Mỗi tàu sân bay Mỹ sẽ phải mang theo ít nhất 6 chiến đấu cơ không người lái (UCAV) có khả năng đảm nhiệm hiệu quả vai trò của loại máy bay cường kích A-6 đã nghỉ hưu. Không đoàn trên tàu sân bay mới cần có 2 loại phương tiện không người lái: UCAV và máy bay tiện ích/tiếp nhiên liệu trên không.
Kilo Việt Nam mang “sát thủ” Kalibr là mối đe dọa lớn nhất với đối thủ trên Biển Đông
- Cập nhật : 01/01/2018
Tên lửa chống hạm 3M-54E (phiên bản tên lửa Kalibr của Nga) có phương thức bay độc đáo, rất khó đánh chặn, tiên tiến hơn tên lửa chống hạm của Trung Quốc. So với các vũ khí khác của quân đội Việt Nam, tên lửa này trang bị cho tàu ngầm lớp Kilo là mối đe dọa lớn nhất với đối thủ ở Biển Đông.
Theo trang tin Sina Trung Quốc ngày 25/12, vào khoảng tháng 6/2017, hải quân Việt Nam đã tổ chức một cuộc diễn tập liên hợp nhiều binh chủng với quy mô không nhỏ ở Biển Đông.
Tham gia diễn tập có cả lực lượng phòng thủ bờ biển, lực lượng tàu chiến mặt nước và lực lượng tàu ngầm, trong đó điều gây chú ý nhất chính là tàu ngầm lớp Kilo mới mua của hải quân Việt Nam đã lần đầu tiên tiến hành bắn đạn thật - đó là bắn tên lửa chống hạm.
Vừa qua, đài truyền hình Việt Nam đã lần đầu tiên công bố hình ảnh "bắn bia", tên lửa chống hạm được sử dụng lần này chính là tên lửa chống hạm kết hợp cận - siêu âm 3M-54E, nguyên bản tham khảo của tên lửa chống hạm YJ-18 Trung Quốc.
Tên lửa chống hạm 3M-54E là một loại tên lửa chống hạm áp dụng phương thức bay rất độc đáo, do Cục thiết kế Novator Nga thiết kế. Nó chủ yếu phân làm 3 phần: bộ phận nâng khi cất cánh, bộ phận giúp tên lửa tuần tra cận âm và đầu đạn đột phá phòng không siêu âm.
Bộ phận thứ nhất sẽ đưa thân đạn chính lên độ cao khoảng 100 m, sau đó sẽ tách khỏi thân đạn. Sau khi tách khỏi bộ phận nâng, động cơ phản lực 37-01E sẽ được điểm hỏa và phóng ra một đôi cánh nhỏ, ngắn, lúc này tên lửa sẽ lao đến độ cao cách mặt biển 10 - 15 m. Tiếp theo, tên lửa chuyển vào giai đoạn hành trình cận âm, được dẫn đường bằng hệ thống dẫn đường quán tính, tên lửa bay hướng đến mục tiêu với tốc độ 0,6 - 0,8 Mach.
Khi tiếp cận cách mục tiêu khoảng 40 km, tên lửa sẽ tiếp tục leo lên độ cao khoảng 50 m, đồng thời radar chủ động ARGS-54E mở ra để tìm kiếm mục tiêu. Sau khi khóa mục tiêu, tên lửa sẽ bổ nhào. Khi áp sát mục tiêu khoảng 20 km, đầu đạn và động cơ chính tách ra, đồng thời động cơ thể rắn của đầu đạn được điểm hỏa tăng tốc, sau đó nó sẽ duy trì bay ở độ cao khoảng 5 m, lao vào mục tiêu với tốc độ 2,9 Mach.
Tầm bắn lớn nhất của tên lửa chống hạm này là 220 km, sử dụng đầu đạn bán xuyên giáp 200 kg, vì vậy uy lực lớn hơn tên lửa chống hạm YJ-83 thường dùng của quân đội Trung Quốc.
Nhìn vào đặc điểm bay của tên lửa 3M-54E sẽ thấy tên lửa này vừa có ưu điểm bay ở độ cao thấp, tầm bắn xa khi bay cận âm, vừa có ưu điểm khả năng đột phá phòng không mạnh, không dễ bị đánh chặn khi bay siêu âm. Nó thực sự là một loại tên lửa chống hạm lý tưởng.
So với các vũ khí khác của quân đội Việt Nam, tên lửa này trang bị cho tàu ngầm lớp Kilo là mối đe dọa lớn nhất với đối thủ ở Biển Đông. Nhưng báo Trung Quốc bàn tán rằng hải quân Việt Nam muốn phát huy hết được tính năng của tên lửa 3M-54E là không hề dễ dàng.
Sina cho rằng việc tàu ngầm tiến hành định vị mục tiêu ngoài tầm nhìn trên 100 km ở dưới mặt biển là tương đối khó khăn. Nó cần được máy bay trực thăng trên tàu hoặc radar ngoài tầm nhìn của tàu chiến mặt nước tiến hành định vị mục tiêu, sau đó dẫn đường cho tàu ngầm tấn công.
Theo báo Trung Quốc chủ quan nhận định, hiện nay hệ thống này của hải quân Việt Nam còn chưa hoàn thiện, lực lượng trinh sát trên không còn rất hạn chế, khả năng sống sót của tàu chiến mặt nước cũng thấp, trong khi đó việc tự đột kích của tàu ngầm lại quá nguy hiểm.
Sau khi nói đến các điểm mạnh, yếu của tên lửa 3M-54E và tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam, Sina đã chuyển sang liên hệ, cho rằng đối với quân đội Trung Quốc, cần xây dựng, kiện toàn hệ thống tác chiến, tăng cường khả năng trinh sát trên không, cảnh báo sớm và săn ngầm, làm cho tàu ngầm đối phương không thể áp sát biên đội tàu chiến Trung Quốc, nỗ lực tiến hành cảnh báo sớm được các động thái đột kích của đối phương và tên lửa bay đến.
Mặc dù tên lửa 3M-54E giai đoạn đầu bay ở độ cao thấp, nhưng chỉ cần biên đội tàu chiến Trung Quốc được máy bay cảnh báo sớm hỗ trợ, xác suất cảnh báo và phát hiện sớm còn rất lớn.
Sina tự trấn an rằng chỉ cần cảnh báo sớm có hiệu quả thì mạng lưới đánh chặn nhiều tầng gồm tên lửa HQ-9, HQ-16, HQ-10 và pháo phòng không tầm gần của biên đội tàu chiến Trung Quốc sẽ có thể đánh chặn được.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn