Trung Quốc phản đối "siêu" khu trục hạm Mỹ tới châu Á. Putin ra lệnh Không lực Nga chuẩn bị cho thời chiến. Mỹ-Hàn tập trận lớn vào tháng tới.
Vì sao Nhật đưa tàu chiến đến Campuchia?
- Cập nhật : 09/02/2017
Tờ Phnom Penh Post ngày 6-2 dẫn thông cáo báo chí từ Đại sứ quán Nhật tại Campuchia cho biết ba tàu chiến của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) sẽ cập cảng Sihanoukville, phía tây nam tỉnh Preah Sihanouk từ ngày 13 đến 16-2. Ba tàu trên gồm Makinami, Asayuki và Shimayuki do ông Masahiko Kawukubo, Tư lệnh Sư đoàn hộ tống số ba, dẫn đầu.
Cạnh tranh với Trung Quốc
Ông Masahiko dự kiến thăm căn cứ hải quân Ream và gặp gỡ những người đồng cấp trong quân đội Campuchia. Ngoài ra, ông Masahiko cũng lên kế hoạch tới thăm Phnom Penh theo lời mời của người đứng đầu hải quân Campuchia, Đô đốc Tea Vinh, vào ngày 14-2.
Hiện chi tiết cụ thể về chương trình nghị sự của chuyến đi này chưa được công bố. Tờ Phnom Penh Post dẫn lời phát ngôn viên quốc phòng Campuchia, ông Chhum Socheat, cho biết chuyến thăm của ba tàu chiến Nhật Bản là nằm trong khuôn khổ hợp tác song phương mà Campuchia đã thiết lập với nhiều quốc gia trong thời gian qua.
cây bút Prashanth Parameswaran của trang The Diplomat bình luận việc Campuchia đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Nhật Bản cho thấy Phnom Penh đang muốn điều chỉnh cán cân quan hệ với các cường quốc. Điều này đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh Campuchia được nhìn nhận đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Cuộc tập trận chung hải quân giữa Trung Quốc và Campuchia vào năm 2016 được xem là nguyên nhân khiến Nhật Bản nhanh chóng đồng thuận đưa ba tàu chiến tới thăm Campuchia vào năm nay.
Vì sao Nhật đưa tàu chiến đến Campuchia? - ảnh 1Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tháng 7-2016 ở Mông Cổ. Ảnh: MOFA
Vì sao Nhật đưa tàu chiến đến Campuchia? - ảnh 2Tàu chiến Asayuki của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF). Ảnh: TÂN HOA XÃ
Tăng cường vị thế với ASEAN
Quan hệ quốc phòng Nhật Bản - Campuchia ngày càng phát triển sau khi hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác và trao đổi quốc phòng năm 2013. Đây là một phần trong nỗ lực đẩy quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường hoạt động trao đổi quốc phòng bao gồm việc các tàu chiến Nhật Bản ghé thăm Campuchia.
Việc mở rộng quan hệ quốc phòng có ý nghĩa quan trọng đối với cả Nhật Bản và Campuchia. Tăng cường hợp tác với các đối tác lớn như Nhật Bản sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quân đội Campuchia. Thúc đẩy quan hệ với Tokyo cũng cho thấy Phnom Penh đang nỗ lực cân bằng cán cân quan hệ với các cường quốc khu vực.
Tương tự, theo bình luận của The Diplomat, Nhật Bản điều tàu chiến cập cảng Sihanoukville không chỉ giúp cải thiện quan hệ song phương, mà còn thể hiện mong muốn nâng cao vai trò an ninh của Tokyo tại Đông Nam Á. Sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tái đắc cử vào tháng 12-2012, Tokyo đã đầu tư nhiều hơn vào phương diện quan hệ hợp tác quốc phòng với Đông Nam Á.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 10-2. Đây là lần gặp thứ hai giữa hai người. Trước đó, Thủ tướng Nhật từng đến New York để gặp ông Trump, khi ấy vẫn còn là tổng thống đắc cử.
Ông Trump cho biết sẽ cùng Thủ tướng Nhật chơi golf tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, thị trấn Palm Beach. Trong cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo, những chủ đề chính được kỳ vọng bàn thảo bao gồm an ninh, thương mại và chính sách tiền tệ. Ông Abe cũng dự kiến đề xuất một gói tạo việc làm ở Mỹ thông qua nhiều dự án đầu tư. Ông Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump sau khi ông Trump thắng cử tổng thống hồi tháng 11-2016.
“Chuyến công du sẽ chứng tỏ cho thế giới không gì có thể làm suy suyển quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật” trong các thách thức an ninh, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết.
NGỌC NHƯ
Theo PLO.VN