổng thống Moon ra lệnh điều tra đối với Bộ Quốc phòng, nói việc lắp đặt thêm 4 bệ phóng mà không thông báo với chính quyền hoặc công khai là "rất sốc", Yoon cho biết thêm.
Ông Moon nhậm chức ngày 10/5 mà không có giai đoạn chuyển tiếp do Hàn Quốc bầu cử sớm để tìm người thay thế tổng thống bị phế truất Park Geun-hye. Bộ trưởng Quốc phòng cùng toàn bộ nội các hiện tại của ông Moon đều thuộc chính quyền tiền nhiệm.
Mỹ và Hàn Quốc triển khai THAAD, bố trí hai trong số 6 bệ phóng của hệ thống này, hồi tháng 3 tại Seongju, tây nam Hàn Quốc, để đối phó mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Báo cáo ban đầu từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ tổng số bệ phóng được chuẩn bị và tên căn cứ lưu trữ 4 bệ phóng còn lại. Tuy nhiên, báo cáo cuối cùng gửi Nhà Xanh không còn những thông tin này.
Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ "rất rõ ràng" với chính phủ Hàn Quốc trong triển khai THAAD.(Vnexpress)
-----------------------------
Mỹ, Trung Quốc thảo luận biện pháp trừng phạt Triều Tiên
Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về cách phản ứng với các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, có thể ra quyết định trừng phạt trong tuần này.
"Chúng tôi giữ sức ép với Trung Quốc nhưng cũng tiếp tục phối hợp cùng họ... Tôi nghĩ chúng tôi sẽ quyết định trừng phạt như thế nào trong tuần này", AFP dẫn lời đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói ngày 30/5.
Trung Quốc đang cố ứng phó với những chuyện vừa xảy ra. Trung Quốc thúc giục Triều Tiên thông qua các kênh thứ yếu nhằm thay đổi hành vi của Bình Nhưỡng, đồng thời thảo luận với Mỹ về thời gian áp đặt lệnh trừng phạt mới, bà Haley cho biết thêm.
Mỹ và Trung Quốc bắt đầu thảo luận từ một tháng trước với quan điểm là đưa ra một dự thảo để trình lên Hội đồng Bảo an. Triều Tiên gần đây thực hiện ba vụ thử tên lửa trong chưa đầy ba tuần, bất chấp cảnh báo từ Liên Hợp Quốc rằng Bình Nhưỡng có thể bị trừng phạt.
Trung Quốc cũng thúc đẩy khôi phục đối thoại 6 bên, vốn bị gián đoạn từ năm 2009, khi Triều Tiên quyết định rút khỏi bàn đàm phán. Bà Haley khẳng định Mỹ sẽ mở cửa đối thoại nếu Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân và tên lửa.
Triều Tiên muốn phát triển tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ và đã thử hạt nhân 5 lần, hai lần trong năm 2016. Hội đồng Bảo An năm ngoái thông qua hai lệnh trừng phạt nhằm chặn nguồn ngoại tệ của Triều Tiên, nghi tài trợ cho chương trình quân sự. Tổng cộng, Triều Tiên đang chịu 6 gói lệnh trừng phạt kể từ lần thử hạt nhân đầu tiên năm 2006.(Vnexpress)
-------------------------------
Tàu sân bay USS Carl Vinson rời khu vực Bán đảo Triều Tiên
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin Hải quân Hàn Quốc cho hay nhóm tấn công của Hải quân Mỹ do tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson dẫn đầu sẽ chấm dứt sứ mệnh kéo dài 1 tháng gần khu vực Bán đảo Triều Tiên vào đêm 31/5.
Tàu sân bay USS Carl Vinson tại vùng biển ngoài khơi đảo Tsushima, Nagasaki, Nhật Bản ngày 29/4. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Động thái này diễn ra trong bối cảnh một tàu sân bay khác là USS Ronald Reagan đồn trú tại Nhật Bản đã nối lại đầy đủ các hoạt động sau nhiều tháng bảo dưỡng định kỳ.
Tuy nhiên, hiện chưa biết khi nào thì chiếc USS Ronald Reagan sẽ tiến vào vùng biển phía Đông của Bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực mà chiếc tàu này sẽ hoạt động.
Tàu sân bay USS Carl Vinson có căn cứ tại San Diego đã được đưa tới khu vực biển phía Đông của Bán đảo Triều Tiên vào cuối tháng 4 vừa qua như một lời cảnh báo đối với Triều Tiên.
Trong thời gian lưu lại tại đây, tàu này cùng với một số tàu chiến đi cùng đã tham gia một số cuộc tập trận chung với Hải quân Hàn Quốc.(TTXVN)
-------------------------------
Nhật Bản tìm kiếm hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ muốn hợp tác với Trung Quốc trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Tokyo ngày 31/5.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: AFP
Trong cuộc gặp tại văn phòng thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Abe nhấn mạnh: "Để giải quyết vấn đề Triều Tiên theo hướng hòa bình và ngoại giao, Nhật Bản muốn hợp tác với Trung Quốc, quốc gia có ảnh hưởng lớn đối với Bình Nhưỡng".
Về phía mình, ông Dương Khiết Trì bày tỏ hy vọng các quốc gia khác cùng "đóng vai trò tích cực" để có thể hoàn thành mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Cuộc gặp trên diễn ra 2 ngày sau vụ phóng tên lửa thứ 9 của Triều Tiên trong năm nay. Bình Nhưỡng ngày 29/5 đã phóng một tên lửa đạn đạo từ vị trí gần sân bay Wonsan, thuộc tỉnh Gangwon của Triều Tiên. Tên lửa này được cho là đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản trên Biển Nhật Bản.
Trong cuộc gặp ngày 31/5, Thủ tướng Abe cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao trong năm 2017. Dự kiến, Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp xúc bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức vào tháng 7 tới.
Ông Dương Khiết Trì đang ở thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 29/5. Nhân chuyến thăm, ông Dương Khiết Trì đã gặp gỡ Ngoại trưởng Nhật Bản Fumiko Kishida, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản (NSC) Shotaro Yachi và Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga.(Baotintuc)