“Trung Quốc xây dựng sân bay ở giáp biên giới Trung-Ấn, đồng thời sử dụng căn cứ hải quân ở Myanamar để theo dõi Ấn Độ…”.
Australia-Ấn Độ đàm phán về vấn đề nguyên tử
- Cập nhật : 12/10/2016
Hôm nay (17/10), Thủ tướng Australia, Julia Gillard có cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ ông Manmohan Singh để đàm phán về việc mua bán urani nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của Ấn Độ trong chương trình năng lượng nguyên tử.
Thủ tướng Australia Gillard được Ấn Độ tiếp đón theo nghi thức truyền thống khi bước xuống máy bay ngày 17/10
Trước đây, Australia từng cấm xuất khẩu quặng vì Ấn Độ không kí vào Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân, nhưng Thủ tướng Gillard đã thay đổi chính sách vào năm ngoái trong nỗ lực tăng cường quan hệ với một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Á này.
“Chúng tôi đã thay đổi chính sách vì thế không có gì ràng buộc chúng tôi trong việc bán urani cho Ấn Độ nữa. Vấn đề tiếp theo là thỏa thuận về một hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự toàn diện”- bà Gillard tuyên bố vào hôm thứ qua trong chuyến công du 3 ngày tại Ấn Độ.
Thủ tướng Gillard nhấn mạnh thêm, một hiệp ước đi đến quyết định cuối cùng thường phải mất từ một đến hai năm, chứ không phải chỉ vài tháng.
Bà Gillard trước đó tuyên bố rằng hiệp định sẽ đảm bảo rằng urani chỉ được sử dụng vì mục đích hòa bình và trong điều kiện an toàn, và thỏa thuận này được giám sát bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Quyết định bán urani của Australia nhằm mục đích thắt chặt quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước. Quan hệ này từng căng thẳng bởi những cuộc tấn công vào sinh viên Ấn Độ tại Australia năm 2010.
New Delhi đang tiến hành ưu tiên thắt chặt quan hệ với các nước có trữ lượng urani, một nguồn quặng giá trị cần thiết để thúc đẩy nhanh hơn nữa chương trình năng lượng nguyên tử của nước này.
Ấn Độ là quốc gia phụ thuộc nhiều vào than đá và hiện nay dưới 3% nguồn năng lượng của nước này từ các nhà máy hạt nhân. Vì thế, chính phủ hy vọng con số này sẽ tăng lên 25% vào năm 2050.
Mặc dù Australia không sử dụng nguyên tử hạt nhân, nhưng là quốc gia cung cấp nguồn urani lớn thứ ba thế giới sau Kazakhstan và Canada và chiếm khoảng 23% trữ lượng urani của thế giới.
Australia hiện đang bán nhiên liệu nguyên tử cho Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ.
New Delhi, với sự hỗ trợ của Mỹ, đã giàn xếp được sự miễn giảm đặc biệt từ Nhóm Các Nước Cung cấp Hạt nhân (NSG), tổ chức quản lý thương mại nguyên tử toàn cầu, đã cho phép Ấn Độ mua các lò phản ứng và nhiên liệu từ nước ngoài.
Ấn Độ đã bị cấm vận bởi NSG từ năm 1974 khi lần đầu tiên tiến hành thử vũ khí hạt nhân.
Các nước thông thường được yêu cầu kí Hiệp ước Cấm Phổ biến Vũ khí Hạt nhân và cho thanh tra quốc tế xem xét lò phản ứng hạt nhân của mình trước khi họ có thể mua công nghệ hạt nhân và urani.
Thủ tướng Gillard, trong suốt chuyến công du của mình đã hướng đến việc thắt chặt thương mại giữa hai nước và tiến hành một chương trình văn hóa 4 tháng với tên gọi “Lễ hội Australia” (Oz Fest), đồng thời cũng dùng môn cricket để thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước Australia-Ấn Độ.
Nh.Thạch (Theo AP, Petrotimes)