Triều Tiên tuyên bố có thể tấn công “đánh đòn phủ đầu” Mỹ; Triều Tiên có sợ Mỹ “giải quyết dứt điểm”?; Căng thẳng Mỹ - Triều liệu có thật sự đến mức bùng nổ?
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 19-04-2017
- Cập nhật : 19/04/2017
Nhật tính điều quân đội để đối phó tên lửa Triều Tiên
Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn nguồn tin từ truyền thông Nhật Bản ngày 18-4 cho biết đây là lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản cân nhắc khả năng triển khai binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong trường hợp Triều Tiên phóng tên lửa rơi vào lãnh hải của Nhật Bản.
Vào ngày 29-3-2016, Nhật Bản đã thông qua một số luật mới, theo đó chia các mối đe dọa an ninh thành ba loại là khả năng xâm lược quân sự, mối đe dọa xâm lược quân sự rõ ràng và hành động xâm lược quân sự.
Chính phủ Nhật Bản xác định việc tên lửa nước ngoài rơi xuống lãnh hải nước này là một “mối đe dọa xâm lược quân sự rõ ràng”, qua đó cho phép Tokyo triển khai binh sĩ để đối phó.
Thông tin được tiết lộ giữa bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng tăng cao. Triều Tiên hôm 16-4 phóng một tên lửa tầm trung nhưng tên lửa này đã phát nổ gần như ngay lập tức sau khi rời bệ phóng. Bất chấp thất bại này, Triều Tiên cảnh báo có thể sẽ phóng tên lửa hằng tuần và sắp tiến hành thử hạt nhân lần sáu. (PLO)
--------------------------------------------
Ông Trump đòi đếm vũ khí hạt nhân để làm gì?
Ngày 17-4, Lầu Năm Góc công bố cơ quan này sẽ bắt đầu mở đợt đánh giá mới về sức mạnh hạt nhân của Mỹ theo chỉ đạo của tổng thống Donald Trump.
Một binh sĩ Triều Tiên chụp ảnh khi phó tổng thống Mỹ Mike Pence tới khu làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm) ngày 17-4-2017 - Ảnh: Reuters
Theo đài Foxnews, trưởng phát ngôn viên Lầu Năm Góc, bà Dana W. White cho biết trong thông cáo, Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis sẽ phải đảm bảo sức mạnh hạt nhân của quân đội Mỹ là “an toàn, bảo đảm, hiệu quả, tin cậy và thích ứng với việc ngăn cản các nguy cơ của thế kỷ 21 và trấn án các đồng minh của chúng ta”.
Quân đội Mỹ có khoảng 450 tên lửa hạt nhân tầm xa đang được cất giữ trong các hầm chứa tên lửa tại nhiều căn cứ khác nhau ở Trung Đông.
Mỹ cũng có một đội tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo và các máy bay ném bom tầm xa B-2, máy bay B-52 có khả năng tấn công vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra Không quân Mỹ còn có các máy bay chiến đấu có khả năng tấn công với các loại vũ khí hạt nhân loại nhỏ hơn.
Theo thông báo mới nhất của Lầu Năm Góc, “Bộ trưởng Mattis chỉ đạo việc bắt đầu triển khai quá trình xem xét, đánh giá. Quá trình này sẽ do thứ trưởng Bộ quốc phòng, phó chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân và các đối tác liên ngành điều hành. Kết thúc quá trình đánh giá sẽ có một bản báo cáo cuối cùng trình lên tổng thống vào cuối năm nay”.
Yêu cầu đánh giá về năng lực hạt nhân được đặt ra với Lầu Năm Góc chỉ sau hai ngày Triều Tiên phóng thử nhưng thất bại một loại tên lửa đạn đạo mới.
Giới quan chức Mỹ cho rằng loại tên lửa Triều Tiên phóng thử đó là KN-17, một loại tên lửa Scud kiểu mới có thể được sử dụng để tấn công các tàu, giống như loại tên lửa đã được phóng hồi đầu tháng này trước khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ hội đàm với ông Trump.(Tuoitre)
----------------------------------------
Triều Tiên báo động quân đội ‘cảnh giác tối đa’
Triều Tiên cảnh báo rằng quân đội nước này hiện trong trạng thái “cảnh giác tối đa” sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đến thăm khu vực biên giới liên Triều và tái khẳng định Washington đang xem xét “tất cả lựa chọn” để giải quyết vấn đề Triều Tiên nhân chuyến thăm Hàn Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Al Jazeera ngày 17-4, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Sin Hong-chol đã lên tiếng nói rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump “cần mở to mắt khi nhìn nhận về thế giới”.
