Giới chức Quảng Châu, Trung Quốc xác nhận tin tàu hải cảnh nước này va chạm với một tàu hàng và bị chìm.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 20-04-2017
- Cập nhật : 20/04/2017
Trung Quốc lên án tuyên bố sẵn sàng thử hạt nhân của Triều Tiên
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này phản đối bất kỳ lời nói hay hành động nào khiến căng thẳng leo thang.
Trung Quốc quan ngại sâu sắc về những bình luận gần đây do các quan chức Triều Tiên đưa ra, về các vụ thử tên lửa tiếp theo và khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân, Reuters hôm nay dẫn lại lời ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Ông Lục phát ngôn sau khi ông Kim In-ryong, Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc (LHQ), hôm qua cáo buộc Mỹ tạo ra "tình hình nguy hiểm, trong đó, chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra bất kỳ lúc nào".
Đại diện Triều Tiên cho rằng Mỹ đưa tới Hàn Quốc, bán đảo Triều Tiên nhiều khí tài hạt nhân chiến lược, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh bán đảo. Nếu Mỹ lựa chọn hành động quân sự, Triều Tiên sẵn sàng đáp trả.
Ông Kim cũng xác nhận Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc thử hạt nhân mới, kế hoạch đã được thông báo và "nó sẽ diễn ra" vào thời điểm Bình Nhưỡng thấy cần thiết. Bình Nhưỡng đã thử hạt nhân 5 lần, trong đó có hai lần vào năm ngoái.
Trước đó, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo Triều Tiên không nên thử thách quyết tâm của Washington và khẳng định "thời kỳ kiên nhẫn chiến lược" với Bình Nhưỡng đã kết thúc.
Ông Lục nhấn mạnh Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ lời nói hay hành động nào có thể khiến gia tăng căng thẳng hiện nay.(VNE)
----------------------------------------------
Mỹ xác nhận hợp tác với đồng minh gây sức ép lên Triều Tiên
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Washington đang làm việc với các đồng minh và Trung Quốc để gây áp lực về kinh tế và ngoại giao lên Triều Tiên.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence chụp selfie với các quân nhân Mỹ khi đến thăm tàu USS Ronald Reagan ở cảng Yokosuka, Nhật - Ảnh: Reuters
Tuy nhiên Phó tổng thống Pence cũng khẳng định rằng Mỹ sẽ đánh bại bất kỳ cuộc tấn công nào của Bình Nhưỡng với "phản ứng không thể chống cự được".
Phát biểu trên tàu USS Ronald Reagan, một tàu sân bay lớp Nimitz đang bảo dưỡng định kỳ tại cảng Yokosuka của Nhật, ông Pence cho biết Mỹ vẫn giữ nguyên ý định vững chắc trên trong bối cảnh đầy đe dọa từ Triều Tiên.
"Những ai thách thức sự quyết tâm và tinh thần sẵn sàng của chúng ta nên biết rằng chúng ta sẽ đánh bại bất kỳ cuộc tấn công nào và đánh bại bất kỳ loại vũ khí nào kể cả vũ khí hạt nhân với sự đáp trả mạnh mẽ và không thể kháng cự của nước Mỹ" - Phó tổng thống Pence tuyên bố trong tiếng vỗ tay hoan hô.
Ông Pence cũng nhắc lại rằng tất cả các lựa chọn để đối phó với Triều Tiên đều đang được cân nhắc kỹ càng.
Phó tổng thống Pence đã đến Nhật ngày 18-4 để trấn an đồng minh và đảm bảo sự can thiệp của Mỹ trong tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên với các lãnh đạo Nhật, bao gồm thủ tướng Shinzo Abe.
Ông Pence nói rằng ông đã nói chuyện với tổng thống Donald Trump và cam kết rằng đến năm 2020 khoảng 60% hạm đội hải quân Mỹ sẽ có mặt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và vai trò của Nhật sẽ tăng lên.
"Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương. Nhật sẽ đảm nhận vai trò và trách nhiệm lớn hơn trong liên minh của chúng ta trong những năm tới" - Phó tổng thống Pence xác nhận.
Ngoài ra ông Pence cũng khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ tự do hàng hải và trên không tại biển Đông vốn là khu vực mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền một cách vô lý đối với nhiều đảo và đá.
Ông Pence đến Nhật sau khi thăm Hàn Quốc ba ngày và sẽ đến Indonesia vào tối nay.(Tuoitre)
------------------------------------------
Nga kêu gọi các nước liên quan đến vấn đề Triều Tiên kiềm chế
Moskva luôn ủng hộ cách giải quyết ngoại giao đối với vấn đề Triều Tiên và cho rằng trừng phạt sẽ không là biện pháp triển vọng với nước này.
