RIA dẫn nguồn tin từ Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport cho hay, Nga đang hy vọng sẽ giành được gói thầu cung cấp lô 15 trực thăng vận tải hạng nặng cho Không quân Ấn Độ.
Ấn Độ: Ngân sách quốc phòng tăng, phân bổ gây tranh cãi
- Cập nhật : 12/10/2016
Trong bối cảnh an ninh khu vực biến động phức tạp, Ấn Độ quyết định tăng ngân sách quốc phòng 17% cho năm tài khóa 2012-2013.
Tờ Economic Times những tháng gần đây cho biết việc tăng ngân sách này là nhằm tăng cường sức mạnh quân sự, mua sắm và phát triển các loại vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự để sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa an ninh. Tuy nhiên, việc phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách này đang gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là về tính hiệu quả của nó.
Chiếc bánh ngân sách
Theo báo cáo dự thảo, ngân sách quốc phòng năm tài chính 2012-2013 của Ấn Độ là 1.934,07 tỷ Rupee (39,6 tỷ USD), tăng 17% so với năm tài chính 2011-2012, trong đó 795,78 tỷ Rupee (16,9 tỷ USD) sẽ được sử dụng để mua các hệ thống vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật quân sự hiện đại.
Trong 5 đến 10 năm tới, Ấn Độ dự kiến sử dụng trên 100 tỷ USD để mua sắm quốc phòng. Phân bổ ngân sách quốc phòng cụ thể cho các lực lượng, cơ quan chủ chốt bao gồm Lục quân 50%, Không quân 25%, Hải quân 19%, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng, các nhà máy sản xuất trang thiết bị quân sự và các cơ quan khác 6%.
Xe tăng quân đội Ấn Độ (ảnh: asia-defence) |
Trong báo cáo ngân sách trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ P. Mukherjee cho biết phân bổ ngân sách dựa vào nhu cầu hiện tại và Chính phủ sẽ đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết cho an ninh quốc gia.
Hiện nay, Ấn Độ đang cần khoản ngân sách quốc phòng lớn để tăng cường sức mạnh cho Quân đội. Theo kế hoạch, Quân đội Ấn Độ đang nâng cấp 51 máy bay chiến đấu phản lực Mirage 2000, đàm phán thỏa thuận với Pháp để mua 125 máy bay chiến đấu đa năng Rafale trị giá 20 tỷ USD, đàm phán với Mỹ để mua 145 khẩu pháo hạng nhẹ (ULH) và 197 trực thăng chuyên dụng hạng nhẹ, đàm phán với Thụy Sỹ để mua 75 máy bay huấn luyện cơ bản Pilatus PC-7 trị giá 600 triệu USD và có kế hoạch mua thêm 49 tàu chiến mới cho Hải quân.
Theo các nhà phân tích chính trị và quân sự Ấn Độ, việc tăng chi phí quốc phòng của Ấn Độ trong năm tài chính 2012-2013 là nhằm đối phó với ưu thế sức mạnh quân sự ngày càng tăng của một số cường quốc ở châu Á. Ngân sách quân sự của một số nước lớn hiện đã gần đuổi kịp Mỹ và tăng đều đặn hàng năm trong hai thập kỷ qua.
Tuy Ấn Độ tăng ngân sách quốc phòng, nhưng vẫn còn tồn tại những vấn đề đáng lo ngại. Thứ nhất, chi phí quốc phòng theo dự thảo ngân sách của Ấn Độ chỉ mới chiếm 1,9% GDP được dự kiến trong năm tài chính 2012-2013, thấp hơn nhiều so với yêu cầu của Quân đội (Quân đội yêu cầu ngân sách quốc phòng chiếm 3% GDP) để ngăn chặn có hiệu quả đối với các nguy cơ mất an ninh tiềm tàng. Thứ hai, mất cân đối trong cơ cấu chi tiêu – chi cho sinh hoạt phí và lương chiếm 1.138,29 tỷ Rupee (22,8 tỷ USD) vượt quá nhiều so với khoản kinh phí 795,78 tỷ Rupee (16,8 tỷ USD) dành cho mua sắm và phát triển các loại vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự mới.