“Thời đại Mỹ ra lệnh sai bảo bằng cách khua chiêng gõ mõ sức mạnh quân sự của nước này đã qua đi rồi. Nếu các doanh nhân đang nắm quyền tại nước Mỹ (ngụ ý ông Trump) có suy nghĩ dọa dẫm chúng tôi bằng bất cứ động thái đe dọa quân sự hay lệnh trừng phạt như chính quyền ông Obama từng làm và thất bại, thì họ sẽ sớm nhận ra rằng những hành động đe dọa như vậy là vô ích” - ông Sin nhấn mạnh.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (áo đen) trong một chuyến thăm quân đội Triều Tiên. Hình ảnh được hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA công bố ngày 11-3-2013. Ảnh: KCNA
“Nếu chúng tôi nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu nào xâm phạm chủ quyền của chúng tôi, quân đội chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc tấn công quân sự không thương tiếc nhằm vào những người Mỹ đi xâm lược dù họ ở bất cứ nơi nào, từ các vùng đất xa xôi của Mỹ tới các căn cứ quân sự Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, ở Nhật Bản hay bất cứ nơi đâu khác” - ông Sin cảnh báo.
Ông Sin cũng nói rằng các cuộc đàm phán sáu bên nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ đều “bị dập tắt ngay từ lúc khởi xướng”.
“Vũ khí hạt nhân mà chúng tôi đang sở hữu không phải là thứ gì đó mang tính ảo tưởng. Chúng không phải là hàng hóa để mà đem đi trao đổi với các đồng đôla Mỹ. Do đó, chúng không thể được đem ra bàn đàm phán” - ông Sin nói.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên càng ngày càng căng như dây đàn. Triều Tiên cảnh báo nước này sẽ đáp trả quân sự nếu Mỹ khiêu khích. Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) ngày 17-4 cho biết Lầu Năm Góc cũng vừa lệnh ba tàu sân bay tiến đến bán đảo Triều Tiên và dự kiến đến khu vực vào tuần tới.
Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong bối cảnh đến thăm Hàn Quốc đã tới khu vực biên giới liên Triều. Ông Pence nói rằng Mỹ không loại trừ bất kỳ phương án nào để đối phó Triều Tiên.
Trả lời tờ Al Jazeera từ Seoul, chuyên gia về Triều Tiên Donald Kirk cho biết cuộc khẩu chiến giữa các bên đối địch hiện tiếp tục leo thang và một “cuộc đối đầu bạo lực” có khả năng sẽ diễn ra. “Chắc chắn căng thẳng đang ở mức cao. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm nay đã đưa ra tuyên bố rất cứng rắn. Ông ấy đã để ngỏ khả năng tấn công phủ đầu Triều Tiên”.(PLO)
------------------------
Nhà máy điện hạt nhân: ‘Yếu huyệt’ của Hàn Quốc
Theo báo cáo Công ty Năng lượng Hydro và Hạt nhân Hàn Quốc gửi cho nghị sĩ Kim Jong-hoon, lớp tường bảo vệ bên ngoài của các lò phản ứng trong nước không thể chịu được tấn công tên lửa hay các dạng tấn công tập trung khác.
Lớp tường bê tông cốt thép là lớp bảo vệ cuối cùng được thiết kế bao quanh lò phản ứng để ngăn vật liệu phóng xạ thoát ra khu vực lân cận trong trường hợp có tai nạn nghiêm trọng.
“Ban đầu chúng được thiết kế để chịu được bão, động đất và các kiểu thảm họa tự nhiên khác” - ông Kim nói. Theo ông, lớp vỏ có thể làm chệch hướng sức nổ và mảnh vỡ từ bên trong nhưng không thể chịu được các tấn công bên ngoài hay kiểu tấn công khủng bố đã phá hủy Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York ngày 11-9-2001.
Khi được hỏi về biện pháp giải quyết vấn đề, ông Kim cho biết Hàn Quốc lạc hậu hơn Mỹ về các giải pháp đối phó với tấn công quân sự và khủng bố. Theo ông, Hàn Quốc chỉ vừa đặt ra quy trình đánh giá khả năng đối phó với tác động bên ngoài vào cuối năm 2016, trong khi Ủy ban quản lý hạt nhân Mỹ đã kêu gọi có biện pháp bảo vệ các lò phản ứng và nhà máy hạt nhân khỏi bị tấn công từ tháng 7-2009.
“Việc Hàn Quốc chưa có biện pháp giải quyết là một sai sót nghiêm trọng, đặc biệt khi đứng trước đe dọa tên lửa ngày càng tăng từ phía Triều Tiên” - ông Kim nhận định. Theo ông, việc thiết kế các lò phản ứng tương lai phải tính đến mọi khả năng và tăng cường biện pháp bảo vệ chúng.