Nga đã kêu gọi tất cả các nước kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng Bán đảo Triều Tiên leo thang. Đó là tuyên bố của người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov trước báo giới, bình luận về các biện pháp có thể đưa ra với Triều Tiên. Ông Peskov cũng khẳng định Moskva luôn ủng hộ cách giải quyết ngoại giao và cho rằng biện pháp trừng phạt sẽ không là biện pháp triển vọng với nước này.
Tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang gia tăng khi Triều Tiên được cho là đang chuẩn bị một vụ thử hạt nhân mới còn Mỹ đang đưa nhóm tàu tấn công, do tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson dẫn đầu, tới vùng biển ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Triều Tiên cũng đã phô trương nhiều loại tên lửa đạn đạo trong cuộc duyệt binh khổng lồ ngày 15/4 nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 105 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Trong một động thái liên quan đến Triều Tiên, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Hyung-suk ngày 19/4 đã gặp Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Yasumasa Nagamine, thảo luận các vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi ý kiến về các mối quan ngại an ninh cũng như tầm quan trọng của việc đối phó với những hành động khiêu khích của Triều Tiên, cho rằng các hành động này gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời tái khẳng định rằng việc ép Triều Tiên phải thay đổi phương hướng là có lợi cho cả hai nước.
Cuộc gặp của ông Kim Hyung-suk với nhà ngoại giao của Nhật Bản diễn ra sau khi ông Nagamine gặp Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Hwang In-moo ngày 18/4. Hồi đầu tháng này, Chính phủ Hàn Quốc đã bác đề nghị của ông Nagamine được gặp các lãnh đạo cao cấp hơn như Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo, Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo và quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn.
Vấn đề Triều Tiên cũng nằm trong chính sách an ninh của ứng cử viên Hong Joon-pyo thuộc đảng Hàn Quốc Tự do theo đường lối bảo thủ trong cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Hàn Quốc.
Tại cuộc họp báo ngày 19/4, ông Hong Joon-pyo nhắc lại cam kết đưa các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trở lại Bán đảo Triều Tiên để đạt được “thế cân bằng hạt nhân” với Triều Tiên, cũng như tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc. Ứng cử viên này nhấn mạnh rằng Hàn Quốc sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế cho đến khi Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân và ngừng đe dọa an ninh của Hàn Quốc. Ông còn cam kết xem xét triển khai 2-3 Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và thúc đẩy việc thiết lập một hạm đội hải quân mới có nhiệm vụ bảo vệ các quần đảo Dokdo và Ieodo ở phía Nam của Hàn Quốc. (TTXVN)
----------------------------------------
Mỹ quyết tâm đưa hệ thống tên lửa 'không tỳ vết' tới Bán đảo Triều Tiên
Trong khi Mỹ đang tăng tối đa áp lực với Triều Tiên, một trong những cách mà Nhà Trắng hỵ vọng mang lại hiệu quả là triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Bán đảo Triều Tiên.
Những phần đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc hồi tháng 3.
Theo kênh Fox News, trong chuyến thăm Hàn Quốc ngày 17/4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã xác nhận rằng Mỹ sẽ tiếp tục các kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.
Mỹ đã công bố giai đoạn đầu kế hoạch triển khai THAAD hồi đầu tháng trước và các quan chức nước này ước tính sẽ mất vài tháng trước khi hệ thống đi vào hoạt động đầy đủ.
Theo trang web của tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin, THAAD là "một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất thế giới", có khả năng phòng thủ trước các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Hệ thống này được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo ở khoảng cách hơn 190km, và ở độ cao 144km.
Theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA), THAAD có một kỷ lục “không tỳ vết” kể từ khi chương trình thử nghiệm THAAD bắt đầu vào năm 2006. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hồ sơ này bỏ qua sáu lần khởi động không thành công của các mẫu THAAD cách đây nhiều năm trước khi hệ thống này được đưa vào sản xuất.
Theo MDA, THAAD sử dụng công nghệ “va chạm - tiêu diệt” (hit to kill), sử dụng động năng để tiêu diệt bất cứ tên lửa nào trong chuyến bay và đảm bảo hiệu quả của các vũ khí hủy diệt hàng loạt không bao giờ chạm đất.
Mỹ và Hàn Quốc cho biết hệ thống THAAD được triển khai chỉ nhằm bảo vệ chống lại sự khiêu khích tiềm ẩn từ Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thẳng thắn phản đối kế hoạch này, và đặc biệt quan ngại đến hệ thống radar mạnh của THAAD.
Quyết tâm triển khai THAAD được cho là sẽ khiến tình hình Bán đảo Triều Tiên càng trở nên căng thẳng, nhất là trong bối cảnh có tin Mỹ điều động ba tàu sân bay USS Carl Vinson, USS Ronald Reagan và USS Nimitz tới khu vực này.(Baotintuc)