Tầm nhìn cần chiến lược hơn?
Chuyên gia C.U. Bhaskar, nguyên Đề đốc Hải quân Ấn Độ phân tích, chi phí ngân sách quốc phòng của Ấn Độ cho năm tài chính 2012-2013 tăng khá cao, lên tới 39,6 tỷ USD nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với ngân sách quốc phòng 106,4 tỷ USD của các nước khác. Nhìn chung, chi phí quốc phòng của Ấn Độ được chia thành hai phần là chi phí cho sinh hoạt (sinh hoạt phí và lương) và chi phí cho trang bị. Theo đó, việc chia theo tỷ lệ 50/50 là hợp lý nhất, nhưng do bộ máy quân sự cồng kềnh, nguồn nhân lực tăng lên, nên phần chi phí cho sinh hoạt cũng tăng cao.
Năm tài chính 2011-2012, chi phí cho trang bị dự kiến 691,99 tỷ Rupee, nhưng chi phí thực tế chỉ có 661,43 tỷ Rupee. Như vậy, Bộ Quốc phòng đã không sử dụng 30,56 tỷ Rupee của ngân sách dành cho phát triển và mua sắm trang thiết bị quân sự. Điều này sẽ làm cho Quân đội Ấn Độ khó có thể đạt được kế hoạch hiện đại hóa vũ khí trang bị theo định hướng đã đề ra.
Sự thiếu tầm nhìn chiến lược được thể hiện rõ ở phân bổ chi phí cho sinh hoạt lên tới gần 60%, trong khi đó chi phí cho mua sắm và phát triển trang thiết bị quân sự chỉ hơn 40%. Nhiều khoản tiền dành cho trang thiết bị phải trả lại do không dùng hết, trong khi Quân đội Ấn Độ rất cần hiện đại hóa các loại vũ khí và trang thiết bị quan trọng.
Một ví dụ điển hình là Lục quân Ấn Độ đang cố gắng thay thế pháo Bofor cũ, trụ cột chính của pháo binh trong một thập kỷ qua, nhưng không có kết quả. Trên thực tế, chi phí và phân bổ ngân sách quốc phòng phải tuân thủ những quy định kiểm toán chặt chẽ, do vậy các quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng tỏ ra hết sức thận trọng trong việc chi cho mua sắm vũ khí, trang bị quân sự. Tình trạng này làm ảnh hưởng lớn đến phát triển sức mạnh quân sự quốc gia.
Phân bổ ngân sách quốc phòng của Ấn Độ cần được xem xét trong bối cảnh khu vực. Rõ ràng, cả các nước trong khu vực và Ấn Độ đều tăng ngân sách quốc phòng. Trong khi Ấn Độ tuyên bố không tìm cách cân bằng sức mạnh quân sự với nước khác, thì bức tranh phân bổ ngân sách quốc phòng giữa Ấn Độ và các nước trong khu vực luôn có khoảng cách lớn.
Việc sử dụng ngân sách quốc phòng giữa Ấn Độ và các nước cũng có sự khác biệt nhau. Có nước tập trung nâng cao năng lực thiết kế và chế tạo khí tài và sử dụng cơ sở quốc phòng trong nước để hiện đại hóa quân đội. Trong khi đó, Ấn Độ lại trở thành nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới trong thập kỷ qua.
Như vậy, trong bối cảnh an ninh khu vực đang tiềm tàng những bất ổn, Ấn Độ cũng đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng 17% cho năm tài khóa 2012-2013. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến khác nhau trong phân bổ ngân sách này dành cho sinh hoạt phí, lương và cho mua sắm vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại cho quân đội. Vì thế, hiệu quả của việc phân bổ ngân sách quốc phòng vẫn là bài toán mà các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách quốc phòng- quân sự Ấn Độ đang phải quan tâm./.